Du lịch là một trong những hoạt động thú vị, được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, đi ra sao và làm thế nào để vừa có thể tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn, nhưng đồng thời vẫn mang lại những trải nghiệm thú vị nhất về con người, văn hóa nơi mà bạn đặt chân tới, lại là điều mà không phải ai cũng nắm rõ.
Đây là hành trình khám phá khác biệt so với khi bạn nghĩ dưỡng cùng với bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, những chuyến đi du lịch bụi như vật lại giúp bạn có thể trở nên mạnh mẽ, bạo dạn hơn, đồng thời có nhiều thời gian để nghĩ về bản thân, đồng thời trải nghiệm kỳ thú về thiên nhiên, con người và cả những nét văn hóa độc đáo ở vùng đất, địa danh mà bạn lần đầu đặt chân tới.
Mạnh dạn bước ra khỏi vùng đất an toàn và vượt lên chính mình khi can đảm chinh phục nơi không phải thân thuộc với mình là một hành trình lý thú. Từ bộ sách về phong cách sống Lagom – Vừa đủ, Sisu – Vượt qua tất cả, Hygge - Hạnh phúc từ những điều nhỏ bé cho tới tập du ký Bốn mùa trên xứ Phù Tang và Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero, tất cả đều là những cẩm nang tuyệt vời cho những ai đã và đang có niềm say mê với “xê dịch”.
Lagom – Vừa đủ: Đẳng cấp sống của người Thụy Điển
Không phô trương hay mô tả hoa mỹ, Lagom – Vừa đủ mang tới cho bạn đọc về phong cách sống của người Thụy Điển, một trong những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới. Bí quyết để cân bằng giữa guồng quay của công việc cùng những tất bật hối hả của cuộc sống hóa ra chỉ gói gọn nằm trong lối sống “lagom – vừa đủ”. Đây thực sự là một phần tạo nên bí mật của hạnh phúc ở quốc gia này.
Người Thụy Điển đã tìm ra chìa khóa để giúp đời sống trở nên cân bằng, đó là lối sống hòa hợp với thiên nhiên, đồng thời yêu thích sự vận động. Lagom được người dân ở quốc gia này xây dựng trên nhiều khía cạnh.
Cụ thể, Lagom là ăn chậm, sống chậm, biết trân quý đồ ăn, sống giản dị, biết sẻ chia,... Lagom ở đây không quá ít những cũng chẳng quá nhiều, mọi thứ chỉ “vừa đủ”. Đây thực chất là phong cách sống hướng tới sự thiết yếu và chúng có thể được áp dụng trong cách chúng ta ăn, mặc, sinh sống và làm việc, để làm thế nào có thể tìm được sự cân bằng cũng như tạo ra một cuộc sống hài hòa, nhẹ nhõm và hạnh phúc.
Sisu – Vượt qua tất cả: Nghệ thuật sống của người Phần Lan
Phần Lan hiện đang là quốc gia đứng đầu bảng về mức độ hạnh phúc. Nhiều người trên thế giới từng thắc mắc rằng không rõ đâu là bí quyết giúp những người dân ở quốc gia này lại có thể sống một cách an nhiên và hạnh phúc tới như vậy.
Một trong số các nguyên nhân có thể là đến từ “Sisu”, cụm từ mang ý nghĩa huyền bí, thể hiện sức mạnh của ý chí, sự kiên trì, quyết tâm nhưng trên hết là khả năng chữa lành những vết thương, bệnh tật. Đây được coi là phương châm, triết lý sống giúp cho những cư dân ở quốc gia này vượt qua được các nghịch cảnh. Đặt chân tới đất nước Phần Lan, bạn có thể nhận thấy thông điệp và tinh thần của “Sisu” len lỏi ở khắp mọi nơi.
Sisu của người Phần Lan là một tổ hợp từ quyết tâm sắt đá, nghị lực, lòng can đảm, sự dũng cảm, ý chí bền bỉ, sự ngoan cường và kiên trì. Joanna Nylund cho rằng tinh thần Sisu xuất hiện khi chúng ta phải đối mặt với những thử thách cam go.
Trong cuốn sách “Sisu – Vượt qua tất cả: Nghệ thuật sống của người Phần Lan”, tác giả Joanna Nylund cho rằng, tinh thần của Sisu thường xuất hiện khi chúng ta đối mặt với những thử thách cam go. Đây thậm chí còn là một biểu tượng để giúp con người vượt lên nghịch cảnh, tạo tâm lý, động lực để học tập và làm việc hiệu quả hơn.
