Tôi xuất thân từ Rajahmundry (một quận phía đông Godavari), Andhra Pradesh, học ở trường Trung học công nam sinh, Innispet, Rajahmundry. Mặc dù các giáo viên ở trường đều tận tụy với công việc, nhưng hơn ai hết, thầy Koteswara Rao là người vô cùng đặc biệt, thầy dành hết tâm huyết, sức lực và kỷ luật tự giác 100% trong công việc.
Trong 35 năm đi dạy, thầy không bao giờ vắng mặt một ngày nào suốt 18 năm đầu. Sau đó, vì có lần không còn cách nào khác phải mổ mắt nên thầy buộc phải vắng mặt mấy hôm. Chỉ riêng điều này cũng đủ cho thấy mức độ tận tụy của thầy.
Thầy không bao giờ lên lớp trễ dù chỉ một phút. Thầy sẽ luôn mặc quần tây trắng và áo sơ mi trắng, vô cùng gọn gàng và thanh lịch, không ai có thể phàn nàn gì về trang phục, cách cư xử, giao tiếp với đồng nghiệp và cách dạy dỗ của thầy, đặc biệt là trong môn tiếng Anh và môn Toán.
Trong thời gian làm giáo viên, thầy lập ra một ngân hàng sách trong trường, nhận sách tặng của những học sinh có điều kiện (được sự đồng ý của cha mẹ), sách giáo khoa của những học sinh khóa trước vẫn còn khá mới sẽ được bao bọc cẩn thận và chuyển cho những học sinh khóa sau không có điều kiện mua sách mới. Những quyển sách như vậy được chính người tặng (học sinh lớp trên) trao tận tay cho học sinh lớp dưới, điều đó không những dạy cho học sinh biết thông cảm, giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau và tôi luyện nên những tấm lòng bác ái, mà còn phát triển tình yêu thương, tình cảm, sẻ chia và sự tôn trọng giữa học trò lớp trên với học trò lớp dưới.
Ảnh Childyield |
Khi ngày lễ Quốc khánh gần đến, học sinh trong trường nảy ra ý định góp công sơn lại các phòng học và trang trí bằng những lá cờ đầy màu sắc. Trong những dịp đó, thầy sẽ quan tâm đến từng đứa học trò nhỏ, hướng dẫn các em và tổ chức vài cuộc thi trang trí nho nhỏ, người thắng cuộc sẽ được phần thưởng khích lệ. Nhờ vậy mà chúng tôi học được tinh thần làm việc nhóm, đoàn kết và cùng nỗ lực vì một kết quả chung.
Thầy cũng lập ra một khu vườn tuyệt đẹp trong khuôn viên trường với sự tham gia tích cực của học sinh. Hoa quả, rau trái từ khu vườn sẽ được mang bán đấu giá sau giờ học và tiền lời sẽ được trao cho người (hoặc nhóm) trồng và thu hoạch loại rau quả đấy trong sự tán thưởng của các giáo viên cũng như những học sinh khác. Đây là cách thầy dạy cho chúng tôi về tầm quan trọng của việc trồng trọt, biết ơn những người nông dân và cùng nhau cố gắng hết mình thi đua vì mục tiêu tốt đẹp chung.
Từ khi thầy chuyển về bờ sông Godavari, hầu như mỗi năm hoặc hai năm một lần, khu nhà ổ chuột thuộc khu vực trũng thấp của thành phố bị ngập lụt trong suốt mùa mưa dai dẳng, người dân sống ở đó phải bỏ đi nơi khác. Những lúc như vậy, thầy Koteswara Rao yêu quý của chúng tôi sẽ khuyến khích học trò giúp đỡ những gia đình bị ảnh hưởng bằng cách phụ giúp chuyển người thân và đồ đạc của họ.
Ảnh Childyield |
Thầy cũng từng dạy tiếng Anh và toán cho các lớp trung học cơ sở. Một ngày trước khi bắt đầu kỳ nghỉ, thầy sẽ đến thăm các lớp dưới và cho các em vài lời chỉ dẫn cùng một ít bài tập trong kỳ nghỉ. Học trò sẽ nộp lại vở bài tập trên bàn thầy vào ngày đầu tiên của năm học mới. Nếu có trò nào quên không làm bài, thầy sẽ có những hình phạt nho nhỏ, chỉ để cậu bé hiểu được ích lợi cũng như quý trọng thời gian của mình.
Trong suốt sự nghiệp phục vụ cho nền giáo dục của mình, thầy đã dạy dỗ nên những học sinh vô cùng ưu tú và thành đạt. Nếu có vấn đề về môn tiếng Anh, một câu chuyện hay một bài toán nào mà chúng tôi không hiểu, thì đến ngày thứ ba thầy sẽ bảo trò đó ngồi lại sau giờ học ở trường. Phụ huynh sẽ được thông báo để sắp xếp đưa đón con về nhà an toàn sau khi cậu học trò đã hiểu được vấn đề hóc búa nọ. Đôi khi, thầy bị những người khác phê bình một cách nhẹ nhàng, nhưng thầy sẽ đáp rằng: “Nhiệm vụ của tôi là đảm bảo học sinh của mình hiểu được cả chữ nghĩa lẫn tinh thần, chứ không phải là trừng phạt tụi nhỏ”.
Thầy vinh dự nhận giải thưởng của Câu lạc bộ Rotary, Câu lạc bộ Rajahmundry Jaycees, Câu lạc bộ Lion, Giải thưởng Bright, Giải thưởng của Thủ hiến bang AP và còn nhiều giải khác. Ngoài các giải thưởng cao nhất được trao cho giáo viên, thầy cũng được cố Tiến sĩ Shankar Dayal Sharma trao cho “Giải thưởng Giáo viên xuất sắc nhất” của Tổng thống Ấn Độ vào ngày 5/9/1996 tại Vigyan Bhavan, New Delhi. Tôi vô cùng vinh dự được có mặt vào ngày hôm đó. Mỗi lần về quê, tôi đều đến thăm thầy. Tiếc thay, ngày 15/11/2009, thầy đã trút hơi thở cuối cùng. Thành phố Rajahmundry, trường Trung học công dành cho nam sinh và toàn thể học trò đều rất nhớ thương thầy. Tạm biệt thầy, người thầy mẫu mực, cần mẫn, người mang trái tim đầy lòng nhân ái và vị tha. Cầu mong linh hồn thầy được an nghỉ.
Trích sách Bụi Phấn