Chất Michelle - Ông Obama chơi bóng rổ để xoa dịu căng thẳng trong ngày bầu cử

04/11/2020 15:00
Chất Michelle - Ông Obama chơi bóng rổ để xoa dịu căng thẳng trong ngày bầu cử

Sau 21 tháng vận động tranh cử, gia đình Obama chọn ngày bầu cử như một kỳ nghỉ ngắn. Bà Michelle đón khách đến tán gẫu, còn ông Obama đi chơi bóng rổ.

Bốn tháng sau, ngày 4/11/2008, tôi bỏ phiếu bầu cho Barack. Hai chúng tôi đến khu vực bầu cử từ sớm, đó là phòng thể dục ở trường tiểu học Beulah Shoesmith, chỉ cách nhà của chúng tôi ở Chicago vài dãy phố.

Tôi đã bầu Barack nhiều lần trước

Chúng tôi đưa Sasha và Malia đi theo, cả hai đứa đều mặc sẵn đồng phục và sẵn sàng đến trường. Ngay cả vào ngày bầu cử - hoặc có lẽ đặc biệt là vào ngày bầu cử - tôi nghĩ đi học vẫn là một ý hay. Đi học là một thói quen. Trường học mang lại sự an tâm.

Trong lúc chúng tôi đi qua hàng chục thợ chụp ảnh và máy quay truyền hình để đến điểm bầu cử, trong lúc mọi người xung quanh nói về tính chất lịch sử của ngày này, tôi lại cảm thấy vui mừng chỉ vì đã chuẩn bị xong hộp cơm trưa cho hai đứa trẻ.

Đây sẽ là một ngày như thế nào? Sẽ là một ngày dài. Ngoài chuyện đó ra, chúng tôi chẳng ai biết gì hơn.

Như trong bao ngày căng thẳng khác, Barack có vẻ thoải mái hơn bao giờ hết. Anh chào hỏi các nhân viên của ban bầu cử, cầm lấy lá phiếu của mình và bắt tay với bất cứ người nào anh gặp, dáng vẻ rất thư giãn. Chắc cũng hợp lý thôi. Chuyện này sắp vượt ra khỏi tầm kiểm soát của anh rồi.

Chúng tôi đứng trong khu vực bầu cử của mình trong lúc hai đứa con gái chồm người vào gần hơn để xem chúng tôi đang làm gì.

Tôi đã bầu Barack nhiều lần trước, trong các kỳ bầu cử sơ bộ và tổng tuyển cử, trong các cuộc đua cấp tiểu bang và cấp quốc gia, và lần bỏ phiếu này cũng không có gì khác. Với tôi, đi bầu là một thói quen, một nghi thức lành mạnh cần thực hiện một cách tận tâm mỗi khi có cơ hội.

Cha mẹ đã dẫn tôi đi bầu khi tôi còn bé, và tôi tạo thói quen dẫn Sasha và Malia cùng đi bầu với mình mỗi khi có thể, với hy vọng hai con tôi quen với quy trình này và nhận ra tầm quan trọng của hành động bỏ phiếu.

Sự nghiệp của chồng đã cho tôi cơ hội nhìn cận cảnh cỗ máy chính trị và quyền lực. Tôi đã thấy được rằng số lượng phiếu bầu khác nhau tại mỗi khu vực tạo ra sự khác biệt không chỉ giữa hai ứng viên mà còn giữa hai hệ thống giá trị khác nhau.

Khi mỗi khu vực có vài người không đi bầu, điều đó có thể quyết định những gì con cái chúng ta được học ở trường, chế độ chăm sóc sức khỏe mà chúng ta nhận được, hay liệu chúng ta có cử quân đội tham chiến hay không. Bầu cử vừa đơn giản vừa vô cùng hiệu quả.

