Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn - Khổng Tử tâm đắc

27/12/2018 08:30
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn - Khổng Tử tâm đắc

Khổng Tử đưa ra cho chúng ta một lẽ rất đơn giản, đó chính là, càng là những người thân bên cạnh mình, càng không thể làm họ bị tổn thương.

Đây chính là những điều tâm đắc nhất của Giáo sư khi đọc cuốn sách rất đáng đọc này

Tác giả Yu Dan (Ảnh minh họa: chinadaily.com.cn).

- Hiếu kính là một đức tính tốt đẹp, nhưng thế nào mới thực sự là hiếu, chúng ta đã thực sự hiểu rõ chưa?

- Nhịp sống hiện đại ngày càng nhanh, làm cho con người luôn ở trong trạng thái hết sức bận rộn. Phận làm con ngày nay thường xuyên phải chất vấn chính mình: phải làm sao để cha mẹ có thể an lòng, phải làm thế nào để đạt đến chữ hiếu thật sự?

- Tại sao thường phải đến cuối đời con người mới quay trở về bên cha mẹ?

- Đều là mối quan hệ huyết thống, tại sao tình yêu của cha mẹ dành cho con cái lại tự giác, nồng đượm đến thế, còn tình yêu của con cái đối với cha mẹ lại có phần khiên cưỡng?

 

- Việc chờ đến sau khi cha mẹ trăm tuổi chúng ta mới làm tròn chữ hiếu bằng cách để tang 1 năm hoặc 3 năm, chẳng bao giờ có ý nghĩa bằng khi cha mẹ còn sống, chúng ta hãy dành cho cha mẹ tất cả những gì mình có thể làm.

- Người ta thường cho rằng sự nghiệp là quan trọng hàng đầu, niềm vui đến từ giao tiếp với bạn bè cũng quan trọng, thế rồi việc hiếu kính với mẹ cha thường bị xem nhẹ.

- Trong suốt quá trình trưởng thành của con cái, đặc biệt là sau khi con cái đã lớn, giữa cha mẹ và con cái có thể nẩy sinh xung đột. Đôi khi ngay từ nhỏ trong lòng con trẻ đã nẩy sinh tâm lý chống đối, giữa cha mẹ và con cái thường có vách ngăn giữa hai thế hệ.

- Khổng Tử đưa ra cho chúng ta một lẽ rất đơn giản, đó chính là, càng là những người thân bên cạnh mình, càng không thể làm họ bị tổn thương.Thêm vào đó, không phải tất cả các bậc cha mẹ đều đúng đắn khi xử lý mọi việc. Giả sử cha mẹ phạm sai lầm, giữa cha mẹ và con cái nảy sinh xung đột, trong trường hợp ấy phải làm sao?

- Nếu thực sự yêu cha mẹ mình thì cũng cần phải chấp nhận và tôn trọng những thói quen của cha mẹ.

- Bổn phận của con cái không chỉ đơn giản là cung cấp cái ăn, cái mặc, nuôi sống cha mẹ, mà còn phải thờ phụng cha mẹ và quan trọng hơn hết chính là phải làm vẻ vang chí hướng của cha mẹ, có thể đảm đương một vị trí trong xã hội và làm được một số việc có ích cho đời.

- Người hiếu kính thực sự là người đem chí hướng của các bậc tiền bối tạo ra sức ảnh hưởng đối với xã hội.

- Rất nhiều lời dạy của thánh hiền có thể khiến con người trở về nơi giản dị, mộc mạc nhưng ấm áp tình người. Chúng ta đừng bao giờ bỏ quên những lời này.

- Phải chăng trong xã hội ngày nay, khi mọi người đều bình đẳng và đều hưởng chế độ đãi ngộ công bằng trước pháp luật. “Hiếu” không còn là lẽ căn bản của đạo làm người?

- Kỳ thực, nếu như chúng ta để tâm suy nghĩ, cân nhắc xem điều gì là quan trọng trong đạo đức, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng, nếu một người thực sự giải quyết tốt mối quan hệ với người thân, thì từ bản thân họ luôn phát ra một luồng sức mạnh rất dễ chinh phục lòng người.

- Làm thánh hiền đôi khi còn dễ hơn rất nhiều so với làm từ thiện, bạn chỉ cần có tấm lòng là đủ.

