Và kết quả của việc nuôi dưỡng này đều rơi vào một trong ba trường hợp: con vật cưng bị bỏ rơi, chủ sở hữu giết con vật cưng, hoặc chủ sở hữu bị giết bởi con vật cưng.
Trước hết hãy cùng nhìn lại những câu chuyện đáng báo động này. Ở nhiều quốc gia và khu vực, không khó để có được một con "mèo" lớn hoang dã một cách hợp pháp.
Ví dụ, trước năm 1976, “Đạo luật về động vật hoang dã nguy hiểm” (Dangerous Wild Animal Act) chưa được ban hành thì người Anh hoàn toàn có thể đến vương quốc thú cưng Harrods (Harrods' Pet Kingdom) nổi tiếng của London để tìm mua mọi loài động vật hoang dã một cách hợp pháp, từ voi, sử tử cho đến hổ, báo, ngựa vằn... Người ta nói rằng trong thời kỳ hoàng kim của nó, số lượng cổ phiếu của cửa hàng thú cưng này có thể sánh ngang với Sở thú London.
Và chú sư tử tên là Christian đã được hai chàng trai trẻ mua về từ vương quốc thú cưng Harrod. Kể từ đó, Christian đã sống tại nhà của họ và cuộc sống vẫn diễn ra suôn sẻ.
Nhưng Christian lớn nhanh quá. Chỉ mới một tuổi rưỡi, cân nặng của cậu bé đã tăng lên 84 kg, và những sợi lông sáng màu đã bắt đầu mọc trên đỉnh đầu và má.
Lúc này, hai chàng trai trẻ mới nhận ra sự bất thường trong tâm lý của một loài động vật hoang dã, chúng khác xa so với những con chó và mèo nhà. Bởi vậy họ quyết định thả tự do cho con sư tử này và đưa nó về khu bảo tồn động vật hoang dã của Kenya.
Một năm sau khi xa cách, hai chàng trai này quyết định di chuyển 8.000 km để đến Kenya thăm Christian vì họ cảm thấy nhớ nó. Mặc dù các nhân viên trong khu bảo tồn khuyên họ không nên đến gần bầy sư tử vì nếu Christian không nhớ và nhận ra họ, tình hình sẽ rất nguy hiểm. Nhưng họ vẫn quyết định thử.
Kết quả, Christian không chỉ nhận ra hai người họ mà nó còn chạy đến ôm hôn âu yếm hai chàng trai này. Nhưng trên thực tế, đây là cái kết tốt đẹp nhất đối với những người nuôi các loài mèo lớn làm thú cưng. Nhưng những câu chuyện khác thì kém may mắn hơn nhiều.
Trong cùng thời gian đó, một con sư tử khác tên là Neil và nữ diễn viên Hollywood Tippi Hedren chủ nhân của nó đã phải kết thúc tình bạn trong bi kịch. Bây giờ nhớ lại trải nghiệm đặc biệt này, Hedren vẫn cảm thấy xấu hổ và ân hận.
Sau một chuyến đi đến Châu Phi vào năm 1969, cô và chồng quyết định mang về một con sư tử con tên là Neil và nuôi nó trong nhà của họ.
Trong biệt thự, Neil có quyền tự do di chuyển tùy ý. Và trong một số bức ảnh, chúng ta cũng có thể thấy Neil nô đùa trong bể bơi gia đình, nằm nghỉ trên giường của chủ, nô đùa với chủ trên sàn...
Dưới sự chăm sóc của gia đình, Neil đã không làm tổn thương Hedren và gia đình cô, xét từ những hoàn cảnh đó, họ dường như đã thực sự trở thành một gia đình hạnh phúc.
Nhưng những nguy cơ tiềm ẩn khi nuôi thú dữ tại nhà vẫn còn đó mà không ai hay biết. Trong một bữa tiệc, Neil gầm lên và tấn công người huấn luyện động vật quen thuộc nhất của mình. Bạn biết đấy, người huấn luyện luôn ở bên cạnh con sư tử này cả ngày, và mối quan hệ của họ thậm chí còn thân thiết hơn những con khác. Sau khi sử dụng một loạt các thao tác thuần hóa động vật, người huấn luyện thú cuối cùng đã lấy lại được quyền kiểm soát và tránh được một thảm họa lớn hơn.
Bất kể những bức ảnh họ chụp có thoải mái như thế nào, thì lúc này gia đình của cô thực sự đang sống trong sợ hãi. Để ngăn chặn tai họa ập đến, Tippi Hedren cần cố gắng hết sức để kiềm chế mọi hành vi của bản thân và gia đình theo đúng yêu cầu của người huấn luyện. Ví dụ như không được gãi mũi của nó, hay dùng tay ôm chặt nó và càng không được đưa lưng về phía nó bởi vì những điều này tác động đến bản năng tấn công của loài sư tử. Nếu loài sư tử đã muốn tấn công thì ngoài đạn ra không cách nào có thể ngăn cản được nó…
Con người luôn muốn chinh phục tất cả các loài động vật, nhưng thực tế đã chứng minh rằng một số loài động vật không thể thuần hóa được.
