Câu chuyện ngôn ngữ - Từ tiếng bập bẹ của trẻ em đến chữ nghĩa trên mạng

Tiểu Vũ18/11/2021 09:30
Câu chuyện ngôn ngữ - Từ tiếng bập bẹ của trẻ em đến chữ nghĩa trên mạng

Câu chuyện ngôn ngữ” của nhà ngôn ngữ học David Crystal là cuốn sách tìm hiểu từng khía cạnh của ngôn ngữ, giải mã từ những tiếng bập bẹ của một em bé cho đến hiện tượng ngôn ngữ mạng trong những năm gần đây.

Ngôn ngữ luôn luôn là một chủ đề lớn và đòi hỏi nhiều tâm sức để khám phá, đồng thời cũng là một chủ đề chưa bao giờ thôi hấp dẫn đối với những người yêu chữ nghĩa. Tác phẩm Câu chuyện ngôn ngữ của nhà ngôn ngữ học David Crystal sẽ giúp chúng ta hiểu thêm ý nghĩa của cách thể hiện câu chữ trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Bằng lối viết cuốn hút, sáng rõ, dẫn chứng gần gũi xen lẫn hài hước, David Crystal dẫn dắt người đọc theo từng bước phát triển của ngôn ngữ trong đời sống cá nhân nói riêng, và trong chiều dài lịch sử văn minh loài người nói chung. Cuốn sách Câu chuyện ngôn ngữ của ông do đó mang một tinh thần rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với người không chuyên, đồng thời cũng là cuốn sách nhập môn hoàn hảo cho những ai hứng thú với chủ đề này.

Trong cuốn sách này, tất cả những khái niệm ngôn ngữ học cơ bản được tác giả giới thiệu và giải thích một cách trực quan, dễ hiểu. Cuốn sách được chia thành 40 chương. Trong những chương đầu tiên, David Crystal chỉ cho ta thấy con người đã từng bước hình thành khả năng sử dụng ngôn ngữ như thế nào, kể từ lúc lọt lòng đến khi được vài tháng tuổi, từ tiếng khóc oa oa - ngôn ngữ sơ khởi của em bé, đến lúc học được ngữ điệu của tiếng mẹ đẻ, rồi bi bô những từ đầu tiên trong đời.

david_crystal_2017-1-.jpg
Nhà ngôn ngữ học David Crystal - Ảnh: Wikipedia

Cuốn theo những câu chuyện của David Crystal, chẳng mấy chốc những kiến thức thú vị về ngôn ngữ học đã róc rách chảy vào tâm trí người đọc, khiến ta không khỏi gật gù tâm đắc trước những khía cạnh hấp dẫn của ngôn ngữ.

Ví dụ như, bạn có biết rằng ngày nay có những từ ngữ có nghĩa hoàn toàn khác với nghĩa ban đầu của chúng. Sự biến đổi nghĩa này là một trong những đối tượng nghiên cứu của ngành từ nguyên học - ngành nghiên cứu về lịch sử và nguồn gốc của từ ngữ. Đây cũng là một chủ đề nghiên cứu chứa đựng nhiều bất ngờ.

Từ “nice” trong tiếng Anh khi được sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ 14 có nghĩa là “ngốc nghếch” hoặc “ngu dốt”. Sau này nó còn phái sinh một số nghĩa tiêu cực như “khoe mẽ”, “kiểu cách” hay “lười biếng”. Nhưng dần dần các nghĩa khác cũng được phát sinh thêm. Vào thế kỷ 18 từ này phái sinh một loạt các nghĩa tích cực, như “dễ chịu”, “thoải mái”, “tốt bụng”, “cuốn hút”, và đây là những nghĩa mà ta có ngày nay.

Các học giả nghiên cứu những vấn đề này được gọi là nhà từ nguyên học. Và đây cũng là một trong những khía cạnh của ngôn ngữ mà ngành ngôn ngữ học đang nghiên cứu. Tồn tại song song cùng với chiều dài lịch sử phát triển của loài người, có những ngôn ngữ đã và đang dần biến mất, có những ngôn ngữ đã trở thành tử ngữ, có những sinh ngữ đang ngày ngày thay đổi nhanh chóng đến mức các thế hệ sống trong cùng một nhà có thể nói năng theo những cách rất khác nhau.

