Tối hôm qua tôi đi ăn đêm với một người bạn, sau khi ăn uống no nê, tôi thấy cậu bạn ngồi như người thất thần, nhìn chằm chằm vào chai rượu rỗng trên bàn: "Nói thật lòng, đi làm được hơn một năm rồi, có rất nhiều lần tôi nghĩ muốn quay về thời gian đi học, ước gì lại được đi học tiếp."
Tôi không nói gì, yên lặng ngồi nghe cậu ấy nói tiếp: "Bản thân của hiện tại, mỗi ngày đều làm những công việc y hệt, không có mục tiêu, cũng chẳng có tinh thần. Đi làm thì gọi là ứng phó cho có, tan làm chỉ muốn mau mau chóng chóng về nhà làm vài ván game."
Cậu ấy cười khổ rồi cúi gầm mặt xuống, nghịch nghịch nắp chai bia trong tay: "Mặc dù tôi không trông thấy được cuộc sống của 10 năm sau, nhưng tôi có thể thấy được mình của 10 tháng sau, chắc chắn là giống hệt với hiện tại."
Tôi cũng kha khá đồng cảm với những lời cậu ấy nói. Rất nhiều người sau khi tốt nghiệp đều nói rằng không muốn đi học tiếp nữa. Đừng nói là học thêm cái gì đó mới mẻ, đế đọc hết vài quyển sách cũng chưa chắc đã có mấy ai làm được. Để rồi khiến cuộc sống giống như "bèo dạt mây trôi", không hài lòng với trạng thái cuộc sống trước mắt, muốn thoát khỏi tình trạng "tê liệt" hiện tại, nhưng lại không đủ quyết tâm để thay đổi bản thân.
Tác giả của cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "Folding Beijing" từng nói: "Con người ta cuối cùng rồi cũng phải bước lên con đường mà ý chí thúc đẩy. Bạn có thể nhất thời chưa nhìn thấy trực tiếp cái ý thức này, nhưng lại có thể cảm nhận được sự cọ xát giữ nó và những vấp váp trong cuộc sống xung quanh mình."
"Cọ xát càng mãnh liệt, con người ta sẽ càng đau khổ. Bạn càng đau khổ, càng cho thấy bạn không hài lòng với cuộc sống, rằng ý chí của bạn và môi trường xung quanh không có sự tương đồng, vì vậy mà bạn bắt buộc phải đi thay đổi hoàn cảnh hiện tại."
Thay đổi, thực ra không hề khó. Sau khi đi làm, bạn vẫn có thể đặt ra mục tiêu cho mình, dành thời gian để nâng cao bản thân. Muốn trong 1 năm có thể nâng cao năng lực học tập và công việc, hãy bắt đầu từ 3 việc.
Đại học Harvard đã từng thực hiện một cuộc khảo sát về mục tiêu của sinh viên sắp tốt nghiệp, trong đó:
27% sinh viên không có mục tiêu; 60% sinh viên có mục tiêu không rõ ràng; 10% sinh viên có mục tiêu ngắn hạn khá rõ ràng; 3% sinh viên có mục tiêu dài hạn và rõ ràng.
25 năm sau, Đại học Harvard một lần nữa tiến hành một cuộc khảo sát thứ hai về những sinh viên này, và kết quả là:
Số 3% của 25 năm trước đều đang nỗ lực không ngừng nghỉ theo định hướng từng đặt ra, và hầu như đều trở thành những người thành công trong lĩnh vực mình theo đuổi.
10% sinh viên, những mục tiêu ngắn hạn của họ không ngừng được hiện thực hóa, trở thành những nhân vật chuyên môn trong các ngành nghề, lĩnh vực, phần lớn họ đều sống trong tầng trên của xã hội.
60% số sinh viên thì ổn định trong công việc và cuộc sống, nhưng không có thành tích gì quá nổi bật, sống ở tầng trung của xã hội.
27% không có mục tiêu còn lại, sống kiểu "vật vờ cho qua ngày", thường xuyên cảm thấy chán nản với cuộc sống, từ đó dẫn tới các tình trạng như trầm cảm hay lo âu…
Muốn thoát khỏi cảnh này, trước tiên hãy đặt ra cho bản thân một mục tiêu sống.
