Đặc biệt trẻ sẽ liên tiếp lặp lại “Con không thích” đối với những việc cha mẹ giao cho. Nếu cha mẹ nhận ra được điều này thì dù khi con trẻ có nói: “Con không thích”, thì hãy mỉm cười tự nhủ rằng: “Thời kỳ đó đã bắt đầu rồi!”
Thời kỳ đầu tiên của sự phản kháng – giai đoạn 1 - 4 tuổi
Với những cha mẹ không nhận ra được điều này, họ có thể tức giận cho rằng chúng là đứa trẻ hư hoặc có thể la mắng, đánh đòn chúng. Những đứa trẻ như thế rất đáng thương, và một khi bị bắt phải như vậy, chúng sẽ trở thành đứa trẻ tuy ngoan nhưng lại không có ước muốn, và tính tự giác cũng không phát triển. Hơn nữa, điều đó sẽ dẫn đến thái độ đối với việc học sau này, chúng sẽ trở thành những đứa trẻ không tích cực học hành do đã quen với việc hành xử như một đứa trẻ ngoan.
Một đứa trẻ ngoan thường không có ý kiến riêng, phụ thuộc vào mọi quyết định của cha mẹ từ những việc nhỏ (như mặc gì, học gì) cho đến việc lớn (như sẽ làm gì với cuộc đời mình). Một đứa trẻ ngoan sẽ không có ước mơ, không có động lực theo đuổi ước mơ vì trẻ đã được đào tạo từ nhỏ là làm sao để trở thành trẻ ngoan. Tính tự giác, độc lập, sáng tạo đã bị bóp chết từ trong trứng nước bởi chính cha mẹ của mình. Đó là lý do vì sao tôi nói rằng những đứa trẻ sống trong những gia đình như thế rất đáng thương.
Tôi từng hỏi một đứa cháu chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học rằng con muốn học ngành gì thì nhận được câu trả lời: “Ba muốn con vào ngành ngoại thương” thay vì “Con muốn vào ngành ngoại thương”. Tôi lại hỏi cháu: “Thế con có thích ngành này không?”, thì cháu bé khựng lại như thể chưa từng ai hỏi cháu điều này. Tôi lại hỏi tiếp: “Vậy con thích học ngành gì?”, cháu trả lời: “Con không biết”.
Nhìn lại quá trình lớn lên của cháu, tôi thấy không có gì ngạc nhiên. Ngay từ nhỏ, từ việc cháu mặc gì, học thêm môn gì (như vẽ, đàn, võ thuật) đều do cha mẹ quyết định, cháu chưa bao giờ được hỏi liệu cháu có thích mặc cái áo đó không, hay có thích học đàn, học vẽ không. Bởi vì cha mẹ cháu luôn nói rằng học đàn, học vẽ,… mới tốt, hay mặc cái áo này mới đẹp… và không cho cháu cơ hội phản kháng. Dần dà cháu cũng không còn phản kháng nữa. Nhiều bậc cha mẹ lại tự hào vì mình có một đứa con ngoan, nhưng liệu đó có phải là điều con mong muốn và liệu có tốt cho tương lai của trẻ?
Thử nghĩ mà xem, một doanh nghiệp sẽ không coi trọng một nhân viên chỉ biết răm rắp làm theo những gì vạch sẵn mà không có tính sáng tạo, không có mục tiêu hay động lực làm việc. Trong xã hội hiện đại, những công việc có tính chất lặp đi lặp lại đang được tự động hóa (bởi robot); tính sáng tạo của người lao động, đặc biệt trong nền kinh tế dựa vào dịch vụ, lại được đề cao hơn bao giờ hết.
Những đứa trẻ ngoan hoặc là sẽ sống thụ động, ngày càng thu mình, trở nên ít nói, trầm lặng, thậm chí có xu hướng tự kỷ, hoặc là sẽ nổi loạn khi vào tuổi dậy thì – kết quả của một tuổi thơ bị đè nén.
Đối với trường hợp thứ hai, cha mẹ thường không hiểu tại sao khi còn nhỏ trẻ ngoan, nhưng lớn lên lại thành trẻ hư. Thực ra, trẻ biểu hiện ngoan khi còn nhỏ như là một cách đối phó với sự la mắng, sự kiểm soát của cha mẹ, nhưng trong suy nghĩ, trẻ luôn cảm thấy rất bức bối, muốn được phá cũi sổ lồng làm những gì mình thích.
