Thực phẩm đã rã đông không nên bỏ lại trong tủ lạnh - Ảnh: Internet
Dưới đây là những cách rã đông thực phẩm an toàn nhất:
Rã đông ngay trong ngăn mát tủ lạnh
Ưu điểm lớn nhất của cách làm này so với rã đông ở nhiệt độ phòng chính là sau khi rã đông, chúng ta có thể để chúng thêm 1 - 2 ngày nữa mới chế biến vẫn không sao, hoặc có thể để ngược lại tủ đông nếu thay đổi quyết định chế biến.
Rã đông bằng nước lạnh
Cách rã đông này khá an toàn nhưng đòi hỏi bạn phải đóng gói thật kỹ thực phẩm để nước không ngấm vào. Nếu có điều kiện, bạn có thể xả thực phẩm dưới vòi nước hoặc thay nước liên tục cứ sau mỗi 30 phút. Nhược điểm lớn nhất của cách làm này chính là phải sử dụng ngay sau khi rã đông.
Rã đông bằng lò vi sóng
Đây là cách rã đông an toàn nhưng chỉ phù hợp với các loại thực phẩm chế biến ngay, vì một phần thịt có thể đã bị chín trong quá trình rã đông. Nếu không dùng hết phần thực phẩm, bạn có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, tuy nhiên trước đó, bạn phải nấu chín lại, vì thực phẩm có thể đã nhiễm vi sinh.
Không nên rã đông theo những cách này
- Rã đông thực phẩm bằng việc sử dụng nước nóng: Nước nóng có thể làm cho lớp ngoài của khối thịt rã đông nhanh nhưng cũng tạo nhiệt độ thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, từ đó làm miếng thịt bị nhiễm khuẩn, mất chất dinh dưỡng.
- Rã đông thực phẩm sau đó lại cấp đông lại và rã đông cho lần sau: Thực phẩm sau khi rã đông có nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn. Do đó, nguy cơ mất hết chất dinh dưỡng cũng như gây ngộ độc thực phẩm cực cao. Tốt nhất chỉ nên cấp đông thực phẩm đủ ăn trong 1 tuần, chia thực phẩm thành gói nhỏ để cấp đông, rã đông thực phẩm ở gói nào phải chế biến hết.
- Cho thực phẩm vào dầu nóng để rã đông: Bạn cho thực phẩm đông lạnh ra khỏi tủ và cho vào chảo dầu mỡ đang sôi để rã đông. Đây thực sự là một phương pháp nguy hiểm bởi nước lạnh và dầu nóng sẽ tạo ra phản ứng nguy hiểm và có thể gây cháy nổ.
- Nấu các thực phẩm đông lạnh lâu hơn bình thường: Bạn ngại phải ngâm thực phẩm đông lạnh nên cho vào nồi nấu luôn. Bạn nghĩ rằng cũng giống như nấu thực phẩm tươi bình thường, chỉ khác là thời gian nấu lâu hơn một chút. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ khiến thực phẩm có thể bị quá chín, mất chất và mất vị ngon của một món ăn thông thường.
- Cố gắng rã đông trái cây nhanh chóng: Nếu được rã đông quá nhanh, trái cây sẽ bị mềm nhũn, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn. Bạn nên để trái cây trong ngăn mát, giúp thực phẩm hạ nhiệt dần dần sẽ tốt hơn.
Thu Thủy (t/h)