Góc đen, chiêu trò chính trị trong mắt Michelle Obama

11/10/2019 08:00
Góc đen, chiêu trò chính trị trong mắt Michelle Obama

Chính trị là một trận chiến... và đó là trận chiến hao hơi tổn sức, có sự xa lánh và phản bội, có những kẻ chơi bẩn và những sự thỏa hiệp", Michelle Obama viết.

Michelle Obama, trong phần lớn cuộc đời mình không ưa thích chính trị. Bà thể hiện điều này không chút khoan nhượng trong cuốn hồi ký Chất Michelle. Nhưng tại sao tuyên bố ghét chính trị của một cựu đệ nhất phu nhân lại được người dân Mỹ yêu mến đến thế? Quan điểm "thẳng như ruột ngựa" của Michelle cho chúng ta những suy ngẫm thú vị về cách định danh "chính trị" cũng như về tình yêu đất nước của mỗi công dân...

Michelle Obama nói gì khi nói về chính trị?

Nỗi ác cảm với chính trị của Michelle Obama bắt nguồn từ thuở ấu thơ. Lịch sử gia đình gieo vào đầu cô bé da đen vùng Chicago niềm tin rằng các hệ thống chính trị "được dùng để chống lại người da đen, như một phương tiện để cô lập và loại trừ da đen".

Michelle Obama kể lại: "Ông bà tôi từng sống qua thời khiếp đảm của các đạo luật Jim Crow, hứng chịu đủ sự nhục nhã từ nạn phân biệt đối xử liên quan đến nhà đất, và về cơ bản thì họ không tin tưởng bất kỳ cơ chế chính quyền nào". Vì lẽ đó, cô bé Michelle không có chút niềm tin vào toà thị chính thành phố.

Goc den, chieu tro chinh tri trong mat Michelle Obama hinh anh 1
Becoming - hiện tượng làng xuất bản thế giới thời gian qua - được phát hành tại Việt Nam với tên Chất Michelle

Khi lớn lên, hành trình yêu và làm vợ một chính trị gia - Barack Obama - càng củng cố sự bất mãn của Michelle với chính trị Mỹ. Việc ở bên cạnh Barack qua từng chiến dịch tranh cử giúp cho Michelle có cơ hội quan sát chính trị từ một điểm nhìn gần như của người trong cuộc. Và bà không ngại ngần kể lại những góc đen mà bản thân từng chứng kiến trong cuốn hồi ký Chất Michelle.

Năm 1996, khi Barack Obama chuẩn bị tham gia tranh cử chiếc ghế thượng nghị sĩ bang Illinois, Michelle không tin rằng chồng mình có thể tiến xa. "Nhìn chung, trong suy nghĩ của tôi thì các nhà lập pháp gần giống với những con rùa có cái mai cứng cáp bảo vệ, da đồi mồi nhăn nheo, chuyển động chậm chạp và đầy tư lợi. Mà theo tôi thì Barack quá đỗi chân thành, có quá nhiều dự định táo bạo nên khó có thể chịu được việc đấu đá tranh giành và những hiềm thù ganh tị không ngừng diễn ra bên trong trụ sở Quốc hội bang ở Springfield xa xôi", Michelle kể.

Bà ghi trong hồi ký: "Ngay những tháng đầu tiên đó tôi đã thấy chính trị là một trận chiến, hệt như tôi đã dự đoán, và đó là trận chiến hao hơi tổn sức, có sự xa lánh và phản bội, có những kẻ chơi bẩn và những sự thỏa hiệp mà thỉnh thoảng sẽ khiến người ta đau đớn".

Một sự cố in sâu vào tâm trí của Michelle, xảy ra vào năm 1999, Barack lúc đó đã là thượng nghị sĩ tiểu bang và đang chạy đua vào Quốc hội. Khi cả gia đình Obama đang đi nghỉ ở Hawaii, đứa con gái nhỏ Malia sốt cao và Barack không thể bỏ mặc con để trở về tham gia cuộc bỏ phiếu thông qua một dự luật về tội phạm. Kết cục là Barack bỏ lỡ cuộc bỏ phiếu quan trọng, dự luật không được thông qua ở thượng viện tiểu bang. Điều đó được coi là một "thảm hoạ chính trị" và là cái cớ để những đối thủ chính trị tấn công Barack ác liệt.

"Các đối thủ của anh trong vòng bầu cử sơ bộ của Quốc hội đã tranh thủ thời cơ để khắc họa Barack như một nhà làm luật nhàn hạ, người đi nghỉ mát - ở Hawaii, đương nhiên rồi - và không hạ cố trở về để bầu cho một vấn đề quan trọng như vấn đề kiểm soát quyền sử dụng súng", Michelle thuật lại.

Goc den, chieu tro chinh tri trong mat Michelle Obama hinh anh 2
Nối ám ảnh với chính trị của Michelle Obama có nguồn gốc từ tuổi thơ. 

