"Hay là mình về quê chăn vịt" - bộ ảnh chụp từ trên không đàn vịt vài nghìn con của chàng nhiếp ảnh trẻ

15/08/2020 12:30
"Hay là mình về quê chăn vịt" - bộ ảnh chụp từ trên không đàn vịt vài nghìn con của chàng nhiếp ảnh trẻ

Nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân thích chụp cảnh quan, thiên nhiên và các hoạt động làng nghề. Anh sử dụng thiết bị chính là flycam, giúp khai thác những góc nhìn tổng quan lạ và độc đáo.

Nhìn từ trên cao, "cánh đồng" vịt tại đầm Trà Ổ, Châu Trúc, Phù Mỹ, Bình Định trải dài bạt ngàn, hút tầm mắt. Trong ảnh, vợ chồng anh Nhanh đang còng lưng cho ăn cả đàn vịt lên đến vài nghìn con. Chúng từ mọi hướng, nhất tề cùng tụ về một điểm, tạo thành vòng xoáy vô cùng đẹp mắt.

Để chụp được bộ ảnh có cái tên mà tác giả vẫn đùa rằng "Hay là mình về quê chăn vịt", Cao Kỳ Nhân đã phải tìm hiểu thật kỹ thời điểm gia đình chủ trại cho vịt ăn. Anh canh chụp buổi sáng và chiều trong ngày, bằng thiết bị flycam - máy bay điều khiển từ xa. Bình thường khi nghe tiếng flycam, vịt sẽ chạy tán loạn. Nhưng khi thức ăn được dâng lên tận miệng, chúng chẳng còn tâm trí đoái hoài xung quanh nữa.

"Đúng là lũ vịt tham ăn", Nhân đùa!

Hay là mình về quê chăn vịt - bộ ảnh chụp từ trên không đàn vịt vài nghìn con của chàng nhiếp ảnh trẻ gây ấn tượng mạnh - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Nhanh bước đến, lũ vịt "hớn hở" biết rằng sắp được ăn no.

Hay là mình về quê chăn vịt - bộ ảnh chụp từ trên không đàn vịt vài nghìn con của chàng nhiếp ảnh trẻ gây ấn tượng mạnh - Ảnh 2.

Vòng xoáy vô cùng đẹp mắt khi vài nghìn con vịt cùng "tề tựu".

"Nhiếp ảnh là một hố vôi, càng chơi càng lún sâu"

Nhiếp ảnh gia 8X quê Phú Yên hiện đang sinh sống tại TP.HCM. Anh từng làm việc cho một công ty kiến trúc nước ngoài, trước khi tìm được đam mê thực sự với máy ảnh. "Vốn dành tình yêu cho nhiếp ảnh từ lâu, nhưng khi đó, điều kiện chưa có phép mình nhảy vào con đường gian khổ này", Nhân nói.

Nhiều anh em đi trước cảnh báo rằng "nhiếp ảnh là một hố vôi, càng chơi càng lún sâu và cực kỳ tốn kém". Anh sợ, không dám dấn thân vào "hố vôi" đó, chỉ thích ngắm ảnh đẹp của mọi người.

Đến tháng 9/2016, chàng thanh niên bằng nhiệt huyết và cả tuổi trẻ của mình, tự cho phép bản thân nhảy vào "bể khổ". Không qua trường lớp, tự mày mò học hỏi, Nhân cầm máy ảnh trên tay nhưng... không biết nên chụp gì. Những bức ảnh đầu tiên bị chê bai nhiều khiến anh chán nản và có ý định dừng lại. Nghĩ lại, anh tặc lưỡi, thấm "lời cảnh báo của anh em".

"Nhưng giờ mình đã lún sâu vào hố vôi, không thể leo lên được nữa, vậy thì cứ tiếp tục thôi".

