Năm 2019, doanh thu phòng vé thế giới tăng vọt lên 42,5 tỉ USD - mức cao nhất trong lịch sử, bất chấp sự đe dọa từ các kênh streaming. Tuy nhiên, sự mong đợi đầy hào hứng dành cho năm 2020 đã bị thay thế bằng nỗi lo lắng mang tên Covid-19. Dịch bệnh có quy mô toàn cầu này đã khiến chính phủ nhiều nước khuyến cáo hoặc cấm công dân tụ tập tại nơi đông người, gồm cả rạp chiếu phim, trong nhiều tuần lễ liên tiếp.
Tính đến cuối ngày thứ hai 2.3, Covid-19 đã lây nhiễm hơn 90.000 người và cướp đi hơn 3.000 sinh mạng trên toàn thế giới. Phần lớn các trường hợp tử vong là ở Trung Quốc - nơi coronavirus xuất hiện đầu tiên. Thế nhưng, nó đã nhanh chóng lan sang nhiều quốc gia khác và bùng phát mạnh tại Hàn Quốc – nơi vừa ghi nhận hơn 4.800 ca lây nhiễm tính đến sáng hôm qua (3.3).
Các rạp chiếu phim tại Trung Quốc đã bị đóng cửa từ dịp Tết Nguyên đán nhưng tình hình dịch bệnh chuyển xấu đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc chiếu phim tại Hàn Quốc, Ý, Đức và cả Nhật Bản – thị trường phim ảnh lớn thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc).
Các trung tâm thương mại tại Trung Quốc vắng tanh
Một số nhà phân tích cho rằng Covid-19 có thể làm ngành công nghiệp điện ảnh tổn thất 5 tỉ USD từ doanh thu phòng vé giảm và sản xuất bị đình trệ. Con số này sẽ tăng nữa nếu khán giả ở những quốc gia khác nghi ngại không đến rạp, trong đó có Mỹ - nơi đã ghi nhận ca lây nhiễm thứ 102 với 6 người tử vong vào sáng hôm qua (3.3).
Theo số liệu từ Artisan Gateway, thị trường Trung Quốc trong nguyên kỳ lễ Tết Nguyên đán 2020 chỉ thu được 4,2 triệu USD tiền vé – quá nhỏ bé so với cùng kỳ năm ngoái là 1,76 tỉ USD. Các nhà phân tích cho rằng ngành công nghiệp điện ảnh nước này tính đến hiện tại đã tổn thất 2 tỉ USD hoặc hơn. Và kể cả khi dịch bệnh đã kết thúc, nó cần nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng để quy trình có thể hồi phục lại như cũ.
Cuối tuần qua, doanh thu phòng vé tại Hàn Quốc - thị trường lớn thứ 5 trên thế giới - đã giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng đầu phòng vé là Invisible Man – phim kinh dị mới của hãng Universal – với 1,1 triệu USD tiền vé. "Các rạp chiếu phim vẫn mở cửa, nhưng tình hình không tốt cho lắm", một nhà phân phối phim tại xứ sở kim chi nói với tờ The Hollywood Reporter.
Theo KOBIS - dịch vụ phòng vé quốc gia, doanh thu bán vé vào tháng trước đạt 62 tỉ won (52 triệu USD) so với 189 tỉ won (158 triệu USD) từ cùng kỳ năm ngoái, giảm 70%.
“Tình hình hiện nay tệ hơn rất nhiều so với dịch MERS vào năm 2015”, một thành viên của Ủy ban điện ảnh Hàn Quốc cho biết. “Lượng khán giả khi ấy giảm 40% nhưng không hề có rạp nào đóng cửa và mọi thứ hồi phục chỉ sau một tháng. Đáng tiếc, điều đó sẽ không diễn ra với Covid-19. Có thấp hơn 100.000 tấm vé bán ra mỗi ngày là điều bất thường. Chính vì thế, tương lai gần rất khó dự đoán”.
The Invisible Man là phim hiếm hoi ra rạp trong tuần qua
CGV - chuỗi rạp lớn nhất của Hàn Quốc đã đóng cửa toàn bộ 9 rạp ở phía nam thành phố Daegu - trung tâm đô thị lớn thứ 4 của đất nước và chiếm 2/3 lượng người bị lây nhiễm. Đối với các rạp bên ngoài Daegu, CGV đã cắt giảm một nửa số buổi chiếu. Các chuỗi rạp khác như Lotte Cinema và Megabox cũng cắt giảm buổi chiếu và nhân sự để giảm thiểu tiếp xúc giữa người với người. CGV cho biết họ luôn kiểm tra thân nhiệt của tất cả nhân viên vào buổi sáng.
“Không khí sợ hãi bao trùm”, một nhân viên CGV cho biết. “Giống y như đợt cúm lợn (H1N1) vào năm 2009 khi Hàn Quốc có đến 80.000 trường hợp nhiễm bệnh”.
