Trong căn phòng rộng chừng 15m2, ông Nguyễn Văn Thạch một tay cầm cưa, tay giữ chặt một đoạn thân tre, sau vài động tác "cò cưa kéo xẻ" một mảnh tre cong hình lưỡi liềm được cắt rời.
"Đây là sừng con trâu", nói rồi, ông quay sang lấy chiếc máy mài đưa tiếp vài đường cơ bản. Những đường vân cho cặp sừng con trâu xuất hiện, tiếp tục vài động tác lắp ghép là một chú trâu được hình thành.
Ông Nguyễn Văn Thạch lắp ghép 1 tác phẩm từ cây tre
"Thêm vài khâu xử lý chống mối mọt nữa là sản phẩm hoàn thành. Quy trình đơn giản lắm, dụng cụ chỉ có cưa tay, máy mài và 1 khúc tre "đầu thừa đuôi thẹo" là một con vật được tạo ra", ông Thạch nhìn vào con trâu nói.
Chiếc sừng trâu được người "nghệ nhân" tạo ra sau vài đường cắt, mài cơ bản
Vốn là hoạ sĩ thiết kế tại Đài truyền hình Việt Nam, đến tuổi nghỉ hưu, ông Thạch quyết định về quê ở xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) sinh sống. Tuổi nghỉ hưu, nhưng ông không muốn bản thân nhàn rỗi nên lại vẽ tranh, vừa thoả mãn đam mê vừa bán kiếm thu nhập.
Không chỉ có tài hội hoạ, ông Thạch còn có "ngón nghề" điêu khắc. Xuất phát từ trải nghiệm thực tế nên 3 năm nay, người hoạ sĩ lại tập trung vào việc tạo ra đa dạng các sản phẩm từ tre.
Các con vật ngộ nghĩnh được chế tác sinh động từ thân, gốc cây tre
Ông nói: "Tôi đi nhiều khu du lịch thấy rất ít sản phẩm từ tre, đi đâu cũng chỉ thấy chuồn chuồn tre. Trong khi tre là nguyên liệu rẻ, có thể xin được và sẵn có ở nhiều vùng quê nên tôi nảy ra ý tưởng tạo nên nhiều sản phẩm từ tre".
Các sản phẩm từ gốc tre già sẽ nổi như vân gỗ, rất bền
"Đoạn dài thì tôi đi mua, đoạn ngắn thì người ta cho. Việc chọn tre quan trọng nhất là phải già. Tre già sẽ có vân như gỗ trông rất bắt mắt. Khi tạo xong phần thô, tôi gọt giũa nhẵn bóng và đun sôi với oxy già để chống mối mọt. Sau khi phơi khô các sản phẩm được phun thêm một lớp sơn chống ẩm", ông Thạch tỉ mỉ nói về các công đoạn.
Tất cả các tác phẩm đều được ông Thạch tạo ra từ 100% các đoạn thân tre "đầu thừa đuôi thẹo"
Ông thạch chia sẻ, việc tạo ra tác phẩm với những gốc tre vô hồn khó nhất là ý tưởng. Việc cắt, gọt cũng khó hơn đồ gỗ rất nhiều. Gỗ dễ điêu khắc, tạo tác nhưng thớ tre rất dễ vỡ nên chỉ làm thủ công chứ không thể đem máy móc áp dụng như đồ gỗ.
Tuy nhiên, vốn sẵn "gen" hội hoạ trong người, ông Thạch dễ dàng dùng bút chì phác thảo mẫu thiết kế ra giấy rồi biến những đoạn thân tre thành tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, mỗi sản phẩm ra đời cái sau lại khác sản phẩm trước.
Một con rồng được chế tạo hoàn toàn từ thân và cành tre
Trong hơn 3 năm qua, ông Thạch đã tạo ra hàng trăm tác phẩm với hơn 50 mẫu sản phẩm độc đáo từ những thứ như ông nói "chỉ chỉ là đầu thừa đuôi thẹo". Chất liệu và màu sắc tự nhiên của tre làm cho những món đồ trở nên gần gũi, ngộ nghĩnh, phù hợp với các cháu nhỏ.
