Nhắm mắt nhìn sao kỳ 1- Sức mạnh của âm nhạc thôi thúc “những người bạn của bóng tối”

04/03/2020 09:00
Nhắm mắt nhìn sao kỳ 1- Sức mạnh của âm nhạc thôi thúc “những người bạn của bóng tối”

Không ít người nghĩ rằng với những người suốt đời phải đối diện với bóng tối thì việc sinh hoạt hàng ngày đã là điều khó khăn, đừng nói chi đến việc làm nghệ thuật.

Tuy nhiên, âm nhạc không chỉ cần mắt nhìn mà nó còn yêu cầu thính giác nhạy bén và một đôi tay điêu luyện.

Gian nan những buổi học đàn

Ngày đầu tiên tập đàn, thầy Lưu Học hướng dẫn ba đứa học sinh khiếm thị xác định đúng vị trí âm thanh các nốt trên dây đàn, kèm với đó là cách chặn cạnh bàn tay, gảy que để tiếng đàn bầu bật ra. Trong ba đứa học trò khi đó, tôi học chậm nhất lớp. Ngay trong ngày đầu tiên, có bạn đã đánh kêu được đàn, còn tôi phải mất thời gian gấp ba lần như vậy.

Sức mạnh của âm nhạc thôi thúc “những người bạn của bóng tối” (kỳ 1) - 1

Một tuần chỉ có hai buổi tập đàn, mỗi buổi chỉ tròm trèm hai tiếng đồng hồ, vì còn phải dành thời gian cho các môn học văn hóa khác. Trong khi tôi lúc đó chỉ là học sinh lớp một nên còn phải dành thời gian cố thuộc bảng chữ nổi. Sau giờ học chữ, tôi xin ban giám hiệu cho vào phòng nhạc cụ tự tập một mình.

Sau mấy ngày ròng rã mà cây đàn chỉ kêu “tè tè”, “tạch tạch” có lúc đôi tay tôi mỏi nhừ như muốn rơi ra từng đốt xương. Tôi nhớ lúc dạy võ cho tôi, cha nuôi Nguyễn Bá có nói: “Muốn giỏi võ, không có cách nào khác phải tập luyện thường xuyên. Khi võ đã ngấm vào máu, người ta quên hết những chiêu thức được học để ra đòn tự nhiên nhất”.

Tôi mang tâm thế ấy đến với cây đàn bầu, như lựa chọn một loại binh khí!

Năm 1994, công nghệ điện tử đã được phát triển, ứng dụng trên tất cả các loại nhạc cụ. Đàn bầu thùng, dây tơ đã được thay thế bằng đàn điện tử có bộ phận khuếch âm và dùng dây kim loại. Để khỏi ảnh hưởng đến các phòng học khác, và do tôi học ngoài giờ, nên chỉ được sử dụng đàn không cắm điện để tập. Càng gắng sức gảy, dây đàn căng cứng cứa vào lòng bàn tay tôi chảy máu. Mồ hôi trán tôi túa ra giữa gian phòng không một hơi gió trong mùa Đà Nẵng oi nồng.

Mỗi hành động của tôi trên cây đàn đều không qua được sự quan sát từ xa của thầy Lưu Học. Chắc khi thấy máu tôi tứa ra, đọng lại trên mặt dây như một nốt đen, thầy hẳn đã gật đầu hài lòng, dù rất xót xa.…

Cuối cùng thì tôi cũng chinh phục được cây đàn, như một anh chàng đã len lỏi được vào nỗi nhớ thiếu nữ mỗi đêm xa nhau.

Vinh quang với cây đàn bầu

Khi còn là một cậu bé, tôi mơ có ngày bước chân ra khỏi Thanh Trà và ngao du khắp thế gian. Tôi sẽ vốc từng nắm cát sa mạc nóng bỏng. Tôi sẽ hít khí lạnh vào tận buồng phổi trên những rặng núi phủ đầy tuyết. Tôi sẽ cất tiếng hát hòa giọng với bạn bè năm châu. Thường trực trong những cánh diều nơi mấp mô ruộng cháy miền Trung, tôi gửi điều ước đến bà Tiên, ông Bụt.