Một cuốn sách mang tên "Nghệ thuật chỉnh lý 4" có nói rằng: hãy xây dựng cho mình một bảng kế hoạch hoạt động thiết thực hàng ngày. Một thời gian biểu và kế hoạch hành động chặt chẽ có thể giúp định hướng, kiểm soát bản thân, loại bỏ dần tính lười biếng, uể oải trong học tập và làm việc của bản thân.
Lịch trình hàng ngày càng dài càng tốt, bởi lẽ vào cuối ngày, dù bạn đã hoàn thành được phân nửa hay tất cả, nó cũng đều sẽ mang lại cho bạn cảm giác thành tựu, rằng hôm nay mình đã làm được gì đó.
Quá trình lập kế hoạch thực chất là quá trình hoàn thiện bản thân. Bạn sẽ phát hiện ra rằng mục tiêu của mình đang dần trở nên rõ ràng, và bạn đang từng bước tiến gần hơn đến với mục tiêu.
Có người từng nói: "Sống, đừng buông thả mình, cũng đừng chỉ biết đi làm như một cái máy, hãy bước đi thật xa trong góc phần tư nơi bạn đã xác định được tọa độ của mình."
Mỗi một người đều có những phương thức sống khác nhau, nhưng muốn sống sao cho hết mình và hiệu quả, bạn không thể không đặt ra cho bản thân những mục tiêu và kế hoạch thật khả dụng và thực tế.
Rất nhiều người có lẽ đều từng có hành động như này: Ngồi trước màn hình tivi cắn hạt dưa, bất giác đã nhằn được 2 tiếng, dù môi tê rần rần rồi nhưng vẫn không dừng lại được. Nhưng nếu đổi lại là bảo bạn, chỉ cắn rồi để nhân tới cuối cùng mới ăn trong suốt 2 tiếng đồng hồ, có phải làm như vậy bạn sẽ cảm thấy rất nhạt nhẽo hay không?
Điều này xảy ra là do "chu kì phản hồi kéo dài". Tại sao lại nói vậy? Sở dĩ chúng ta thích cắn hạt dưa, đó là bởi vì 2 giây sau khi cắn hạt dưa, chúng ta ngay lập tức "nhận được phản hồi", lập tức được hưởng trọn vẹn thành tựu, đó là được ăn hạt dưa ngay. Trong khi, phản hồi được nhận lại của quá trình học tập lại thường khá lâu và chậm. Vì vậy, cuốn "Nghệ thuật chỉnh lý 4" đã chỉ ra rằng: "Điều mà quá trình học tập lâu dài cần không phải là sự kiên trì, mà là một cơ chế và phương pháp giúp chúng ta có thể kiên trì.
Trong lĩnh vực tri giác, có một thuật ngữ có tên là "affordance" (tạm dịch: "chức năng sẵn có"), hiểu đơn giản chính là "khiến con người ta bất giác làm một điều gì đó". Chẳng hạn như nhìn thấy rác trong giỏ xe, bạn bất giác muốn vứt rác đi; nhìn thấy màng xốp hơi, bạn bất giác muốn bóp các hạt bong bóng khí trên đó cho nó nổ.
Muốn hình thành nên thói quen học tập, quan trọng là phải thiết lập một cơ chế khiến ta bất giác muốn học.
Cơ chế này có thể là: Một nhóm người có chung mục tiêu học tập, nếu xung quanh bạn có những người như vậy, bạn sẽ thấy dũng khí của mình tăng gấp bội.
"Báo cáo" tiến độ học tập của bản thân trên mạng xã hội, đăng thời gian học, nội dung học tập của bạn trên các nền tảng xã hội khác nhau. Bằng cách tạo áp lực cho bản thân, khả năng thực thi của bạn sẽ được cải thiện đáng kể; Khi bạn đạt được tiến bộ trong học tập và làm việc, hãy tự thưởng cho mình một món tráng miệng ngon, để có sự tương tác thuận giữa việc ham học hỏi và nhận phần thưởng; Học theo kiểu "thị giác hóa", sau khi đặt ra mục tiêu học tập mà bạn muốn đạt được mỗi ngày, vào cuối ngày, hãy xem lại xem bạn đã hoàn thành mục tiêu này chưa.
Chỉ khi không quá phụ thuộc vào sự kiên trì, học cách đưa ra một cơ chế có thể thúc đẩy sự học hỏi liên tục, bản thân mới bất giấc muốn cải thiện chính mình.
