Tự do đầu tiên và cuối cùng - Tại sao bạn khao khát?

08/08/2020 08:30
Tự do đầu tiên và cuối cùng - Tại sao bạn khao khát?

Với đa số chúng ta, khao khát đúng là một vấn đề: khao khát của cải, địa vị, quyền lực, tiện nghi, khao khát được thương yêu, có một mối quan hệ trường tồn, một điều gì đó vượt ngoài thời gian. Vậy khao khát là gì? Cái thứ đang thúc giục, lôi kéo chúng ta là gì đây?

         

Tôi không cho rằng chúng ta nên thỏa mãn với những gì mình có hoặc hài lòng với hiện trạng của mình, vì điều đó đi ngược với điều chúng ta mong muốn. Chúng ta gọi điều này là “sự thay đổi”. Khi bất mãn với một đối tượng khao khát cụ thể nào đó, chúng ta tìm một đối tượng khác thay thế. Và chúng ta đang không ngừng di chuyển từ đối tượng khao khát này sang đối tượng khác mà chúng ta coi là cao cấp hơn, quý giá hơn, tinh tế hơn. Nhưng dù tinh tế đến đâu đi nữa thì khao khát vẫn là khao khát, và trong quá trình hoạt động của khao khát sẽ có sự đấu tranh không ngừng, có sự xung đột của những bên đối lập.

Khao khát chính là biểu tượng và cảm giác về đối tượng muốn đạt được của nó. Biểu tượng có thể là một bức họa, một người, một từ, một cái tên, một hình ảnh, một ý niệm gây cho ta một cảm giác, làm cho ta thấy thích hay không thích nó. Nếu cảm giác đó vui vẻ, thì ta muốn đạt được, sở hữu, bám víu vào biểu tượng của nó và an trú trong niềm khoái lạc đó. Thỉnh thoảng, tùy theo khuynh hướng và cường độ cảm xúc, ta thay đổi bức họa, hình ảnh, đối tượng đó.

Cứ một dạng thức khoái lạc mãi thì ta cũng cảm thấy mệt mỏi, chán ngấy, vì vậy ta tìm kiếm một cảm giác mới, một ý tưởng mới, một biểu tượng mới. Ta khước từ cảm giác cũ và tiếp nhận một cảm giác mới, với những từ ngữ, ý nghĩa và trải nghiệm mới mẻ. Ta chống lại cái cũ và khuất phục trước cái mới. Do đó, trong khát khao có kháng cự và quy phục, bao gồm sự cám dỗ. Và dĩ nhiên, khi đầu hàng trước một biểu tượng khao khát cụ thể nào đó thì luôn luôn có nỗi sợ thất vọng.

Vấn đề của chúng ta là hiểu được khao khát, hiểu được toàn bộ quá trình của dục vọng, của thèm muốn, ước ao, của lòng khao khát bỏng cháy. Đa phần chúng ta nghĩ rằng sở hữu thật ít vật chất là biểu hiện của thoát khỏi dục vọng – và chúng ta tôn sùng những người thanh bạch coi thường vật chất! Quấn một cái khố, khoác một tấm áo choàng thật ra chỉ tượng trưng cho khao khát thoát khỏi dục vọng của chúng ta mà thôi. Song một lần nữa, nó là một phản ứng rất cạn cợt, bề ngoài.

Tại sao lại bắt đầu ở mức độ nông cạn là khước từ việc sở hữu bên ngoài trong khi tâm trí lại có vô số ham muốn, vô số khao khát, niềm tin, đấu tranh? Chắc chắn cuộc cách mạng nội tâm phải diễn ra ở đó, chứ không phải là bạn sở hữu bao nhiêu, bạn mặc gì, hay ăn bao nhiêu bữa trong ngày. Tuy nhiên, chúng ta lại quá chú trọng tới những thứ này bởi vì tâm trí của chúng ta rất hời hợt.

Khi bạn có một kinh nghiệm nó sẽ cho bạn một cảm giác nào đó, một cảm xúc vui sướng hoặc phiền não. Theo phản ứng tự nhiên, bạn cố gắng gạt qua một bên trạng thái phiền não; nhưng nếu đó là cảm giác sung sướng, là niềm vui thì bạn sẽ theo đuổi nó. Trải nghiệm của bạn đã sản sinh ra một cảm giác vui sướng và bạn muốn nó nhiều hơn. Do đó, tâm trí không thể trải nghiệm được bất cứ thứ gì mới, và nó cũng không có khả năng trải nghiệm bất cứ điều gì mới mẻ, bởi vì cách tiếp cận của nó là luôn luôn thông qua ký ức, thông qua sự công nhận.

Nếu bạn hiểu được rằng để cho cái mới tác động không ngừng lên tâm trí là quan trọng, thì lúc đó, có lẽ bạn sẽ hiểu quá trình của khao khát, của lề thói hằng ngày, của nỗi buồn chán, và sự thèm muốn trải nghiệm liên tục. Và tôi nghĩ bạn sẽ bắt đầu thấy rằng khao khát chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc sống đối với một người đang thực sự tìm kiếm.

Rõ ràng là có những nhu cầu vật chất nhất định như thức ăn, quần áo, nơi trú ẩn và những thứ đại loại như vậy. Song chúng không bao giờ trở thành những thèm muốn về mặt tâm lý, những thứ mà dựa trên đó tâm trí xây dựng chính nó thành một tâm điểm của dục vọng. Vượt qua khỏi các nhu cầu vật chất đó, bất cứ dạng thức khao khát nào – về sự cao thượng, về chân lý hay về đức hạnh – đều trở thành một quá trình tâm lý, và nhờ quá trình này, tâm trí xây dựng nên ý niệm về cái “tôi” và tự củng cố chính nó tại tâm điểm đó.

Jiddu Krishnamurti (12/5/1895–17/2/1986) là một tác gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về triết học và các vấn đề tinh thần. Toàn bộ tác phẩm của Jiddu Krishnamurti và các tác phẩm viết về ông tương đương với khoảng 400 quyển sách cỡ trung. Đã có trên 70 đầu sách tổng hợp nội dung từ những buổi diễn thuyết, thảo luận trên khắp thế giới của Krishnamurti được phát hành và tái bản nhiều lần. Ông được trao tặng Huân chương Hòa Bình của Liên Hợp Quốc vào năm 1984.

Theo Tự do đầu tiên và cuối cùng – First News

Nhập mã MGG5FN giảm thêm 5% khi mua sách "Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng" tại: https://bit.ly/tudodautien-fhs. Thời gian sử dụng đến ngày: 15/8/2020.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025