Ông cho "khoe" rằng, một số trường mầm non đã đặt hàng ông sản xuất hàng loạt để các cháu làm đồ chơi, vì tre thân thiện với môi trường.
Các con vật được tạo ra từ phần gốc tre đặc, trông như đồ gỗ.
"Các sản phẩm đầu tiên, tôi đều dùng keo gắn cố định các mối ghép lại, nhưng các cô giáo tư vấn tạo các khớp nối có thể tháo rời. Khi đó, các cháu có thể lắp ghép và tự tạo nên con vật. Thấy ý tưởng hay, tôi làm theo và nhận được sự phản hồi tích cực. Mối ghép không dùng keo thì con vật có thể "cử động" một cách sinh động", ông cho biết.
Các cháu nhỏ gần nhà cũng rất thích các con vật mà ông làm ra, vào ngày cuối tuần nhiều cháu sang xem và phụ ông Thạch làm.
Ông Thạch bộc bạch, không chỉ thoả đam mê công việc trên còn tạo nên thu nhập. Bởi, mỗi sản phẩm tre được làm ra có giá bán khoảng 100-200 nghìn đồng. Do đó, ban đầu 1 số người muốn theo học nghề nhưng ông từ chối.
Những tác phẩm ông Thạch lấy cảm hứng từ các chuyến đi dạy nghề ở tỉnh miền núi
Tuy nhiên, sau khi biết về các hoàn cảnh đồng bào khó khăn ở miền núi, đặc biệt các vùng du lịch có nhiều điều kiện để tạo ra các sản phẩm từ tre bán cho du khách, cải thiện thu nhập cho bà con nên ông thay đổi suy nghĩ. Từ đó, ông thực hiện nhiều chuyến đi thiện nguyện dạy nghề miễn phí cho bà con vùng cao ở Sơn La, Hòa Bình…
Chú thỏ được tạo ra hoàn toàn phần gốc tre
"Những lần đi thực tế tôi thấy du khách, đặc biệt khách nước ngoài rất thích các sản phẩm thủ công. Họ chăm chú xem tôi "biểu diễn" và mua sản phẩm ngay sau đó. Nếu các vùng du lịch làm ra được sản phẩm này, có thể tăng thu nhập cho bà con và hấp dẫn khách du lịch", ông Thạch kể lại.
Từ suy nghĩ đến hành động, thời gian gần đây, ông Thạch liên tục nhận lời dạy nghề miễn phí cho bà con vùng du lịch. Ông Thạch cho biết, với 5 buổi học mọi người có thể thành thục việc tạo ra sản phẩm. Những ai không lên ý tưởng thiết kế được, ông lại tỷ mỉ kết bạn qua mạng xã hội để gửi mẫu cho người dân làm theo.
Nhiều bạn nhỏ thích thú với đồ chơi bằng tre
Với mong muốn lan tỏa ý tưởng đến nhiều người, ông Nguyễn Văn Thạch còn chia sẻ video cách làm đồ chơi bằng tre trên mạng xã hội. Chỉ với chiếc cưa, chiếc đục, giấy ráp đánh bóng là những ông bố, bà mẹ có thể tự tay làm đồ chơi cho con.
Đó là điều mà nhiều năm qua, người họa sĩ vẫn đau đáu, mong muốn các cháu nhỏ có thể vui chơi với các món đồ gần gũi, thân thiện, từ đó bớt lạm dụng vào mạng xã hội và các trò chơi điện tử.
Chú cào cào được tạo hình rất sinh động từ phần cành của cây tre
Chú trâu với tất cả các bộ phận đều dễ dàng tháo rời qua các mối nối
Hình ảnh chú mèo
Những con chuột
Chú hổ được tạo hình và tạo sọc vằn bằng máy mài
Tác phẩm tranh vẽ của hoạ sĩ Nguyễn Văn Thạch
Doanh nghiệp & tiếp thị