Thỉnh thoảng gặp mấy bà bạn già chỉ uống nước lá cây, rễ cây chi đó, ngoại cũng về làm theo, bớt hay không mấy đứa con cháu hỏi, ngoại cũng xua tay, thôi kệ bây à, sống nay chết mai, già rồi không đi đâu chữa trị cho hành cái xác.
Can ngăn riết, đám con cháu cũng quên béng đi. Đứa nào cũng bộn bề cơm áo gạo tiền với cuộc mưu sinh đời mình. Đứa gần cạnh ngoại thì cũng đầu tắt mặt tối với ruộng đồng sông nước. Có đứa lập thân những nơi xa xôi. Đôn đáo chuyện gia đình riêng tư mệt bở hơi tai. Lấy thời gian đâu nhớ hoài chuyện bệnh già của ngoại.
Chừng ngoại trở nặng, đi đứng khập khiễng, Út hết hồn, mếu máo năn nỉ, phần thêm con cháu làm rần rần chuyện chữa trị, ép uổng mãi, ngoại mới dùng dằng chịu lên Sài Gòn một chuyến.
Ngoại cả đời gắn liền với cái miệt bưng biền, sớm tối cũng chỉ đường làng bờ đê, lớn ròng con nước. Lần gần nhất ngoại lên cái đô hộ phồn hoa bậc nhất nước này, nhẩm tính cũng gần hai chục năm, từ bận ngoại gả đứa con gái Út theo chồng về miền đất hứa.
Ngoại chẳng muốn Út lấy chồng xa, vì ngoại thương Út nhất nhà. Đứa con mồ côi cha từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Nên hồi Út học trên Sài Gòn rồi quyết định ở lại luôn trên ấy làm việc, ngoại bắt đầu thấp thỏm lo âu, biết có ai đỡ nâng. Út đi qua thời thanh xuân với miệt mài cuộc bám trụ ở mảnh đất đầy khắc nghiệt. Nhà cửa khang trang hơn, nhưng ngoại lại càng thắt thẻo lòng dạ. Rồi Út trổ duyên muộn, ngoại dò xét vài bận, khe khắt với chàng rể mới nhiều hơn, cũng là vì ngoại muốn Út cập bến trong.
Vậy nên, trong cái tâm trí xưa cũ của ngoại, Sài Gòn đời não đời nào, xa xôi, đông đúc, khói bụi và trộm cướp, đã vậy ráo hoảnh tình người. Ờ thì lên, khám xong về liền nghen, chớ hổng quen ở lại xứ đó.
Ngoại hổng quen nhưng cũng ở lại gần cả tuần, rồi trước ngày về, ngoại chốt hạ, xứ gì lắm Lục Vân Tiên heng bây?
Đó là cái hôm tờ mờ sáng, Út đã dẫn ngoại xếp hàng bốc số trước cổng bệnh viện. Đang lo lắng vì dòng người từ những tỉnh xa đổ về mấy bệnh viện lớn trên Sài Gòn khám, thì có anh bảo vệ, tách đoàn người, ưu tiên mấy cụ ông, cụ bà, được bốc số trước, rồi dẫn vào vòng trong. Ờ vậy hay nè Út, sớm hôm gió máy vậy, già rồi ai chịu thấu. Ngoại cười nhẹ bâng.
Đó là cái bận, vào siêu thị to đùng, ngoại đi một đỗi mệt quá, Út lấy cái xe đẩy, cho ngoại ngồi lên, ngoại cười móm mém, dạo vòng vòng đến tối mịt mới chịu về. Thấy Út đẩy ngoại, nên người này nhắc người kia dạt ra nhường lối đi ưu tiên cho Út với ngoại. Rồi lúc ngoại đi vào toilet, lại được một cô gái trẻ nhường cho ngoại đi trước. Ngoài cười cám ơn rối rít. Tụi trẻ ở đây tốt tính thiệt hen Út?
Hay cái bữa ngoại ngồi coi truyền hình vụ cướp chiếc xe, mấy anh hiệp sĩ bị tụi cướp đâm trọng thương. Ngoại chậc lưỡi thở dài xa xót. Tội heng Út? Rồi người ta cho được nhiêu? Trời thần cả tỉ lận à! Đó, bởi ông bà mình dạy đâu có sai, phàm việc trượng nghĩa dù hy sinh tính mạng, người ta vẫn cứ làm, bây biết sao hông? Có luật nhân quả hết, ông trời có mắt mà. Người ta làm việc hợp lòng dân, đâu ai nghĩ đến mình sẽ nhận được gì. Cái họ cần là cần nhiều người hơn nữa nhìn vào sự hy sinh này mà sống tốt hơn. Thời này, người tốt vẫn còn đầy.
Rồi ngoại còn thấy nhiều nữa như chuyện ông già ăn xin hổng biết người dân xứ nào, tối tối lại ghé căn bậc thềm căn nhà khang trang đầu xóm mà ngủ bờ bụi. Chủ nhà vẫn thường để dành một phần ăn tối của gia đình dành cho ông. Thỉnh thoảng lối xóm cho cái mền mới, thay cái cũ đã nhàu nát, rách beng. Như chuyện bà giáo già về hưu, nhưng đêm nào nhà cũng sáng đèn dạy thêm cho tụi nhỏ con nhà nghèo của xóm lao động.
Ngót tuần ngoại về lại quê, xoa đầu thằng nhóc cháu đang buồn rười rượi lúc tiễn ngoại ra xe. Ngoại về chớ hông thôi mấy bà bạn ở quê cứ gọi hỏi thăm hỏi nom. Dăm bữa hay tháng tới ngoại lại lên heng. Sài Gòn giờ đẹp quá bây. Đất chật người đông nhưng chẳng khó sống. Xứ gì lắm Lục Vân Tiên à!
Ngoại cười hiền, nụ cười nhẹ hẫng cái nắng giữa hạ đang chói chang khắp thành phố.
Trúc Thiên