Buckingham từng nói: "Một người quản lý vĩ đại chỉ làm một việc, tìm ra tiềm năng và sự khác biệt giữa mỗi nhân viên, bồi dưỡng cùng tận dụng."
Nói trắng ra, cái ông ấy muốn nói chính là:
"Một người quản lý giỏi thì nên biết cách dùng người."
Một công ty tài năng, không nhất thiết toàn thể nhân viên đều là nhân tài xuất chúng, cũng không nhất thiết do được hỗ trợ nhiều vốn. Mà mấu chốt nằm ở sự vững chắc trong nội bộ, mỗi cá nhân đều có vị trí tương xứng với khả năng, tập thể đoàn kết sẽ ngày càng lớn mạnh.
Có một vấn đề được đặt ra ở đây, đó chính là:
"Một nhân viên biết làm nhiều việc cùng một lúc sẽ được đánh giá là nhân viên giỏi, hay một nhân viên có hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực chuyên môn của mình sẽ được đánh giá là một nhân viên giỏi?"
Ngày nay, có rất nhiều công ty vì để tiết kiệm chi phí hoặc do đang thiếu người mà thường để một nhân viên phải làm rất nhiều việc.
Nếu nhân viên được giao nhiệm vụ có thể hoàn thành tốt, lãnh đạo sẽ biểu dương. Ngược lại, sẽ bị phê bình vì không làm được việc. Nhưng xét về nhiệm vụ họ được giao, không nằm trong chuyên môn, đòi hỏi họ phải tự "ép" mình học hỏi và hoàn thành.
Ở Việt Nam, xuất phát từ sự khác nhau giữa hai nền văn hóa, nên đối với quan điểm của Buckingham, người ta thường sử dụng theo cách lý giải là:
"Một quản lý giỏi, nên biết cách dùng người. Nhưng một lãnh đạo giỏi, nên biết cách đoàn kết trái tim của tất cả mọi người."
Dựa theo tư duy này, mỗi người lãnh đạo nên hiểu ra rằng: Nhân viên ưu tú, chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn của họ. Đừng vì họ ưu tú mà "ép" họ làm hết tất cả mọi việc "ngoài ngành". Mặc dù họ có năng lực, khi giao hết tất cả mọi thứ cho họ bạn sẽ thấy yên tâm, nhưng làm như vậy có khi lại phản tác dụng, đưa đến năng suất làm việc thấp.
Ngược lại, là một nhân viên, nếu ngay cả công việc của riêng mình bạn cũng không làm tốt, chứng tỏ bạn không đủ tiêu chuẩn đứng ở vị trí này.
Trong một đội bóng, mỗi người đều có một vị trí và nhiệm vụ riêng, trong công việc cũng vậy. Với tư cách là một lãnh đạo, bạn cần biết sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho phù hợp, có như vậy công ty mới ngày càng phát triển được.
Jack Welch từng có câu nói thế này:
"Sau khi bạn trở thành lãnh đạo, biểu hiện của thành công chính là khiến người khác phát triển." Phát triểm điểm mạnh của cấp dưới, trọng dụng họ theo lĩnh vực mà họ có sở trường, đó cũng là một phần rất quan trọng trong cách quản lý.
Vấn đề thứ hai mà một nhà lãnh đạo cần phải biết đó chính là "được lòng dân". Các chính sách hợp lý sẽ khiến mọi nhân viên tin tưởng bạn là một nhà lãnh đạo tài giỏi, họ sẽ hết lòng làm việc vì bạn. Nhờ đó, bạn có thể dễ dàng đoàn kết trái tim của tất cả mọi người lại với nhau, đồng lòng trong sự nghiệp phát triển lâu dài.
Một công ty có sự phân chia phe phái hay nảy sinh sự bất mãn với ông chủ thì về lâu về dài sẽ rất khó tồn tại. Không phải chỉ cần bạn có nhiều tiền thì sẽ giữ được nhiều nhân viên xuất sắc, vấn đề còn nằm trong cách quản lý và đối xử với nhân viên của bạn nữa.
Tôi đã gặp qua rất nhiều ông chủ, công ty lớn có, công ty nhỏ cũng có. Những người theo quan điểm "tiền mất có thể kiếm, tình cảm mất không thể tìm lại" sẽ rất hay để ý đến suy nghĩ của nhân viên. Và nhờ vậy khi công ty gặp sự cố phá sản, trong các nhân viên có hơn phân nửa số người đều sẵn sàng ở lại cùng họ xây dựng lại công ty.
Ngược lại, những người theo quan điểm "có tiền là có tất cả", không có nhân viên này thì đi mướn nhân viên khác. Khi họ thất bại, chẳng còn ai bên cạnh, có người chẳng thèm an ủi đã sắp xếp đồ đạc, nộp CV sang công ty khác xin việc.
Tuy nói bạn là lãnh đạo, nhưng mối quan hệ cấp trên – cấp dưới cũng cần có tình cảm rót vào, tạo sự tin cậy, tha thứ, bao dung với nhau. Đừng nên khư khư giữ một bộ mặt lạnh lùng và chỉ nói chuyện với cấp dưới khi bạn muốn giao một nhiệm vụ mới.
Nhìn sơ qua, việc "bổ nhiệm nhân tài đúng vị trí" và "đoàn kết trái tim mọi người" trong có vẻ khá dễ thực hiện. Nhưng trên thực tế, nó là một hệ thống các bước đầy phức tạp.
Nhiệm vụ của nhân viên là gì?
Dù là một nhân viên mới, hay là một nhân viên lão thành đi nữa, chúng ta cũng nên hoàn thành tốt vị trí cũng như nhiệm vụ hiện tại. Bởi vì đó là nền tảng để bạn phát triển dần trong tương lai.
Thế còn nhiệm vụ của lãnh đạo?
Thứ nhất: Nếu muốn dùng sở trường của người khác, hãy khoan dung sở đoản của họ!
Nhiều nhà lãnh đạo có tài lại đứng vị trí cao nên thường tỏ ra kiêu ngạo. Bạn nên học thói quen tôn trọng đối phương, dù đó là đối tác hay cấp dưới đi nữa, cũng đừng nên nói chuyện quá đáng, hay đi quá giới hạn chịu đựng của người khác. Đó là phép lịch sự cơ bản, cũng là việc mà mỗi lãnh đạo nên để tâm.
Thứ hai: Nếu muốn dùng sở trường của người khác, bạn phải bình đẳng trong các quan hệ, và tâm lý trong cách đối xử.
Về mặt tâm lý, bạn nhất định phải đối xử bình đẳng, nên thưởng phải thưởng, nên phạt cứ phạt. Nhưng có nhiều trường hợp, phê bình cá nhân trong một phòng riêng sẽ tốt hơn là phê bình họ trước mặt tất cả mọi người.
Nếu bạn muốn lấy được tối đa điểm mạnh của mọi người, hãy học cách phân tích tình huống cụ thể cũng như tâm lý của mỗi người. Đừng để trái tim của đồng đội phân tán, vì chỉ cần nội bộ không yên ổn, tập thể cũng khó lòng đi lên được.
Theo Trí Thức Trẻ