20170409143728mot-so-thuat-ngu-thuong-dung-va-thuong-thay-tren-facebook-namavn-3.jpg
Tranh biếm họa về những từ ngữ giới trẻ thường dùng khi viết trên mạng xã hội - Ảnh: Internet

Song song với quá trình phát triển cùng với nền văn minh của con người, những câu chuyện sinh động hơn của ngôn ngữ được tác giả kể ra bằng lối viết nhẹ nhàng nhưng cũng đầy tính giáo dục: chuyện về những ngôn ngữ không may đã bị mất đi, những ngôn ngữ chỉ được những tộc người thiểu số sử dụng, chuyện ngôn ngữ giúp ta xây dựng các mối quan hệ - và đồng thời cũng phá vỡ chúng, và thậm chí có những người kém may mắn ra sao khi gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ.

Qua những chương sau, ta biết được ngôn ngữ cũng là một trong những cách phân biệt các giai tầng xã hội với nhau. Chẳng hạn trong thời kỳ nước Anh còn phân chia giai cấp rõ rệt, chỉ cần một từ thôi cũng đủ để người nghe nhận biết người nói thuộc tầng lớp nào. Khi nhắc đến giấy vệ sinh, người thượng lưu sẽ dùng từ “lavatory paper” thay vì nói “toilet paper” như người thường. Tương tự, khi nhắc đến “bữa tối”, “gương”, “rau”, người thượng lưu sẽ dùng “luncheon”, “looking glass”, “vegetables”, còn tầng lớp bình dân trong xã hội thì dùng “dinner”, “mirror”, “greens”. Những khác biệt kiểu này thực ra vẫn tồn tại cho đến ngày nay, chỉ còn điều chúng không còn quá rõ rệt như xưa vì sự phân chia tầng lớp xã hội cũng đã phai mờ đi đáng kể.

cau-chuyen-ngon-ngu-2.jpg
Câu chuyện ngôn ngữ do NXB Thế Giới và Nhã Nam phát hành, tháng 11.2021

Ngôn ngữ được sử dụng trong việc đặt địa danh, tên người cũng có lịch sử thú vị không kém. Chẳng hạn, nếu quay ngược lại 1.000 năm trước ở Anh, ta sẽ thấy người ta khi đó chỉ có mỗi tên riêng thôi. Việc hình thành họ và tên đầy đủ chỉ bắt đầu được nhen nhóm trong thời kỳ Trung cổ, khi người ta bắt đầu có thói quen nói “Edwin Baker” (Edwin thợ bánh) hay “Edwin Derby” (Edwin vùng Derby) để phân biệt những người trùng tên. Đó cũng là lý do mà ngày nay ta thấy có rất nhiều họ là từ mang nghĩa chỉ nghề nghiệp như: Potter (thợ gốm), Smith (thợ rèn), hay họ Shakespeare trong tên của William Shakespeare nghĩa là anh lính cầm ngọn giáo.

Việc thành thạo ngôn ngữ, kiểm soát được tất cả những tác động mà ngôn ngữ có thể đạt được, có một vai trò quan trọng trong đời sống giao tiếp của con người. Để làm được tất cả những điều trên, trước tiên họ cần biết bản chất thật sự của ngôn ngữ là gì cũng như nắm được những yếu tố góp phần tạo nên nó. Đó cũng chính là một trong những lý do ra đời của cuốn sách này.

David Crystal, với kinh nghiệm dày dạn và lòng nhiệt thành của một nhà ngôn ngữ học, đã dẫn dắt người đọc bước đầu khám phá vẻ đẹp của một địa hạt quan trọng nhưng không kém phần hấp dẫn trong nền văn minh loài người.

David Crystal là nhà ngôn ngữ học, cây viết, biên tập viên, giảng viên người Anh. Ông là tác giả và đồng tác giả của khoảng một trăm cuốn sách, chủ yếu trong lĩnh vực ngôn ngữ học, gồm cả một số bộ bách khoa toàn thư, nhưng cũng có cả kịch và thơ. Ông sáng lập và tham gia công tác biên tập cho nhiều tạp chí khoa học về ngôn ngữ học. Ngoài ra, ông còn làm việc trong các chương trình phát thanh và truyền hình, trong đó có nhiều phim tài liệu về ngôn ngữ của BBC, trong vai trò cố vấn, biên kịch và người dẫn chương trình.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024