Hãy sống với lòng từ bi, thôi kết tội kẻ khác

Trí Việt09/11/2020 08:30
Hãy sống với lòng từ bi, thôi kết tội kẻ khác

Hãy sống với lòng từ bi, thôi kết tội kẻ khác. Đó là câu chuyện cho tất cả chúng ta.

Chuyện "Hãy sống với lòng từ bi, thôi kết tội kẻ khác" kể rằng có một tên giết người đến gặp Đức Phật để quy y. Anh ta sợ mọi người sẽ không cho mình vào gặp Đức Phật nên tìm lúc vắng người mà đến. Đến nơi, anh ta không đi vào cửa trước mà leo tường để vào.

Chẳng may lúc đó Đức Phật đi hành khất không có nhà, thế là anh ta bị mọi người bắt trong lúc đang leo tường. Anh ta phân trần với các đệ tử của Đức Phật rằng: “Tôi không có ý đến đây để trộm cắp gì cả. Tôi chỉ sợ mọi người không cho vào nên buộc phải leo tường. Ở đây ai ai cũng biết tôi và ai ai cũng căm ghét tôi cả. Vậy nên tôi sợ mọi người không cho mình vào. Có thể mọi người không tin nhưng tôi muốn đến đây để xin làm đệ tử”.

Thế là mọi người dắt anh ta đến gặp Sariputra, một trong các đại đệ tử của Đức Phật, đồng thời cũng là một chiêm tinh gia có khả năng dùng thần giao cách cảm để đọc quá khứ của một người.

Mọi người bảo với Sariputra rằng: “Trong kiếp này anh ta là một tên tội phạm khét tiếng, một kẻ giết người tàn nhẫn. Có lẽ anh ta đã tạo nghiệp từ trong các kiếp trước, mong huynh hãy xem giúp anh ta đã làm những gì”.

Sariputra nhìn lại tám mươi ngàn kiếp trước của người đàn ông đó và thấy rằng trong kiếp nào anh ta cũng y hệt như thế! Ngay cả Sariputra cũng phải sợ anh ta, bởi anh ta là một người quá nguy hiểm. Anh ta đã từng là một kẻ sát nhân, một tên tội phạm trong suốt tám mươi ngàn kiếp! Rõ ràng, đây là một con người tội lỗi triền miên và việc thay đổi anh ta là điều không thể. Ngay cả Đức Phật cũng chẳng thể làm được gì.

Sariputra bèn nói: “Hãy tống cổ anh ta đi ngay lập tức, bởi ngay cả Đức Phật cũng sẽ không làm được gì cho anh ta cả. Đây là một kẻ tội lỗi triền miên. Ta mới chỉ nhìn được tám mươi ngàn kiếp trước của anh ta, nhưng như thế cũng đã quá đủ rồi”.

Người đàn ông đó cảm thấy bị tổn thương vì nhận ra mình chẳng còn cơ hội nào để hoàn lương. Khi sống, anh ta đã không thể đến với Phật thì đành quyết định tự tử. Anh ta đi đến góc tường gần cổng chính, định dập đầu vào đó để tự tử thì đột nhiên Đức Phật về tới và trông thấy cảnh đó. Ngài bèn ngăn anh ta lại, cho anh ta vào và bắt đầu khai sáng cho anh ta.

Bảy ngày sau đó, người đàn ông này đã đắc đạo. Bấy giờ đến lượt mọi người hoang mang vì điều đó.

Sariputra đến gặp Đức Phật mà hỏi rằng: “Thưa thầy, sao lại thế ạ? Lẽ nào tất cả những gì con hiểu biết về chiêm tinh đều vô nghĩa hay sao? Con đã nhìn thấy tám mươi ngàn kiếp trước của anh ta. Và nếu như anh ta có thể đắc đạo chỉ trong vòng có bảy ngày thì việc soi kiếp có còn ý nghĩa gì nữa? Làm sao lại như thế được ạ?”.

duc-phat.jpg

Đức Phật bèn đáp: “Con nhìn vào quá khứ nhưng lại không thấy được tương lai của anh ta. Và quá khứ chỉ là quá khứ! Bất cứ khi nào một người quyết định thay đổi thì anh ta sẽ thay đổi được. Giây phút đó rất quan trọng. Và một người đã sống tám mươi ngàn kiếp trong đau khổ thì anh ta sẽ hiểu rất rõ điều đó là như thế nào, vì thế anh ta đã quyết định thay đổi. Quyết định đó mang tính vĩnh hằng và vô tận. Chính vì thế mà chỉ trong bảy ngày anh ta đã đắc đạo.

Sariputra, con vẫn chưa đắc đạo. Con là một người tốt và đã từng có những kiếp sống tốt đẹp nên con không cảm nhận được gánh nặng của quá khứ. Lúc nào con cũng cảm thấy mình là một người đúng đắn. Con đã từng là brahmin trong nhiều kiếp, là học giả được tôn kính. Nhưng con hãy nhìn người đàn ông này xem. Anh ta phải gánh một gánh nặng của tám mươi ngàn kiếp và muốn được giải phóng khỏi điều đó. Anh ta thật sự muốn được giải phóng khỏi gánh nặng đó và điều kỳ diệu đã đến, chỉ trong bảy ngày mà anh ta đã được tự do khỏi gánh nặng cầm tù đó. Chính gánh nặng của quá khứ đã khiến anh làm được điều đó”.

Đây là điều cơ bản mà chúng ta phải hiểu về sự thay đổi ở một con người. Những người cảm thấy tội lỗi sẽ dễ dàng thay đổi hơn, trong khi những người luôn cảm thấy mình tốt đẹp và đúng mực sẽ rất khó thay đổi.

Bí quyết của cuộc đời nằm ở chỗ đừng bao giờ nghĩ rằng mình đúng, cũng đừng bao giờ giả vờ là mình đúng. Đừng bao giờ để bản thân bạn rơi vào cái bẫy suy nghĩ đó. Bên cạnh đó, cũng đừng bao giờ cho rằng ai đó là sai. Bởi đúng sai là hai suy nghĩ luôn tồn tại cùng nhau, và khi nghĩ mình đúng thì lập tức bạn sẽ cho rằng ai đó là sai. Đừng bao giờ kết án người khác và cũng đừng bao giờ tự khen bản thân bởi nếu không bạn sẽ bị lạc lối.

Hãy chấp nhận mọi người như họ vốn có. Suy cho cùng thì bạn là ai mà có quyền quyết định liệu họ sai hay đúng? Nếu họ sai thì đó là gánh nặng mà họ phải hứng chịu, còn nếu họ đúng thì cuộc đời của họ sẽ được ban phúc. Còn bạn, bạn không là ai cả nên cũng đừng kết tội người khác.

Khi bạn kết tội một người, lập tức bạn đã tạo cơ hội cho cái tôi của bản thân trỗi dậy. Đó là lý do vì sao người ta thích kết tội kẻ khác, vì khi đó họ sẽ cảm thấy mình là tốt lành, đúng mực. Nếu có ai đó giết người, lập tức những người khác sẽ cảm thấy “Ít ra thì mình cũng hiền lương và không giết người”. Hoặc giả nếu có ai đó ăn cắp, họ sẽ cảm thấy “Mình trong sạch và không hề ăn cắp”. Những điều như thế sẽ ngày càng làm cho cái tôi của bạn lớn mạnh. Người ta không ngừng nói về tội lỗi của kẻ khác, họ cường điệu chúng và vui thú vì thấy kẻ khác phạm tội, vì điều đó khiến họ cảm thấy mình trong sạch. Thế nhưng chính suy nghĩ đó lại là rào cản không cho họ tiến bộ và đắc đạo được.

Hãy sống với lòng từ bi, sự minh tuệ và nhân ái. Hãy thôi kết tội kẻ khác. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình đúng, cũng như tự thấy mình là thánh nhân. Đừng bao giờ như thế cả.

Hãy sống một cuộc đời bình thường, không là ai cả. Khi đó, bạn sẽ là người chủ trọ của nội thân, là chính mình.

Theo Từ bi - Osho


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 03/12/2024