Và tất cả những họ hay tên của người Nhật có liên quan đến hoa anh đào đều chỉ dành cho phái nữ.
Tsubota không đánh thức mà để tôi thật đã giấc trên chiếc sofa sau một ngày mệt nhoài bước chân trong lòng phố Tokyo. Ý nghĩ mông lung lại trôi bồng bềnh trong tia nắng mong manh vàng ươm đang lọt qua khe cửa nhỏ: Hôm nay sẽ là một ngày nắng đẹp và trong hành trình di chuyển về Hakone, tôi sẽ thấy đỉnh núi Phú Sĩ còn nhuốm màu tuyết trắng thoắt ẩn thoắt hiện trong tầm mắt.
Chúng tôi làm hành trình đến núi Phú Sĩ độ chừng bốn tiếng xe để rong chơi ngày xuân như cách những người trẻ luôn thích đến vùng nước khoáng nóng Hakone tắm rửa để gột sạch những gì thuộc về năm cũ, để có một tinh thần phấn chấn trong năm mới cùng ước muốn may mắn song hành trong cuộc đời. Rồi sau đó, chúng tôi rong ruổi đến cố đô Kyoto ngắm nhìn những nét văn hóa truyền thống của người Nhật còn gìn giữ cho đến tận ngày nay dù thời gian đang cố bào mòn chúng.
Những lần ghé trạm dừng chân để nhấm nháp ly trà thơm cùng những chiếc bánh gạo Mochi thơm ngọt nhẹ nhàng, Tsubota lại cười phì vì hành động “phát cuồng phát dại” của tôi với những cánh hoa anh đào. Tôi thích lang thang quanh những gốc hoa to được trồng ở trạm dừng chân để ngắm nhìn dù ý thức của não luôn phản bác lại lý lẽ của trái tim: Hoa anh đào đều như nhau hết, đã ngắm từ ngày hôm qua đến nay chưa biết mệt sao; vả lại mình cũng đã từng ngắm những cánh hoa đượm tình “hữu nghị” ở thủ đô Washington của Mỹ trước đây rồi mà.
Tôi cố gắng nhận diện từng giống hoa một rồi hỏi lại Tsubota xem đúng hay không, giống như cách tôi từng học và phân loại những thiên địch hữu ích trên đồng ruộng.
Người Nhật gọi hoa anh đào bằng cái tên mỹ miều “nàng công chúa xuân” nên cụm từ “Zakura” thường đặt phía sau tên một loại hoa anh đào để diễn tả ý niệm chung là một thiếu nữ quyến rũ quý phái. Và tất cả những họ hay tên của người Nhật có liên quan đến hoa anh đào đều chỉ dành cho phái nữ. Từ cặp bố mẹ hoang dã ban đầu là Edohigan tìm thấy ở vùng núi Hokkaido và Oshimazakura ở đảo Oshima về nằm phía Nam Tokyo, các nhà khoa học lai tạo ra chín giống hoa anh đào mới với hình dáng và màu sắc cánh hoa khác nhau gồm: Someiyoshino, Kanhizakura, Ohkanzakura, Kawazuzakura, Yaezakura, Youkou, Ukonzakura, Yamazakura và Shidarezakura.
Tôi luôn dành nhiều thiện cảm cho giống hoa anh đào mang tên Shidarezakura với hình dáng một cây liễu rủ màu hồng hoặc màu trắng nên thơ trong bức tranh tuyệt đẹp của mùa xuân. Bên trong khuôn viên các ngôi đền thờ Thần đạo hay Phật giáo, bao giờ Shidarezakura cũng được trồng để rủ hoa dịu dàng theo lối đi hoặc được cắt tỉa cầu kỳ thành một cụm bonsai lạ mắt đến quyến rũ. Trong Hán tự, “Shidare” có nghĩa “rủ cành” và các nghệ nhân cũng chẳng nhớ nó được lai tạo qua bao nhiêu đời từ một cặp bố mẹ thuần chủng giống Edohigan ban đầu để rồi ngày nay, nó giữ lại tính trạng trội là dáng thẳng ứng cao dong dỏng lên trời.
Tsubota gọi giống hoa anh đào Shidarezakura là loài hoa “dậy thì sớm”. Anh có lý do khi gọi như thế bởi giống hoa ấy âm nhánh rất nhiều, khá sớm trong khi thân chưa tăng trưởng kịp nên không gồng gánh nổi mà bắt buộc nhánh phải buông rủ xuống đất. Tôi không biết liệu Tsubota có sâu sắc đến mức dùng hình ảnh và câu nói đó để diễn tả thế giới mới của giới trẻ Nhật khi họ dậy thì sớm hơn tuổi nên biết nhiều điều, nhiều thứ hơn so với thế hệ trước?
Trích sách Bốn mùa trên xứ Phù Tang