Bạn có trái tim biết quan tâm, cảm thông với con trẻ hay không?
Mặt khác, cũng có một số bà mẹ có con chỉ vì bản thân cảm thấy cô đơn, buồn tẻ khi không có con cái. Nói cách khác, với họ, đứa bé chỉ có ý nghĩa như là một món đồ trang trí tô điểm thêm cho cuộc sống của họ, giải tỏa nỗi trống vắng trong lòng họ.
Nếu người mẹ đã như thế, thì có thể hiểu chắc chắn người cha cũng có suy nghĩ giống như vậy. Những bậc cha mẹ như thế có quan niệm mạnh mẽ về chuyện đặt bản thân mình làm trung tâm. Họ mong muốn tìm kiếm những thú vui cho riêng bản thân, thay vì cố gắng làm chuyện này chuyện kia vì con cái.
Đối với những bậc cha mẹ có quan niệm đặt bản thân mình làm trung tâm, thì việc phải chăm sóc con cái khiến họ cảm thấy chán ghét. Chắc chắn là trong mọi hoạt động hằng ngày, họ sẽ không vì con cái mà suy nghĩ.
Nếu trẻ quấn lấy họ vì nỗi bất an nào đó hay vì muốn được quan tâm, yêu thương, họ sẽ cảm thấy chướng mắt, buông lời nặng nhẹ, làm tổn thương cảm xúc của con trẻ. Nhưng họ cũng không bận tâm đến việc con trẻ có tổn thương hay không vì họ chỉ bận tâm đến cảm xúc của chính mình. Nghĩa là với họ, con cái chính là vật cản.
Thế nên, trong thực tế, có một số cha mẹ có hành vi bạo hành đối với con cái của mình. Ở Mỹ, người ta thường sử dụng cụm từ “battered person syndrome” để thể hiện cho tình trạng con trẻ phải gánh chịu những tổn thương do những bậc cha mẹ như thế gây ra.
Dù cho không bị bạo hành bởi những bậc cha mẹ như thế, nhưng chính suy nghĩ không thích trẻ con của người làm cha làm mẹ đã khiến cho trái tim con trẻ dần trở nên lạnh lẽo và khép lại với mọi thứ xung quanh. Điều này ẩn chứa mối nguy hiểm rằng khi trẻ đến tuổi dậy thì, chúng sẽ gây ra những hành vi phạm pháp, hoặc có ý định tự sát chỉ vì một động cơ giản đơn nào đó, hoặc có khi thực hiện những hành động kỳ quặc đến độ bị nghi ngờ là mắc bệnh tâm thần.
Trong những năm gần đây, nữ giới cũng đang rất đề cao cách sống của họ. Tôi nghĩ điều này cũng khá là quan trọng, nếu cách sống đó xuất phát từ cách suy nghĩ lấy bản thân làm trung tâm, có lẽ nên xem xét lại tính cách của họ. Bởi vì một người có xu hướng đặt bản thân mình làm trung tâm thì sẽ hay dối lừa và mang những điều bất hạnh đến cho những người xung quanh. Có thể gọi người mẹ như thế là “Kibo” (ác mẫu). Nhưng điều mà con trẻ đang mong muốn phải là “Jibo” (từ mẫu).
Ôm ấp con một cách tùy tiện cũng thể hiện việc người mẹ ấy chỉ nghĩ đến cảm xúc của riêng mình
Tôi đã từng có trải nghiệm rằng một em bé chỉ mới bốn tháng tuổi đã có thể phân biệt rõ ràng đó là mẹ mình qua cảm nhận của làn da. Đứa bé này không thích sữa, nên mỗi khi mẹ nó đưa bình sữa đến gần miệng là nó sẽ trở nên khó chịu, tỏ vẻ từ chối và quay mặt sang một bên. Đó là do người mẹ đã ép buộc nó phải uống sữa. Vì vậy, tôi đã quyết định giữ đứa bé ấy lại để chăm sóc một thời gian. Tôi quyết không bắt ép đứa bé phải uống sữa, và nó đã trở về trạng thái ban đầu sau mười ngày.
Cuối cùng, tôi cũng đưa trả bé về với gia đình của bé, để bé được mẹ chăm sóc. Tuy nhiên, nếu người mẹ lại ôm đứa bé và ép bé uống sữa, thì bé lại trở nên gắt gỏng và quay mặt đi. Vậy thì, nếu đổi lại là tôi thử thay người mẹ cho đứa bé uống sữa, liệu đứa bé có thích thú rồi uống ừng ực hay không? Bởi vì đứa bé chỉ mới bốn tháng tuổi, nên nó vẫn chưa thể nhìn rõ được xung quanh. Thế cho nên tôi nghĩ là nó chỉ phân biệt được mẹ nó qua cảm giác được ôm ấp thôi.
Vì thế, nếu bạn quan tâm đến cảm xúc của bé, bạn chỉ nên bế bé lên tay khi nào bé thật sự mong muốn được bạn ôm ấp. Nói cách khác, người mẹ không nên ôm bế con chỉ vì bản thân mình mong muốn như thế. Đôi khi vì thấy bé đáng yêu quá nên muốn ôm và lỡ bế con lên, nhưng lúc đó đứa bé lại đang không mong muốn như thế, có khi sẽ làm cho bé trở nên khó chịu, gắt gỏng.
Ngược lại, lỡ như bé đã quá quen với việc được bạn ôm ấp, thì những khi không được bạn ở bên cạnh ôm, bé lại cảm thấy bất an, lo lắng. Bé đã có thể cảm thấy thích thú khi được ôm ấp từ tháng thứ sáu đến tháng thứ tám trở đi. Mắt của bé đã bắt đầu có thể nhìn rõ, lúc này bé sẽ bắt đầu biết nhút nhát. Khi cảm thấy lo sợ trước người lạ, bé sẽ bám lấy mẹ, người mà bé có thể tin cậy, việc tìm kiếm sự bảo vệ từ người mẹ như thế chính là tính nhút nhát của đứa trẻ. Thể hiện sự nhút nhát, và cứ liên tục như thế, hiện tượng này cho ta thấy mối quan hệ tình cảm giữa mẹ và bé đang dần dần phát triển. Nếu đứa bé không thể hiện tính nhút nhát, điều đó có nghĩa là mối quan hệ giữa người mẹ và đứa bé đang mong manh. Và nếu bạn cứ để cho đứa bé như thế, thì nó sẽ trở thành một đứa trẻ không có cảm giác muốn tìm kiếm mối quan hệ tình cảm đối với người khác, và có nguy cơ nó sẽ gây ra những hành vi không tốt sau tuổi dậy thì.
Kết
Vậy nên, câu chuyện có muốn tiếp xúc gần gũi với con hay không? Và nên tiếp xúc thể nào cho đúng cách, thật ra chính là chuyện bạn có cảm thấy thích con nít hay không. Nó phụ thuộc vào chuyện bạn có vì con cái mà thấu hiểu cho cảm xúc của con để mà yêu thương, nâng niu con trẻ đúng cách hay không.
Để làm được điều này, nó còn liên quan đến chuyện bạn phải có một trái tim biết quan tâm, cảm thông - kìm nén được những mong muốn riêng của bản thân vì con cái. Không chỉ những người mẹ, mà những người cha cũng cần phải thấu hiểu. Một khi bạn luôn vì con cái mà suy nghĩ, đặt mình vào vị trí của con, bạn sẽ hạn chế tối đa việc làm tổn thương con mình.
Trích từ cuốn sách "Kỷ luật trong nụ cười"