"Tôi bàng hoàng khi thấy các nhà lãnh đạo của chúng tôi chỉ biết đối xử với Barack như một mối đe dọa đối với quyền lực của họ, họ gieo rắc sự bất tín bằng cách lợi dụng những tư tưởng lạc hậu, phản tri thức về chủng tộc và giai cấp. Chuyện đó khiến tôi thấy phát bệnh", bà nói.

Dường như chính trị là cuộc chiến nơi những người tham gia nó sẵn sàng dùng các chiêu trò dơ bẩn nhất để hạ gục đối thủ.

"Càng nổi tiếng thì bạn càng có nhiều kẻ ganh ghét. Dường như việc các đối thủ dùng tiền để tìm hiểu thông tin về nhau đã trở thành luật bất thành văn, đặc biệt là trong chính trị - người ta thuê thám tử moi móc từng chi tiết trong đời tư của ứng viên, cố tìm ra một vết nhơ nào đó", Michelle nói bóng gió trong cuốn hồi ký của mình.

"Chính trị không phải là đấu trường của tôi"

Tất nhiên, dù Michelle có "dị ứng" với những mảng đen tối của chính trị như thế nào, Barack Obama vẫn tiếp tục thăng tiến. Michelle cũng đã kề vai sát cánh bên Barack trong tổng cộng chừng 10 năm với chính trị. Trong thời gian đó, mối quan hệ của Michelle với chính trị cũng có những điểm sáng. Tờ The New Yorker từng giật tít: "Michelle Obama và chính trị - một câu chuyện tình" để nói về thái độ "có đắng có ngọt" của Michelle dành cho chính trường.

Michelle nhận ra dù "chính trị không dành cho người tốt", nhưng những người tốt (như Barack chẳng hạn) vẫn có thể làm đúng mục đích cao đẹp của chính trị và dùng quyền lực để tạo nên những thay đổi tích cực cho xã hội, người dân. "Chúng tôi đang góp phần vào một nền chính trị tốt đẹp hơn trong tương lai - nền chính trị ít bị tiền chi phối hơn, dễ tiếp cận hơn và giàu hy vọng hơn", bà tự hào.

Tuy nhiên, Michelle vẫn một mực tránh xa chính trị vì những góc cạnh xấu xí của nó. Năm lần bảy lượt cựu đệ nhất phu nhân tuyên bố với truyền thông rằng bà sẽ không đứng ra tranh cử. Bà nhắc lại một lần nữa trong "Chất Michelle":

"Vì người ta thường hỏi nên tôi sẽ nói thẳng ở đây: Tôi không có ý định ứng cử chức tổng thống, không bao giờ. Tôi chưa bao giờ là người thích chính trị, và những gì tôi đã nếm trải suốt mười năm qua chẳng làm suy suyển quan điểm này của tôi. Tôi tiếp tục dị ứng với sự bẩn thỉu - sự phân chia phe đỏ và phe xanh, với ý nghĩ rằng chúng ta cần phải chọn phe và bám lấy phe của mình, với việc cố chấp không chịu lắng nghe và dàn xếp hợp lý, hay đôi khi thậm chí là không thể giữ phép lịch sự. Tôi thật sự tin rằng ở góc độ tốt đẹp nhất, chính trị có thể là phương tiện để tạo ra sự thay đổi tích cực, nhưng đó không phải là đấu trường của tôi".

Goc den, chieu tro chinh tri trong mat Michelle Obama hinh anh 3
Dù kết thúc nhiệm kỳ từ lâu, Michelle Obama vẫn nhiệt tình trong các hoạt động cộng đồng. 

Dù những cuộc khảo sát năm 2016 và kể cả khảo sát về cuộc bầu cử năm 2020 tiếp tục thể hiện sự ủng hộ của dân chúng Mỹ dành cho một nữ tổng thống Michelle Obama tương lai, khả năng bà ra tranh cử gần như là không thể. Ngay cả Barack Obama cũng xác nhận như đinh đóng cột (và rất hài hước) rằng: "Có 3 điều chắc chắn trong cuộc đời này là: Cái chết, thuế và Michelle không tranh cử tổng thống".

Dù một mực nói không với chính trường, nhưng trong 8 năm làm đệ nhất phu nhân, Michelle vẫn không ngừng nghỉ làm việc vì cộng đồng. Bà khởi xướng một chương trình về sức khoẻ trẻ em, thúc đẩy chương trình hỗ trợ cựu binh Mỹ, cùng chồng huy động hàng tỷ đô la giúp đỡ các bé gái trên thế giới...

Hiện tại, khi nhiệm kỳ đã kết thúc từ lâu, bà Obama vẫn tiếp tục hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực giáo dục cho các thanh thiếu niên, tham gia hoạt động cộng đồng và các sự kiện truyền cảm hứng. Một người bình luận trên mạng xã hội Instagram: "Một cựu đệ nhất phu nhân thật sự quan tâm tới những vấn đề của đất nước chứ không phải đến bộ váy của mình. Bà ấy vẫn làm việc vì người dân Mỹ".

Ta chợt thấy, chính trị là gì hay Michelle có tham gia nó hay không, cũng không còn quan trọng nữa. Những người yêu nước vẫn có cách để thể hiện tình yêu và đóng góp theo cách của mình.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025