Không có khán giả đến rạp nên nhiều phim mới cũng không thể ra mắt và bị trì hoãn vô thời hạn. Đầu tuần này, phiên bản đen trắng của Parasite – phim vừa đoạt giải Oscar – vốn dự kiến công chiếu vào thứ tư 4.3 đã bị hoãn cho đến khi Covid-19 tạm lắng. Phát ngôn viên của CJ Entertainment – đơn vị phân phối phim cho biết tất cả nhân viên của công ty đã được lệnh làm việc tại nhà cho đến ít nhất là thứ sáu.
Ý bất ngờ bùng dịch vào tuần trước đã khiến nhiều hoạt động giải trí bị xáo trộn
Tại Ý, khoảng một nửa số rạp chiếu phim được cho là đã đóng cửa và tất cả đều nằm ở khu vực giàu có phía bắc. Sau khi phát hiện 1.694 ca lây nhiễm và có 34 trường hợp tử vong, chính phủ nước này đã ban hành các quy định chặt chẽ nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Hậu quả nhanh chóng thấy được khi phòng vé vào cuối tuần rồi giảm 76% so với cùng kỳ năm trước.
Francesco Rutelli - Chủ tịch của ANICA (Hiệp hội Điện ảnh, công nghiệp nghe nhìn và đa phương tiện của Ý) nhấn mạnh rằng điện ảnh nước này đang trên đà phát triển mạnh. Phòng vé năm 2019 đã tăng 14% nhờ vào những phim địa phương như Tolo Tolo và Gli anni piu belli.
“Hậu quả của việc đóng cửa rạp chiếu phim và nỗi sợ hãi đang lan tỏa trong dân chúng thật đáng sợ”, Rutelli nói. “Trước khi dịch bệnh bùng phát, điện ảnh Ý đang trong tình trạng không thể tuyệt vời hơn. Phòng vé tháng 1 tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Trong khi Ý là điểm nóng châu Âu đầu tiên, các trường hợp nhiễm bệnh đang lan ra khắp châu Âu, từ các nước láng giềng như Đức và Thụy Sĩ cho đến tận phía bắc như Đan Mạch - nơi giám đốc điều hành của một đài truyền hình đã dương tính với coronavirus sau khi trở về từ kỳ nghỉ trượt tuyết ở miền Bắc nước Ý.
Tại Nhật Bản, số ca nhiễm bệnh đến nay là 274 và 6 trường hợp tử vong. Sự lo lắng chỉ mới bắt đầu và đã gây ra tác động tiêu cực đến việc khán giả ra rạp xem phim. Chưa có số liệu chính thức nhưng dự đoán phòng vé tuần này sẽ giảm từ 10-15%.
Chính quyền Nhật Bản lo sợ Covid-19 sẽ bùng phát tại đây
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra lệnh đóng cửa tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông cho đến đầu tháng tư để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tại một cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 vào tuần trước, ông đã kêu gọi các nhà tổ chức sự kiện “hủy bỏ, tạm hoãn hoặc giảm quy mô của các sự kiện văn hóa và thể thao trên toàn quốc trong hai tuần tới”.
Shochiku – hãng phim, nhà phân phối và điều hành chuỗi rạp chiếu tại Nhật Bản cho biết họ đã bắt đầu hoàn tiền cho những vé đặt trước và đang xem xét liệu có tiếp tục những chiến dịch quảng bá cho phim mới hay không. Toho – chuỗi rạp chiếu lớn nhất cũng có động thái tương tự vào cuối tuần trước và tạm hoãn ra mắt phim hoạt hình Doraemon the Movie: Nobita's New Dinosaur vốn dự định công chiếu vào ngày 6.3. Fukishima 50 – phim mới của đạo diễn Kadokawa xoay quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân năm 2011 cũng bị hoãn.
Ở Trung Đông, khán giả đang tránh xa các rạp chiếu phim sau nhiều trường hợp được xác nhận dương tính với Covid-19. Iran với 245 ca lây nhiễm và 26 trường hợp tử vong là quốc gia có số người chết cao nhất bên ngoài Trung Quốc. Ảnh hưởng của nó đang lan tỏa ra khắp vùng Vịnh.
Tại Kuwait (43 ca lây nhiễm), lượng khán giả ra rạp đã giảm 10%. Tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (19 ca lây nhiễm), người dân đang tránh xa các trung tâm thương mại, nơi tọa lạc của hầu hết các rạp chiếu phim trên cả nước. Trong khi đó, Ả Rập Saudi dù chưa có trường hợp lây nhiễm nào được ghi nhận đã thực hiện bước phòng ngừa chưa từng có là tạm thời cấm người hành hương vào nước này 5 tháng trước khi cuộc hành hương Hajj hằng năm diễn ra – sự kiện thu hút hàng triệu tín đồ đổ về từ mọi góc của thế giới để đến Mecca và Medina.
Nước Anh hiện chỉ có 39 ca lây nhiễm vì thế tình hình tạm thời không nghiêm trọng. Mặc dù vậy, với vai trò là một trong những thị trường phim lớn nhất thế giới (đặc biệt là lĩnh vực truyền hình), bất kỳ tác động nào từ Covid-19 cũng sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền làm suy yếu ngành công nghiệp điện ảnh nói chung. “Vấn đề không phải là nếu xảy ra hay không mà là khi nào?”, một chuyên gia điện ảnh của Anh cho biết.