- Chúng ta có thể sáng tạo ra rất nhiều thành tích huy hoàng trên thế giới này, nhưng mãi mãi không bao giờ có thể quên khởi điểm đầu tiên của mình, đó chính là lòng hiếu kính với cha mẹ,

- Chỉ cần cha mẹ chúng ta còn sống ở đời, đó chính là hạnh phúc của tất cả những người đang ở phận làm con.

- Trong một thế giới nhiễu nhương, con người thường dễ đi vào mê đắm. Chỉ những người có trí tuệ thực sự mới có thể trầm tĩnh đối diện với từng người và với cả lịch sử, có thể thông qua những ngã rẽ bí mật của tâm linh để khám phá những niềm vui, nỗi buồn, những ước mong vốn được chôn chặt trong tận sâu thẳm của thế giới nội tâm.

- Đều là ăn cơm, nhưng có người ăn chỉ để cho no bụng, có người ăn vì mục đích thưởng thức món ăn ngon; đều là việc ngủ, nhưng có người vì mục đích nghỉ ngơi, có người chỉ vì muốn nằm mộng.

Động cơ của mỗi người nhìn chung là không giống nhau. Bạn cần xuất phát từ sau hành vi của người khác để tìm ra nguyên nhân thực sự. Vậy chúng ta cần quan sát một người như thế nào?

- Chỉ cần xem xét lỗi lầm của mọi người, chúng ta sẽ thấy đó là cả một thế giới cực kỳ phong phú, thiên hình vạn trạng. Có thể nói, chính ở khía cạnh này, sự đa dạng của lòng người được thể hiện rõ nhất.

- Những việc không giống nhau trong những tình huống khác nhau có thể dẫn đến sai lầm, thế nhưng bạn cần thiết phải rút ra bài học kinh nghiệm, dứt khoát không để bị trượt ngã hai lần ở cùng một vị trí.

- “Trí nhân” chính là để sử dụng con người và xếp mỗi người vào đúng vị trí của họ. Ngay cả những người được đánh giá là cao thượng và có trí tuệ nhất cũng không thể thích hợp với mọi vị trí và làm được mọi việc. Bởi vì con người không phải là vạn năng.

- “Trí nhân” phải xuất phát từ việc hiểu mình đến việc hiểu người, để tất cả mọi người đều được xếp đúng vị trí của mình.

- Tri thức là nền tảng của trí tuệ, nhưng không hẳn cứ có tri thức là có trí tuệ. Người thực sự có trí tuệ tuy có thể học được từ những nhân tố bên ngoài, nhưng trước hết phải có sự tu dưỡng không ngừng của bản thân.

- Trong cuộc đời mình, Khổng Tử đã khắc phục hoàn toàn 4 khuyết điểm lớn nhất của bản thân:

Thứ nhất, “vô ý”, nghĩa là cắt đứt với thói quen chủ quan có tính võ đoán.

Thứ hai, “vô tất”, là không trông đợi vào một quy luật tất yếu. Không bao giờ yêu cầu ai phải làm một việc theo một cách nhất định để có được một kết quả nào đó.

Thứ ba “vô cố”, tức là không bao giờ cố chấp, không chỉ khư khư ý kiến của mình.

Thứ tư, điều hóc búa nhất là “vô ngã”. Đó là khi có thể khiến mình đạt tới cảnh giới “vong ngã” (quên mình), sau đó mới phán đoán về một sự vật, hiện tượng khách quan.

- Con người muốn đạt đến đại trí cần phải quay về chất vấn chính bản tâm của mình, để xem bản thân đã đạt đến cảnh giới nào.

- Con người cần được học tập từ bên ngoài, và bên trong có sự giác ngộ triệt để của bản tâm. Một khi đã đạt tới sự hoà hợp của bên trong và bên ngoài thì chúng ta vẫn cần đến một số cách thức hữu hiệu để vận dụng  vào cuộc sống của mình.

- Tình cảm dào dạt trong lòng, rồi những gì mà chúng ta có thể đạt được từ việc tu dưỡng bản tâm, tất cả đều xứng đáng để chúng ta cố gắng.

- Không chỉ là lương bổng, không chỉ là sự nghiệp, không chỉ là biểu dương, mà chính sự thích thú của bạn trong công việc mới là điều quan trọng nhất.

- Học kiến thức trong sách vở không bằng học kiến thức trực tiếp từ người đời.