Để hiểu việc nuôi dưỡng các loài mèo lớn trong nhà nguy hiểm như thế nào, trước tiên chúng ta phải hiểu một số cách cần thiết để con người thuần hóa động vật hoang dã. Trong cuốn "Súng, vi trùng và thép", Jared Diamond liệt kê sáu tiêu chuẩn mà động vật thuần hóa phải đáp ứng.
Trước hết, chúng không kén ăn, chúng phải tìm đủ thức ăn để tồn tại trong và xung quanh nơi ở của con người, chẳng hạn như trâu bò, cừu và ngựa có thể ăn cỏ và ngũ cốc dư thừa, trong khi lợn và chó có thể ăn được mọi loại thức ăn thừa của con người, từ thịt, cá, xương cho đến rau củ...
Thứ hai là trưởng thành nhanh, điều này sẽ cho phép con người thu lợi nhanh hơn; thứ ba, chúng có thể sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt; thứ tư, bản chất của chúng là một loài ngoan ngoãn; thứ năm, chúng không có xu hướng hoảng sợ và trốn chạy mạnh mẽ;
Điểm cuối cùng và quan trọng nhất là có sự phân cấp và xu hướng xã hội hóa chặt chẽ. Trong trường hợp này, những con chó được xem là loài động vật thuần hóa thành công nhất, tổ tiên của chúng là loài động vật có tính xã hội hóa cao và tuân theo một hệ thống phân cấp nghiêm ngặt, và việc phân chia thức ăn và quyền giao phối cũng do con đầu đàn chiếm ưu thế tuyệt đối.
Tương tự như vậy, ngựa, gia súc và cừu ăn cỏ cũng là động vật xã hội. Nhóm càng đông, chúng càng an toàn trước kẻ thù tự nhiên gần đó và có nhiều thời gian để trốn tránh hơn. Nếu không có sự bảo vệ của các nhóm, động vật ăn cỏ ở cuối chuỗi thức ăn khó có thể tồn tại trong tự nhiên.
Vì vậy, trong các loài động vật xã hội có thứ bậc này, con người chỉ cần chiếm vị trí thống trị là có thể bắt chúng tuân theo mệnh lệnh của con người, và việc thuần hóa sẽ cho kết quả gấp đôi với một nửa công sức.
Đánh giá từ sáu tiêu chuẩn thuần hóa, chúng ta có thể thấy rằng động vật họ mèo rất khó thuần hóa. Ngoại trừ sư tử Châu Phi, tất cả những loài thuộc họ mèo hiện có đều sống một mình. Hơn nữa, sư tử dù sông theo bầy đàn những chúng cũng không đoàn kết, quan hệ bầy đàn của chúng là sự hợp tác, mối quan hệ lỏng lẻo và linh hoạt hơn, không giống như hệ thống phân cấp bên trong của loài sói.
Về mặt tàn ác, trên thực tế, ngay cả những con mèo nhà mà chúng ta quen thuộc nhất cũng không đủ tiêu chuẩn để trở thành động vật thuần hóa. Ví dụ, về tập tính ăn uống, chó nhà đã chuyển đổi thành công từ một loài ăn thịt thành động vật ăn tạp, trong vòng hàng chục nghìn năm, chúng đã phát triển khả năng tiêu hóa tinh bột, hoàn toàn phù hợp với thói quen ăn uống của con người. Nhưng con mèo thì không, nó vẫn giữ thói quen ăn thịt thuần túy.
Ngoài ra, trong số hàng chục loài động vật được con người thuần hóa, mèo cũng là loài động vật duy nhất không có tập tính bầy đàn. Cấu trúc xã hội của loài mèo khiến chúng khó tuân theo mệnh lệnh của con người. Ban đầu, lý do mèo sống cùng con người hoàn toàn là vì vựa lúa của con người cổ đại cần được canh giữ, mèo chỉ đơn thuần muốn đến gần con người là để có thể thoải mái săn chuột ở gần vựa lúa, từ đó mèo và người dần dần dung nạp lẫn nhau.
Và bỏ sáu tiêu chuẩn thuần hóa sang một bên, khi xét về mặt tiến hóa và di truyền thì mèo cũng không phải là loài động vật thuần hóa. Với 10.000 năm đồng hành với con người, mức độ biến đổi gen của mèo nhà là rất ít. Vì vậy, một số người nói rằng mèo nhà là động vật bán thuần hóa, hoặc chúng đang trong giai đoạn thuần hóa ban đầu.