Sức mạnh của âm nhạc thôi thúc “những người bạn của bóng tối” (kỳ 1) - 2

Nhạc sĩ Hà Chương biểu diễn với cây đàn bầu (Ảnh: HPL)

Rồi một hôm, đang tập đàn ở Nhạc viện, cổ tích đến cái ào giữa đời thực. Tôi được thông báo sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự trại Art for All (Nghệ thuật cho Thế giới) tại Thái Lan có sự tham dự của những nghệ sĩ khuyết tật đến từ mười quốc gia châu Á vào tháng Bảy năm 2007.

Năm 2007, cả nước đã có Internet tốc độ cao, điện thoại di động đầy khắp nơi, nhưng ở một vùng quê như Bình Sơn, cái tin tôi đi Thái Lan chấn động cả huyện. Chỉ cách khoảng hai giờ bay mà người dân quê chẳng mấy ai biết gì về đất Thái, ngoài các cầu thủ đá banh hay thắng đội Việt Nam.

Tác phẩm tôi chọn biểu diễn trong trại nghệ thuật Art for All là “Cung đàn đất nước”. Đây là tác phẩm khí nhạc dành cho đàn bầu được tác giả Xuân Khải sáng tác, khai thác chất liệu ca trù. Buổi biểu diễn hôm đó thành công hơn mong đợi khi có công chúa Thái Lan, đại diện cho Hoàng gia đến tham dự.

Bản độc tấu đàn bầu của tôi kéo dài khoảng năm phút, nhưng tôi phải nán lại sân khấu rất lâu để giới thiệu về cây đàn một dây vô cùng độc đáo này của Việt Nam. Nhiều bạn nghệ sĩ nước ngoài tò mò xin sờ vào cây đàn bầu, họ luôn miệng trầm trồ về những ấn tượng mãnh liệt và cảm xúc sâu lắng mà cây đàn mang đến cho người nghe.

Trước ngày sang Thái, tôi đã tìm hiểu âm nhạc cổ truyền của các nước bạn tham dự, tập sẵn mấy bài. Khi được đề nghị, tôi mạnh dạn tấu thêm mấy khúc như Sakura của Nhật Bản, Hoa Champa của Lào, Hoa Chanti của Campuchia và hàng loạt bài dân ca của Thái Lan, … trên đàn bầu và thu hút thêm nhiều sự quan tâm của hàng ngàn khán giả. Vây quanh tôi ở sảnh nhà hát là hàng chục hãng thông tấn, truyền hình của nhiều quốc gia. Họ phỏng vấn nghệ sĩ khiếm thị Hà Chương. Tôi ngất ngây trong niềm tự hào và vui sướng.

Sáu ngày ở Thái Lan là quãng thời gian trải nghiệm đầy thú vị đối với một chàng trai nhà quê như tôi. Lần đầu tiên tôi được ở trong một resort sang trọng, được thưởng thức rất nhiều món ngon của đất nước Thái Lan và dạo chơi đường phố Băng Cốc cùng những người bạn Thái hiền lành như đất cục.

Còn một điều tuyệt vời nữa, ban tổ chức tặng tôi bốn trăm đô-la sau đêm biểu diễn. Nỗi buồn vì album thứ hai không thành công, cây guitar phải bán ở Hà Nội nhanh chóng bay đi. Tôi nhét mấy tờ đô vào ví và ào ra phố.

Tại một tiệm đàn ở Băng Cốc, người ta đón một thanh niên khiếm thị đến từ Việt Nam. Anh ta mua cây đàn acoustic của Nhật và ra thẳng sân bay với cái miệng luôn nhoẻn cười.

Dường như âm nhạc đã có một sức mạnh kì diệu vô hình luôn thôi thúc “những người bạn của bóng tối” phải luôn nỗ lực. Nó còn khiến người ta quên đi những khiếm khuyết của bản thân, sống hết mình với mơ ước và kéo gần những trái tim lại với nhau.

Trích “Nhắm mắt nhìn sao”


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025