Northcliffe là điểm cuối cùng của cực Nam Tây Úc, và ngôi nhà ở tận cùng Northcliffe là trang trại của Robert và Vân. Ở đó không điện, không nước máy, không internet, không ti vi, không sóng radio, chỉ có một thứ "sóng"duy nhất giúp họ trụ vững, bình thản sau những biến cố của cuộc đời: Đó là sóng – tình - yêu - ở - nơi – tận – cùng – hy vọng.
Tôi may mắn được đi lang thang dọc Tây Úc vào cuối xuân - những ngày thời tiết đẹp nhất trong năm. Chị Thuỷ chất tụi tôi lên xe và rong ruổi đường dài mỗi ngày chạy nhẹ nhàng 500km. Hoa dại bung nở hai bên đường, thiên nhiên hoang sơ đẹp đến tê dại.
Đường đi xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh vạm vỡ, qua bình nguyên hiền hoà với cừu - dê - bò nhởn nhơ như những đụn len lăn tròn trên đồng cỏ xanh dưới nắng mật, có quãng tự dưng biển hiện ra xanh thẳm phía chân trời sau trùng điệp rừng cây bụi và những triền núi đá niên đại triệu năm.
Đi trên xa lộ lúc cuối chiều, thỏ rừng và Kangaroo chạy băng qua đường, chim chóc nhìn thấy người xuất hiện vẫn nhởn nhơ đứng im. Ở đây, dường như con người đã dừng lại thói gây tổn thương đến tự nhiên, nên sự có mặt của họ được đón nhận bình thản không gây chút xáo trộn và bận tâm đến thế giới hoang dã.
Northcliffe nằm ở nơi như thế, thú hoang vẫn vào từng khu vườn để ăn rau, những đứa trẻ có thể ngồi im xem Kangaroo nhảy qua hàng rào trang trại lúc cuối chiều…
Vân, một người đàn bà Việt Nam đẹp và mặn kiểu chị Hai Sài Gòn. Bất cần, phóng khoáng, rong chơi, hào sảng và rộng rãi, chịu đựng và hy sinh, nhẫn nại và chăm chỉ... Từng đó tính cách đựng trong người đàn bà 60 tuổi vẫn mặc quần jean và đi bốt cao bồi, cứ ngồi lên xe là phóng với tốc độ tổ lái, làm đủ việc nặng nhọc như thợ rừng, nấu ăn cực ngon và tinh tế. Tôi cũng nhớ hình ảnh khác về Vân, trong chiếc váy dài hoa nhỏ vương bông cỏ như một người phụ nữ Gypsy, với nụ cười sáng bừng sau khung cửa sổ bếp.
Khi tôi đi dạo vòng vòng ở cái hồ trước nhà, thì Robert hiện ra. Ông gầy guộc, đi ủng làm vườn bê bết đất, chiếc mũ phớt và bộ quần áo bảo hộ sờn cũ, da cháy đỏ dưới cái nắng của mùa Xuân, bàn tay xù xì cầm nắm lưới với cái xô cũ dựng tôm hùm sông. Một ông già nông dân nguyên chất!
Mãi sau tôi mới biết Robert là một người quyền lực của bang Perth. Ông ấy từng là Giám đốc Viện Công Tố, Chánh án Toà án bang Perth.
Robert bị ung thư vòm họng đã hơn 20 năm, trải qua chi chít cuộc hoá trị xạ trị và phẫu thuật. Lưỡi ông đã bị cắt, bây giờ vùng dưới yết hầu ông có 1 lỗ thủng, nó được đậy bằng cái nút silicone.
Robert không thể nói được nữa, tất nhiên. Nhưng ông có một sự cộng thông gì đó với Vân mà khi ông ra dấu hiệu, người bạn đời của ông luôn hiểu CHÍNH XÁC điều ông muốn.