Tôi từng đọc được một bài phỏng vấn về Yu Minhong, người sáng lập và chủ tịch của New Oriental Education & Technology Group Inc., một trong những tập đoàn giáo dục tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Có người hỏi: "Làm sao để tranh thủ thời gian học thêm cái gì đó trong khi bận rộn như vậy?"
Yu Minhong đã trả lời rằng: "Công việc của tôi quả thực rất bận rộn, thời gian để toàn tâm toàn ý cho việc đọc sách nhiều nhất cũng chỉ được vài ngày, vì vậy, tôi chỉ có thể tận dụng những quãng thời gian vụn vặt để đọc sách, gần 100 cuốn sách tôi đọc được trong năm về cơ bản đều là tranh thủ những khoảng thời gian vụn vặt để đọc."
Bất kể đi đâu, trong cặp ông lúc nào cũng phải có một cuốn sách. Trước đó mỗi lần đi công tác xa, vali ông lúc nào cũng phải có vài cuốn sách bên trong. Sau này khi sách điện tử trở nên phổ biến, ông sẽ tải về một vài cuốn rồi tận dụng quãng thời gian di chuyển để đọc.
Ở Bắc Kinh, bình quân mỗi ngày ông đều mất 2 tới 3 tiếng ngồi trên xe, và ông luôn tận dụng khoảng thời gian này để đọc sách hoặc xử lý công việc. Trên đường di chuyển, bất luận là trên tàu hỏa hay trên máy bay, ông đều tranh thủ tận dụng để đọc sách.
Sự khác biệt lớn nhất giữa con người xã hội và học sinh trong học tập nằm ở thời lượng học, con người xã hội vì còn phải đi làm nên thường không thể học được một cách liên tục.
Và cũng vì thời gian ngắn nên có thể "vào" hơn, tránh tình trạng mệt mỏi và nhàm chán vì học quá lâu.
Trong lĩnh vực khoa học quản lý thời gian, có một phương pháp gọi là "Phương pháp phô mai Thụy Sỹ", theo đó, bạn có thể sử dụng các khoảng thời gian rời rạc trong một nhiệm vụ lớn hơn mà bạn đang thực hiện, thay vì thụ động chờ đợi một thời gian hoàn chỉnh xuất hiện để làm một việc gì đó.
Sau khi thức dậy vào buổi sáng, quãng thời gian đợi xe khi đi hoặc tan làm, khi đợi ai đó, lúc ăn cơm, trước khi đi ngủ, chúng ta có thể sử dụng quãng thời gian rảnh rỗi này cho việc học tập thay vì lãng phí nó cho việc lướt điện thoại di động.
Một nhà văn từng nói: "Những khoảng thời gian vụn vặt là quý giá nhất, nhưng cũng dễ bị đánh mất nhất."
Trong thời đại khi mà việc tiếp cận tri thức ngày một trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần chúng ta tận dụng tốt những khoảng thời gian vụn vặt, mỗi ngày kiên trì học tập một chút, ta mới có thể tăng hiệu quả cá nhân và cuối cùng đạt được những điều mà mình mong muốn.
Tác giả Romain Rolland Trong cuốn "Jean-Christophe" có nói: "Một bộ phận lớn mọi người đều đã chết ở tuổi 20,30, bởi lẽ ở độ tuổi này, họ chỉ còn là cái bóng của mình, cuộc đời còn lại thực ra chỉ là đang mô phỏng lại chính mình, lặp lại ngày này tháng khác một cách máy móc và giả tạo hơn…"
Ở độ tuổi 20,30, đáng sợ nhất chính là sống kiểu thả trôi, nhàn rỗi, muốn ra sao thì ra.
Trong một xã hội với tiết tấu nhanh như hiện tại, mức độ nguy hiểm của kiểu sống "bèo dạt mây trôi" là lớn nhất. Người mà cái gì cũng không làm, cuối cùng rất dễ bị thời đại bỏ lại vì không kịp thích ứng.
Biết bao người sau khi đi làm đã quên mất cái quyết tâm, ý chí ban đầu của mình, quên đi mình đã từng vì một mục tiêu mà cố gắng đến nhường nào.
Không hài lòng với cuộc sống hiện tại, là chứng cứ cho thấy bạn muốn tiến bộ. Những khoản đầu tư mà bạn thực hiện khi còn trẻ, nhất định sẽ cho ra thành quả, chỉ khi không ngừng học hỏi, bạn mới gặp được một phiên bản tốt hơn của mình.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị