Với những người có mặt hôm ấy, câu nói cuối cùng biên đạo múa người Thụy Điển Alexander Ekman trong bộ phim là một chia sẻ khó quên: “Cận kề với cái chết để rồi quay trở lại sự sống và từ không tồn tại về lại tồn tại, tôi nhận ra mình hạnh phúc biết mấy bởi chỉ khi tồn tại tôi mới ý thức được chính mình và xung quanh”. Cũng chính câu nói ấy đã dẫn lối nhiều người nhớ lại những bài học quý giá ở loạt ba cuốn sách đáng chú ý gần đây: Trở về từ cõi sáng, Mật mã sự sống, Trải nghiệm cận tử.
Cả ba tập sách trên đều nói đến trải nghiệm cận tử của con người. Không như một bộ phim tài liệu với hình ảnh, âm thanh trực quan, ba cuốn sách vẫn có được sức cuốn hút riêng bằng các câu chuyện thực tế lẫn sự chiêm nghiệm của những người đứng trước ngưỡng cái chết và các chuyên gia y khoa trong lĩnh vực này.
Nổi tiếng với các tác phẩm dịch thuật như Hành trình về phương Đông, Đường mây qua xứ tuyết… Một lần nữa, dịch giả Nguyên Phong lại làm người đọc bất ngờ bởi văn phong lôi cuốn và lối dịch thuật phóng khoáng của ông trong tác phẩm Trở về từ cõi sáng. Cuốn sách là một nỗ lực của dịch giả Nguyên Phong trong việc chuyển tải những trang viết thú vị của hàng loạt tập sách về trải nghiệm cận tử.
Ở Trở về từ cõi sáng, người đọc sẽ bắt gặp những câu chuyện được ghi lại trong các tác phẩm nổi tiếng: Ánh sáng cứu chuộc, Cuộc sống sau cái chết, Vào trong cõi sáng… Qua cách sắp xếp hợp lý các chương sách, dịch giả Nguyên Phong đã cùng với người đọc đi tìm ý nghĩa của cuộc sống.
Đâu đó là câu chuyện về bà Hary Houghton, 68 tuổi, trong giây phút cuối cùng giao thoa giữa sự sống - cái chết, bà đã tìm được ý nghĩa cuộc đời mình và quyết định tiếp tục sống để chuộc lại lỗi lầm quá khứ. Đâu đó là những dòng chữ chất chứa suy nghiệm của những danh sư: “Điều mà chúng ta gọi là chết chỉ là cởi đi một chiếc áo cũ. Khi thay đổi y phục, bạn đâu hề thấy mình, bạn chỉ bỏ đi cái áo mà bạn đang mặc đó thôi. Cái áo có thể được cất vào tủ hoặc vứt bỏ, nhưng người mặc nó chắc chắn vẫn còn. Bạn thương yêu người ấy chứ đâu phải thương yêu chiếc áo của người ấy”.
Cuốn sách đã đi xa hơn mỗi câu chuyện nó mang lại, Trở về từ cõi sáng không chỉ an ủi những người đứng trước cảnh tử biệt mà còn đem đến người đọc những truy vấn về cuộc đời, cái chết, tình yêu… Liệu rằng điều gì mới quan trọng với chúng ta? Là hơi thở hay trái tim nhân ái cho đồng loại? Là hy vọng về một người đã chết được trở về hay niềm tin rằng cuộc sống ở đâu cũng sẽ đẹp khi chúng ta mở lòng mình?
Như một sự tình cờ, dẫu cho không có tham vọng trả lời những câu hỏi được gợi mở trong Trở về từ cõi sáng, thế nhưng tập sách Mật mã sự sống được bác sĩ Mark Pitstick chấp bút lại có những kiến giải mang tính triết học về trải nghiệm cận tử.
Mật mã sự sống là một cuộc đối thoại mở của 12 chuyên gia trong lĩnh vực cận tử bao gồm các bác sĩ, nhà tâm lý học, nhà thần kinh học, diễn giả. Tựa những thước phim tài liệu, họ cùng nhau lần lượt trả lời các câu hỏi về bản thể, căn tính: Tôi là ai? Điều gì sẽ xảy ra khi tôi chết? Tại sao chúng ta phải đau khổ? Điều gì sẽ xảy ra với linh hồn những người tự tử?...