Cơ duyên để hai con người đó gặp nhau khá lạ kì. Robert có một nông trại, bên thuê là một người Việt. Anh kia mời Robert về Sài Gòn chơi nhân một lần anh về thăm quê. Căn phòng Robert ở nhìn thẳng sang sân nhà Vân, ông thấy người đàn bà Việt đứng nấu ăn trong căn bếp nên bước qua sân để chào.
Ngày hôm sau, Vân đưa Robert về nhà mẹ chị. Tại đó, ông nghiêm túc nói yêu chị. "Tất cả chỉ trong vòng 1 ngày- và ông ấy hứa sẽ trở lại!". Lúc đó Vân đã gần 50 và chia tay người chồng trước. Chị được quyền nuôi đứa con gái duy nhất từ cuộc hôn nhân đầy bất hạnh của mình.
Đúng 3 tháng sau, Robert trở lại, và Vân vừa trải qua nỗi đau mất mẹ. Rồi ông đưa Vân sang Úc, đi bằng Visa du lịch. Trước ngày Vân về lại Việt Nam, họ làm đám cưới – chỉ có đúng 5 người bạn thân tới dự vì mọi chuyện gấp gáp quá.
Ngày chị đưa con gái sang đến Perth nhập cư để bắt đầu cuộc sống mới đầy hy vọng, thì Robert nhập viện. Căn bệnh ung thư tưởng như đã ổn, Robert có thể chung sống yên bình với nó - bỗng quay lại và quật xuống gia đình họ đòn chí mạng.
Robert bị chỉ định phẫu thuật họng, ông vẫn nán để lo đăng ký thuế, thẻ nhà băng, các loại bảo hiểm cho mẹ con Vân rồi mới chịu vào viện phẫu thuật mổ lưỡi – để lỡ có bề gì người phụ nữ của ông không bơ vơ.
Vân vẫn nhớ như in những ngày tháng khó khăn ấy, chị và con gái nhỏ hàng ngày dắt nhau đi bộ từ nhà vào bệnh viện chăm Robert, tiếng Anh không biết, đường đi không biết, không người thân, không có ai để hỏi xem phải làm gì.
Robert bị vỡ các mạch máu trong cổ, nhiều lần tưởng chết, ông phải mổ tới 3 lần và cuối cùng bị phẫu thuật cắt bỏ lưỡi.
"Robert đau đớn lắm, nhưng không bao giờ ông ấy than thở. Nghị lực để sống của ông ấy phải nói là khủng khiếp, chính điều ấy đã tạo nên phép màu" – Vân kể.
Sau 2 năm dằng dặc Robert nằm viện với các ca cấp cứu, mổ xẻ và hoá trị đến xơ xác, thì ông được trở về gia đình. Và từ đấy, Vân thành người thông dịch các cử chỉ của Robert, nói thay ông, cùng ông giằng giật cơ hội để được sống một cuộc đời bình thường.
Đó là chân dung sơ lược về vợ chồng chủ trang trại ở tận cùng vùng Northcliffe. Họ có 1 con gái nhỏ, Tiffany - nó nhanh nhẹn láu lỉnh như một thú hoang, và ứ đầy hạnh phúc.
Xin được kể về Tiffany. Sinh vật hoang dại, vui vẻ và được cưng nhất trang trại Northcliffe.
Vân kể, sau đám cưới nhiều năm, họ tha thiết mong có con như một ao ước không thể chạm tới. Để bù đắp cho Vân, Robert biến chuỗi ngày sống của họ trở thành hội hè miên man với đi rừng, lặn biển, ngao du khắp nơi. Hai con người ấy háo hức niềm vui sống, tự do bay lượn trong thời gian hữu hạn khi cả tuổi già và bệnh tật đều rình rập họ.
Ngày nọ Vân thấy mình tự dưng vừa bồn chồn vừa hớn hở quá mức, rồi lại chóng mặt suốt– chị bèn đi khám xem mình bị vấn đề gì. Bác sĩ nói chị đang mang bầu ở tháng thứ 5. Lúc đó Vân đã ngoài 50 tuổi và Robert trải qua 25 lần xạ trị, 3 lần hoá trị - kết quả khám ấy gần như hoang đường! Chẳng thể tả đôi vợ chồng già ấy đã mừng vui thế nào, Robert rủ Vân đi chơi một cú chót rồi về yên tâm dưỡng bầu.
