Tác phẩm “Thiết kế một cuộc đời đáng sống” truyền đi thông điệp tư duy thiết kế chính là thứ giúp bạn chuyển từ cuộc đời bạn nên sống sang cuộc đời bạn muốn sống.
Chúng ta ai cũng chật vật với vô số câu hỏi về cuộc đời, công việc, ý nghĩa và mục đích sống. Ngay cả Bill và Dave cũng phải khẳng định ngay trong phần đầu của cuốn sách: “Bạn có những vấn đề của riêng bạn. Những người mà bạn quen biết cũng có những vấn đề của riêng họ. Tất cả chúng ta đều có vấn đề của riêng mình".
Sách Thiết kế một cuộc đời đáng sống. |
Hai nhà thiết kế đến từ Đại học Stanford đã chia vấn đề thành hai loại: “vấn đề kỹ thuật” và “vấn đề thiết kế”. Vấn đề kỹ thuật, ví dụ như làm sao để tạo ra máy tính hoạt động tốt trong 5 năm, có thể được giải quyết bằng cách thu thập dữ liệu, tạo ra bản mẫu, vạch ra giải pháp tối ưu. Nhưng với vấn đề thiết kế, chúng ta chẳng có một cái gì trước đó để phát triển tiếp, cũng không có yêu cầu cụ thể mà phải bắt đầu mọi thứ từ con số 0.
Đó cũng là bản chất của việc thiết kế cuộc sống: Bạn mong muốn có một cuộc sống hoàn hảo, nhưng chưa có giải pháp cụ thể nên cần động não, thử nghiệm, ứng biến đến khi tìm ra điều gì thật sự hiệu quả.
Tư duy thiết kế sẽ giúp bạn làm được điều đó. Cho dù bạn là ai, làm gì, tuổi tác như thế nào, bạn vẫn có thể ứng dụng phương pháp tư duy này để tạo ra những điều thú vị, ý nghĩa và trọn vẹn cho cuộc đời mình. “Một cuộc sống được thiết kế chỉn chu sẽ có khả năng tự làm mới chính nó, đó là một đời sống sáng tạo, phong phú, luôn biến đổi, tiến triển và không bao giờ thiếu những bất ngờ thú vị".
Để giúp người đọc tư duy như một nhà thiết kế, cuốn sách Thiết kế một cuộc đời đáng sống đưa ra 5 kiểu tư duy phổ biến và cách áp dụng vào thiết kế cuộc sống. 5 công cụ tư duy này lần lượt là: tính hiếu kỳ, thiên hướng hành động, tái định dạng nhận thức, nhận thức đúng đắn và cộng tác thiết yếu.
Trên nền tảng này, hai tác giả Bill Burnett và Dave Evans bắt đầu dẫn người đọc vào quá trình thực hành tư duy thiết kế. Bước đầu tiên là bạn cần tìm ra vị trí hiện tại của bạn. Nói cách khác, chúng ta cần đi tìm bản chất của vấn đề.
Rất có thể trên hành trình này, bạn sẽ nhầm lẫn giữa vấn đề thực sự và “vấn đề trọng lực”. Nhưng hãy nhớ rằng nếu ta không thể hành động để giải quyết một vấn đề, thì đó không phải là vấn đề, mà là một tình huống, trường hợp nào đó, hoặc một sự thật hiển nhiên trong cuộc sống. Cách tốt nhất là hãy chấp nhận nó, cũng chính là chấp nhận vị trí bạn đang ở trong thời điểm hiện tại.
Chỉ khi biết mình đang ở đâu, bạn mới có thể tạo ra chiếc la bàn định hướng. Đồ họa: Justina Lei |
Chỉ khi biết mình đang ở đâu, bạn mới có thể tạo ra chiếc la bàn định hướng cho chính mình. Hãy viết ra những quan điểm làm việc và quan điểm cuộc sống bằng cách trả lời những câu hỏi, như bạn làm việc vì mục đích gì, điều gì khiến cuộc sống có ý nghĩa, cuộc sống của bạn có tác động gì đến cuộc sống của người khác… Đây chính là bài tập thử nghiệm quan điểm.
Tiếp theo, bạn sẽ làm quen với những bài tập thực hành như viết nhật ký cảm xúc, lập sơ đồ tư duy, lên kế hoạch phiêu lưu, thử nghiệm phỏng vấn thiết kế cuộc sống, tái định hình công việc mơ ước… Hãy thật trung thực với tình hình của bạn hiện tại và kiên trì luyện tập những lối tư duy này để đạt được hiệu quả tối đa.
Khép lại cuốn sách, hai tác giả chia sẻ câu chuyện của những người đã áp dụng tư duy thiết kế và thay đổi cuộc sống: “Thiết kế cuộc sống là một quá trình biến đổi cách bạn nhìn nhận cuộc sống của mình, kết quả cuối cùng của một cuộc sống được thiết kế tốt chính là một cuộc sống được trải nghiệm trọn vẹn".
Với tư duy thiết kế, bạn sẽ suy nghĩ thấu đáo hơn, tìm ra điều mình thật lòng muốn, mẫu hình mình thật sự muốn trở thành và cách tạo dựng một cuộc sống thành công.