Cách chúng ta nhìn mục tiêu như một thứ “được ăn cả, ngã về không” rõ ràng đang cho thấy một góc nhìn cứng nhắc và bảo thủ, khiến chúng ta xem nhẹ hoặc phớt lờ hoàn toàn mọi tiến bộ đạt được trên đường. Vì thế, để đối phó với vấn đề này, chúng ta cần tìm cách ghi dấu sự tiến bộ, tán dương những thành tựu mình đạt được trên đường tiến về vạch đích.
Nếu bạn đang cố chinh phục đỉnh Everest vì bạn cực kỳ xem trọng giá trị của những thách thức về thể chất cũng như tâm lý, thì xét một cách khách quan, bạn không thất bại nếu đến được Trại 1, 2, 3, 4 hay còn cách đỉnh 90 m, và chắc chắn là không thất bại nếu so với việc không hề thử cố gắng. Nhưng dĩ nhiên, trải nghiệm chủ quan của bạn không đi theo hướng này. Và đó chính là điều chúng ta cần thay đổi.
Chúng ta phải tìm cách chống lại khuynh hướng trên và ngừng đánh giá bản thân bằng một thước đo duy nhất: mình đang cách vạch đích bao xa. Chúng ta phải bắt đầu ghi nhận thành quả của bản thân bằng chặng đường đã đi được kể từ khi xuất phát.
Nghĩ được như thế, bạn sẽ không thấy quá thất vọng khi giành huy chương bạc, vì trên thực tế, đó đã là một thành tựu lớn lao khi so với điểm xuất phát của bất kỳ vận động viên trượt băng nghệ thuật nào. Lối nhìn nhận này cũng sẽ giúp bạn thấy được kết quả mình đạt được cũng thật đáng giá, bất kể bạn có băng qua vạch đích được hay không. Chúng ta nên ưu tiên những mục tiêu như thế.
Đây cũng là một bài học đắt giá cho các nhà lãnh đạo, bởi vì cách chúng ta lãnh đạo có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề mà bản chất “được ăn cả, ngã về không” và bất di bất dịch của các mục tiêu gây ra. Các nhà lãnh đạo thường rơi vào cái bẫy đánh giá nhân viên bằng một thước đo duy nhất: Họ có đạt được mục tiêu hay không. Nếu các nhà lãnh đạo làm như thể thành công là phải đạt được mục tiêu hoặc hoàn thành đúng thời hạn, nhân viên của họ sẽ hiểu ngay rằng họ phải cán đích bằng mọi giá. Họ sẽ im lặng dù nghĩ mục tiêu đó không còn đáng theo đuổi nữa. Họ sẽ không muốn từ bỏ ngay cả khi tình thế cho thấy họ cần làm thế, vì lãnh đạo sẽ đánh giá đó là một thất bại.
Một trong những ưu điểm của các tình huống “trừ phi” là chúng cho bạn một con đường giành chiến thắng khác. Một bộ tiêu chí khai tử hiệu quả đồng nghĩa với việc bạn có thể chiến thắng bằng cách đạt được mục tiêu hoặc bằng cách tuân thủ được các tiêu chí khai tử. Từ bỏ khi đến lúc là bạn đang đạt được một điều có giá trị. Thực hiện đúng cam kết của mình với một tình huống “trừ phi” cho bạn một con đường sống sót. Bản thân mục tiêu là kết quả được hướng đến, còn tình huống “trừ phi” là thứ tập trung vào quá trình.
Các mục tiêu không những khiến ta phớt lờ mọi thay đổi xảy ra trên con đường mình đang đi, mà còn sinh ra sự thiển cận, khiến ta không nhìn thấy những con đường khác. Một khi đã đặt ra vạch đích và lộ trình dẫn đến mục tiêu, chúng ta sẽ không màng khám phá những con đường khác có thể đang tồn tại quanh mình, hoặc những vạch đích khác tốt hơn mà ta có thể hướng đến.
Việc chăm chăm theo đuổi một mục tiêu có thể khiến ta không để ý những thứ sờ sờ trước mắt. Cuộc đời chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi nắm trong tay một danh mục nhiều kỹ năng và cơ hội có sẵn hơn. Sự thiển cận do các mục tiêu cứng nhắc gây ra khiến cho danh mục của chúng ta bị hạn hẹp, vì chúng ta không tìm kiếm và cũng chẳng nhìn thấy các phương án thay thế.
