Chẳng phải vì dịch bệnh, có 3 kiểu người sớm muộn cũng bị đào thải ở nơi làm việc

16/04/2020 09:00
Chẳng phải vì dịch bệnh, có 3 kiểu người sớm muộn cũng bị đào thải ở nơi làm việc

Cuộc sống chẳng bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là chuyện kiếm tiền. Ở đó, luôn tồn tại những rủi ro mà chẳng ai mong muốn, giống như dịch Covid-19 – điều khiến cho hàng triệu người thất nghiệp.

Dịch bệnh cũng tương tự như thiên tai vậy, không thể lường trước để rồi không ít người ngỡ ngàng trở thành "nạn nhân". Nhưng cũng chẳng cần đến dịch bệch, vẫn còn đó những kiểu người có nguy cơ "toang" bất cứ lúc nào, đơn giản vì chẳng có tổ chức nào thừa tiền nuôi nhân viên có thái độ làm việc tệ hại.

01

Tỷ phú Hong Kong Yu Pang-lin, người nổi tiếng làm giàu nhờ ý chí phi thường, và tấm lòng cao cả khi cho đi số tài sản 2 tỷ USD để làm từ thiện – đã để lại cho đời nhiều câu nói khiến chúng ta phải suy nghĩ về bản thân. Khi được hỏi về bí quyết thành công, Yu từng nói: "Dù là các công việc địa vị thấp, kể cả khi cọ toilet, tôi vẫn cố gắng là người cọ sạch nhất". 

Ông từng làm mọi việc để kiếm sống khi đặt chân đến Hong Kong, từ nhân viên dọp dẹp cho tới công nhân xây dựng. Từ đó, Yu gây dựng nên một cơ nghiệp đáng ngưỡng mộ, trở thành một nhà tài phiệt bất động sản và còn thành công ở các lĩnh vực du lịch, khách sạn và y tế.

Đặt mình vào vị trí của Yu Pang-lin, những người đang ngày đêm vất vả kiếm tiền sẽ phải suy ngẫm lại về mình. Cọ toilet sống qua ngày, có phải là việc dễ dàng? Bao nhiêu người sẵn sàng làm công việc thấp hèn này?

Không nhiều! Nó không quá khó nhưng lại rất kinh tởm và tai tiếng. Nhìn lại thời điểm hiện tại, có không ít người tuyên bố thà thất nghiệp, thà không có gì bỏ vào mồm, còn hơn là phải làm những công việc tay chân như bồi bàn, bảo vệ, chạy xe ôm, nhân viên giao hàng…

Ấy vậy mà, không chỉ sẵn sàng cọ toilet, Yu còn luôn cố gắng là người cọ sạch nhất, chứ không chỉ cọ loa qua cho xong, để tránh khỏi mùi nhà vệ sinh hôi thối. Chính tinh thần cầu tiến và nghiêm túc đó đã biến một nhân viên vệ sinh trở thành tỷ phú thế giới, được hàng ngàn người ngưỡng mộ và học hỏi.

Trong bất kỳ công việc nào, năng lực không phải là yếu tố quyết định, càng không phải là những thứ phù phiếm như tiền bạc, quan hệ, mà chính là thái độ. Chỉ khi làm những công việc nhỏ nhặt, vặt vãnh bằng toàn bộ trái tim và khối óc, bằng thái độ đàng hoàng thì bạn mới có quyền nghĩ đến đại sự.

Không một công ty nào dư tiền nuôi những kẻ làm việc hời hợt, làm qua loa cho xong chuyện. Mọi đồng tiền mà doanh nghiệp bỏ ra đều là chi phí của vô vàn quyết định và toan tính với mong muốn thu được hiệu quả cao nhất.

Hôm nay, bạn cay cú vì bị sếp sai làm chân phụ việc, suốt ngày phải photo tài liệu, gửi mail cho đối tác, pha trà tiếp khách. Buồn thay, đó cũng là lúc bạn không hề biết rằng, ngày mai, mình có thể không cần phải đến công ty nữa, thay vào đó là lủi thủi đi tìm chỗ làm mới.

Vậy mới thấy, ở nơi làm việc, để trở thành tay đắc lực, là cái tên "không thể đụng đến", mặc cho áp lực cắt giảm nhân sự vì Covid, chỉ có cách làm việc 200% sức lực và tinh thần. Bạn nghiêm túc trong công việc bao nhiêu, sự đào thải bớt tác động đến bạn bấy nhiêu.

Chẳng phải vì dịch bệnh, có 3 kiểu người sớm muộn cũng bị đào thải ở nơi làm việc: Năng lực kém vẫn có thể học hỏi, còn thái độ tồi thì chẳng nơi nào muốn chứa! - Ảnh 1.

02

Tôi rất ngưỡng mộ một con người có thể coi là tài đức vẹn toàn, là người xuất sắc nhất trong lĩnh vực của mình nhưng chẳng bao giờ ngạo mạn mà lại luôn khiêm tốn – cầu thủ Lionel Messi. Anh là người sở hữu nhiều nhất những giải thưởng cá nhân cao quý nhất trong bóng đá, bao gồm 6 Quả bóng vàng, 6 danh hiệu Cẩu thủ xuất sắc nhất FIFA, 6 Chiếc giày vàng, cùng vô số giải thưởng cá nhân lẫn tập thể cao quý khác.

