Lời giới thiệu
Đi làm farm ngắn hạn, làm công nhân nông nghiệp, đi du học, đi định cư, đi học nghề, đi thăm thân, vượt biên trái phép, thậm chí “tị nạn”,… từ hàng chục năm nay, có không ít người Việt tìm đường sang phương Tây mà đích đến chủ yếu là Anh và Úc.
Không thể kể hết tên những người Việt đã bị bắt vì liên quan đến sản xuất cần sa tại Anh, Úc, New Zealand, Đức, Séc, Ba Lan, Hungary,… nơi có cộng đồng người Việt đông đảo. Chỉ cần Google nhẹ, bạn đã tìm ra vô số vụ án mà thủ phạm là người Việt.
Tô Giang, tác giả của loạt ký sự “ Đi Úc trồng “cỏ” gồm tổng cộng 6 kỳ mà chúng tôi giới thiệu sau đây, đã từng là một người trong số đó.
Sinh năm 1978 tại Nghệ An, sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, vào năm 2002, Tô Giang quay trở về quê và làm một cái nghề về bản chất là hoàn toàn đối ngược với các hoạt động phi pháp.
Anh làm biên tập viên truyền hình tại Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An trong suốt 9 năm sau khi ra trường.
Đến năm thứ 10, Tô Giang sang Úc với visa được cấp cho mục đích học tiếng Anh tại Học viện Công nghệ Melbourne. Nhưng cũng như hàng ngàn người khác, đó chỉ là một vỏ bọc.
Ngay ngày đầu tiên đặt chân đến Úc, Tô Giang đã tiếp xúc với “mối”, cũng là một người đi xuất khẩu lao động rồi định cư ở Úc và trồng cần. Chỉ trong vòng bốn năm, Giang nhanh chóng trở thành công nhân trồng cần có tay nghề thuộc loại cao nhất trong cộng đồng người Việt trồng cần ở Úc thời điểm đó, cũng nhanh chóng trở thành "boss" (ông chủ, bỏ tiền ra đầu tư chứ không trực tiếp trồng trọt nữa).
Đến đầu năm 2020, Giang trở về Việt Nam nhưng không phải trong tư cách một du học sinh đã hoàn thành một nấc mới trên con đường học vấn, càng không phải một boss xem tiền như rác mà với tư cách công dân bị trục xuất.
Trước đó ba năm, Giang đã bị Cảnh sát Úc bắt và bị tuyên án ba năm tù về tội trồng cần sa phi pháp.
Bảy tháng sau khi bị trục xuất về Việt Nam, Giang hoàn thành bản thảo tự truyện đầu tiên của một dân “chăn mèo” (tiếng lóng chỉ người trồng cần sa phi pháp), thuật lại tất cả những bước chân dẫn bản thân đi sâu vào một con đường tưởng chừng xanh rực màu đô la nhưng lại chính là đường dẫn đến địa ngục.
Tự truyện mang tên Đường xanh viễn xứ đã được Nhã Nam và NXB Hội nhà văn xuất bản tại Việt Nam vào tháng 8 /2021 và đang được một nhóm học giả nghiên cứu thuộc Đại học quốc tế RMIT - Úc dịch sang tiếng Anh.
Hiện tại Tô Giang vẫn đang sinh sống ở Nghệ An với một nghề nghiệp mới là huấn luyện viên thể hình. Thời gian còn lại anh dành để tiếp tục trải lòng với “Đường xanh viễn xứ tập 2” dự kiến lấy tên là “Nếu không có ngày mai”. Những ai đã đọc Đường xanh viễn xứ đang rất mong ngóng ngày ra mắt cuốn thứ hai.
Loạt ký sự chúng tôi khởi đăng dưới đây do Tô Giang viết riêng cho toà soạn, là những trải nghiệm chưa từng được chia sẻ về cuộc sống thực sự đằng sau “thiên đường đô la” của dân trồng cần sa trên đất Úc với những âm mưu quỷ kế tàn nhẫn và lạnh lẽo. Chúng chầm chậm nhưng liên tục gặm nhấm tan nát nhân cách, tâm hồn và toàn bộ ý nghĩa cuộc đời của nhiều con người.