Hãng Disney đang đau đầu vì ngày công chiếu của Mulan sắp đến gần nhưng dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc sớm
Mỹ cũng chưa gánh chịu hậu quả nặng nề từ Covid-19 nhưng Hollywood đang đau đầu vì không thể ra mắt các phim bom tấn theo kế hoạch vì những thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật đang chuyển biến xấu. Nổi bật nhất là Mulan (kinh phí 200 triệu USD) và No Time To Die hai phim dựa rất nhiều vào thị trường đại lục.
Tại Úc, các phim Hollywood đều đã bị hoãn bao gồm Invisible Man. Onward, A Beautiful Day in the Neighborhood, Charlie’s Angels và The Grudge cũng không rõ ngày ra mắt.
Thứ tư tuần trước, chính phủ Trung Quốc đã ban hành công văn hướng dẫn các rạp chiếu phim hoạt động trở lại nhưng không có ngày cụ thể. Mặc dù vậy, yêu cầu kèm theo khá rắc rối. Nhân viên sẽ được yêu cầu ghi lại tên và địa chỉ của mọi khán giả, kiểm tra nhiệt độ của họ, yêu cầu đeo khẩu trang, đảm bảo rằng có một chỗ trống giữa các chỗ ngồi ở mọi hướng và vệ sinh thường xuyên.
Trong lúc các rạp chiếu phim Trung Quốc chìm trong bóng tối, danh sách các bộ phim tồn kho ngày càng dài. Chính vì thế, khi mở cửa trở lại, việc chọn phim nào ra trước và bao nhiêu suất cũng đủ khiến các nhà phân phối đau đầu.
Các phim bom tấn ra mắt vào tháng 5 có nguy cơ bị ảnh hưởng như Black Widow và Fast and Furious 9 vốn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Trong buổi họp với các nhà đầu tư vào 19.2, Richard Gelfond - giám đốc điều hành Imax đã lo ngại rằng các bom tấn nếu không được chiếu cùng ngày tại Trung Quốc lẫn Mỹ sẽ dẫn đến việc phim bị chia sẻ lậu trên internet. Mặc dù vậy, những nhà điều hành đã tự tin rằng các rạp chiếu ở Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại khi hè tới, gồm cả 702 màn hình Imax ở trong nước.
Không có hãng phim nào công khai tiết lộ phản ứng của họ đối với cuộc khủng hoảng lần này với lý do nhạy cảm và không chắc chắn.
“Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi nghĩ mọi thứ có thể trở nên khó khăn”, phát ngôn viên của Hiệp hội Điện ảnh, đơn vị đại diện cho các hãng phim lớn trên toàn cầu cho biết. “Chúng tôi giám sát chặt chẽ báo cáo từ các quan chức y tế công cộng về coronavirus và các biện pháp bảo vệ để hạn chế tác động của nó. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của khách hàng lẫn nhân viên”.
Trên thực tế, hầu hết các hãng phim lớn đã bắt đầu tập hợp nhóm tư vấn bao gồm nhiều nhân viên ở đủ phòng ban (sản xuất, tiếp thị, tài chính và nhân sự) để đánh giá tác động tiềm tàng của dịch bệnh. Họ cũng yêu cầu nhân viên trì hoãn các chuyến công tác tới các điểm nóng Covid-19 gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Hàn Quốc, loại bỏ các chiến dịch quảng cáo cho các phim sắp ra mắt.
Renee Zellweger và Saoirse Ronan đã hủy chuyến bay đến Nhật Bản để quảng bá cho phim mới của họ là Judy và Little Women
Các bộ phim đang trong quá trình ghi hình cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ như phần mới nhất của Mission Impossible đã bị buộc ngừng sản xuất tại Venice sau khi dịch bệnh bùng phát tại Ý. Red Notice dự án trị giá 160 triệu USD của Netflix có sự góp mặt của Dwayne Johnson, Ryan Reynolds và Gal Gadot cũng phải thay đổi địa điểm ghi hình.
Số lượng ca nhiễm Covid-19 mới ở Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại và có bằng chứng cho thấy nước này đang dần kiểm soát được dịch bệnh.
Tại Mỹ, tuy có ca nhiễm mới nhưng chưa thấy nguy cơ phải đóng rạp chiếu phim. Cuối tuần trước, Adam Aaron - giám đốc điều hành của chuỗi rạp AMC cho rằng dịch bệnh sẽ có tác động “kinh tế tối thiểu” lên tình hình kinh doanh: “Các rạp chiếu phim của chúng tôi, chủ yếu ở Mỹ và Bắc Âu dường như không bị hề hấn gì. Nếu coronavirus tấn công Mỹ trên diện rộng thì có lẽ mọi chuyện đã xấu hơn rất nhiều. May mắn thay là đã không xảy ra”.
Mặc dù vậy, một chuyên gia trong ngành nói với tờ Hollywood Reporter rằng nếu Covid-19 diễn biến tệ hơn ở các quốc gia khác thì sớm muộn cũng ảnh hưởng đến thị trường Mỹ.
Mai Thảo