Hầu hết mọi người đều không nhận là mình suy nghĩ tiêu cực, trừ khi có ý thức trong việc tự kiểm tra suy nghĩ, hành động và phản ứng của bản thân. Quá trình tự phân tích này khá đơn giản. Bạn chỉ cần tự hỏi: “Ý nghĩ này là tích cực hay tiêu cực?”. Khi bạn không thể kiểm soát được tâm trí mình hay không thể chuyên tâm vào điều mong muốn đạt được thông qua sức mạnh của trí tưởng tượng, thì những phản ứng của bạn có nguy cơ rơi vào tiêu cực, thay vì tích cực.
Tinh thần tích cực không chỉ đơn giản là cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Khi hiểu rõ nghĩa cụm từ này và áp dụng một cách đúng đắn, bạn sẽ thấy tinh thần tích cực là một quá trình bốn mặt
Napoleon Hill đã định nghĩa về tinh thần tích cực: “... Là trạng thái tự tin, trung thực, có tính xây dựng của tâm hồn: được tạo ra, gìn giữ và củng cố tùy theo cách riêng của từng cá nhân với những hoạt động tinh thần dựa trên động cơ thích nghi của người đó”.
W.Clement Stone cho rằng: "Tinh thần tích cực là những suy nghĩ, hành động và phản ứng chân thật, đúng đắn trước một hoàn cảnh hay một chuỗi hoàn cảnh mà không chống lại quy luật của tạo hóa hay nhân quyền”.
Stone còn giải thích thêm: “ Bạn là sản phẩm của sự di truyền, môi trường, thể xác, tâm trí, và tiềm thức. Bạn chịu ảnh hưởng của không gian, thời gian, và hơn thế là những sức mạnh vô hình mà bạn có thể hoặc không thể tự nhận biết. Khi suy nghĩ với tinh thần tích cực, bạn có thể tác động, sử dụng, điều khiển, hòa hợp hay cân bằng lại bất cứ, hoặc tất cả các yếu tố trên. Bạn đủ khả năng định hướng cho suy nghĩ, làm chủ cảm xúc và tạo ra số phận của mình. Bạn là tinh thần trong một thể xác”.
Vậy “thái độ tích cực của tinh thần” là gì? Hãy thử tìm hiểu ý nghĩa của những từ tạo nên cụm từ này:
Thái độ: Tinh thần tích cực tùy thuộc vào những thái độ đúng đắn, còn gọi là tâm trạng hay cảm xúc. Thái độ là những gì liên quan đến cảm xúc cơ bản của bạn về bản thân, những người xung quanh, hoàn cảnh, tình huống và sự việc xảy ra trong cuộc sống.
Tích cực: Là động lực hay sức mạnh được liên kết với những tính cách “trội” như trung thực, trùng thành, yêu thương, liêm chính, hy vọng, lạc quan, can đảm, chủ động, rộng lượng, siêng năng, tốt đẹp, có lương tri…
Tinh thần: Là sức mạnh của tâm hồn chứ không phải của thể xác. Hãy nhớ: Bạn là tinh thần của một thể xác. Tinh thần là nơi làm chủ và điều khiển toàn bộ hoạt động của con người.
Sáu chữ trên tạo nên cụm từ “thái độ tích cực của tinh thần”, nó là khuôn mẫu chuẩn mực của tâm trí, là kim chỉ nam hướng hành động của bạn đến những điều tốt đẹp.
Thái độ tích cực là chất liệu giúp ổn định cuộc sống mà bạn và tôi đều cần, cũng giống như bộ phận giảm xóc giữ cho con tàu được thăng bằng và vững vàng hơn trong cơn biển động. Bên cạnh đó, một điều vô cùng quan trọng nữa là bộ phận giảm xóc ấy phải được sử dụng thường xuyên, nếu không, nó sẽ trở nên vô ích.
Đó là lý do tại sao những người không phát triển tinh thần sống tích cực đối với công việc và cuộc sống thường rơi vào trạng thái chán chường, mệt mỏi. Một số người còn mắc phải những căn bệnh như căng thẳng, suy sụp tinh thần vì bị quá tải bởi những bất an trong cuộc sống. Thêm vào đó, họ còn gây ảnh hưởng không tốt đến những người xung quanh, đặc biệt là những người thân thuộc.
Khi phát triển suy nghĩ tích cực và loại trừ tiêu cực, bạn đã sử dụng một bộ phận giữ thăng bằng tự nhiên và hiệu quả hơn bất cứ điều gì. Hãy tin, bạn luôn có đủ sức mạnh để lèo lái suy nghĩ, điều khiển cảm xúc và tạo nên số phận cho mình.
Điều bạn sắp học được ở đây thật đơn giản, đó là công thức gồm mười bước để phát triển và duy trì tinh thần sống tích cực. Mười bước này không chỉ hướng dẫn bạn về thái độ tích cực của tinh thần, mà còn vạch ra cho bạn phương pháp để thực hành. Khi thực hành, thái độ tích cực sẽ trở thành thành phần tự nhiên trong đời sống của bạn.
Bước 1: Làm chủ tâm trí bằng niềm tin vững chắc
Bước 2: Chỉ suy nghĩ về những điều mình thích
Bước 3: Sống theo quy tắc vàng
Bước 4: Tự kiểm để loại bỏ suy nghĩ tiêu cực
Bước 5: Hãy vui lên!
Bước 6: Sống khoan dung, độ lượng
Bước 7: Tự gợi ý những điều tốt đẹp
Bước 8: Sự sáng suốt nội tâm qua lời nguyện cầu
Bước 9: Đặt ra mục tiêu
Bước 10: Tìm hiểu, suy nghĩ và lên kế hoạch từng ngày
Bài viết được trích lược từ cuốn sách Chìa khóa tư duy tích cực do First News phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm tại: http://ldp.to/chiakhoatuduytichcuc . Trạm Đọc dành tặng mã giảm giá TDFHS07 - giảm thêm 5% khi đặt sách tại Fahasa từ ngày 05/07/2021 đến 31/07/2021