Khi người ta khảy chiếc đàn đặt trên một lớp cát mỏng, sự rung động của âm thanh sẽ làm cho lớp cát xáo trộn, xếp thành những đường, những góc cạnh và thành các hình kỷ hà. Đức Krishna đã chẳng nói trong Bhagavad Gita rằng: “Thượng đế sáng tạo thế giới theo nguyên tắc kỷ hà” đấy sao? Chính sự rung động này đã tạo ra những vật thể, hình hài, sắc tướng và trải qua những thay đổi, sự sống tiếp tục hiện diện xuyên qua vô số hình hài, sắc tướng đó.
Các hình hài, sắc tướng có thể thay đổi, sinh ra, trưởng thành rồi hủy hoại, nhưng sự sống vẫn trường tồn. Tóm lại, sự sống và sự chết, tăng trưởng và hư hoại, biểu hiện và lụi tàn, chỉ là những biến chuyển của sự sống xuyên qua vật chất. Nhờ sự chuyển biến ấy, các hình thể trở nên hoàn hảo và sự sống cũng nhờ đó mà trở nên mạnh mẽ, sinh động hơn.
Ta có thể nói các sắc tướng là sự biểu lộ trạng thái sung mãn của sự sống tiềm ẩn bên trong. Đó là nguyên tắc của hai định luật trong vũ trụ: sự tăng trưởng, cải thiện để hoàn hảo hay Luật Tiến Hóa và sự thay đổi, hóa sinh trong vô số hình hài, sắc tướng hay Luật Luân Hồi.
Nếu không có sự sống, vật chất bất động; với sự sống, vật chất sinh động. Dĩ nhiên lúc bắt đầu, sự sống còn thô sơ, lộn xộn chưa hoàn hảo, nhưng nhờ phát triển mà nó dần dần trở nên điều hòa. Ba yếu tố Tĩnh, Động và Điều Hòa là ba đặc tính (gounas) của vật chất. Mọi vật chất đều ở một trong ba trạng thái nói trên.
Vũ trụ thay đổi dựa trên những định luật bất di dịch với một nguyên tắc chính: “Tất cả những gì phát sinh từ Thượng đế sẽ phải về với Thượng đế” và mục đích chính của kiếp người là làm sao để trở về với Thượng đế chứ không gì khác. Vũ trụ là một thể duy nhất, tương đồng, bao la và tràn đầy sự sống. Các hình hài, sắc tướng trong đó nhiều vô kể và dĩ nhiên khác nhau rất nhiều. Có thể nói rằng đó là hàng triệu tia sáng phát xuất từ một điểm linh quang tỏa lan ra khắp trời. Đó cũng là mật nghĩa của câu “vạn thù trong nhất thể”, “sai biệt trong đại đồng”.
Lược trích Bên rặng tuyết sơn – Nguyên Phong.