“Tôi viết loạt ký sự này với mục đích chỉ ra bộ mặt thật nhơ nhuốc của giấc mơ “cỏ” để mọi người đừng ảo mộng xây dựng sự giàu sang bằng tội lỗi. Cũng qua ký sự này tôi tìm lại chính bản thân mình trong vai trò của một nhà báo với bản năng viết. Để đưa sự đắng cay tủi nhục của lầm lỡ ra trước ánh sáng chân lý của cuộc đời. Chính ánh sáng là nguồn năng lượng tốt cũng là nguồn cảm hứng bất tận để tôi tiếp tục viết, có một cuộc đời ý nghĩa”- Giang viết.
Trân trọng giới thiệu kỳ 1: “Đi Úc trồng cỏ” cùng bạn đọc
Tết nguyên đán 2018!
Đây là cái tết đặc biệt với tôi.
Lúc này, mùa xuân đã về trên dải đất hình chữ S yêu thương ở Bắc bán cầu. Còn chúng tôi đang ở Úc - Nam bán cầu với mùa hè rực lửa.
Và ở trong nhà tù.
Tác giả (bên phải) chụp ảnh cùng bạn tù. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Nhà tù Fulham
Có đến 200 tù nhân Việt có mặt trong bữa tiệc mừng tết do nhà tù Fulham và Hội Phụ nữ Victoria – Úc tổ chức. Trải qua những ngày cơm tù rệu rã, đồ ăn tây khó nuốt, hôm nay là bữa tiệc thịnh soạn hương vị quê hương với bánh chưng xanh, thịt lợn quay, thịt vịt… và rất nhiều loại trái cây đã làm anh em phấn chấn.
Tôi cũng gượng cười để hòa chung không khí hoan hỉ cùng mọi người nhưng hai dòng nước mắt đang lã chã rơi trong lòng. Tôi buồn là vì rất đông người Việt ở trong hoàn cảnh tù đày khiến lòng tự ái, tự tôn dân tộc nổi lên chứ không chỉ là hoàn cảnh của mình.
Như đã nói trong tự truyện “Đường xanh viễn xứ”, tôi vào tù sau hành trình ma mị gần 5 năm từ một du học sinh cao học tới một boss chuyên trồng cần sa. Boss nhưng trước khi bị bắt thì hoàn toàn hai bàn tay trắng. Tòa phạt tôi với tội danh crop-sitter nghĩa là hành vi canh nhà cần sa, nhưng tôi lại bị mức án của người làm chủ.
Tôi bị tù 3 năm. Ngồi tù tối thiểu 2 năm, năm còn lại là thời gian dành cho đặc xá. Người chủ làm cùng với tôi thoát tội vì tôi không khai ra anh ta, có lẽ vì thế mà tòa đã đặt mức án quá nặng với tôi.
Nhưng anh ta đã bỏ rơi tôi trơ trọi trong tù không một đồng thăm nuôi, khác xa với lời đường mật hứa hẹn “cùng làm cùng chịu” trước đó. Và tôi bây giờ cũng khác xa với hình ảnh một “Việt kiều” lắm tiền trở về cố hương đã từng có.
Vào tù. Đó là kiếp đời bạc bẽo, ê chề nhất của những người trồng cần sa.
Sau khi trải qua 3 nhà tù thuộc hệ thống tù tiểu bang Victoria, tôi được chuyển về Fulham correctional centre (tạm dịch là Trung tâm cải huấn Fulham).