"Ai dè, đi chuyến đó về là vào viện luôn, thai doạ sảy", Vân kể lại. Đúng 10 ngày sau Tifany chào đời, con bé sinh non khi mới được 6 tháng trong bụng mẹ, nó nặng 900 gr, nhỏ như con mèo con, làn da trong suốt mỏng dính nhìn xuyên thấu từng mạch máu. Các bác sĩ đã giữ được mạng sống cho Tiffany, em bé chào đời ở tuần thai thứ 25 ấy đã được nuôi nhiều tháng trong lồng ấp, với đủ loại máy móc hỗ trợ chức năng.
"Lúc đầu Ny chỉ uống được 1ml sữa, rồi 2ml, rồi 3ml, rồi lên 5ml…mỗi lần bón cho con uống được chút sữa bằng lọ nước rỏ mắt là hai vợ chồng mừng muốn khóc" – Vân kể.
Cái đùi của Tiffany lúc nằm trong lồng ấp, bằng đúng ngón tay người lớn. Hàng tháng trời, mỗi ngày Vân vào viện ngồi trực bên chiếc lồng kính, nắm lấy bàn tay bé tí hon của bé sơ sinh mà chảy nước mắt vì thương và lo thắt tim.
"Lúc đó tôi và Robert cần một niềm tin, một sợi hy vọng cũng được. Tôi không biết bản năng thế nào, mà tự trong mình tuôn ra những lời hát của bài Trống Cơm", Vân nhớ lại.
Bài dân ca Việt đã len rất êm vào chiếc lồng ấp, ngày lại ngày, lời hát ru khe khẽ hết mực dịu dàng, hết mực yêu dấu và chở theo hy vọng từ người mẹ. Một cách thần kỳ, Tiffany cảm nhận được, rồi em biết nhoẻn cười, rồi em ăn nhiều sữa hơn, em tự hồi phục dần trong lồng ấp.
Bản năng sống mạnh mẽ của em bé Ny được các bác sĩ ca ngợi là sự thần kỳ, Ny chịu chế độ theo dõi đặc biệt đến tận 5 tuổi. Vân & Robert quyết định cho bệnh viện dùng thử nghiệm trên trường hợp của Tiffany để BV ra phác đồ điều trị cho những em bé sinh non.
Tụi tôi nhoè mắt khi nghe chị Vân kể đến bài "Trống Cơm", người phụ nữ Việt Nam xa xứ, khi cần một sự tiếp sức từ thinh không, đã nương tựa ầu ơ nơi quê nhà để gọi về thương yêu. Ở tận cùng tuyệt vọng, thì hy vọng sẽ luôn xuất hiện. Ai có đủ phúc phận và niềm tin, sẽ nhận ra và có được nó.
Nhưng không phải mỗi bé Ny mới cần hy vọng. "Ngày xưa khi Robert nằm 2 năm trong viện, sự sống mỏng như sợi tóc, tôi có nguyện xin: Nếu Trời Phật thương mà cho ổng sống được, thì sau này khi ổng đi rồi, tôi sẽ dành thời gian còn lại của mình để phát tâm công quả. Ở Perth có mấy ngôi chùa của người Việt, tôi sẽ tới đó dọn dẹp và làm việc công quả". Dường như, Vân nhận thấy, dù quãng đời trước có trúc trắc cỡ nào, thì chị vẫn nhận được quá nhiều điều quý giá trong cuộc đời và chị phải có trách nhiệm đền đáp lại.
Phía sau sự hồi sinh của một con người, song hành với những điều diệu kỳ, là sự nỗ lực phi thường. Sự hồi sinh của thiên nhiên cũng vậy. Trang trại của Vân và Robert là minh chứng rõ nét cho điều ấy.