- Ý nghĩ của con trẻ, đôi khi trực tiếp và đơn giản nhưng lại rất gần gũi với chân lý.

- Những thứ bề ngoài không thể quyết định tính cách cuộc đời của con người, mà hoạt động của thế giới nội tâm mới quyết định tất cả.

- Giỏi thay đổi cách suy nghĩ chính là một biểu hiện của đại trí.

- Nhiều khi chúng ta không phát huy được tác dụng của những điều đã học vì những kiến thức ấy chưa thể thâm nhập vào đời sống của mỗi cá nhân.

- Chữ tín chính là điều cơ bản nhất để con người có thể bước vào đời. Nếu ai đó chỉ dựa vào cơ hội, bất chấp thủ đoạn và không giữ chữ tín thì dù họ có sống cũng chỉ là may mắn thoát khỏi tai hoạ mà thôi.

- Con người phải biết chấp nhận hiện trạng thực tế của bản thân, biết chân thành đối diện với chính mình. Đó cũng là khởi điểm của đạo thành tín.

Thành tín là viên đá thử vàng, nó có thể chứng nghiệm sự cao thấp trong nhân phẩm con người.

- Người có đạo đức sẽ không bao giờ bị cô độc.

- Người lãnh đạo trước hết cần phải giữ sự thanh liêm, phải lấy mình làm gương cho người khác. Đây là tư tưởng nhất quán từ đầu đến cuối của Khổng Tử, cũng là khởi điểm của việc dùng đạo đức để trị nước.

- Con người có thể có dục vọng, nhưng không nên quá tham lam.

- Khi hai trạng thái quá tự ty và quá kiêu ngạo cùng xuất hiện ở một người, thì nguyên nhân chính là do người đó thiếu tự tin với chính mình.

- Chúng ta không thể mong có một xã hội lý tưởng trong thực tại, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn thông qua việc tích góp những điều tốt đẹp của bản thân.

- Xuất phát từ thế giới tâm linh của chính mình để chạm tới thế giới tâm linh của người khác chính là con đường dẫn đến sự gặp gỡ giữa mình và người khác.

- Mỗi người nên bắt đầu từ sự trung thực với cuộc đời của mình rồi mới vươn đến sự trung thành với xã hội, với nghề nghiệp và với nghiệp khác.

- Lòng khoan dung bắt nguồn từ sự hiểu biết và cảm thông. Chúng ta đem cảnh ngộ của người khác và cuộc sống của mình so sánh với nhau, để rồi đi đến sự thấu hiểu và cảm thông.

- Nếu một người nhìn nơi đâu cũng chỉ thấy bổn phận thì thật khó để gợi lên sự cảm kích trong lòng. Còn nếu họ có cơ hội thể hiện sự tình nguyện nhiều hơn đối với những việc mình làm thì chắc chắn họ sẽ hứng thú và trân trọng hơn.

- Hãy đem đến cho người khác lòng quan tâm và đem đến cho mình điều thuận lợi. Hãy đem đến cho thế giới sự ấm áp và đem đến cho chính mình sự khoan dung.

- Đạo trung thứ nói một cách đơn giản chính là trung thành với chính mình và đối xử tốt với mọi người.

- Thiên đường và địa ngục thực ra chỉ cách nhau có một ý nghĩ mà thôi. Nếu trong lòng bạn có đạo trung thứ thì cả cuộc đời bạn có lẽ chính là những ngày tháng sống trên thiên đường. Ngược lại nếu trong lòng bạn chỉ có oán hận, hà khắc thì bạn rất khó có cơ hội tiếp cận với thế giới an lạc của thiên đường.

- Yêu người, nghĩa là dùng ý tốt xuất phát từ nội tâm của mình để đối đãi với người khác.

- Nhân ái trước hết là một kiểu nhân cách. Nó không chỉ biểu hiện ở sự cao thượng, kiên trinh, mà còn thể hiện ở ý chí to lớn trong lòng con người.

- Nếu bạn biết khắc chế những điểm không tốt của chính mình, lòng bạn sẽ trở nên bình thản. Và một khi lòng bạn đạt đến sự bình thản thì chắc chắn đạo nhân ái sẽ hiển hiện.

- Có khi nhân ái là những hành vi cụ thể không chỉ giúp người khác được lợi mà chính bản thân mình cũng được lợi.