Nhà tù Fulham ở Gippsland, phía đông Victoria, Úc. Nguồn: abc.net.au
Nằm ở thành phố Sale thuộc vùng trang trại hẻo lánh và biệt lập thuộc tiểu bang Victoria - Úc, Fulham có diện tích rất rộng, đến 100 ha. Ba mặt có núi rừng bao bọc, mặt còn lại hướng về phía biển. Fulham biệt lập với dân cư quanh vùng. Chỉ có một độc đạo về đây. Đây là nhà tù tư nhân, thuộc tập đoàn GEO của Hoa Kỳ.
Nhà tù Fulham, ảnh từ năm 2013. Nguồn: abc.net.au
Hình thành từ năm 1997, trải qua gần 25 năm, trung tâm cải huấn này đã chứa không biết bao nhiêu người Việt. Hầu hết họ là dân trồng “cỏ”, tiếng lóng của người trong cuộc chúng tôi gọi là “dân chăn mèo”.
Mặt trước nhà tù Fulham, Úc. Nguồn: Fulham correctional centre
Mấy hôm Tết, trong nhà tù Fulham râm ran âm hưởng các bài bolero về mùa xuân phát ra từ những chiếc cassette chạy băng. Những chiếc cassette này là "gia bảo" để lại của thế hệ tù trước. Có chiếc sản xuất đã gần 20 năm nhưng chạy rất tốt.
Nhìn những chiếc đài sinh ra rồi sống trong tù, tôi cũng có đôi chút liên hệ với bản thân. Chiếc đài vô tri nhưng sứ mệnh của nó ở trong tù là mang văn hóa đến với tù nhân. Tôi cũng phải vậy, thất bại nhưng phải viết, viết để tìm lại cuộc đời.
Thật may ban Giám thị trại Fulham và các quản giáo rất có cảm tình với người Việt. Phần vì họ hiền lành, phần vì họ cung kính với cán bộ.
Với cán bộ trại, những người trồng "cỏ" là những người đi làm kinh tế, rủi ro nên mới bị vào đây. Người Úc hút cần là chuyện rất bình thường trong các bữa tiệc.
Chấp nhận một lối đi tắt trong bóng đêm, đổi lấy hy vọng có ngày mai tươi sáng trên quê hương, nhưng trong tù, sự chất phác, hiền lành, cần mẫn chăm lo cải tạo vẫn là hình ảnh của những người tù Việt Nam.
Vườn cây cảnh, những bông hoa ở nhà tù Fulham luôn khoe sắc, tỏa hương ngào ngạt nhờ công chăm bón của đội làm vườn thuộc tù nhân Việt.
Chị Bích Thủy, đại diện Hội phụ nữ Việt Nam tiểu bang Victoria đứng ra tổ chức ngày Tết cổ truyền cho anh em tù nhân Việt trong trại đã khá nhiều năm.
Lặng lẽ như một gạch nối nhỏ từ cuộc sống tới anh chị em tù nhân trên khắp tiểu bang Victoria, chị Thủy là đóa hoa cho đời hiếm hoi mà tôi bắt gặp trong cuộc viễn chinh khó nhọc của mình.
"Người Việt mình vô đây nhiều quá trời, hàng năm chị phải đi lòng vòng các nhà tù như PPP, MRC, MAP…để tổ chức Tết cho anh chị em đỡ hiu quạnh. Nhất là những người như em: không có gia đình, bạn bè, không có thăm thân. Có người vô đây mà mất liên lạc với ở ngoài, là dạng nằm (canh gác, chăm sóc) ở nhà cần sa không ra ngoài, không mối quan hệ, khi bị bắt cảnh sát thu điện thoại cũng không biết tiếng Anh, không nhớ số điện thoại ai hết. Chị phải kết nối cho họ với người thân. Phải tìm mãi mới ra nhân thân của họ để giúp họ. Khi báo cho gia đình ở Việt Nam biết thì ai cũng tá hỏa…"- chị Thủy kể.
Đi tổ chức Tết cho anh em tù nhân người Việt là niềm vui của chị Thủy. Việc làm của chị khiến tôi nghĩ đến mình cũng từng có lúc sống để tìm ý nghĩa của hạnh phúc nhưng rồi lại bị cuộc sống hà khắc cuốn phăng đi cùng cơn lốc tình-tiền-tù-tội.