Đến khi dậy thì, trẻ không còn kiểm soát được những cảm xúc bị đè nén quá lâu. Vì thế, trẻ có thể có những biểu hiện nổi loạn (như đánh bạn ở trường, xăm mình, hút thuốc lá, uống rượu,…). Khi đã phát triển đến mức độ này, cha mẹ đã gần như bất lực với con cái vì mọi chuyện đã quá muộn để có thể vãn hồi.
Trẻ có thành tích tốt ở bậc tiểu học lại là mối hiểm nguy
Những trẻ không được dạy tính tự giác thường là những trẻ thiếu ý chí, nghị lực. Hơn nữa, có khi ta nhìn thấy đó là một đứa bé chủ động, có ý chí nhưng thật ra chỉ khi trẻ được mẹ hoặc giáo viên ở trường giao bài tập, còn khi yêu cầu trẻ phải tự giác hành động thì trẻ hoàn toàn không đủ khả năng làm điều đó.
Những trẻ em như thế này, nếu làm theo mệnh lệnh hoặc chỉ đạo từ người lớn thì sẽ đạt được thành tích tốt, nhưng nếu bảo trẻ phải tự động não, vận dụng đầu óc thì cũng giống như những trẻ chậm phát triển trí não.
Ở các trường tiểu học hiện nay, rất nhiều giáo viên vẫn trung thành với việc đánh giá trẻ có học tốt hay không qua các bài tập được giao hơn là việc nuôi dưỡng tính tự giác ở trẻ. Điều này dẫn đến việc trẻ chỉ học tốt ở bậc tiểu học nhưng khi lên đến giai đoạn trung học cơ sở và trung học phổ thông, đa số cần đến khả năng học tập chủ động, tự giác, cho nên những trẻ không làm được điều này sẽ khó theo kịp trong học tập. Từ đó, thành tích học tập bắt đầu đi xuống sẽ khiến cho lòng tự tôn của trẻ bị tổn thương, dẫn đến trẻ không còn muốn đến trường nữa. Đây chính là tình trạng chán học nhất thời.
Những trẻ như thế, từ lúc còn nhỏ đã tỏ ra điềm đạm ít nghịch ngợm, rất biết nghe lời người lớn nhưng lại khó kết giao với bạn bè cùng trang lứa. Người lớn nhìn vào luôn cho rằng đây là đứa trẻ ngoan ngoãn nhưng thực chất trẻ đang bị kìm nén khả năng phát triển tính tự giác.
Đặc biệt, nếu trẻ luôn nghiêm túc và có kết quả học tập tốt thì những đứa trẻ bình thường khác nhìn vào sẽ cảm thấy khó gần nên ít chơi cùng. Điều đó dẫn đến kết quả là khi lên cấp hai, cấp ba, trẻ sẽ trở nên chán nản, cảm thấy thất vọng. Khi chán nản như vậy, ý chí học tập cũng sẽ mất đi. Việc trẻ có những hành động trốn học, không còn dấu hiệu nào của sự ham muốn học tập, mang ý nghĩa rằng sự khát khao học tập trong trẻ đang không được nuôi dưỡng đúng đắn.
Nói chung, có nhiều người chỉ quan tâm đến việc thể hiện thành tích học tập qua các bài tập được giao ở lớp học và cho rằng như vậy là tốt rồi. Trong khi đó, học không chỉ thể hiện qua các bài tập được giao, mà còn là học qua sự tương tác với các bạn trong lớp, học để phát triển những kỹ năng sống trong xã hội – những hành trang không thể thiếu khi trẻ bước vào đời. Chính vì vậy, để ngăn chặn việc chán nản, cảm thấy thất bại trong tương lai gần của những trẻ đang học tốt thì cần phải nhìn nhận lại thật kỹ xem trẻ có đang phát triển tính tự giác hay không.
Do đó, các bậc cha mẹ hãy suy nghĩ thật kỹ về cách giáo dục trẻ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát huy tính tự giác, tính sáng tạo.
Trích từ cuốn sách “Kỷ luật trong nụ cười”