Messi còn được rất nhiều huyền thoại bóng đá, huấn luyện viên hàng đầu đánh giá là xuất sắc nhất lịch sử, xếp trên cả ‘Vua bóng đá’ Pele và "Cậu bé vàng’ Maradona. Tuy nhiên, mỗi khi được hỏi về người giỏi nhất, anh chưa bao giờ coi mình là số 1. Ngôi sao người Argentina chỉ khiêm tốn trả lời, "có rất nhiều cầu thủ xuất sắc hơn tôi. Dĩ nhiên, tôi không bao giờ nhận mình là người đứng đầu".

Còn nữa, mỗi khi đạt được một danh hiệu cao quý, Messi luôn gửi lời cảm ơn đến đồng đội, câu lạc bộ, đội tuyển quốc gia, gia đình và cổ động viên – những người anh luôn ủng hộ và đóng góp vào thành công ấy. 

Ngoài ra, có một câu chuyện thú vị về đức tính khiêm tốn của thủ quân Barcelona, đó là trong phòng thay đồ đội trẻ của Manchester United – một trong những đội bóng hàng đầu nước Anh, có treo một bức ảnh chụp lại cảnh Messi tự tay lau chùi đôi giày thi đấu. Thông điệp mà MU muốn nhắn nhủ các cầu thủ trẻ là, dù có xuất sắc như Leo Messi, bạn vẫn cần giữ đôi chân trên mặt đất!

"Cao nhân có cao nhân trị", cây lúa càng nhiều hạt thì thân càng cúi thấp, vậy nên, khiêm tốn không bao giờ là thừa cả. Trái lại, kiểu người ngạo mạn, tự phụ, luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ thì chẳng bao giờ thành công được.

Có chút thành tích, làm tốt một vài việc mà đã coi mình nhân tài hiếm có, thì chỉ khiến bạn bị ghen ghét, đố kị và xa lánh. Chi bằng học cách hạ mình, cố gắng học hỏi thêm nhiều thứ quan trọng, nỗ lực hoàn thành công việc đến mức hoàn hảo, đó mới là tài trí, cao nhân.

Chẳng phải vì dịch bệnh, có 3 kiểu người sớm muộn cũng bị đào thải ở nơi làm việc: Năng lực kém vẫn có thể học hỏi, còn thái độ tồi thì chẳng nơi nào muốn chứa! - Ảnh 2.

03

Hai con ngựa, mỗi con kéo một xe hàng. Một con thì đi nhanh, một con thì vừa đi vừa nhởn nhơ gặm cỏ. Người chủ thấy vậy, đã mang toàn bộ hàng phía sau chuyển lên cho con ngựa phía trước kéo.

Con ngựa đằng sau cười, "Ha ha. Càng nỗ lực thì càng bị đầy đọa. Việc gì phải tốn công phí sức, cứ thong thả như mình lại hay".  Ai ngờ rằng, người chủ sau đó lại nghĩ, "Một con ngựa là đủ để kéo xe rồi. Tại sao mình lại phải nuôi hai con?". Sau đó, con ngựa lười bị làm thịt.

Đây chính là hiệu ứng "con ngựa lười" trong kinh tế học. Khi đi làm rồi mới thấy, điều đáng sợ nhất không phải là mắc sai lầm hay bị trù dập; mà là để cho người khác cảm thấy, dù bạn tồn tại cũng được, mà không có cũng chẳng sao.

Bởi vì, còn bị phê bình, điều đó đồng nghĩa với việc cấp trên vẫn còn chờ đợi sự thay đổi, sự tiến bộ từ bạn, họ vẫn còn đặt niềm tin vào bạn-của-lần-sau. Trái lại, một khi bạn làm sai mà chẳng ai thèm khiển trách, làm đúng cũng chẳng nhận lấy nổi một lời khen ngợi, không làm thì không ai thèm đốc thúc; thì chắc chắn, ngày bạn cuốn gói ra đi không còn xa.

Ở mọi công ty, chẳng có "người vô hình" nào tồn tại mãi, cũng chẳng có vị trí nào là không thể thay thế. Chỉ khi tạo ra giá trị cho tổ chức, chỗ đứng mới được đảm bảo phần nào đó. Và nhân lúc dịch bệnh hoành hành, những kiểu nhân viên "có cũng được, không cũng chẳng sao" đương nhiên là nạn nhân đầu tiên của chính sách cắt giảm nhân sự. Để không phải nằm trong danh sách đen, chẳng còn cách nào khác là nỗ lực khẳng định sự tồn tại của mình, nghiêm túc cống hiến cho công việc và vứt bỏ đi những suy nghĩ theo kiểu khôn lỏi, lười biếng, chờ đợi người khác.

Suy cho cùng, chúng ta đều không biết ngày mai sẽ diễn ra như thế nào. Sẽ là một ngày đẹp trời với những niềm vui hay đầy giông bão, sự cố, bi kịch? Ai mà biết được! Nhưng mọi chuyện vẫn có thể thay đổi nhờ thái độ của bạn với công việc, tổ chức và chính cuộc đời mình. Hãy luôn làm việc nghiêm túc, khiêm tốn và nỗ lực hết mình, sẽ chẳng có dịch bệnh, sóng gió nào đánh bại bạn!

Theo Báo Dân Sinh


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024