Nhân thích chụp cảnh quan, thiên nhiên và các hoạt động làng nghề. Anh sử dụng thiết bị chính là flycam, giúp khai thác những góc nhìn tổng quan lạ và độc đáo mà máy ảnh không thể.

Bộ ảnh "Hòn Yến mùa đánh bắt cá cơm" được chụp tại Hòn Yến, Phú Yên trong vòng 4 tháng. Nhân chấp nhận bỏ ra khoảng thời gian đủ lớn để canh chụp những chiếc thuyền đánh bắt cá cơm. Từ trên cao, những chiếc lưới khổng lồ được thả xuống biển và tạo thành hình thù đẹp mắt.

Anh "đánh cược" với cả thế giới, khi chẳng thể biết thuyền sẽ thả lưới ở đâu, vào thời điểm nào. Các bác ngư dân cũng không biết. Họ phải cho thuyền đi rà luồng cá, nơi nào có cá mới thả lưới để đánh bắt.

Anh "xách" xe máy đuổi theo ngư dân. Có những ngày, họ không có cá để đánh, anh cũng không có ảnh mang về.

Hay là mình về quê chăn vịt - bộ ảnh chụp từ trên không đàn vịt vài nghìn con của chàng nhiếp ảnh trẻ gây ấn tượng mạnh - Ảnh 3.
Hay là mình về quê chăn vịt - bộ ảnh chụp từ trên không đàn vịt vài nghìn con của chàng nhiếp ảnh trẻ gây ấn tượng mạnh - Ảnh 4.
Hay là mình về quê chăn vịt - bộ ảnh chụp từ trên không đàn vịt vài nghìn con của chàng nhiếp ảnh trẻ gây ấn tượng mạnh - Ảnh 5.
Hay là mình về quê chăn vịt - bộ ảnh chụp từ trên không đàn vịt vài nghìn con của chàng nhiếp ảnh trẻ gây ấn tượng mạnh - Ảnh 6.

Bộ ảnh "Hòn Yến mùa đánh bắt cá cơm" đầy ấn tượng, như bức tranh được vẽ giữa biển khơi.

Nhân còn tâm đắc với bộ ảnh "Hùng vĩ B'lao" tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Để săn sương, anh tìm đến đồi B'lao 3 lần, nhưng đều thất bại vì thời tiết không chiều lòng. Đến lần thứ 4, may mắn mỉm cười với chàng trai trẻ.

Toàn cảnh núi đồi B'lao ẩn hiện dưới màn sương trắng tạo nên vẻ đẹp huyền ảo và đầy hùng vĩ, Nhân và bạn bè nhảy cẫng sung sướng, quên hết những mệt nhọc.

Hay là mình về quê chăn vịt - bộ ảnh chụp từ trên không đàn vịt vài nghìn con của chàng nhiếp ảnh trẻ gây ấn tượng mạnh - Ảnh 7.

"Hùng vĩ B'lao" với lớp sương trắng mờ ảo.

"Vườn của biển" là bộ ảnh Nhân theo đuổi trong 3 mùa nước cạn từ năm 2018 đến 2020. Rạn san hô Hòn Yến (An Hòa, huyện Tuy An, Phú Yên) vào mỗi buổi chiều đều ló ra khỏi mặt nước, rất đa dạng và đẹp mắt.

Nhân đến Hòn Yến năm 2018, khi các mảng san hô còn đẹp "tuyệt trần". Hai năm sau, chúng bị tàn phá nghiêm trọng. Anh hy vọng chính quyền địa phương sớm can thiệp sớm, để bảo vệ rạn san hô tuyệt đẹp đang dần biến mất.

"Mình chụp ảnh để trải nghiệm, để chiêm ngưỡng cảnh đẹp, để khám phá văn hóa vùng miền và mong muốn chia sẻ cùng mọi người vẻ đẹp tiềm ẩn của quê hương, đất nước".

Hay là mình về quê chăn vịt - bộ ảnh chụp từ trên không đàn vịt vài nghìn con của chàng nhiếp ảnh trẻ gây ấn tượng mạnh - Ảnh 8.