Vì vậy, mèo của bạn trông lạnh lùng và không quá quấn chủ là điều bình thường.
Ngoài ra, con người thường gặp phải những vấn đề hóc búa khác trong quá trình chăn nuôi mèo. Để có được giống mèo mới, các nhà lai tạo thường lai mèo nhà với các loại mèo hoang dã khác để sinh ra con cái. Nhưng những con mang dòng máu lai này lại có xu hướng thu mình và hung dữ hơn, không ngoan ngoãn như mèo nhà.
Con người luôn mong muốn thuần hóa mọi loài động vật, nhưng thế giới tự nhiên thì không phải lúc nào cũng phát triển theo hướng nhìn của con người. Ngay cả khi mèo hoang dã được nuôi trong nhà từ khi chúng còn nhỏ, thì khi trưởng thành chúng cũng rất khác với động vật được thuần hóa.
Vì vậy, chúng ta thường thấy những vụ tai nạn trong vườn thú, nơi sư tử và hổ giết người trông coi. Con người về cơ bản không có cơ hội chiến thắng trước những con mèo lớn này khi không có vũ khí hỗ trợ, và rủi ro là quá lớn.
Trên thực tế, Hedren không phải là không biết rằng nuôi loài mèo lớn rất nguy hiểm. Nhưng trải nghiệm chung sống hòa bình với Neil vẫn cho cô cảm giác "an toàn". Những bi kịch nối tiếp nhau cũng từ đó mà sinh ra.
Khi đó, cô mong muốn sẽ làm một bộ phim kể về câu chuyện của một gia đình cùng chung sống với những chú mèo lớn như sư tử, hổ, báo dưới một mái nhà. Cuối cùng, cô ấy quyết định mua thêm những loài động vật họ mèo lớn khác từ những người sở hữu tư nhân.
Đến năm 1980, gia đình này có 71 con sư tử, 20 con hổ, 10 con báo sư tử, 9 con báo đen, 4 con báo đốm và thậm chí là một con sư hổ. Nhiều con thú trong số này đã xuất hiện trong bộ phim "The Roar".
Trước hết, hành vi của những con vật này là không thể đoán trước, do đó, những cảnh quay rất hỗn loạn và khó thực hiện.
Phim mất 5 năm để hoàn thành, kinh phí lên tới 17 triệu đô la Mỹ nhưng nó lại là một thảm họa phòng vé và chỉ thu hồi được 2 triệu đô la Mỹ. Sau đó cuộc hôn nhân của Hedren cũng đi đến hồi kết với sự thất bại của bộ phim.
Nhưng điều đáng sợ hơn là những thảm họa khác nhau xảy ra trên phim trường. Trong quá trình quay, có tổng cộng bảy vụ tai nạn lớn và vô số tai nạn nhỏ đã xảy ra, và hai người suýt chút nữa đã thiệt mạng.
Trong số đó, đạo diễn hình ảnh đã bị tấn công. Ngoài ra, mọi thành viên trong gia đình Hedren cũng bị những con quái thú này làm cho bị thương.
Tuy nhiên, Hedren vẫn được coi là may mắn, vì ít nhất là không ai phải bỏ mạng trong quá trình thực hiện bộ phim. Tuy nhiên chính những trải nghiệm này đã thay đổi thái độ của Hedren đối với các loài động vật hoang dã.
Sau rất nhiều năm chăm sóc nuôi nấng, Hedren nhận thấy rằng, động vật hoang dã mãi mãi không có cách để trở thành vật nuôi được cưng chiều. Trong máu của chúng đã chứa đựng tập tính hoang dã và có thể trở mặt bất cứ lúc nào. Do đó, Hedren đã thành lập khu bảo hộ động vật mang tên Shambala Preserve, tại Mỹ. Hiện tại, vẫn đang cố gắng bảo hộ động vật hoang dã và truyền tải thông điệp với mọi người rằng: Đừng đem những động vật hoang dã về nhà nuôi!
Năm 2003, Hedren cũng là người dẫn đầu trong việc thuyết phục thành công Quốc hội Mỹ đưa ra dự luật cấm vận chuyển các loài mèo lớn qua các bang. Nhưng cho đến nay, ở Mỹ vẫn có nhiều người nuôi nhốt hợp pháp các loại mèo lớn. Đặc biệt là hổ, có thể số lượng hổ được nuôi nhốt tư nhân ở Hoa Kỳ còn lớn hơn cả số lượng hổ hoang dã trên thế giới.
Hầu như năm nào cũng có một số chủ nhân chết vì những con mèo lớn do chính tay họ "cưng". Nhưng với rất nhiều bài học, có vẻ như chúng vẫn chưa khiến người khác thông minh hơn.
Trí thức trẻ