Vụ việc sau đó đã được Hãng nọ giải thích. Tôi và bạn đọc có thể chấp nhận cho dù vẫn có thể còn có ai đó vẫn có những suy nghĩ khác, chưa thật thoải mái. Tuy nhiên, theo tôi, giả sử như thời gian chờ khách nối chuyến bị chậm nhưng nằm trong quy định vẫn được phép thì không nói làm gì. Nhưng nếu chỉ vì quan hệ, vì nể nang này khác thì rất nên cẩn trọng và hạn chế. Mạng xã hội hôm nay, nhất cử nhất động như thế nào đều khó tránh được những lời đàm tiếu, rất dễ mang tiếng cho chính các hãng bay nói chung và bản thân nhân vật đó cũng không hay gì.
Chuyện rằng, trong chuyến bay VN279 hành trình Hà Nội - TP.HCM đã hạ cánh chậm 32 phút so với lịch bay ngày 28.5.2019 do máy bay này phải bay vòng chờ hạ cánh vì thời tiết mưa tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất trước đó gây tắc nghẽn trên không.
Sau khi tiếp nhận hành khách, chuyến bay VN31 cất cánh lúc 23 giờ 3 phút và đã hạ cánh tại Frankfurt lúc 7 giờ 2 phút ngày 29.5.2019 (giờ địa phương). So với lịch hạ cánh lúc 6 giờ 50 phút, chuyến bay vẫn nằm trong giới hạn đúng giờ theo thông lệ quốc tế.
Theo Vietnam Airline cho hay, trong các trường hợp hành khách nối chuyến bị ảnh hưởng do chuyến bay trước đó đến chậm, hãng sẽ căn cứ theo thực tế chủ động điều chỉnh thời gian chuyến bay nối chuyến để hỗ trợ hành khách thực hiện hành trình tiếp theo.
Đây cũng là thông lệ đang được các hãng hàng không trên thế giới áp dụng, đặc biệt đối với hành khách nối chuyến đi tiếp trên các chuyến bay quốc tế đường dài.
Với hành khách bình thường, tôi nghĩ lâu nay các hãng họ cũng vận dụng như vậy mà đâu có ai để tâm. Song, nếu là chờ khách VIP nào đó thì lại hay bị suy diễn này nọ.
Tuy nhiên, nếu nói rằng tuyệt nhiên không bao giờ các hãng hàng không có chuyện gọi là “khách VIP", cần quan tâm giải quyết kiểu chuyến bay vì ai đó mà phải chờ thêm thì có lẽ không chắc lắm. Đây là điều không dễ cho nhà vận chuyển vì có thể những những lý do bất khả kháng.
Một ưu tiên cho ai đó dạng như chờ khách VIP đến làm thủ tục chậm chuyến, một vụ cho phép xe con ra đón ai đó không đúng tiêu chuẩn dưới chân cầu thang máy bay để biết bao khách VIP đích thực khác phải chờ xuống sau... đều có thể bị tung lên mạng là điều khó tránh trong thời buổi này. Khi mà mỗi một chiếc điện thoại hôm nay của người dân đều có thể là phương tiện ghi lại hình ảnh do các nhà báo tự do thu thập.
Thật sự, điều này đâu dễ bí mật cho được như xưa nữa ở thời đại công nghệ thông tin này. Vì thế, trừ khi chuyến bay buộc phải chờ các vị khách được coi là các yếu nhân nhưng đi cùng chuyến bay thương mại (do không dùng chuyên cơ như một vài chục năm trước) thì tôi nghĩ chúng ta cũng có thể thông cảm, chấp nhận ở một chừng mực, trong một thời gian nhất định nào đó. Ngoài đối tượng đó ra, theo tôi thì những vị quan chức khác cũng không nên lạm dụng.
Có một câu chuyện đã xa xưa, tôi muốn kể lại khi trên mạng họ bình luận chuyện trên. Thế nhưng do chuyện xưa tôi đọc cũng đã lâu cho nên buộc phải đi đòi lại cuốn sách có ghi chép chuyện cũ đó để viết cho chuẩn nên có phần chậm trễ. Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ không bao giờ là muộn. Mong rằng qua câu chuyện này, mọi người chúng ta, nhất là các “VIP” thời nay cũng nên đọc để tự ngẫm suy thêm nếu không muốn sau này người đời ghi vào sách sử.