Khu vườn của Vân tràn trề hoa. Đào bích, địa lan, các loài hibicus, blackberry, mận… đều bung nở, chanh chín vàng rực trên cây. Cả trang trại thơm tho mùi nhựa và tinh dầu ứa từ cành cây mới chặt. Quanh trang trại có mấy cái hồ tự nhiên, tôm hùm sông không biết từ đâu xuất hiện trong hồ. Chúng ăn rễ cây và rong rêu, đôi khi cả những khúc gỗ mục.
Giống tạp ăn ấy khiến trong hồ chẳng còn loài nào sống được, chúng sinh sôi khoẻ và lớn rất nhanh, thịt dai và thơm ngọt. Nếu đi một vòng khoảng 3 con hồ nhỏ quanh trang trại, Robert sẽ gỡ được tới chừng 5-7 ký tôm mỗi ngày. Lũ tôm đó là nguồn thực phẩm quan trọng và đầy tự hào của trang trại Northcliffe.
Chẳng thể tin nổi trang trại bạt ngàn hoa cỏ ấy chỉ vài năm trước là một khu đất không có sự sống.
Vân đứng giữa khu vườn xanh mướt của mình, tự hào kể: "Khi chúng tôi mua khu đất này, Tây Úc vừa trải qua 90 ngày cháy rừng. Một ngọn cỏ, rễ và hạt mầm vùi sâu cũng không còn, vì lửa đốt vào tận lòng đất, than bụi phủ đen nơi nơi. Robert chở gỗ, gạch, ngói cách hàng trăm km về xây khu nhà.
Tụi tôi mang từng mầm cây về trồng, gồm cả cây thân gỗ cổ thụ, cây ăn trái, cây bụi, hoa, rau…Thậm chí cỏ cũng phải trồng lại để hồi sinh cho đất. Rồi nuôi chó để trông nhà và làm bạn với Tiffany, nuôi gà để lấy trứng.
Rồi Robert lắp hệ thống trữ nước mưa và giếng khoan. Rồi ổng lắp pin năng lượng mặt trời để lấy điện. Rồi ổng đóng bàn ghế đồ gỗ kiểu cọ các thứ. Tôi thì may rèm, chăn ga, bọc lại sofa, phụ ổng làm vườn trồng trọt. Nói chung chỉ có hai người nên quá vất vả. Robert mang bệnh nhưng ổng làm việc rất điên, mọi thứ trong nhà Robert đều muốn tự làm, mò mày sáng chế ra cái gì là ổng vui sướng lắm. Rồi dần dần mọi thứ hồi sinh, tụi này còn định xây thêm khu nhà nữa cho mọi người đi du lịch dã ngoại đi qua ghé ở".
Nói chung, nền thương mại ít nhiều bất lực trước trang trại Northcliffe. Vì Vân tự nấu nướng, sữa và thịt mang từ Perth về, gà, trứng và tôm, trái cây và rau lấy từ trang trại; Vân tự làm bánh và nấu bia thủ công, nói chung cuộc sống của họ cố gắng ở mức tự cấp tự túc cao nhất. Họ sống an vui và thanh thản như những người nông dân thuần khiết.
Sau một ngày làm lụng cật lực, từ chặt cây, đốt cỏ, trồng rau, cuốc vườn…cuối chiều hai người họ thường ngồi ở chiếc bàn nhỏ trước hiên nhà, cùng uống với nhau chai bia tự nấu hoặc một cốc vang trắng ướp lạnh.
Robert bị phẫu thuật lưỡi, tức là gần như hệ thống vị giác của ông không còn. Nhưng bằng một cách thần kì nào đó, ông là người thử rượu siêu chuẩn. Nhìn ông thành kính lắc nhẹ cốc vang ở lượt rót đầu tiên để mùi trái cây lên men bay nhẹ trên miệng cốc, rồi ông nếm một ngụm nhỏ, thong thả cho rượu "va" khắp vòm họng – thì hiện ra mọi sự sành sỏi, kỹ lưỡng. Khi Robert gật đầu và giơ ngón tay cái lên tỏ ý tán thưởng chai vang ông vừa nếm, chúng tôi sẽ yên tâm là sau đây được uống một chai thật ngon.
