Đường về tỉnh thức - Thiền sư Thích Nhất Hạnh và lời khuyên đặc biệt ý nghĩa giữa lúc Covid-19 căng thẳng

27/07/2021 08:30
Đường về tỉnh thức - Thiền sư Thích Nhất Hạnh và lời khuyên đặc biệt ý nghĩa giữa lúc Covid-19 căng thẳng

Được xem là "siêu nhận thức", chánh niệm cho phép ta làm tất cả mọi thứ, luôn điềm tĩnh, thích tìm hiểu và đầy tình thương. Chánh niệm trang bị cho chúng ta thứ hành trang thiết yếu của đời sống – đó là sức mạnh để đối diện với khó khăn, khủng hoảng.

Khi cuộc sống chuyển động ngày một nhanh hơn, đặc biệt là trong giai đoạn mọi người đang phải đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng vì dịch bệnh Covid-19, nhiều người đã hướng bản thân đến với chánh niệm. Vì khi con người có thể thực hành chánh niệm, họ sẽ có thể thoát khỏi sự tiếc nuối cho quá khứ và cũng thôi âu lo về tương lai. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói, trong nếp sống chánh niệm, con người ta có được hạnh phúc.

Chánh niệm nôm na là một trạng thái mà bạn đặt toàn bộ tâm và trí vào những gì đang xảy ra ở giây phút hiện tại. Trong cuốn sách "Đường về tỉnh thức", tiến sĩ Tamara Russell đã định nghĩa chánh niệm là "nhận thức + 3", nghĩa là ngoài sự hiểu biết bình thường mà tất cả chúng ta có, thì bạn cần đạt đến ngưỡng "siêu nhận thức" bằng cách thêm vào 3 điều: hoàn toàn được hướng về khoảnh khắc hiện tại, không phản ứng (cầu thị nhưng điềm tĩnh), và không phán xét.

Thế nhưng, nhiều người cũng cho rằng, việc thực hành chánh niệm là vô cùng khó khăn, và bản thân đã không thể tiếp cận được với trạng thái này. Chẳng hạn như một người từng chia sẻ mình không thể chánh niệm vì tâm trí luôn đầy những lo toan và nghĩ suy. Điều này rất bình thường. Không phải cứ muốn chánh niệm là bạn sẽ có thể rơi vào trạng thái ấy. Mà quá trình này cũng giống như việc bạn rèn luyện một bộ môn, một kỹ năng mới cho bản thân, đều cần phải có kiến thức và kỹ năng.

Dưới đây là ba khó khăn mà người tập chánh niệm thường gặp phải. Với mỗi trở ngại, Tamara Russell - tiến sĩ, chuyên gia tâm lý, và cũng là tác giả của cuốn sách "Đường để tỉnh thức" - đã đưa ra những phân tích và hướng dẫn để việc tiếp cận và thực hành chánh niệm trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả tối ưu.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Trong nếp sống chánh niệm, con người ta có được hạnh phúc - Lời khuyên đặc biệt ý nghĩa giữa lúc Covid-19 căng thẳng  - Ảnh 1.

Không hiểu rõ về chánh niệm

Việc có một người thầy hướng dẫn sẽ giúp chúng ta xây dựng nền móng vững chắc và phát triển vượt bậc trong mọi hoạt động. Chánh niệm không là ngoại lệ. Tamara Russell trích dẫn kết quả của một nghiên cứu, rằng "có một người thầy nhiều trải nghiệm cá nhân sâu sắc sẽ tạo một tác động tích cực lên việc rèn luyện chánh niệm của học viên".

Việc tìm kiếm người thầy này sẽ còn tùy thuộc vào nơi bạn tiếp cận với chánh niệm, có thể là ở những nơi tâm linh, nhưng cũng có thể là ở môi trường thế tục như các cơ sở dịch vụ trị liệu sức khoẻ và tinh thần.

Thế nhưng, ở xã hội hiện đại, khi công nghệ thông tin phát triển với tốc độ vũ bão thì rõ ràng việc tìm kiếm sự hướng dẫn không chỉ đến từ hai môi trường trên. Lúc này, nguồn tài nguyên trên mạng Internet chính là giải pháp hữu hiệu cho bạn. Tuy nhiên, nữ tác giả tin rằng chúng ta nên "lắng nghe với một đôi tai phản biện" khi tiếp cận với những tài liệu này, để biết được đâu là sự hướng dẫn đúng và sai. Bạn có thể làm được điều này thông qua việc so sánh nội dung ở nhiều nguồn, nhiều người chia sẻ khác nhau. Đặc biệt, bạn phải tự mình nhận ra đâu mới là cách luyện tập chánh niệm phù hợp nhất với bản thân mình.