Hôm đó, tôi đã nhìn chằm chằm một lúc vào ô chữ nhật nho nhỏ đặt cạnh tên chồng tôi, nơi cử tri sẽ đánh dấu vào để chọn anh ấy cho vị trí tổng thống Mỹ. Sau gần 21 tháng tiến hành chiến dịch vận động tranh cử, của những lần công kích và kiệt sức, thì đây là việc cuối cùng tôi cần làm.

Barack liếc nhìn tôi và cười phá lên. “Em vẫn đang cân nhắc hay sao?”, anh ấy nói. “Có cần suy nghĩ thêm chút nữa không?”

Ngay bau cu My anh 1

Ông Obama chơi bóng rổ tại một trường tiểu học. Ảnh: Chinadaily.

Ngày bầu cử là kỳ nghỉ ngắn

Nếu có thể dẹp hết những âu lo thì ngày bầu cử hoàn toàn có thể là một kỳ nghỉ ngắn, một khoảng dừng tưởng chừng không có thật giữa những gì đã xảy ra và những gì đang chờ phía trước.

Bạn đã nhảy nhưng vẫn còn lơ lửng với đôi chân chưa đáp xuống đất. Bạn không thể biết tương lai sẽ ra sao. Sau nhiều tháng hối hả với mọi thứ, thời gian giờ đây bỗng chậm lại đến mức khổ sở. Hôm đó, lúc ở nhà, tôi đã đóng vai trò nữ chủ nhà đón tiếp người thân và bạn bè đến nhà để tán gẫu và giết thời giờ.

Sáng hôm đó Barack ra ngoài chơi bóng rổ với anh Craig và vài người bạn ở phòng gym gần nhà, một hoạt động mà từ lâu đã trở thành thói quen vào ngày bầu cử. Barack thích nhất là một trận bóng rổ quyết liệt và kịch tính để xoa dịu sự căng thẳng của mình.

“Chỉ cần đừng có để ai làm gãy mũi anh ấy là được”, tôi nói với anh Craig lúc hai người họ bước ra cửa. “Anh ấy sẽ xuất hiện trên tivi, anh biết rồi đó".

“Chuyện gì cũng bắt anh chịu trách nhiệm hết”, anh Craig đáp lại bằng những lời chỉ có thể được nói ra từ miệng một ông anh trai.

Nếu tin vào kết quả thăm dò thì có vẻ Barack rất có khả năng giành chiến thắng, nhưng tôi cũng biết anh đang chuẩn bị cả hai bài diễn văn cho đêm đó - một bài diễn văn mừng chiến thắng và một bài chấp nhận thua cuộc.

Đến thời điểm này, chúng tôi đã hiểu về chính trị và bầu cử đủ để không xem nhẹ bất cứ điều gì. Chúng tôi biết về một hiện tượng được gọi là hiệu ứng Bradley, đặt theo tên một ứng viên người Mỹ gốc Phi, Tom Bradley, người đã tranh cử chức thống đốc bang California đầu thập niên 1980.

Khi kết quả thăm dò liên tục cho thấy Bradley đang dẫn đầu, ông lại thua trong ngày bầu cử, khiến mọi người đều ngạc nhiên và để lại cho thế giới một bài học lớn hơn về tính cố chấp của nhiều cử tri, vì hiện tượng này đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm sau đó ở những cuộc đua cấp cao khác, nơi có các ứng viên người da đen tham gia tranh cử trên khắp đất nước.

Về mặt lý thuyết, mỗi khi liên quan đến các ứng viên thiểu số, cử tri thường che giấu định kiến của mình trước người thăm dò ý kiến và chỉ kín đáo thể hiện điều đó trong phòng bỏ phiếu.

Suốt chiến dịch vận động, tôi từng nhiều lần tự hỏi bản thân rằng nước Mỹ có thật sự sẵn sàng bầu chọn một tổng thống người da đen hay chưa, liệu đất nước đã đủ vững mạnh để phóng tầm mắt khỏi vấn đề chủng tộc và vượt qua các định kiến hay chưa. Cuối cùng chúng tôi cũng sắp có được câu trả lời.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025