Lễ hội Bagwal ném đá thờ thần ở miền Bắc Ấn Độ
Ở miền Bắc Ấn Độ, lễ hội Bagwal tại đền Devidhura, bang Uttarakhand nhằm tôn vinh thần Barahi Devi bằng nghi thức những người tham gia lễ hội ném đá vào nhau gây thương tích cho nhau có lẽ là một trong những lễ hội kỳ quái và bạo lực nhất hiện nay.
Đây là một lễ hội truyền thống của người dân nơi đây, được tổ chức ở vị trí giáp ranh giữa hai ngôi làng nhỏ Pandhurna và Sawargaon. Lễ hội Bagwal được tổ chức hàng năm để tôn vinh vị thần Barahi Devi, một vị thần nằm trong nhóm Matrikas gồm 7 nữ thần của đạo Hindu và được hàng nghìn người ở đất nước Ấn Độ theo dõi. Người dân địa phương nơi diễn ra lễ hội này tin rằng, nữ thần chỉ hài lòng khi những người tham gia lễ hội có đổ máu, điều đó tượng trưng cho sự hy sinh của con người.
Khởi thủy của lễ hội bạo lực kỳ quái này được ông BC Joshi, giáo sĩ đền Devidhura giải thích: "Theo truyền thuyết, một cụ bà bị yêu cầu phải hiến tế cháu trai duy nhất của mình, sau đó đã cầu xin thần Barahi Devi tha cho người cháu. Mong muốn của bà được chấp thuận. Tuy nhiên, nữ thần được cho là đã xuất hiện trong giấc mơ của các tín đồ, yêu cầu họ ném đá vào nhau và đổ nhiều máu nhất có thể, hành động tương đương với hiến tế người". Từ đó lễ hội được tổ chức theo truyền thuyết này.
Hơn 400 người bị thương trong lễ hội ném đá Gotmar ở Ấn Độ. |
Ngày 15-8 vừa qua, đông đảo người dân đã tập trung tại đền Devidhura ở bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn Độ để tham gia lễ hội và ném đá vào nhau trong lễ hội Bagwal. Nghi thức này diễn ra trong 10 phút và kết thúc sau hiệu lệnh của trưởng đền. Dù một tòa án đã cấm sử dụng đá trong lễ hội này, song người dân địa phương vẫn lén lút ném đá. Kết quả lễ hội hôm 15-8 đã có hơn 150 người bị thương vong.
Lễ hội ném đá tình yêu mang tên Gotmarở miền Trung Ấn Độ
Cũng tại Ấn Độ có một lễ hội kỳ quái và đẫm mùi bạo lực nữa, đó là lễ hội ném đá Gotmanr. Lễ hội ném đá Gotmar được tổ chức hàng năm để kỉ niệm tình yêu của một đôi trai gái từ khoảng 300 năm trước. Theo truyền thuyết, chàng trai ở làng Pandhurna đem lòng yêu một cô gái ở làng Sawargaon nhưng bị ngăn cấm. Chàng trai quyết định bơi qua dòng sông Jaam để lấy cô gái về làm vợ.
Tuy nhiên, người làng Sawargaon thấy cặp đôi uyên ương dắt tay nhau trở về, liền sinh lòng căm tức. Họ bắt đầu ném đá về phía cặp đôi trẻ khiến họ bị nước cuốn trôi. Từ cái chết thương tâm của cặp đôi, hai ngôi làng bắt đầu châm ngòi sự thù hận. Họ ném đá về phía nhau thể hiện sự tức giận không thể xóa nhòa.
Cũng có dị bản khác của truyền thuyết này là đôi uyên ương bất chấp sự phản đối của dân làng vẫn cưới nhau nên dân làng căm tức mà ném đá, ném cho đến khi không còn đá để ném nữa họ đã bị tình yêu của đôi trai gái thuyết phục và họ cho phép đôi uyên ương này cưới nhau.
Ngày nay, dù sự thù hận không còn nữa, câu chuyện xưa không còn mấy người nhắc tới, nhưng truyền thống của lễ hội ném đá vẫn còn đó, trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống người dân địa phương.
Trong ngày diễn ra lễ hội, người tham gia sẽ bơi ra dòng sông để tranh nhau giành lấy lá cờ đặt tại vị trí trung tâm. Những người dân và du khách sẽ làm nhiệm vụ ném gạch đá về phía đối phương để "ngăn cản" quá trình hai đội tranh đoạt cờ. Đội nào mang được lá cờ về sớm nhất sẽ giành chiến thắng.
Vì tính bạo lực của lễ hội nên các nhà chức trách đã cấm sử dụng đá và kêu gọi người dân sử dụng những quả bóng cao su, thay bằng hòn đá sắc cạch, có khả năng gây thương tích cao trong lễ hội song người dân địa phương vẫn lén sử dụng đá để tham gia lễ hội.
Và vì vậy, mỗi lần lễ hội diễn ra khiến hàng trăm người bị thương tích nghiêm trọng, hoặc một số trường hợp có nguy cơ tử vong. Con số thống kê cho thấy, những năm gần đây, chứng kiến 15 người đã thiệt mạng vì ngày hội nguy hiểm này.