- Nụ cười của người khác mãi mãi sẽ là tấm gương để bạn hoàn thiện kỹ năng xử thế của chính mình. Trước vẻ hớn hở mừng vui của bạn, người khác chắc chắn cũng sẽ nói cười hân hoan, còn trước thái độ trừng mắt giận dữ của bạn, người khác chắc chắn cũng sẽ chất đầy bực tức trong lòng.

- Lòng nhân ái phải có nguyên tắc và phân biệt đúng sai, ân oán rõ ràng. Chính vì vậy, chỉ có những người ghét điều ác như kẻ thù thì mới thực sự đạt đến đạo nhân.

- Nhân ái là căn cứ quan trọng để biết một người có thể trở nên vĩ đại hay không. Vậy chúng ta có thể đạt tới chuẩn mực của nhân ái bằng cách nào? Theo Luận Ngữ chúng ta có thể đạt tới điều ấy bằng cách không ngừng cố gắng học tập.

- Nhân ái là sức mạnh được phát ra từ nội tâm của một người. Nó vừa có thể tác động đến người khác lại vừa có thể tác động đến chính mình.

- Trong lòng những người nhân ái luôn có chỗ dành cho người thân và bạn bè. Họ yêu sông núi, cỏ cây. Yêu thiên nhiên bốn mùa, yêu những giây phút vui vẻ bên bè bạn, người thân. Những tình cảm ấy không bao giờ hạn chế mà luôn luôn chan hoà ở mọi lúc, mọi nơi và ảnh hưởng đến tất cả những người xung quanh.

- Mỗi người cần phải cẩn trọng, tôn trọng và không ngừng hoàn thiện cuộc đời của chính mình.

- Nhân ái là sự tích luỹ hàng ngày, nó luôn cần đến sự tu dưỡng không ngừng của mỗi cá nhân.

- Con người tồn tại trong dòng chảy không ngừng của thời gian và cuộc đời, việc chú ý tu dưỡng đạo nhân ái như thế nào sẽ quyết định đến mối quan hệ giữa chúng ta và thế giới.

- Đạo nhân ái có thể làm thay đổi cuộc sống của con người. Bằng việc mang sự tin tưởng cùng niềm vui trong lòng chúng ta vào việc đối nhân xử thế, giữa con người và xã hội sẽ có một liên hệ mật thiết và hài hoà hơn.

***

Yu Dan (Vu Đan) sinh ngày 28/6/1965. Bà là giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh.

Bà sinh ra tại Bắc Kinh, nhận bằng thạc sĩ về văn học Trung Quốc cổ đại và bằng tiến sĩ về nghiên cứu phim và truyền hình.

hiện là Giáo sư, trợ lý giám đốc Viện Nghệ thuật và Truyền thông, Chủ nhiệm Khoa Điện ảnh và Truyền hình của Đại học Bắc Kinh. 

Sinh ra trong một gia đình có cha là nhà nghiên cứu văn học cổ Trung Quốc, từ năm lên 4 tuổi, Yu Dan bắt đầu nghiện đọc sách, đọc cả Luận Ngữ của Khổng Tử; 8 tuổi, đọc Hồng Lâu Mộng và tiểu thuyết của Balzac…

Trong dịp lễ Quốc khánh Trung Quốc, Yu Dan xuất hiện trong chương trình Diễn đàn trăm nhà của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, thuyết trình 7 buổi liền về chủ đề Thu hoạch từ việc đọc sách Luận Ngữ, được hàng trăm triệu người xem hoan nghênh.

Các bài nói này được in thành sách. Ngay trong tuần lễ đầu tiên, 600 nghìn cuốn đã bán hết; chỉ trong vài tháng, con số đã nâng lên 3 triệu bản và đến nay đã là hơn 10 triệu bản trên toàn thế giới.

Thật là một hiện tượng hiếm có, nhất là đối với sách bàn về tư tưởng của một triết gia sống cách nay hơn 2.500 năm như Khổng Tử!

Những Đạo được Yu Dan đề cập đến trong Khổng Tử Tâm Đắc là những đạo lý hàng ngày vẫn song hành trong cuộc sống chúng ta như: Đạo hiếu kính, Đạo trí tuệ, Đạo học tập, Đạo nhân ái…

Sách được phát hành bởi Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh qua bản dịch của Tiến sĩ Nguyễn Đình Phúc, dày 260 trang. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024