Trong thời kỳ Chánh Pháp, mọi người đều tinh tấn tu tập thiền định (Thiền định kiên cố). Trong thời kỳ Tượng Pháp, đa số chỉ chú trọng xây chùa dựng tháp để lấy phước (Tự miếu kiên cố), những người thật sự tu tập ngày một ít đi. Trong thời kỳ Mạt Pháp, người tu học càng ít, mọi người chỉ tranh đấu chống đối lẫn nhau, không ai chịu nhường ai (Đấu tranh kiên cố). Các tu sĩ không còn giữ vững giới luật mà chỉ chú ý vào các nghi thức cúng bái, quyên góp, để xây dựng tên tuổi, địa vị cho mình.
Khi Đức Phật còn tại thế thì chỉ có một giáo pháp duy nhất là Phật pháp. Sau khi ngài nhập diệt, các đệ tử của ngài đi khắp nơi truyền bá giáo pháp và tùy theo sự hiểu biết của họ mà sự chỉ dạy cũng thiên về phần này hay phần khác. Ví dụ người thích tu thiền thì chú trọng dạy về thiền nhiều hơn, người thích luật thì chú trọng về luật nhiều hơn. Do đó, bắt đầu có sự phân chia tông phái. Ngoài ra, những điều truyền dạy còn phải thích ứng tùy theo các phong tục, văn hóa và ngôn ngữ tại các địa phương mà họ đến hoằng pháp. Tuy có sự khác biệt về phương pháp truyền dạy nhưng mục đích căn bản thì hoàn toàn không hề khác.
Người học Phật pháp phải nhận ra căn bản và mục đích của Phật pháp là giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi bằng cách đoạn trừ ái dục, tiêu trừ tham lam, ham muốn, dẹp bỏ vọng tưởng. Biết rõ mục đích rồi thì phương pháp không thành vấn đề quan trọng nữa. Do đó, không nên phân biệt phương pháp này với phương pháp khác, hay tông phái này với tông phái khác. Tất cả đều là những lời chỉ dạy của Đức Phật và tất cả đều bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt cao thấp hay phương pháp này cao hơn phương pháp kia.
Mỗi người phải tự chọn cho mình một phương pháp thích hợp để thực hành vì mục đích tất cả đều là giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Phương pháp hay con đường thì có nhiều lối, ai muốn đi lối nào cũng được.
Khi đạo Phật truyền vào các quốc gia như Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan thì phong tục, văn hóa và ngôn ngữ các xứ này còn giới hạn nên một số điều truyền dạy không chính xác mà lại được quần chúng hưởng ứng. Trong khi đó, khi đạo Phật truyền vào Trung Hoa, nơi văn hóa, ngôn ngữ rất phong phú, nên các giáo pháp như hạt giống tốt gặp được mảnh đất màu mỡ để phát triển mạnh mẽ.
Khi đạo Phật truyền qua Tây Tạng, xứ này đã có sẵn truyền thống về huyền thuật của đạo Bon nên Mật pháp được chú trọng nhiều hơn các giáo pháp khác. Cũng như thế, khi đạo Phật truyền qua Bactria, Ba Tư, vốn đã chịu ảnh hưởng của Hy Lạp, nên lại thiên về phương pháp tranh luận, đối thoại, như một khuynh hướng triết học đòi hỏi sự nghi ngờ, suy nghĩ sâu xa…
Muôn kiếp nhân sinh 3 l Nguyên Phong