Thời gian gần đây, hàng loạt vụ án mạng xảy ra gây bàng hoàng dư luận, không chỉ vì hành vi tàn bạo mà còn vì liên quan đến những mối quan hệ huyết thống, thân tình. Ví dụ như vụ anh giết cả gia đình em trai ruột ngày 1.9 ở Đan Phượng, Hà Nội do tranh chấp 0,5 mét đất, khiến 4/5 thành viên trong gia đình em thiệt mạng; hay như vụ người anh giết vợ chồng em ở Thái Nguyên do món nợ tiền bạc khoảng 3 tỉ đồng…
Lý giải về hiện tượng này, ông Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng con người (xét về chức năng xã hội) là sản phẩm của hoàn cảnh, của môi trường sống. Hành vi ứng xử của con người là kết quả từ sự tương tác giữa các đặc điểm tâm lý cá nhân và môi trường sống.
Theo đó, đối với người phạm tội, môi trường xã hội tác động đến họ ở 2 khía cạnh: Hình thành nên nhân cách lệch lạc và làm nảy sinh ý định thực hiện tội phạm. Những lý do như mâu thuẫn thù tức, ghen tuông tình ái, tranh chấp, cướp đoạt tài sản... chỉ là tình huống bất lợi, chứ không phải nguyên nhân của tội ác. Cái chính là sự suy thoái nhân cách dẫn đến phạm tội, trực tiếp quyết định việc thực hiện tội phạm.
Truy nguyên gốc rễ của những suy thoái trong nhân cách, đặc biệt là ác tính trong con người Việt Nam ngày nay, ông Hiếu cho rằng đó là sản phẩm tất yếu của những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội hiện nay.
“Thẳng thắn mà nói, chúng ta đang có quá nhiều các vấn đề xã hội nan giải và những tiêu cực xã hội tồn tại trong môi trường sống hằng ngày tác động trực tiếp lên quá trình hình thành nhân cách và định hướng giá trị của con người. Nhất là với giới trẻ. Chúng ta có rất nhiều lỗ hổng trong lời giải bài toán xây dựng con người. Hệ lụy là sự vô cảm”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia Đào Trung Hiếu cho rằng xu thế xã hội hiện nay đề cao giá trị vật chất; lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa lên ngôi. Biểu hiện của nó là con người có thái độ sống ích kỷ, chỉ biết mình, tâm lý chụp giật, tôn thờ vật chất, thờ ơ với nỗi đau đồng loại, vô cảm trước việc làm sai trái xảy ra hằng ngày, sẵn sàng cướp đoạt, tranh giành nhau vì lợi ích vật chất. Đó là nguồn cơn sâu xa của bạo lực.
Trên cái nền tâm lý chung đó, lại gặp hàng loạt yếu tố bất lợi khác tác động lên tâm lý. Đó là những khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, phân tầng xã hội bất hợp thức, hố ngăn cách giàu nghèo, tiêu cực, tham nhũng, làm ăn bất chính... làm nghèo đi nguồn lực đất nước, xói mòn lòng tin... dẫn đến tâm lý đố kỵ, bị đè nén, không lối thoát, tiêu cực.
“Cuộc sống khó khăn, đẩy con người vào trạng thái hoạt động cường độ cao để kiếm sống, dẫn đến mệt mỏi, căng thẳng, áp lực cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ đánh nhau. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề xã hội phức tạp chưa được giải quyết triệt để, nạn tham nhũng, tiêu cực tràn lan làm sa sút niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật. Vì vậy, khi nảy sinh mâu thuẫn bức xúc, họ có thiên hướng chọn giải pháp “tự xử”, dùng bạo lực để giải quyết chứ không làm theo đòi hỏi của pháp luật”, ông Hiếu lý giải.
Cũng theo ông Đào Trung Hiếu, bạo lực chủ yếu rơi vào nhóm thanh thiếu niên. Nhóm xã hội này đang chịu những tác động rất xấu của môi trường, đó là văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại, các trò game online bạo lực. Những thứ này dễ làm người trẻ đắm chìm và hành động theo thói quen trong thế giới ảo. Hơn nữa, chính lối sống vô cảm, thiếu trách nhiệm, sẵn sàng tàn nhẫn với người khác của cha mẹ, người lớn xung quanh... vô hình trung trở thành khuân mẫu ứng xử cho trẻ khi chúng vướng phải các vấn đề cần giải quyết.
Lê Hòa