Chân lý này đúng và rộng mở với tất cả mọi người, và câu chuyện truyền cảm hứng về cách Napoleon Hill dạy chính đứa con trai bị khuyết tật tai bẩm sinh Napoleon Hill Blair là minh chứng sống cho nhận định này.
Câu chuyện được rút từ cuốn sách "Nghĩ giàu, Làm giàu" của Napoleon Hill, một trong 5 cuốn sách được Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng tuyển chọn, viết lời giới thiệu và tổ chức trao tặng hàng triệu bạn trẻ trên cả nước thông qua Hành trình từ trái tim, Hành trình Lập chí vĩ đại, Khởi nghiệp kiến quốc.
NIỀM KHÁT KHAO MẠNH HƠN TẠO HÓA
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cậu ấy là vài phút sau khi cậu chào đời. Nhưng điều kỳ lạ là cậu bé sinh ra mà không có đôi tai. Khi nhận xét về trường hợp này, bác sĩ kết luận rằng đứa bé gần như sẽ bị câm và điếc suốt đời.
Tôi không chấp nhận ý kiến đó của bác sĩ. Tôi có quyền làm thế, vì tôi chính là cha đứa bé. Tôi cũng đã đi đến một quyết định nhưng không biểu lộ nó ra ngoài mà nung nấu trong tim.
Trong thâm tâm, tôi luôn tin rằng con trai tôi rồi sẽ nghe và nói được. Bằng cách nào? Tôi chắc rằng phải có một cách nào đó và tôi biết là tôi sẽ tìm ra nó. Tôi nghĩ về những lời của Emerson bất tử: "Tiến trình của vạn vật trong thế giới này dạy chúng ta bài học lớn về niềm tin". Tất cả những gì ta cần làm là tuân theo. Sẽ luôn có những chỉ dẫn thích hợp cho mỗi chúng ta, và bằng cách khiêm tốn lắng nghe, chúng ta sẽ nghe thấy.
Và lời chỉ dẫn thích hợp mà tôi đã nghe thấy chính là Hãy Biết Khát Khao! Hơn bất cứ điều gì khác, tôi khao khát con trai mình sẽ không phải làm một người câm điếc suốt đời. Vì khát khao đó mà tôi không bao giờ lùi bước dù chỉ một giây.
Tôi có thể làm được gì đây? Tôi không biết chắc chắn nhưng dù thế nào đi nữa thì tôi cũng sẽ tìm ra được những cách thức và phương tiện để gieo vào trong tâm trí con trai mình khát khao cháy bỏng đó, cho dù đứa trẻ không có đôi tai.
Ngay khi con đã đủ lớn để cùng hợp tác, tôi sẽ rót vào tâm trí nó niềm khát khao mãnh liệt được nghe thấy. Và tôi tin rằng Tạo hóa với phương pháp riêng của mình sẽ biến khát khao tinh thần đó thành sự thật.
Ý niệm đó luôn sôi sục trong tâm trí tôi, nhưng tôi không nói với ai cả. Mỗi ngày tôi đều tự hứa với mình rằng, con trai tôi sẽ không bị câm điếc suốt đời.
Khi con lớn hơn và bắt đầu chú ý đến sự vật xung quanh, chúng tôi nhận thấy rằng nó có thể nghe được đôi chút. Đến tuổi trẻ con thường bắt đầu tập nói, con trai tôi vẫn không nói được gì cả, nhưng qua hành động của nó, chúng tôi thấy rằng dường như nó có chút phản ứng với âm thanh.
Đó là tất cả những gì tôi cần biết! Tôi đoán chắc rằng nếu con trai tôi có thể nghe dù chỉ là chút xíu thôi thì thính lực của nó rồi sẽ phát triển.
Sau đó, một chuyện bất ngờ đã xảy ra mang đến cho tôi niềm hy vọng lớn.
