01
Trong một buổi dã ngoại, thầy giáo dẫn một đám học trò nhỏ tuổi vào rừng. Tới trước hai cái cây, thầy giáo bèn dừng lại và hỏi học trò nên chặt cây to hay cây nhỏ.
Đám học trò nhỏ nghe thấy câu hỏi liền nhao nhao giơ tay trả lời:
- Tất nhiên là chặt cây to hơn rồi ạ.
- Các em lưu ý, cây to kia chỉ là một cây bạch dương bình thường. Còn cây nhỏ kia lại là một cây thông đấy. Vậy, bây giờ các em sẽ chặt cây nào? - thầy giáo cười tươi hỏi lại.
Chắc hẳn đám trò nhỏ nghĩ tới giá trị của cây thông nên đã t đáp lại:
- Vậy chặt cây thông ạ vì cây bạch dương không đáng bao nhiêu tiền!
- Nhưng các em sẽ chặt cây nào nếu thân cây bạch dương thẳng tắp, còn cây thông hơi xiêu vẹo?
- Vậy chúng em vẫn chọn chặt cây bạch dương. Một thân cây thẳng tắp chắc chắn sẽ dùng được vào nhiều việc hơn ạ.
Những tưởng đã nhận được sự đồng ý của thầy giáo nhưng sau đó, đám học trò nhỏ lại tiếp tục nhận về một câu hỏi nữa:
- Thân cây bạch dương tuy thẳng tắp, nhưng phần giữa mục rỗng vì là cây lâu năm. Theo các em, chặt cây nào sẽ tốt hơn?
- Cây bạch dương già cả thế chắc chắn chặt xong cũng không thể làm gì được với phần giữa mục rỗng. Lại chặt cây thông ạ!
- Một giả thiết nữa, dù cây thông ở giữa không mục rỗng, nhưng thân cây xiêu vẹo, gây khó khăn cho việc chặt. Giữa cây bạch dương và cây thông, ta sẽ chặt gốc nào?
- Vậy chặt cây bạch dương vì nên chọn cây dễ chặt để không tốn sức! Dù sao cũng chẳng dùng được cây nào mà thầy.
Thầy giáo vẫn tiếp tục đưa giả thiết:
- Thế nhưng có một tổ chim trên cây bạch dương, mấy con chim non đang ở trong ổ, các em sẽ chặt gốc nào?
Đúng lúc này, có trò lên tiếng hỏi:
- Nhưng rốt cuộc thầy cứ hỏi chặt cây để làm gì ạ? Hôm nay chúng ta tới rừng để học chặt cây sao? Hay thầy muốn nói gì cho chúng em vậy?
Thầy bỗng trở nên nghiêm nghị:
- Ồ tại sao các em không tự hỏi mình xem chặt cây để làm gì? Thầy có thể đưa ra các điều kiện nhưng việc chặt cây như thế nào xuất phát từ lí do ban đầu của các em. Nếu muốn lấy củi, nên chọn chặt cây bạch dương còn để làm hàng mỹ nghệ, hãy chặt cây thông.
02
Đoạn hội thoại giữa thầy giáo và đám trò nhỏ không chỉ dừng lại như vậy. Câu hỏi cuối cũng nha lời nhắn nhủ của thầy giáo dành cho đám trò nhỏ: "Nhưng thầy tin rằng các em sẽ không vô duyên vô cớ cầm theo búa lên núi chặt cây chứ?".
Thầy giáo cứ đưa hết câu hỏi này tới câu hỏi kia, đổi hết điều kiện nọ sang điều kiện khác để đám trò nhỏ liên tục phải suy nghĩ và thay đổi câu trả lời. Tuy nhiên, chúng chỉ nghĩ đơn giản rằng bài học ngày hôm ấy là bài học chặt cây hay nên sử dụng cây nào trong những điều kiện khó khăn như thế.
Nhưng không, bài học mà thầy giáo muốn đưa tới không chỉ cho đám trò nhỏ mà còn cho bất cứ ai đang đọc bài viết này. Khi chúng ta có mục tiêu sẵn từ trước, chắc chắn tâm trí sẽ không bị lung lay mỗi khi điều kiện thay đổi hay những yếu tố không mong muốn bỗng mê hoặc.
Bởi một khi tư tưởng thông suốt, chúng ta mới có thể kiên trì để theo đuổi và bám chắc mục tiêu mình sẽ làm. Cứ thay đổi liên tục câu trả lời, chẳng biết rõ mình sẽ và cần làm gì như đám trò nhỏ, có lẽ bạn sẽ chẳng thành công ở bất cứ việc gì.
"Có chí thì nên", một khi đã đổ dồn hết tâm trí vào mục tiêu trước mắt chắc chắn không gì có thể thay đổi hay khiến ta chệch hướng. Hơn nữa, người luôn tập trung, hướng tới mục tiêu công việc của mình chắc chắn sẽ nhận được những bài học quý giá. Thành công sẽ là điều chắc chắn đến với họ. Còn những kẻ khờ chỉ biết làm theo "gió chiều nào theo chiều ấy", không giữ vững lập trường khó mà làm được đại sự trong đời.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị