Cú hích - Cuốn sách của tác giả đoạt giải Nobel Kinh tế 2017

10/10/2018 17:31
Cú hích - Cuốn sách của tác giả đoạt giải Nobel Kinh tế 2017

Mỗi ngày, chúng ta thực hiện đủ loại quyết định, nhưng đáng tiếc là chúng ta thường có những lựa chọn tồi tệ. Con người dễ bị tác động bởi nhiều định kiến khác nhau, mà lắm lúc chúng khiến ta trở nên thật ngớ ngẩn.

Hai tác giả Richard H. Thaler, được xem là cha đẻ của kinh tế học hành vi, và Cass R. Sunstein, giáo sư hàng đầu về luật học tại trường Luật thuộc Đại học Chicago, Mỹ, sẽ mời chúng ta bước vào thế giới của những lựa chọn. Các tác giả cho thấy bằng cách tìm hiểu lối suy nghĩ của người khác, chúng ta có thể thiết kế các môi trường lựa chọn giúp họ dễ dàng tìm được những gì tốt nhất cho mình.

Dựa trên quy tắc phổ quát là “mọi thứ đều có nguyên do hay duyên cớ của nó” và những chi tiết dường như không đáng kể lại có tác động lớn đến sự lựa chọn của con người, công việc của các “nhà kiến trúc lựa chọn” là thiết lập phạm vi hay hành lang để người khác ra quyết định phù hợp nhất. Những “cú hích” như thế luôn tồn tại khắp mọi nơi, mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy chúng. Sử dụng nhiều ví dụ sống động từ những mặt quan trọng nhất trong đời sống, Thaler và Sunstein cho chúng ta thấy làm thế nào một “kiến trúc lựa chọn” tinh tường có thể hích con người theo những hướng có lợi mà không hạn chế quyền tự do lựa chọn của chúng ta.

Cú hích được xem là một trong những cuốn sách hấp dẫn và kích thích tư duy nhất trong những năm gần đây. Daniel Kahneman, nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2002, đã nhận xét: “Bên trong quyển sách này là viên ngọc sáng nhất của kinh tế học hành vi. Đây là cuốn-sách-phải-đọc đối với những ai muốn nhìn thấy trí tuệ con người và xã hội của chúng ta vận hành hiệu quả hơn. Chắc chắn nó sẽ nâng tầm các quyết định của bạn và làm cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn”.

CÚ HÍCH VÀ SỰ KHÁC BIỆT

Bạn có biết rằng mỗi người, dù chỉ là một cá thể nhỏ bé nhưng lại nắm giữ trong tay một quyền lực rất lớn, khiến tác động tới tất cả mọi thứ hiện diện trong cuộc sống xung quanh? Giống như “Cái đập cánh của con bướm có thể gây ra cơn địa chấn ở cách xa nó hàng vạn dặm” (Hiệu ứng cánh bướm) – bạn có sức mạnh vô song, kết nối với cả thế giới và sẽ thành công trong mọi dự định, vượt qua mọi thử thách.

Hai vấn đề lớn được trình bày trong cuốn sách này sẽ giúp bạn nhận diện “Cú Hích” và tạo ra sự khác biệt lớn lao trong cuộc sống. Bạn cần một chút lý luận để có thể nắm được Quy tắc Ngón tay cái, Kế toán tâm lý hay các biện pháp tự chủ để chống lại cám dỗ… Tìm hiểu kỹ về nguyên nhân và cách thức các tác động xã hội ảnh hưởng đến con người, bạn sẽ thấy: hầu hết mọi người đều học từ người khác và điều đó thường là tốt. Tuy nhiên, những khái niệm sai lầm nhất cũng xuất phát từ kiểu học hỏi này. Khi xã hội tác động lên con người, làm con người có những niềm tin sai lệch hay định kiến, chính những Cú Hích sẽ phát huy tác dụng.

Một trong những cách hiệu quả nhất để tạo ra những Cú hích là thông qua tác động xã hội. Tác động xã hội mạnh mẽ nhất có thể tạo nên cả một vụ tự tử tập thể, hoặc ngược lại, trở thành những phép màu không thể tiên đoán làm bừng sáng cả một cộng đồng, được thể hiện cụ thể bằng những thành công ngoài sức tưởng tượng của con người.

Chỉ những Cú Hích mới tạo ra sự khác biệt, loại bỏ thói quen làm theo người khác và diệt trừ tâm lý bầy đàn. Bởi vì, bản chất của sinh – tồn luôn luôn và mãi mãi là sự sáng tạo không ngừng. Trong sự vận chuyển tinh tế đó của thiên nhiên – vũ trụ, ngay cả cái chết cũng chỉ là một trong những “Cú Hích” - nguyên nhân và yếu tố kích thích cho những sáng tạo mới mẻ mà thôi.

KHI NÀO CẦN MỘT CÚ HÍCH?

Chúng ta từng thấy con người tạo nên những kỳ tích đáng kinh ngạc nhưng cũng phạm phải những sai lầm hết sức ngớ ngẩn. Vậy phản ứng như thế nào là thích hợp? Kiến trúc lựa chọn và tác động của nó là câu trả lời hiển nhiên, và có thể gọi đó là Quy tắc vàng của tinh thần gia trưởng mang tính tự do: Đưa ra những Cú Hích gần như chỉ có lợi, hay ít gây hại nhất. Nói cách khác, người ta cần những Cú Hích trước những quyết định khó khăn và hiếm khi xảy ra mà hiện thời họ không có đủ thông tin, và khi gặp rắc rối trong việc chuyển biến tình huống thực tế thành những thuật ngữ mà họ có thể hiểu.