Hãy nhớ, trước khi muốn phát triển vượt bậc, bạn phải bỏ thời gian và công sức để xây nên những viên gạch nền móng vững chắc trước; muốn bản thân bước vào không gian của tâm trí một cách thuần thục, trước tiên phải có trách nhiệm chọn lọc trải nghiệm học tập của chính mình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Trong nếp sống chánh niệm, con người ta có được hạnh phúc - Lời khuyên đặc biệt ý nghĩa giữa lúc Covid-19 căng thẳng  - Ảnh 2.

 

  1. Không thể sắp xếp thời gian thực hành chánh niệm

Bản chất của chánh niệm là quan tâm chính bản thân mình. Nhưng lạ thay, khi càng bận rộn, cơ thể càng cần được chăm sóc, thì chúng ta lại càng xem nhẹ việc tự yêu thương lấy mình, cứ thế lao vào guồng quay của công việc và cuộc sống. Thời gian dành cho chánh niệm cũng vì vậy mà dần biến mất.

Hãy nhìn lại bản thân mình mà xem. Có phải khi công việc gặp rắc rối, hay hàng loạt dự án mới lũ lượt kéo đến, bạn luôn sẵn sàng quên cả bữa ăn, bỏ cả giấc ngủ, và đặt công việc lên ưu tiên hàng đầu không? Thế nhưng, đây mới chính là lúc bạn cần đến chánh niệm nhất, vì thân-tâm bạn lúc này rất cần được nạp thêm năng lượng và phục hồi để đủ khoẻ cho những cuộc chiến dài đằng đẵng phía trước.

Nhiều người biện minh "tôi quá bận, không có đủ thời gian". Nhưng thực chất, đó chỉ là cái cớ cho việc chúng ta không thể nghĩ ra một lý do chính đáng. "Hiếm ai bận đến mức không thể làm được một việc gì đó", chỉ là mức độ ưu tiên bạn dành cho nó là bao nhiêu mà thôi. Khi bạn nhận thức được tầm quan trọng của chăm sóc bản thân, thì bạn sẽ thấy việc thực hành chánh niệm là không thể thiếu trong thời khóa biểu hằng ngày, đặc biệt là trong những lúc đầu tắt mặt tối với những lo toan. Lúc này, bạn mới có thể sắp xếp một khoảng thời gian đủ để hoàn toàn chú tâm và cơ thể, rèn luyện bộ não và phát triển chánh niệm.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Trong nếp sống chánh niệm, con người ta có được hạnh phúc - Lời khuyên đặc biệt ý nghĩa giữa lúc Covid-19 căng thẳng  - Ảnh 3.

 

  1. Không thể tìm nơi phù hợp để thực hành chánh niệm

Vốn dĩ bộ não chúng ta rất dễ bị phân tâm, không chỉ dừng lại ở những âu lo về công việc hay mưu sinh trong tiềm thức, mà còn vì những chuyển động và âm thanh xung quanh. Trong khi đó, thực hành chánh niệm nghĩa là chúng ta "rèn luyện sự chú ý trên những cảm giác tinh tế của cơ thể và tâm trí". Vậy nên, mọi người vẫn quan niệm rằng, việc tìm kiếm một nơi tách biệt với xung quanh khi thực hành chánh niệm là khá cần thiết. Nơi đây có thể là nhà thờ, chùa, thiền viện, công viên và cũng có thể là phòng riêng của bạn.

Tuy nhiên, không nhất thiết phải ngồi tư thế hoa sen giữa một khung cảnh yên bình mới có thể thực hành chánh niệm. Trong "Đường về tỉnh thức", tác giả có nhắc đến thực trạng một số người đang gặp bất tiện trong việc tìm một nơi yên tĩnh để thực hành chánh niệm. Vì sức ép của công việc, nên họ khá eo hẹp về cả thời gian lẫn không gian. Trong tình huống này, nữ tác giả gợi ý thực hành chánh niệm song song với mỗi công việc bạn làm, chẳng hạn như bác sĩ chánh niệm trong khoảng thời gian đi bộ đến phòng khám bệnh nhân, hay một vận động viên điền kinh có thể chánh niệm trong từng sải chân của mình.

Thậm chí, mọi người có thể luyện chánh niệm chỉ bằng việc bước chân ra ngoài và hít thở khí trời tươi mát. Nên nhớ, lúc này, điểm mấu chốt không nằm ở việc tìm một nơi nào đó yên tĩnh, mà là bạn phải tập thổi vào mọi hành động của mình một sự tỉnh thức, để lắng nghe từng chuyển động của cơ thể ở thời điểm thực tại, vậy là bạn đã tập chánh niệm một cách đơn giản mà không cần mất quá nhiều sức lực rồi.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025