Đó là câu chuyện ông Nguyễn Thế Truyền tạt tai quan Tổng đốc tỉnh Thái Bình, ông Vi Văn Định vào năm 1933 chỉ do tính hống hách, quan cách vô lí khi ông qua phà, bắt phu phà, dù đã ra quá giữa sông vẫn buộc phải quay lại đón quan.
Đầu thế kỷ 20, ở Việt Nam ta có "nhóm Ngũ Long" (5 con rồng) nổi tếng bởi họ đều căm ghét chế độ thực dân Pháp xâm lược. Họ có chí khí đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc. Đó là các bậc chí sĩ yêu nước như ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc / Hồ Chí Minh sau này).
Do trong số này, Nguyễn Thế Truyền (1898-1969) được coi là “dân Tây học nhất” do từng có 3 lần sang pháp du học theo học bổng của Chính phủ bảo hộ Pháp cấp cho người học hỏi, được một quan công sứ Pháp bảo lãnh. Ông Truyền quê ở làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định trong một gia đình có ông nội là Nguyễn Duy Hàn, quan Tuần phủ tỉnh Thái Bình. Ông theo học khá nhiều ngành tại Trường đại học Toulouse và sau đó là ĐH Sorbonne Paris như ở các Ban Khoa học (ngành Hoá học, Vật lý và Thiên văn học), Ban Triết học (cử nhân Văn khoa, cử nhân Triết học) nên ông có khá nhiều bằng cấp...
Có những ngành như Triết, lẽ ra phải học 4 năm thì mới xong, ông Truyền chỉ học đúng 18 tháng đã tốt nghiệp với bằng giỏi suất sắc, khiến các thày người Pháp rất khâm phục. Vì thế cho nên ông cũng là người được nhóm Ngũ Long tin tưởng, giao ông viết đề tựa cho cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp", (do được nhóm này cùng bàn bạc, góp ý theo bản khởi thảo từ Nguyễn Ái Quốc ) rồi để Nguyễn Ái Quốc đứng tên tác giả. Vì lúc đó, cái tên Nguyễn Ái Quốc chưa mấy ai biết cho nên, được một nhân vật như Nguyễn Thế Truyền viết đề tựa cho cuốn sách là rất quan trọng.
Lẽ ra, nếu ông Nguyễn Thế Truyền về nước tham gia chính quyền thì chắc chắn sẽ làm quan lớn vì khi đó, số người học trường Tây cực hiếm. Hoặc không muốn thì cũng dễ dàng trở thành giáo sư giảng dạy đại học ở Pháp hoặc ở trong nước do kiến thức rất rộng của mình...
Thế nhưng, ông đã không làm vậy mà tham gia đấu tranh chống thực dân pháp trong Hội liên hiệp thuộc địa với chức danh Phó tổng thư ký Hội. Ông cũng trực tiếp viết nhiều bài trên báo Le Paria của Hội. Sau những năm đầu 1920, ông Nguyễn Thế Truyền có cảm tình với Đảng Cộng sản Pháp nên đã từng tham gia.
Tuy nhiên, ông chỉ tán thành chủ trương của tư tưởng cộng sản, đó là san bằng mọi bất công trong xã hội nhưng không tán thành chủ trương đấu tranh giai cấp bằng vũ lực, băng vô sản chuyên chính mà muốn bằng con đường ôn hoà, bằng luật pháp do Quốc hội dân cử ban bố. Vì lẽ trên nên ông đã rời khỏi đảng này vào năm 1926 để thành lập Đảng Việt Nam Độc lập. Ông từng bị Pháp bắt đưa đi đày tại đảo Madagasca trước 1946.
Ông cũng là người duy nhất tại Sài Gòn năm 1969 đeo băng tang khi biết người bạn rất thân quý của mình là Hồ Chí Minh qua đời (dù hai người không cùng một con đường cứu nước). Và rồi sau đó khoảng hơn 2 tuần thì ông cũng ra đi.
Theo học giả Đặng Hữu Thụ viết trong cuốn sách “Thân thế và sự nghiệp cách mạng Nguyễn Thế Truyền” được xuất bản bằng tiếng Việt tại Paris, Pháp, (Nhà sách Melun, năm 1993) cũng như những gì tôi đọc được trước nữa thì đã có chuyện xảy ra khiến cả nước ngày ấy xôn xao bàn tán.
Số là sau thời gian ông Nguyễn Thế Truyền về nước (1927) thì chính quyền thực dân Pháp đã cho mật thám theo sát mọi hoạt động của ông. Bên cạnh nhiều thủ đoạn chèo kéo, vận động ông tham gia vào bộ máy thực dân vì biết ông là một nhân vật chính trị nổi tiếng, muốn tranh thủ bằng mọi cách có thể thì cũng tìm cơ để truy bắt ông nếu chống lại người Pháp.