Chúng tôi mua một chiếc máy hát. Khi lần đầu tiên nghe thấy tiếng nhạc từ chiếc máy hát đó, con trai tôi tỏ ra rất phấn chấn và ngay lập tức giành lấy chiếc máy. Có lần, nó đã cho máy quay đi quay lại một chiếc đĩa hát trong gần hai tiếng đồng hồ. Nó ứng trước máy hát với hàm răng cắn chặt rìa vỏ máy. Chúng tôi không thể hiểu được ý nghĩa của hành động đó cho đến mãi những năm sau này, khi chúng tôi biết được nguyên lý: âm thanh có thể truyền được qua xương.
Không lâu sau chuyện với chiếc máy hát, tôi đã khám phá ra rằng con trai tôi có thể nghe rõ nếu như tôi nói mà kề môi chạm vào xương chũm của nó, phần xương phía sau mang tai và dưới hộp sọ.
Sau khi khẳng định được rằng con có thể nghe giọng tôi một cách rõ ràng, ngay lập tức tôi bắt đầu truyền vào tâm trí nó khát khao được nghe và nói. Tôi phát hiện ra rằng nó rất thích được nghe kể chuyện trước khi đi ngủ, vì thế tôi tự nghĩ ra những câu chuyện nhằm phát triển tinh thần tự chủ, óc tưởng tượng và khát khao mãnh liệt được nghe như mọi người bình thường khác trong tâm hồn non nớt của con.
Những câu chuyện mà tôi sáng tác thường đi theo một mạch riêng mà tôi cố tình nhấn mạnh. Mỗi lần kể tôi lại thêm vào những màu sắc và tình tiết mới mẻ đầy kịch tính. Tất cả các câu chuyện đều được xây dựng để gieo vào trong tâm trí đứa bé một quan niệm rằng nỗi bất hạnh của nó không phải là một món nợ mà ngược lại là một tài sản đầy giá trị.
Từ kinh nghiệm và những nghiên cứu cá nhân, tôi tin tưởng chắc chắn rằng mỗi điều bất lợi đều mang trong nó một lợi thế tương đương. Tuy nhiên, ngoại trừ niềm tin ấy, tôi phải thừa nhận là mình không hề có ý tưởng khả dĩ nào có thể giúp biến nghịch cảnh thành một tài sản như thế.
MỘT THẾ GIỚI MỚI CHỈ VỚI SÁU XU!
Khi phân tích lại những kinh nghiệm trong quá khứ, giờ đây tôi có thể thấy rằng niềm tin mà con trai dành cho tôi đã đưa đến những kết quả đáng kinh ngạc. Đứa trẻ không bao giờ thắc mắc về những gì tôi nói với nó. Tôi đã truyền cho con trai mình ý tưởng là nó có một lợi thế riêng so với anh nó. Lợi thế ấy sẽ được thể hiện theo nhiều cách khác nhau.
Ví dụ, các giáo viên trong trường học sẽ nhận thấy rằng nó không có đôi tai và vì vậy, họ sẽ đặc biệt chú ý và đối xử cực kỳ tử tế với nó. Sự thực là họ đã luôn làm như vậy. Tôi còn truyền cho con nhiều ý nghĩ tích cực khác. Ví dụ như khi nó đủ lớn để đi bán báo (anh trai nó đã trở thành người chuyên phát hành báo), nó sẽ có lợi thế lớn hơn nhiều so với anh nó. Người ta sẽ trả thêm tiền cho số báo mà nó bán vì họ sẽ thấy nó là một cậu bé sáng sủa và siêng năng cho dù không có đôi tai.
Khi con trai tôi lên bảy, lần đầu tiên, nó cho chúng tôi thấy rằng phương pháp khích lệ tinh thần của chúng tôi đã bắt đầu đơm hoa kết trái.