Loại trừ được những lựa chọn nguy hiểm, hiểu rõ mình cần gì và hướng tới cái gì, quan tâm đầy đủ tới: lợi ích, tương hợp, mặc định, thông tin phản hồi, lỗi kỳ vọng và thiết kế các lựa chọn phức tạp, chắc chắn các nhà kiến trúc sẽ cải thiện đáng kể kết quả lựa chọn cho những đối tượng Con người của họ. Tính phức tạp tuyệt đối của cuộc sống hiện đại và sự lớn mạnh đáng kinh ngạc của những thay đổi công nghệ đã làm xói mòn những lý lẽ bảo vệ các quy định bắt buộc hay các học thuyết giáo điều. Mọi kế hoạch phát triển xã hội hiện hành phải được xây dựng dựa trên những nguyên tắc tự do lựa chọn, bắt đầu từ những Cú Hích nhẹ nhàng được trình bày trong cuốn sách này.

Richard H. Thaler, kinh tế gia đến từ ĐH Chicago (Mỹ), có thể là cái tên không xa lạ nếu biết rằng vào tháng 10-2011, Nhà xuất bản Trẻ ở Việt Nam từng phát hành quyển "Cú hích - Nudge", trình bày chính các vấn đề đã mang đến cho ông giải thưởng danh giá trong Kinh tế học. Các nghiên cứu của nhà kinh tế học Thaler đã chỉ ra rằng các thói quen thiếu kiềm chế bản thân, sợ mất mát những gì đã có sẽ dẫn đến các quyết định không mang lại lợi ích trong dài hạn.

Thông cáo của giải thưởng Nobel đã nhắc đến các nghiên cứu về "kế toán tinh thần" của ông Thaler, ý chỉ những người có thói quen chia số tiền mình có thành các tài khoản tưởng tượng trong đầu và tập trung vào việc hạn chế tác động của mỗi quyết định đơn lẻ, thay vì tính đến tác động chung lên toàn bộ số tiền đó. Những người có thói quen "kế toán tinh thần" thường dựa vào nhiều yếu tố tham khảo khác nhau để đánh giá việc mình chi tiền có hợp lý hay không. Chẳng hạn khi mua một món đồ, ta sẽ so nó với giá rẻ nhất có thể tìm được trên Internet để xem cái giá mình đã trả là đúng hay sai lầm.

Báo Guardian cho biết ông Thaler đã đưa ra hàng loạt ví dụ cho thấy việc so sánh, tham khảo này có thể dẫn đến "các quyết định kỳ quặc nếu đánh giá chúng theo quan điểm kinh tế truyền thống". Chẳng hạn một khách hàng chuẩn bị mua đồng hồ giá 1 triệu ở cửa hàng A bỗng nhận ra rằng cửa hàng B bán rẻ hơn 100.000 đồng, liền chạy sang bên đó để mua rẻ hơn. Điều này sẽ không xảy ra nếu chiếc đồng hồ giá 10 triệu, dù rằng trong cả hai trường hợp mức tiết kiệm được đều là 100.000 đồng. Chuyên gia kinh tế Thaler lý giải điểm tham khảo của khách hàng này là tỉ lệ phần trăm của mức tiền tiết kiệm được, thay vì con số tuyệt đối.

Ông Thaler cũng tạo ra công cụ gọi là "trò chơi độc tài" để kiểm tra quan niệm về "công bằng" của các cá nhân. Một người tham gia đóng vai "nhà độc tài" sẽ được trao một số tiền và được quyền quyết định chia cho người thứ hai bao nhiêu tùy ý. Người thứ hai không được có ý kiến gì về phần được chia của mình. Số tiền "nhà độc tài" sẽ phản ánh quan điểm của anh ta về "công bằng" (chia đều, không chia hay hào phóng cho hết?).

Cũng bàn về quan niệm về công bằng, trong một bài báo khoa học công bố năm 1986, ông Thaler và hai đồng sự đưa ra ví dụ kinh điển. 107 người tham gia được đọc tình huống sau: một cửa hàng bán dụng cụ trước giờ vẫn bán xẻng xúc tuyết với giá 15 USD. Sáng hôm sau, bỗng dưng có bão tuyết và cửa hàng tăng giá lên 20 USD. Khi được yêu cầu đánh giá hành động tăng giá của cửa hàng, 82% người tham gia cho rằng làm vậy là "không công bằng" hoặc "rất không công bằng".

Thông cáo của giải Nobel dù không nhắc đến ví dụ trên, nhưng cho rằng các nghiên cứu của ông Thaler chứng minh "quan điểm về công bằng của người tiêu dùng có thể khiến các cửa hàng không thể tăng giá khi nhu cầu tăng, nhưng có thể làm thế nếu chi phí sản xuất tăng".

Xét về tính thiếu kiềm chế bản thân, ông Thaler chỉ ra người ta có xu hướng để các cám dỗ trước mắt làm ảnh hưởng đến số tiền vốn dành cho các kế hoạch dài hơi hơn (tiền dưỡng già, để phòng khi khó khăn hay để chăm sóc sức khỏe). Điểm hạn chế này cũng giống như ta thường hào hứng lên kế hoạch mỗi dịp đầu năm nhưng chẳng bao giờ thực hiện được.

Các nghiên cứu của ông Thaler nổi tiếng đến mức ông cũng được "mời vào showbiz". Theo Hãng tin AFP, năm 2015 nhà kinh tế học hành vi đã được mời đóng vai khách mời trong bộ phim "The Big Short" (có ngôi sao Christian Bale, Steve Carell và Ryan Gosling) nói về các bong bóng bất động sản và thị trường tín dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.


Gửi bình luận
(0) Bình luận