Robert sưu tập đồ sứ và xe Rolls Royce cổ. Nhưng ông lao động quần quật như một lão nông. Cách Robert sống hào hứng và hăm hở, không ai dám nghĩ ông mang bệnh trọng, ông tận hưởng và cống hiến hết lòng trong từng ngày sống của mình. Và Robert làm mọi phận sự của một quý ông bảo vệ những người phụ nữ quanh mình, một cách đương nhiên và thư giãn.
Vân ki cóp từng cái mầm cây. Bằng cách khéo xoay của người Việt, Vân kiếm được đủ giống các loại rau thơm của Việt Nam. Rau răm, húng các loại, hương nhu, diếp cá, thậm chí bèo tấm được mọc đầy ở trang trại tận cùng nước Úc. Vân thương từng cây hoa dại quanh nhà, món quà mỗi khi từ Northcliffe trở về Perth mà Vân dành cho bạn gái thân, luôn là xô hoa dại được hái trong rừng, đôi khi thêm vài con tôm hùm đã được ướp và nướng sẵn.
Cuộc sống có thể đơn sơ và tuyệt đẹp như thế đó. Những buổi sáng cuối tuần gia đình ấy người đun nước pha cafe người nướng bánh, đứa trẻ con ngái ngủ làm nũng chờ bố mẹ ôm và thơm vào má mới chịu ra khỏi giường.
Nắng tràn trề khắp khu vườn còn óng ánh sương, hương hoa cỏ thơm ngọt thoảng theo gió len vào ngôi nhà gỗ ấm mùi bánh mới nướng. Rồi Vân sẽ ra vườn trồng thêm ít rau gia vị, Robert cắm lại đoạn hàng rào và tiện tay lấy ít cỏ bỏ xuống hồ cho lũ tôm hùm.
Ăn sáng xong cả nhà sẽ lên xe để đến một nhà làm pho mát hoặc một nhà rượu vang nổi tiếng trong vùng. Họ ăn trưa thật thịnh soạn, uống chai rượu ngon, và ngồi im lặng ngắm cảnh trong khi tụi trẻ con đuổi nhau dưới triền đồi và lăn lộn trên bãi cỏ.
Rồi cả nhà túc tắc đi về khi cuối chiều. Sẽ dừng lại dọc đường ở một đoạn nghỉ để ngắm biển, rừng và đồng cỏ mênh mông trong tầm mắt; nơi vẻ đẹp nguyên khiết của thiên nhiên hoang dã chưa từng bị con người xâm phạm.
Vân thường xuyên bị điên ruột với chồng, "Tôi tức ổng lắm vì ổng chỉ đi lo cho người khác mà không chịu xót bản thân! Robert cố gắng làm lụng để mọi người tin rằng ổng khoẻ, vẫn mua thêm đồ cho các bộ sưu tập đồ cổ của ổng, vẫn kéo gỗ về để tính xây thêm nhà mới ở trang trại. Ổng vẫn làm hùng hục, kể cả ngày mai có chết Robert cũng không quan tâm. Ổng còn khó chịu khi bị chăm sóc..".
Tháng 8 này, Vân đang sốt ruột chờ chồng trở về. Vì Robert rủ mấy ông bạn già "đi bụi" đã gần tháng nay. Họ mang theo lều, lúc thì chui trong rừng, lúc thì dọc theo bờ biển, lúc thì đi sâu vào trong sa mạc. Chạy xe ròng rã hàng ngàn km giữa thiên nhiên hoang dã, khi mỏi thì dừng lại hạ trại, đốt lửa, câu cá.
