Guồng quay khoái lạc (hedonic treadmill) – đôi khi được gọi là hiệu ứng thích nghi với khoái lạc (hedonic adaptation) – là khái niệm cho rằng chúng ta sẽ duy trì những mức độ hạnh phúc tương đối ổn định bất kể các sự kiện chúng ta gặp phải là tích cực hay tiêu cực. Một người trong guồng quay khoái lạc sẽ cố gắng tìm kiếm hạnh phúc bằng cách không ngừng theo đuổi niềm vui, thay vì tìm kiếm sự đủ đầy thông qua một cuộc sống có ý nghĩa khi bạn được thể hiện bản thân, nhận ra và phát huy hết tiềm năng của mình.
Hãy tưởng tượng một người trẻ tuổi lớn lên trong nghèo khó và thuộc tầng lớp lao động. Hồi còn nhỏ, anh thường mơ ước sẽ có một căn hộ của riêng mình. Anh nghĩ đó là tất cả những gì anh cần để cảm thấy hạnh phúc. Anh gặp nhiều thuận lợi và mọi chuyện anh làm cũng cho ra kết quả tốt đẹp. Ở tuổi hai mươi hai, anh học xong đại học, có việc làm ổn định và có căn hộ của riêng mình. Anh cảm thấy hạnh phúc.
Nhưng hai năm sau đó, bạn của anh chuyển từ thuê căn hộ sang thuê cả một ngôi nhà, và căn hộ của anh bỗng trở nên tầm thường so với ngôi nhà kia. Anh làm việc chăm chỉ, được thăng chức và cuối cùng cũng có thể thuê được một ngôi nhà. Ban đầu, anh thấy rất phấn khởi; nhưng một năm sau đó, bạn của anh mua nhà. Anh lại tiếp tục nỗ lực, và bây giờ kỳ vọng của anh về những thứ khiến mình hạnh phúc đã đắt đỏ hơn nhiều.
Bản thân việc không ngừng cải thiện và phát triển không có gì sai. Việc bạn đặt ra mục tiêu, đạt được mục tiêu và sau đó đặt mục tiêu cao hơn cũng không có gì sai. Nhưng động lực không ngừng thôi thúc bạn phải đạt được nhiều hơn nữa thì có thể trở nên tai hại, nếu bạn không ý thức được động cơ của mình hay không nhận ra được thực tế là bạn đã bị cuốn vào guồng quay khoái lạc.
Nếu nghĩ rằng cảm giác đủ đầy và niềm hạnh phúc của bản thân chỉ có thể đến từ niềm vui bên ngoài, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong guồng quay khoái lạc và không bao giờ thấy đủ, cho dù ta kiếm được bao nhiêu tiền, nắm bao nhiêu quyền lực và có địa vị cao đến đâu.
Bạn sẽ chỉ cảm thấy thoải mái hơn với việc chi tiêu ít đi khi nhận ra được thực tế là bạn đang bị cuốn theo guồng quay khoái lạc. Một yếu tố đã góp phần tạo nên thực tế đó chính là niềm tin sai lầm rằng việc thỏa mãn những ham muốn của bản thân sẽ duy trì những cảm giác tích cực như hạnh phúc và thỏa mãn. Đây là cái bẫy của chủ nghĩa tiêu dùng. Mua sắm một chút có thể khiến bạn thấy vui, nhưng mua sắm vô độ thì không.
“Tài chính cho mọi người”: Cẩm nang xây dựng ‘mối quan hệ lành mạnh’ với tiền bạc. Top sách đáng đọc năm 2022 (theo Fortune). Top 15 best-seller hạng mục Education Funding trên Amazon.