83 năm trước, tại bến phà Tân Đệ (vào năm 1933), khi chuyến phà chở ông Nguyễn Thế Truyền từ bên Nam Định đã ra đến quá giữa sông thì nhận được tín hiệu của bên bờ yêu cầu phà quay lại đón thêm người.
Ông Thế Truyền vốn là người trực tính, lại sang Pháp học lừ lức còn thiếu nhi (11 tuổi) nên phong cách, tư duy rất khác. Hơn nữa, tính ông lại không khi nào chấp nhận những bất công ngang trái ở đời kiểu này cho nên lấy làm bực tức khi nhà phà cho biết rõ, người yêu cầu phà buộc phải quay lại đón thêm người đó là quan Tổng đốc tỉnh Thái Bình, ông Vi Văn Định.
Ông Thế Truyền chẳng phải tay vừa nên đã nói với phu phà, các anh cứ đi tiếp, không được quay lại. Tôi sẽ chịu trách nhiệm việc này.
Khi không thể làm được như yêu cầu của ông Nguyễn Thế Truyền vì người lái xe của ông Vi Văn Định ra tín hiệu lần 2, họ đành quay lại bờ cũ.
Ông Thế Truyền bất ngờ bị ông quan kia, một người vốn quen hống hách với dân định cho ông Truyền luôn cho một cái bạt tai cùng những lời đe nẹt. Bảo ông Truyền là tên vô lễ, muốn ở tù hay sao mà dám cả gan bảo phu phà như vậy?
Ông Thế Truyền nín lặng nghe hết ông ta nạt nộ. Vì nghe trái tai, ông bèn nổi nóng mà rằng: Dù ông có là Tổng đốc mà đi công vụ thì cũng không có quyền gọi phà quay lại khi nó đã đi quá giữa sông.
Ông Thế Truyền còn dẫn Luật Gia Long khi cho rằng phà chỉ buộc quay lại khi nào có công văn hoả tốc. Thậm chí ngay cả khi có công văn hoả tốc mà phà đã ra quá nửa sông vẫn không cho phép như thế.
Ông Vi Văn Định sừng sộ hỏi tên ông Truyền, ở đâu mà dám cãi lý với mình và nắm tay định đánh ông Nguyễn Thế Truyền. Ông Truyền bèn nhanh tay giữ tay ông Định và xưng rõ tên họ, địa chỉ và tát luôn ông Vi Văn Định thật mạnh khi ông Định chưa kịp ra tay.
Ông Thế Truyền nói sẽ cho ông Thống sứ Tholance biết việc ông đã lạm dụng chức vụ của ông ta như thế có đúng không.
Khi nghe đến tên Nguyễn Thế Truyền, ông Vi Văn Định tái mặt, nhảy lên xe hơi, giục tài xế lái, không hề có hành vi tát lại cũng như sai người trói bắt ông Truyền...
Về sau này, dư luận đồn đoán sở dĩ ông Vi Văn Định không có phản kháng là do từng được nghe chính con trai mình là một sinh viên luật du học tại Pháp kể nhiều về nhân vật Nguyễn Thế Truyền nổi tiếng thế nào trên đất Pháp. Nhất là những thông tin đại loại như những bài báo Nguyễn Thế Truyền viết bên Pháp đã khiến Toàn quyền Albert Sarraut, Thống đốc Nam Kỳ Cognacq, Công sứ Thái Nguyên Dailes... đều ngán ngẩm ông Nguyễn Thế Truyền.
Cũng có nguồn tin thì nói rằng do ông Vi Văn Định buộc phải nuốt hận là do không muốn làm to chuyện thêm. Nếu to chuyện mà tới mức phải xử tại toà thì chính ông sẽ mất điểm trước các quan Tây khi mình hành xử trái luật (tóm tắt từ các trang 294 đến 297 của cuốn sách đã dẫn).
Chuyện cũ này, tuy đã rất xa xưa nhưng xem ra vẫn là bài học tốt cho những quan chức thời nay rút kinh nghiệm, tránh lạm dụng để rồi mang tiếng với đời khi những chuyện trong quá khứ của mình bị sử sách lưu truyền không hay, nhất là với con cháu của mình. Tất nhiên, nếu như được người đời sau lưu truyền những điều tốt thì khỏi bàn.
Quốc Phong