Bạn đã gặp phiền toái hay khó khăn thực sự? (kỳ 3)

16/02/2020 08:00
Bạn đã gặp phiền toái hay khó khăn thực sự? (kỳ 3)

Cuộc sống là tập hợp những con sóng. Không có con sóng nào giống con sóng nào cả. Chúng ta cần học cách chấp nhận sự khác biệt ấy.

Mùa hè năm 1959. Tại khu du lịch Feather River Inn, gần thị trấn Blairsden thuộc vùng núi Sierra Nevada, phía bắc California. Ở một khu nghỉ mát. Tôi vừa tốt nghiệp đại học và tìm được công việc tiếp tân ca đêm kiêm phụ tá cho người chăn ngựa. Ông chủ kiêm quản lý khu nghỉ mát là một người Ý lai Thụy Sĩ với những quan niệm về điều kiện làm việc đặc trưng của người châu Âu.

Bạn đã gặp phiền toái hay khó khăn thực sự? (kỳ 3) - 1

Ông ấy và tôi không hợp nhau lắm. Với tôi, ông ta là một người theo chủ nghĩa phát xít, người sếp chỉ muốn có những nhân viên vui vẻ, dễ thương và biết thân biết phận, còn trong mắt ông ấy, tôi là một ví dụ điển hình cho sự dân chủ quá đà. Khi đó tôi chỉ mới 22 tuổi và có quá nhiều quan điểm, còn ông ấy đã 52 tuổi và chỉ có một vài chủ kiến.

Suốt cả tuần, bữa trưa của chúng tôi ngày nào cũng giống nhau. Hai chiếc xúc xích, một ít bắp cải muối và bánh mì cũ. Và tệ hại hơn nữa, tiền ăn trưa bị trừ vào lương. Tôi cảm thấy thực sự bị xúc phạm.

 Tối thứ sáu hôm ấy, vào khoảng 11 giờ đêm, tôi có ca làm việc tại quầy lễ tân. Người nhân viên kế toán ca đêm cũng bắt đầu công việc của mình. Tôi bước vào bếp tìm cái gì đó để ăn, và nhìn thấy tờ ghi chú của người đầu bếp về những ảnh hưởng mà món xúc xích với bắp cải muối gây ra cho nhân viên khi dùng chúng liên tục hơn hai ngày.

Xé toạc tờ giấy. Tôi quyết định nghỉ làm. Không tìm được ai khác, tôi trút mọi sự bực dọc lên đầu anh chàng kế toán Sigmund Wollman. Tôi tuyên bố, như thế là quá đủ, tôi sẽ lấy một đĩa đầy xúc xích cùng bắp cải muối đến chỗ ông chủ và ném thẳng vào mặt ông ta.

Bạn đã gặp phiền toái hay khó khăn thực sự? (kỳ 3) - 2

Tôi đã quá mệt mỏi với phân ngựa cùng những lời lăng mạ, thế mà còn phải ăn cùng một món ăn suốt cả tuần rồi lại phải trả tiền cho thứ thức ăn không dành cho người này nữa chứ. Tôi sẽ đi khỏi đây để đến Montana, nơi mà xúc xích và bắp cải muối chỉ dành để nuôi heo.

Tôi đã trút giận lên anh chàng kế toán khoảng hơn hai mươi phút, có lẽ tôi không cần phải kể chi tiết. Bạn cũng đoán được nội dung của nó.

Trong khi tôi vừa nói, vừa hoa chân, múa tay, đập bàn, đá ghế thì anh chàng kế toán Sigmund Wollman chỉ ngồi im lặng, hút thuốc và nhìn tôi bằng ánh mắt buồn rầu. Anh ấy có lý do để trông buồn như thế. Anh ấy là người sống sót từ trại tập trung lớn nhất của Đức Quốc xã, được gọi là “trại hủy diệt” Auschwitz. Ba năm. Một người Đức gốc Do Thái. Cao, gầy và mắc bệnh ho mãn tính. Anh ấy thích một công việc độc lập vào ca đêm - nơi cho anh ấy cảm giác yên tĩnh, thanh bình, hơn nữa anh có thể tự do ra vào nhà bếp, có thể dùng bữa ăn nhẹ bất cứ khi nào anh ấy muốn và thích dùng bao nhiêu xúc xích cùng bắp cải muối cũng được.

Với anh ấy, như vậy là quá thịnh soạn. Và nhất là buổi tối sẽ không có ai nhắc nhở anh phải làm cái này, làm cái kia nữa. Trong trại tập trung, anh ấy chỉ mơ đến những giây phút như thế. Người duy nhất mà anh ấy gặp tại chỗ làm chính là tôi, người quấy rầy giấc mơ của anh ấy.

“Fulghum, cậu nói đủ chưa?”

“Chưa. Nhưng sao cơ?”

“Nghe này, Fulghum. Hãy nghe tôi, nghe tôi. Cậu có biết vấn đề của cậu nằm ở đâu không? Không phải ở món xúc xích với bắp cải muối, cũng không phải ở ông chủ hay người đầu bếp hay với công việc.”

“Vậy đâu là vấn đề của tôi?”

“Fulghum, cậu nghĩ mình biết tất cả, nhưng thật ra cậu không phân biệt được sự khác nhau giữa phiền phức và khó khăn.

Khi cậu rơi vào tình trạng nguy hiểm, khi cậu không có gì để ăn, hay khi căn nhà của cậu bị cháy, có nghĩa là cậu đang gặp khó khăn. Còn lại, tất cả những thứ khác chỉ là sự phiền phức mà thôi. Cuộc sống là tập hợp của rất nhiều những phiền phức và sự bất tiện. Và cuộc đời là tập hợp của rất nhiều con sóng.

Bạn đã gặp phiền toái hay khó khăn thực sự? (kỳ 3) - 3

Hãy học cách phân biệt rành mạch giữa phiền phức với khó khăn thực sự. Như vậy, cậu sẽ sống lâu hơn. Và cũng sẽ không quá quấy rầy những người như tôi. Chúc một buổi tối tốt lành.”

Sau đó anh ấy ra hiệu cho tôi nên đi ngủ.

Trong đời tôi hiếm khi nào bị gây ấn tượng với một chân lý đến vậy. Nhiều năm sau tôi được một vị sư trụ trì ở Nhật giải thích thế nào là sự khai sáng và tôi đã hiểu chính xác ý của ông ấy. Chính tại Feather River Inn vào buổi tối năm ấy, Sigmund Wollman đã đồng thời vừa kéo tôi ra khỏi vũng bùn, vừa khai sáng cho tâm hồn tôi.

Trong suốt ba mươi năm sau đó, mỗi khi rơi vào trạng thái khủng hoảng, căng thẳng, khi những cơn giận dữ khiến tôi có những hành động ngu xuẩn, tôi đều nhớ tới ánh mắt buồn rầu ấy và tự hỏi: “Fulghum, đấy chỉ là sự phiền toái hay những khó khăn thực sự?”

Theo “Góc nhìn của người thông thái”

First News phát hành

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024