"Cắm lều ngủ dưới trời sao hoặc mưa lạnh, cắm con cá lớn vừa câu được nướng trên đống lửa sưởi ấm và đuổi thú dữ - như thời ăn lông ở lỗ", Vân bực bội kể. Thực tế Vân có đi theo đám tay chơi già đó được mấy ngày, nhưng bị Robert "đuổi khéo" về (chắc để ông đỡ bị chăm sóc). Robert lái xe một mạch hơn 800km đưa vợ vào tận cổng, rồi lại hấp hoảng phóng lên xe đi tiếp để bám kịp đám bạn.
"Ổng vứt lại mấy hộp súp tôi nấu sẵn, ra dấu là kệ cho ổng tự lo!". Vào rừng và sa mạc thì chịu chẳng liên lạc được, khi nào đi qua thị trấn, Robert sẽ tìm chỗ có sóng để gửi về cho vợ một email báo rằng ông vẫn ổn.
Ở trang trại của Vân, nếu trèo lên nóc nhà nơi sóng siêu tần tốt hơn, thì chỉ nghe được kênh Radio dành cho cánh xe tải đường dài lênh đênh trên những cung đường xa hút.
Hỏi cuộc sống của Vân có buồn không khi chị chỉ quanh quẩn với căn bếp, vườn tược và tụi trẻ con? Vân cười, "Chỉ buồn ngủ thôi vì làm việc mệt quá! Với nữa, vừa ngả lưng thì nhớ ra mấy gốc hồng mình chưa xới, đám địa lan dại lên mầm nhỡ tụi thú hoang vào dẫm nát, phải đưa Ny đi xem cái eo biển đẹp tê dại mà hôm trước mới biết…Nhiều thứ quá, không kịp nhớ ra có cái gọi là nỗi buồn!". Niềm vui li ti trong những câu chuyện vụn vặt của Vân cứ lấp lánh như những ánh sao xanh ngời.
Ở tận cùng hy vọng là Vân, người đàn bà Việt Nam điển hình, mang sức sống mãnh liệt như cỏ. Ngay cả khi bị cuốc rễ khỏi mặt đất, bị vứt đi héo quắt dưới nắng khô, chỉ cần có chút đất ẩm, là lại hồi sinh và mạnh mẽ vươn mầm. Năng lượng của Vân là thương yêu và hy sinh. Chỉ cần có trong tay một miếng đất, chị sẽ kiếm hạt giống, sẽ chăm chút và vun vén, để thành xanh tươi.
Ở tận cùng hy vọng là Robert, bệnh tật không dồn đuổi được người đàn ông ấy. Robert sống thong thả và thưởng thức cuộc đời từng ngày; tận tuỵ và say mê làm việc như thể ông còn có cả 100 năm sau để được nhìn và tận hưởng thành quả những gắng gỏi của mình ngày hôm nay.
Ở tận cùng hy vọng là Tiffany; mầm sống đẹp đẽ và mướt xanh được sinh ra từ tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cơ hội được hạnh phúc của hai con người đã chịu nhiều thử thách từ số phận.
Cuộc sống bận rộn ấm sực ở trang trại nhỏ ấy như một bản tụng ca những niềm hạnh phúc thuần khiết. Họ đi ngủ không mộng mị, không có TV và Internet; Thức dậy lao động cật lực và chỉ nghỉ ngơi khi cuối ngày. Tự tay làm mọi điều, kể cả niềm vui. Hy vọng và cảm hứng sống trong lành là thứ họ sẵn có, như khí trời và ánh nắng.
Gia đình nhỏ và cuộc sống ở ngôi nhà tận cùng Tây Úc khiến tôi nhận ra, những êm đềm đơn sơ không bị biến mất trong nhịp sống có phần điên rồ này, mỗi người chúng ta vẫn luôn có nó và đã từng có nó, chỉ là chúng ta có nhớ ra và soạn sửa mình tươm tất để thong thả ngồi xuống đón nhận nó hay không? Và chỉ cần trong lòng chúng ta còn mơ ước và gắng gỏi, thì vẫn luôn còn có cơ hội cuối cùng cho hạt giống hy vọng được mọc lên. Thật vậy!
Pháp luật & Bạn đọc