Trong suốt vài tháng liền, nó đã xin được đi bán báo nhưng vợ tôi nhất quyết không đồng ý. Cuối cùng, đứa trẻ đã quyết định tự mình giải quyết vấn đề. Một buổi chiều nọ, khi ở nhà với người giúp việc, nó đã trèo qua cửa sổ nhà bếp, nhảy xuống đất và một mình trốn ra ngoài. Nó mượn 6 xu từ người thợ đóng giày hàng xóm và mua báo để bán. Nó bán hết số báo đó, thu hồi vốn, rồi lại dùng số tiền này mua báo và đem bán cho đến tối. Sau khi trả lại 6 xu mượn của người đóng giày, nó còn lại số tiền lời 42 xu. Đêm đó, khi về đến nhà, chúng tôi thấy nó đang nằm ngủ trên giường với số tiền nắm chặt trong tay.
Vợ tôi mở bàn tay con ra để lấy những đồng xu và khóc. Phản ứng của tôi lại khác. Tôi nở nụ cười sung sướng vì biết rằng mình đã thành công trong việc nỗ lực gieo lòng tự tin vào tâm trí đứa con thân yêu.
Vợ tôi xót thương cho con trai mình vì chỉ nhìn thấy trong dự án kinh doanh đầu tiên của nó hình ảnh một đứa trẻ điếc trốn ra đường và mạo hiểm tính mạng để kiếm tiền. Tôi lại thấy đó là hình ảnh một doanh nhân nhỏ tuổi đầy can đảm, tham vọng, tự chủ và luôn tin tưởng hai trăm phần trăm vào thắng lợi của mình. Nó đã kinh doanh bằng sáng kiến riêng và đã chiến thắng. Tôi không chỉ hài lòng mà còn rất ấn tượng về con trai mình. Nó đã chứng tỏ năng lực và sự tháo vát, những hành trang quan trọng sẽ đi theo nó suốt cuộc đời.
Đứa trẻ điếc ấy dần học lên cao, trung học rồi đại học, mà vẫn không thể nghe được lời giảng của giáo viên, trừ khi họ nói thật to ở khoảng cách rất gần. Nó không tới trường câm điếc và chúng tôi cũng không muốn con trai mình học ngôn ngữ cử chỉ. Chúng tôi quyết tâm để con sống một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ bình thường khác. Chúng tôi giữ vững quyết tâm đó dù nhiều lần phải tranh cãi quyết liệt với các cán bộ quản lý nhà trường.
Khi con trai tôi học trung học, nó đã thử dùng máy trợ thính nhưng không có tác dụng gì cả.
Trong tuần cuối cùng ở đại học, một chuyện đã xảy ra và đánh dấu bước ngoặt quan trọng nhất của cuộc đời con trai tôi. Có ai đó đã tình cờ gửi cho nó một thiết bị trợ thính đang trong thời kỳ thử nghiệm. Nó không thiết tha gì lắm với việc sử dụng thử chiếc máy vì đã nhiều lần thất vọng với những thiết bị cùng loại. Cuối cùng, nó nhặt thiết bị lên, hờ hững đeo vào tai rồi bật máy. Và như một phép lạ, niềm khát khao bấy lâu được nghe như một người bình thường của nó đã trở thành sự thật.
Lần đầu tiên trong đời, con trai tôi có thể trò chuyện tự nhiên với những người khác mà họ không cần phải nói to như hét vào tai nó. Nó thật sự đã bước vào một thế giới khác hoàn toàn với thế giới trước kia mà nó đã sống.
Khát vọng đã bắt đầu có kết quả nhưng chiến thắng đó vẫn chưa toàn vẹn. Con trai tôi vẫn còn phải tìm kiếm những cách thức rõ ràng và thực tế để biến khiếm khuyết của mình thành một lợi thế tương đương.