Ôi! Cuộc đời khó nói hết chữ ngờ…
Trở lại cái Tết đầu tiên trong nhà tù Fulham. Gọi là nhà tù của Úc nhưng tù nhân người Việt đứng đầu về số lượng trong tất cả các nước, nên nhìn chung tình trạng bắt nạt không bao giờ xảy ra với tù nhân người Việt.
Dân các nước châu Á khác chủ yếu vào đây do đá, heroin, cocaine… Còn tù nhân Việt đa phần là dân "chăn mèo" thứ thiệt, trồng "cỏ", và chủ yếu là người làm thuê chứ boss thì khó bị tù.
Tất cả có đến 200 tù nhân Việt trên tổng số 1.000 giường. Con số này luôn duy trì từ nhiều năm nay như thế bởi có người ra tù thì lại có kẻ vào.
Đời "chăn mèo"
Ở Úc, tuy làm cái nghề phạm pháp nhưng sào huyệt của dân "chăn mèo" chính là những ngôi nhà bình thường trong khu dân cư, thậm chí là những biệt thự hàng triệu đô.
Bề ngoài, chúng tôi sinh hoạt hoàn toàn như những người khác, cũng "đi làm" sáng đi tối về, có vợ có chồng, có bạn bè đến chơi tổ chức tiệc ầm ĩ vào cuối tuần, trồng hoa trồng cỏ, sửa chữa chăm sóc nhà cửa vào ngày nghỉ… . Nhưng trong những ngôi nhà hay biệt thự "bình thường" đó là cả trang trại cần sa.
Một biệt thự trồng cần sa ở Úc.
Một bài báo xuất bản trên The theage.com.au vào năm 2017 mô tả: Nhiều tập đoàn ma túy ngụy trang nơi trồng cần trông giống như những căn nhà cho thuê đang giảm giá và không khác gì những ngôi nhà bình thường bên cạnh. Tường được giữ gìn cẩn thận, bãi cỏ được cắt, khu vườn trồng hoa cỏ và thậm chí còn có một cái thang ở phía trước nhà khiến nó trông hoàn toàn giống như nơi ở của gia đình vô cùng bình thường.
Khi bước vào nhà, bạn sẽ đi qua một nhà bếp đẹp kiểu thuộc địa, một màn hình phẳng treo tường và một chiếc sofa bọc da thoải mái. Nhưng chỉ cần đi thêm ít bước nữa, bạn sẽ thấy có tới cả trăm bao phân bón và hết phòng này đến phòng khác trồng cần sa từ cây con đến cây trưởng thành.
"Để che mắt hàng xóm, cảnh sát và những người làm dịch vụ lui tới vì các lý do công cộng, người trồng cần sa phải có cả một hệ thống kế hoạch để nghi binh và bảo đảm an toàn, tránh tất cả mọi nghi ngờ. Kế sách đó gọi là "chăn mèo".
Có nghĩa, "mèo" luôn rình rập. Mèo bao gồm cảnh sát, hàng xóm, dịch vụ công, kẻ cướp cần. Nói chung đó là những yếu tố gây thất bại. Phải quản lý được chúng mới có thể thành công với nghề cần sa. Thành ra, người trồng cần chui lủi, trốn tránh như chuột nhưng cứ phải “chăn” được “mèo".
Mặc dù chính quyền và cảnh sát cũng có các biện pháp ngăn chặn, cũng thường xuyên cảnh báo trên truyền thông về các dạng nhà cần sa trong khu dân cư, tuy nhiên "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Người Việt đặc biệt thông minh trong các trò "chăn mèo" này, nó là các quái chiêu của mê hồn trận bủa vây như cái thòng lọng siết chặt yết hầu "con mèo".
Trong năm đầu tiên sống ở Úc, nghệ thuật "chăn mèo" của tôi đã phát triển như một điệp viên nằm vùng và nhờ thế mà thành công.