Vào mùa lễ hội hàng năm, các nhà chức trách địa phương lập những tổ cứu hộ tạm thời tại hai bên bờ sông, sơ cứu các trường hợp bị thương tích. Một ngày trước khi lễ hội diễn ra, cảnh sát cấm người dân buôn bán và tiêu thụ rượu, giảm thiểu tình trạng bạo lực diễn ra. Ngoài ra, các nhà chức trách địa phương luôn tìm mọi cách an toàn hóa lễ hội như quy định người chơi không được mang theo vũ khí trong suốt mùa hội.
Nghi lễ ném đá vào tường xua đuổi quỷ dữ
Cũng trong tháng 8 này, người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đã thực hiện nghi lễ ném đá vào một bức tường lớn Jamarat ở thành phố Mina (Saudi Arabia) như một biểu tượng cho việc ném đá vào quỹ dữ. Nghi lễ này là phần khởi đầu cho lễ hành hương lớn của người Hồi giáo.
Saudi Arabia nổi tiếng về việc bảo vệ các địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi, gồm thánh địa Mecca và Medina và tổ chức lễ hội hành hương Hồi giáo thường niên lớn nhất thế giới. Chính quyền nước này đã triển khai hàng chục nghìn nhân viên an ninh và y tế, cũng như sử dụng các công nghệ hiện đại như máy bay giám sát không người lái để duy trì trật tự.
Theo số liệu của Saudi Arabia, trong cuộc hành hương lịch sử năm 2015, tình trạng chen lấn xô đẩy đã làm gần 800 người thiệt mạng. Tuy nhiên, các số liệu thống kê thực tế cho thấy số người thiệt mạng lên đến hơn 2.000 người, trong đó có 400 người Iran. Đây là thảm kịch tồi tệ nhất tại một lễ hành hương trong vòng 1/4 thế kỷ qua.
Năm nay dự đoán gần 2,5 triệu người hành hương, phần lớn ở các nước khác, đã đến Saudi Arabia để tham gia lễ hội kéo dài 5 ngày này, nghi lễ tôn giáo mà người Hồi giáo phải thực hành ít nhất một lần trong đời. Chính quyền Saudi Arabia đã kêu gọi người hành hương gạt chính trị sang một bên trong dịp lễ hội, nhưng tình trạng bạo lực tại Trung Đông, như những cuộc chiến tại Yemen, Syria và Libya và nhiều điểm nóng khác vẫn ở trong tâm trí khá nhiều người.
Lễ hội nhảy qua trẻ sơ sinh ở Tây Ban Nha
Đây là một trong những lễ hội kỳ quái ở Tây Ban Nha. Những đứa trẻ dưới một tuổi sẽ được đặt dưới đất để một người đàn ông được cho là thầy phù thủy mặc trang phụ tượng trưng cho ma quỷ có thể nhảy qua.
Lễ hội diễn ra tại làng Castrillo de Murcia, gần thành phố Burgos, Tây Ban Nha, nơi người dân tin rằng ác quỷ nhảy qua người trẻ em sẽ mang theo mọi tội lỗi đang rình rập những đứa trẻ. Tập tục này diễn ra vào tháng 6 hàng năm, là một phần trong lễ kỷ niệm Corpus Christi kéo dài 4 ngày. Tuy nhiên, nhìn qua hình ảnh và các video clip quay cảnh diễn ra lễ hội thì nhiều người thót tim khi những đứa trẻ sơ sinh nằm dưới những bước nhảy của thầy phù thủy, vì chỉ cần sơ sẩy một chút là những đứa trẻ có thể sẽ bị thương ngay lập tức khi bước nhảy không hoàn hảo hoặc gặp sự cố bất kỳ.
Hơn 150 người bị thương vong tại lễ hội Bagwal ném đá thờ thần ở miền Bắc Ấn Độ. |
Những lễ hội được xem là bạo lực ở Việt nam
Ở Việt Nam, những lễ hội “Chém Lợn tế thần” diễn ra vào ngày mùng Sáu tháng Giêng của làng Ném Thượng, Bắc Ninh. Hay lễ hội “Đâm Trâu”; “Phóng lao giết Trâu” là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên ở Việt Nam cũng bị cho là những lễ hội đậm màu sắc bạo lực.
Mặc dù những lễ hội nêu trên đều nhằm mục đích tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng, làng xóm, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu hay ăn mừng các sự kiện quan trọng khác.
Tuy nhiên, tính bạo lực cao ở các lễ hội này đang tạo ra những cái nhìn trái chiều về lễ hội truyền thống, bị dư luận và cả các đơn vị, tổ chức, như Tổ chức Động vật Châu Á lên án, kiên quyết phản đối vì những yếu tố phản cảm, bạo lực, gây đau đớn cho động vật…
Hiện nay chính quyền sở tại ở các địa phương diễn ra những lễ hội đậm tính bạo lực trên đã tuyên truyền khuyến khích người dân địa phương loại bỏ, bởi một xã hội văn minh, con người văn hóa hướng thiện, nên xóa bỏ những thói quen, hủ tục xấu, lạc hậu để các lễ hội ở Việt Nam ngày càng văn minh hơn và hướng đến nét đẹp truyền thống nhân văn của dân tộc hơn.
Thủy Giang (CAND)