TƯ TƯỞNG TẠO NÊN NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU
Say sưa với niềm vui sướng được khám phá thế giới âm thanh, con trai tôi đã viết một lá thư đến nhà sản xuất của bộ máy trợ thính đó, nhiệt tình kể lại những trải nghiệm của bản thân. Một điểm đặc sắc nào đó trong lá thư đã làm cho nhà sản xuất mời nó đến New York. Nó được dẫn đi tham quan nhà máy và trong khi đang nói chuyện với kỹ sư trưởng về thế giới mới của mình thì một linh cảm, một ý tưởng, một sáng kiến – bạn gọi bằng cách nào cũng được – chợt lóe lên trong tâm trí nó.
Lực đẩy vô hình của ý tưởng đó đã biến sự mất mát của con trai tôi thành một tài sản quý giá, thứ tài sản được định sẵn là mang đến tiền bạc và hạnh phúc lâu dài không chỉ cho nó mà còn cho hàng ngàn người khác.
Nội dung tổng quát và bản chất của lực ẩy vô hình đó là: Con trai tôi nghĩ rằng mình có thể giúp đỡ hàng triệu người điếc khác đang phải sống mà không có các thiết bị trợ thính nếu nó tìm được cách kể cho họ nghe về cuộc sống mới mà nó đang tận hưởng sau khi sử dụng thiết bị đó.
Trong suốt một tháng, con trai tôi chuyên tâm nghiên cứu và phân tích toàn bộ hệ thống tiếp thị của nhà sản xuất những thiết bị trợ thính ấy.
Nó lên một kế hoạch tiếp cận với những người khiếm thính trên toàn cầu nhằm chia sẻ với họ thế giới đổi thay mà nó vừa khám phá. Sau khi hoàn thành, con trai tôi viết hẳn một dự án dài hạn hai năm dựa trên những phát hiện của riêng nó. Dự án được trình bày với công ty và ngay lập tức nó được giao cho một vị trí để thực hiện tham vọng ấy.
Con trai tôi đã hơi mơ mộng một chút khi bắt tay vào việc. Nó tin rằng mình được sinh ra để mang hy vọng và niềm tin đến cho hàng ngàn người khiếm thính, những người mà nếu không có sự giúp đỡ của nó, có thể sẽ phải vĩnh viễn sống trong thế giới vô thanh.
Tôi hoàn toàn không nghi ngờ khả năng con trai tôi - Blair - có thể sẽ trở thành một người câm điếc suốt đời nếu tôi và vợ tôi không cố gắng định hình trong tâm trí nó một khát khao cháy bỏng được nghe nói như bao người bình thường khác.
Khi tôi gieo vào tâm trí Blair khát khao được nghe, nói và sống như bao người bình thường khác, khát khao ấy đã tạo ra một ảnh hưởng đặc biệt khiến Tạo hóa trở thành một cây cầu bắc qua hố ngăn cách im lặng giữa trí óc nó với thế giới bên ngoài.
Thật vậy, con đường biến một khát khao cháy bỏng thành một giá trị vật chất nào đó tương đương thường không bằng phẳng mà rất quanh co, khúc khuỷu. Blair khát khao nghe được bình thường và giờ đây điều đó đã trở thành hiện thực, cho dù nó được sinh ra trong tật nguyền. Trong khi đó, hoàn cảnh có thể dễ dàng ẩy một người không có khát khao mãnh liệt xuống đường với vài cây bút chì và một cái ly thiếc.
"Lời nói dối vô hại" mà tôi đã gieo vào tâm trí Blair khi còn nhỏ đã làm cho nó tin rằng nỗi bất hạnh mà nó phải chịu đựng rồi sẽ trở thành một tài sản lớn. Niềm tin ấy giờ đây đã được chứng minh là đúng.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng nếu con người thực sự có niềm tin cộng với một khát khao cháy bỏng về một điều gì đó thì dù đúng hay sai, điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. Chân lý đó đúng và rộng mở với tất cả mọi người.
LTS: Nội dung bài viết được rút từ cuốn sách Nghĩ giàu, Làm giàu của tác giả Napoleon Hill xuất bản năm 1937. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ, quân dân và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.