Người trồng cần sa phải có cả một hệ thống kế hoạch để nghi binh và bảo đảm an toàn, tránh tất cả mọi nghi ngờ. Kế sách đó gọi là "chăn mèo".
Tô Giang
Tác giả mặc trang phục công nhân lái xe tải đến nhà cần sa, giả vờ như đang đi làm công bình thường, thời gian sau thì biến thành một doanh nhân khi trồng cần sa tại khu biệt thự cao cấp ở Cairnlea - Victoria. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Những người trồng cần sa gốc Việt Nam phát triển cần sa tại Úc từ trong nhà ở tại khu dân cư đông đúc cho đến ngoài trang trại rồi lên tận trên rừng. Bằng mọi cách để canh tác, miễn sao có thật nhiều tiền và dĩ nhiên phải an toàn.
Người có tiền hoặc rất nhiều tiền, di cư đến Úc để tìm một thiên đường sống, để hưởng chế độ giáo dục y tế và an sinh xã hội bậc nhất hành tinh, còn người lao động ít tiền cứ ở đâu dễ làm ra tiền thì ở đó là thiên đường.
Cũng như ở nước Anh, dân vùng rốn mưa lũ Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình ở Úc rất đông. Hầu hết họ ra đi để tìm cách đổi đời cho cả gia đình đang là những "cái tàu há mồm".
Dân vùng này "to gan" và chịu khó. Hầu hết đều làm thuê và không ít người khi vào tù thì bị chủ bỏ rơi giống như tôi.
Những ông chủ xuất thân từ các địa phương giàu có hơn. Hầu hết họ đã ở Úc lâu và đầy kinh nghiệm sống.
"Thiên đường" mong manh
Có nhiều dạng Visa để sang được Úc nhưng giá để chạy một suất đi du lịch chui (đi du lịch rồi trốn ở lại), doanh nhân sang đầu tư (nhưng lại là nông dân đích thực) có giá đến 1 tỷ VND. Thực chi cho những suất này cũng tầm 200 triệu VND gồm tiền vé, phí visa, khám bệnh,...
Tuy nhiên bằng các thủ thuật lòng vòng mà khuôn khổ bài viết này không thể đề cập hết, người đi Úc là miếng bánh ngon mà từ dịch vụ đưa người đi đến các ông, bà chủ cần sa thi nhau xâu xé. Người ra đi chịu áp lực phải trả nợ, có khi là cả gia sản đang thế chấp ngân hàng.
Không ít người rơi vào bần cùng khi chưa kiếm được đồng nào gửi về nhưng nhà cửa ở Việt Nam đã bị cầm cố để trả cho chuyến đi. Giá chi quá cao cho suất đi cũng là động lực để họ bước vào trồng cần để nhanh có tiền hồi vốn làm giàu.
Hứa, anh bạn tù người Thạch Hà - Hà Tĩnh của tôi là một ví dụ. Sau khi xuất khẩu lao động Hàn Quốc về được ít vốn, Hứa buôn bất động sản nhưng sau cùng lại trắng tay. Hứa tìm đến thiên đường kiếm tiền Úc này bằng mọi cách, nhưng cuối cùng là ngồi bóc lịch chờ ngày về giải quyết nợ nần.
"Anh đỡ là không có nợ, em ra tù còn không biết sẽ sống sao" - nói rồi mắt Hứa tối lại, cất tiếng thở dài nặng như chì.
Không ít người rơi vào bần cùng khi chưa kiếm được đồng nào gửi về nhưng nhà cửa ở Việt Nam đã bị cầm cố để trả cho chuyến đi.
Không ít người rơi vào bần cùng khi chưa kiếm được đồng nào gửi về nhưng nhà cửa ở Việt Nam đã bị cầm cố để trả cho chuyến đi.
Tô Giang
Cũng trong cái xuân đáng nhớ này, tôi gặp anh Kiên người Hà Nội, một trùm cần sa, một trong những người tù nhiều tiền nhất. Sau khi vào tù, bệnh dạ dày tái phát khiến anh rất khổ sở.