"Vườn của biển" với những rạn san hô đẹp "tuyệt trần".

"Việt Nam đẹp lắm. Càng chụp mình càng yêu và mong muốn bảo vệ"

Trong cuộc thi nhiếp ảnh trên không quốc tế - SkyPixel 2017, Cao Kỳ Nhân là một trong 2 nhiếp ảnh gia Việt Nam đạt giải trong hạng mục ảnh phong cảnh với tác phẩm "Chăn vịt", dù khi đó anh chỉ mới "lún" vào "hố vôi" chưa đến một năm. Giành chiến thắng, Nhân đã khóc, vì quá hạnh phúc.

Nhân chọn "Chăn vịt" (khác với bộ ảnh "Hay là mình về quê chăn vịt" gần đây) mang đi thi SkyPixel, vì bức ảnh đã may mắn từng được National Geographic chọn là Daily Dozen (12 ảnh đẹp nhất trong ngày).

Sau tất cả, anh dần được mọi người chú ý và gọi vui là "Nhân vịt" hay "Thánh vịt". Dù vậy, anh nói, ngại nhất khi chụp vịt đẻ trứng. Hoảng sợ vì tiếng flycam, nhiều con "tịt" luôn, không đẻ nữa, ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi.

Hay là mình về quê chăn vịt - bộ ảnh chụp từ trên không đàn vịt vài nghìn con của chàng nhiếp ảnh trẻ gây ấn tượng mạnh - Ảnh 9.

Bức ảnh "Chăn vịt" của Cao Kỳ Nhân đạt giải tại cuộc thi nhiếp ảnh trên không quốc tế - SkyPixel 2017.

Nhiếp ảnh gia 8X chia sẻ, trước khi chụp ảnh, anh thường dành nhiều thời gian khảo sát và định hình ý tưởng. Mỗi nơi, mỗi thể loại, đều có cách chụp khác nhau. Tùy vào đó, anh chuẩn bị máy móc, thiết bị phù hợp.

Thời đại 4.0, mọi người đều có thể chụp ảnh bằng smartphone hoặc máy ảnh, khiến nghề chụp ảnh phong cảnh nghệ thuật ngày càng khó kiếm sống.

"Đúng như câu nói vui "chụp ảnh bằng đam mê chứ tiền bạc đâu ra", nếu các bạn trẻ muốn theo đuổi nghề này phải suy nghĩ thật kỹ", Nhân nói. Tuy nhiên, với anh, được trải nghiệm cảm giác thả hồn mình vào từng tác phẩm, như một nguồn năng lượng thôi thúc bản thân kiên định với con đường này.

"Nhiếp ảnh không chỉ là đam mê, mà còn là liều thuốc bổ, giúp tinh thần tốt hơn, cải thiện sức khỏe. Trong nhiều năm chụp ảnh, mình có được nhiều kỷ niệm đáng quý, kết nối nhiều anh em, bạn bè ở khắp mọi nơi và sống cởi mở hơn".

Hay là mình về quê chăn vịt - bộ ảnh chụp từ trên không đàn vịt vài nghìn con của chàng nhiếp ảnh trẻ gây ấn tượng mạnh - Ảnh 10.

Cao Kỳ Nhân - nhiếp ảnh gia 8X với đam mê khám phá đất nước theo cách riêng và độc đáo.

Nhìn lại chặng đường 4 năm của mình, Nhân muốn gửi gắm vẻ đẹp và những điều hay ho, thú vị của đất nước mình.

"Việt Nam đẹp lắm. Càng chụp mình càng yêu cảnh đẹp, văn hóa của quê hương và đặc biệt mong muốn bảo vệ. Hy vọng các bạn trẻ dù đi phượt, hay du lịch, vẫn luôn giữ ý thức và ra sức bảo vệ cảnh quan nước mình".

Tổ quốc


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025