Loài kiến thực sự giỏi hơn con người ở phương diện này vì chúng sống theo đàn, một tập hợp nhiều cá thể làm việc cùng nhau. Điều này giúp loài kiến dễ dàng hơn trong việc khám phá và khai thác cùng lúc. Một số kiến sẽ lần theo vệt pheromone, trong khi số khác khám phá những nguồn thức ăn mới. Nên ngay cả khi những con kiến men theo vệt pheromone có đang thiển cận đi nữa, thì cả đàn vẫn không bị ảnh hưởng vì những con kiến khác vẫn đang dò tìm xung quanh.
Nhưng mỗi người chúng ta lại là một cá thể riêng biệt. Một khi đã tạo nên “vệt pheromone” để đi theo, bạn sẽ trở nên thiển cận, khó nhìn thấy được những cơ hội khác mà nếu là đàn kiến thì có thể tìm thấy. Bạn phải hết sức cẩn trọng với kiểu cận thị này vì nó ngăn bạn nhìn thấy những cơ hội quanh mình – đó là một lý do khác cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển tư duy khám phá.
Các nhà tham vấn về từ bỏ cũng có thể giúp giảm thiểu tác hại của sự thiển cận này, vì nhìn chung, họ có thể thấy rõ các cơ hội đang mở ra cho bạn hơn bản thân bạn Sở dĩ chúng ta khó lòng từ bỏ là vì sợ hai điều: sợ thất bại và sợ lãng phí thời gian, công sức hoặc tiền của.
Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng thất bại là dừng lại khi chưa đạt được mục tiêu, tức là không chạm được vạch đích. Nhưng chẳng phải tiếp tục theo đuổi một thứ không còn xứng đáng cũng là thất bại đó sao? Thành công nghĩa là tuân thủ quy trình đưa ra một quyết định đúng đắn, chứ không phải băng qua vạch đích, nhất là trong trường hợp ta đã chọn sai vạch đích. Như vậy, thành công bao gồm việc tuân thủ tiêu chí khai tử một cách thích đáng, lắng nghe lời khuyên của nhà tham vấn về từ bỏ, và nhìn nhận giá trị của những tiến bộ mà ta đạt được trên đường hướng đến mục tiêu.
Chúng ta cũng phải tái định nghĩa sự lãng phí. Ta cho rằng từ bỏ một thứ gì đó thì nghĩa là mình đã lãng phí mọi thứ từng đổ vào đó. Nhưng những nguồn lực đó đều là những thứ đã bị tiêu tốn, bạn không thể lấy lại được. Điều đó có nghĩa là việc dành thêm một phút, một đô-la, một chút nỗ lực nữa cho một mục tiêu không còn đáng theo đuổi mới thực sự là lãng phí. Một khi nhìn nhận theo cách này, bạn mới nhận ra mình đã thực sự lãng phí biết bao nhiêu thời gian để trăn trở với suy nghĩ nếu bạn từ bỏ thì thời gian đã tiêu tốn lâu nay sẽ thành ra vô ích.
Nhưng suy cho cùng, điều chúng ta cần làm là tái tạo chính khái niệm “từ bỏ”. Có rất nhiều mục tiêu đầy gian nan nhưng hoàn toàn xứng đáng và bền chí là một điều tốt đẹp nếu nó giúp bạn theo đuổi một mục tiêu đúng đắn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều mục tiêu rất khó khăn nhưng lại không đáng để theo đuổi, vì vậy khả năng cất bước ra đi đúng thời điểm cũng là một kỹ năng đáng trau dồi.
Suy cho cùng, con đường mà bạn – hay tất cả chúng ta – đang đi nên là bất kỳ con đường nào có giá trị kỳ vọng cao nhất trong cả cuộc đời. Con đường đó đòi hỏi bạn phải đưa ra rất nhiều quyết định từ bỏ. Trái ngược với niềm tin phổ biến, những người thành công thật ra đã từ bỏ rất nhiều. Đó là cách họ giành chiến thắng.