Sau 4 năm làm cần sa ở Úc, anh có tầm trên 30 tỷ VND thế mà vẫn luôn than ngắn trách dài đời hẩm hiu, nên tôi thấy rất lạ.
Trong vụ án của anh, cả chủ lẫn quản lý và người trực tiếp canh nhà đều bị bắt. Cả ba người đều có tiền. Họ sống phóng khoáng và đối đãi anh em tù nhân đồng hương rất tốt. Ai cũng bảo lên đến tầm như anh Kiên mà vẫn bị bắt là do tham công tiếc việc.
Nhưng anh kể với tôi: "Ở Đức sống liều lĩnh buôn thuốc, băng đảng tranh giành địa bàn cuộc mưu sinh quá khốc liệt. Sang Úc anh may mắn thành công ngay từ khi nhà cần sa đầu tiên cho đến khi bị bắt. Cũng có tiền nhưng sợ án tù nặng không biết khi nào mới được về, mà sống cảnh tù ở nước ngoài thì cũng không có thăm thân gì.
Anh bị bắt là cái số chứ anh cũng tính mướn người giao luôn, không đụng tay vào các nhà cần. Nhưng tìm được người đủ tài và tin tưởng là rất khó".
Khu vực giam giữ nhà tù Fulham. Nguồn: Trang web nhà tù Fulham
Khi tôi đang đếm những bước chân nặng trĩu vô định trong sân cỏ nhà tù thì Tình - một chàng trai Hải Phòng động viên bằng việc thổ lộ hoàn cảnh thật trớ trêu của anh.
Cả hai vợ chồng gửi con cái ở Việt Nam cho ông bà, dắt nhau qua Úc mơ đổi đời. Trồng "cỏ" là cách đổi đời nhanh nhất. Khi thuận lợi, có thể chỉ mất một năm để một người nghèo túng bỗng trở thành triệu phú đô la. Rủi thay cả hai bị bắt khi cô vợ đang mang bầu.
"Ông còn sướng chán, tôi ở đây nhưng bên tù nữ, vợ cũng vừa sinh con. Thật chẳng biết nói làm sao nữa nhưng phải chấp nhận và vượt qua đi ông ạ", Tình nói.
Lời động viên của Tình có hiệu quả tức thì. Tôi không còn cảm giác thất vọng cho bản thân nữa mà chỉ xót thương cho gia đình Tình. Đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Đã làm dân "chăn mèo" thì "nhất xanh cỏ, nhì đầy túi".
Khu buôn bán sầm uất của tiểu thương Việt tại Little Saigon, Richmond, Victoria, Úc. Nguồn: tinnuocuc
Cũng có một số người trở về thành công. Họ không bị tù đày. Dĩ nhiên họ chẳng dại gì tiết lộ việc mình giàu sụ lên từ cần sa mà thường nói là kinh doanh đàng hoàng hay làm ăn trúng mánh một cách bâng quơ.
Chỉ sau vài năm đi Tây, bỗng chốc họ trở thành nhà đầu tư, rửa số tiền kếch xù mà họ kiếm được vào bất động sản.
Sự giàu có nhanh chóng đó là động lực ghê gớm cho những người dân nghèo đói vươn xa thoát nghèo. Nhưng với dân "chăn mèo" bị sập bẫy như chúng tôi, đó là một chuyến đi không đổi được đời mà còn lâm vào bĩ cực.
Rất nhiều người đã bị ám ảnh tâm lý và có kết cục cay đắng sau khi mãn hạn tù. Số dân "chăn mèo" bị bắt cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, tuy nhiên về Việt Nam chẳng ai dại gì tiết lộ mình đã vào tù. Chính vì thế Úc vẫn là một thiên đường về cả cuộc sống lẫn kiếm tiền trong cách nghĩ của không ít người.
(Còn nữa)..
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