Để người đọc tiếp cận với những lập luận xa hơn về trải nghiệm cận tử, bác sĩ Mark Pitstick đã đưa ra các kiến giải mạch lạc cho bốn lý do con người có mặt trên Trái đất. Ông cho rằng sự hiện diện của con người nhằm mục đích phục vụ lẫn nhau, thực hiện các cuộc phiêu lưu để đương đầu với thử thách, phát triển bản thân và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp ở khắp mọi nơi. Những ý tưởng của Mark Pitstick đã kéo người đọc đến gần hơn với suy nghĩ của cây bút Anita Moorjani trong Mật mã sự sống. Trải qua cảm giác cận kề cái chết ở giai đoạn cuối căn bệnh ung thư, Anita Moorjani đã tìm lại được mục đích sống của mình, biết trân trọng bản thân và băng qua nỗi sợ hãi.
Cuốn sách hẳn phải khiến người đọc không khỏi giật mình bởi các suy nghĩ đầy nhân văn khi thảo luận về nỗi đau tâm hồn của những người tự tử. 12 chuyên gia trong tập sách đã không ngần ngại ủng hộ biện pháp “an tử” (cái chết êm ái cho những người đang chịu đựng các căn bệnh hiểm nghèo), mặc cho đây là một vấn đề được tranh cãi gay gắt hàng chục năm qua.
Mật mã sự sống đã tạo ra một ranh giới mới cho mỗi người đọc về giá trị thật sự của cuộc sống, cho phép chúng ta tái ý thức bản ngã và tìm ra hướng đi đúng đắn của đời mình. Bên cạnh đó, cuốn sách còn là một không gian mở để người đọc tham gia suy nghĩ, chất vấn các luận điểm bởi sự bố trí xen kẽ những ý kiến chuyên gia về cùng một vấn đề.
Nếu Trở về từ cõi sáng thu hút người đọc bởi những câu chuyện thực tế, Mật mã sự sống là những cuộc thảo luận thú vị về giá trị con người - cuộc đời, thì cuốn sách Trải nghiệm cận tử của Tiến sĩ Penny Sartori lại như một công trình nghiên cứu thu nhỏ về chủ đề này.
Chỉ vỏn vẹn 150 trang sách, tác giả đã đem đến cho độc giả những lý giải tường minh về định nghĩa, tính chất, biểu hiện của trải nghiệm cận tử. 21 năm công tác và nghiên cứu những trường hợp đặc biệt tại phòng cấp cứu ở các bệnh viện khắp nước Anh đã cho Tiến sĩ Penny Sartori một góc nhìn khoa học đối với lĩnh vực này.
Trong cuốn sách của mình, Penny Sartori đã cung cấp cho người đọc những chỉ dẫn rõ ràng để nhận biết trải nghiệm cận tử mỗi khi chúng ta nghe ai đó miêu tả chúng. Không chỉ vậy, bà còn nhấn mạnh việc chăm sóc bản thân để có cơ thể lành mạnh hoặc giải phóng nỗi sợ hãi với những ai đang đối mặt với cái chết.
Tiến xa hơn, tác giả Penny Sartori đã thực hiện những khảo cứu về trải nghiệm cận tử ở các nền văn hóa, tín ngưỡng khác nhau: từ các bộ lạc ở New Zealand cho đến các quốc gia xa xôi ở tận châu Phi, châu Á. Điều này đã góp phần mở rộng phạm vi theo dõi của người đọc để thấu hiểu những biểu hiện đa dạng của trải nghiệm cận tử.
Mặc dù lĩnh vực này đã được bàn luận rất nhiều ở các nước phương Tây từ thập niên cuối của thế kỷ trước, vậy nhưng, ở Việt Nam chúng vẫn còn là một vấn đề mới mẻ. Cả ba cuốn sách Trở về từ cõi sáng, Mật mã sự sống, Trải nghiệm cận tử không chỉ là một cánh cửa để người đọc khám phá quá trình chết, ý nghĩa của cái chết, những câu chuyện sinh ly tử biệt mà còn là một lối đi mới để chúng ta hiểu hơn về sự sống.
“Tôi hy vọng sự hiểu biết sâu sắc của chúng ta đối với trải nghiệm cận tử sẽ ảnh hưởng to lớn đến những người mắc bệnh hiểm nghèo và hấp hối… Chúng ta sẽ góp phần thúc đẩy tình trạng khỏe mạnh thể chất, sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta trở nên vị tha hơn, tỉnh thức hơn và cũng khoan dung hơn” - Tiến sĩ Penny Sartori chia sẻ trong Trải nghiệm cận tử.
Có lẽ sẽ còn xa lắm chúng ta mới đạt đến sự thấu hiểu hoàn toàn về trải nghiệm cận tử. Thế nhưng, những hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp hơn vẫn còn đó, tựa những tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả khi nghe biên đạo múa Alexander Ekman thốt lên hai tiếng “hạnh phúc” khi vừa khám phá được ý nghĩa cuộc đời.
Nhật Chi