Trên thực tế, có tới 5 yếu tố góp phần làm nên tinh thần của “Sisu”. Đó là sự kiên trì, trung thực, biết quản lý stress một cách đúng đắn, khả năng đứng dậy sau những vấp ngã và đặc biệt là biết sửa lại mục tiêu và lý tưởng. Hạnh phúc là điều không phải là thứ quá xa xôi, nhưng chúng ta cần phải biết về những gì mà mình cần phải chinh phục và nỗ lực hết mình trong mỗi ngày để đạt được điều đó.
Hygge – Hạnh phúc từ những điều nhỏ bé: Nghệ thuật sống của người Đan Mạch
Đan Mạch được coi là một trong những quốc gia đáng sống nhất trên thế giới với chỉ số phát triển xã hội rất cao. Tại sao một quốc gia phủ đầy tuyết trắng lại có thể trở thành “thiên đường” đáng sống như vậy. Đó là nơi mà những người dân có mức độ hạnh phúc cao, tôn trọng lẫn nhau, giáo dục miễn phí, nghề nghiệp không phân biệt sang hèn, xã hội trọng sự thành tín,...
Tất cả những điều kỳ diệu trên ở Đan Mạch hóa ra bắt nguồn từ Hygge, những điều giản dị, tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lại lâu bền. Đây được coi là một trong các giá trị cốt lõi, mang lại niềm hạnh phúc đối với người Đan Mạch.
Hygge không phải là một triết lý sống quá cao siêu, mà thực chất đây là “chìa khóa” mang lại cho con người sự thư giãn, cảm giác an nhiên, thoải mái và xen lẫn niềm vui, qua đó giúp chúng ta tái tạo năng lượng và sẵn sàng đương đầu với các thử thách khó khăn ở bên ngoài. Trên hết, hạnh phúc không phải là thứ quá xa xôi và thực chất lại hiện hữu ở rất gần và tới từ những điều nhỏ bé ở xung quanh chúng ta. Đó cũng chính là tinh thần mà Hygge muốn nhắm tới.
Khi tới Đan Mạch, bạn có thể bắt gặp Hygge là khoảnh khắc được quây quần cùng với gia đình bên lò sưởi trong đêm đông lạnh giá, là tách cà phê thư giãn giữa các cuộc họp căng thẳng, hay lắng nghe một bản nhạc cũ,... Mọi thứ dù rất giản đơn nhưng lại mang lại niềm hạnh phúc to lớn. Đây chính là nghệ thuật sống đỉnh cao của người Đan Mạch.
Bốn mùa trên xứ Phù Tang
Nếu là một người ưa thích sự trải nghiệm qua từng chuyên đi thì có lẽ “Bốn mùa trên xứ Phù Tang” là một cẩm nang khá thú vị. Đây là tập du ký của chính tác giả Nguyễn Chí Linh thông qua những trải nghiệm của chính ông trên các vùng đất của Nhật Bản, nơi được mệnh danh là “xứ Phù Tang”.
Dọc theo những bước chân của tác giả, bạn đọc như được đi qua các địa danh nổi tiếng như Tokyo hiện đại và năng động, đảo Hokkaido (vùng đất của những vị thần), cố đô Kyoto, Nagasaki, Hiroshima, những nơi gợi lên ký ức đau thương cách đây nhiều năm,...
Điều đặc biệt là mỗi nơi đều chứa đựng và hiện hữu một vẻ đẹp riêng. Do không mang tâm thế “cưỡi ngựa, xem hoa” nên Nguyễn Chí Linh đã có những trải nghiệm thực sự khi hòa mình cùng với cuộc sống của người dân bản xứ. Đó không chỉ là những nét văn hóa độc đáo mà một khi đã trải nghiệm thì thường rất khó quên.
Những món ăn độc đáo, bông hoa anh đào “đặc sản” của mùa xuân hay những Geisha chuyên nghiệp,... tất cả đều là các trải nghiệm vô cùng đặc biệt ở Nhật Bản. Mỗi mùa ở “xứ Phù Tang” đều có một nét riêng, nhưng trên hết đều mang lại những xúc cảm, trải nghiệm kỳ thú về đất nước giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.
Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero
Nếu đam mê du lịch bụi, thích đi chậm và sâu, cùng với việc khám phá về những , nền văn hóa cổ xưa ở nhiều nơi trên thế giới, thì đây chắc chắn là một cuốn sách bổ ích và thú vị.
Bản thân Nguyễn Tập, tác giả của cuốn sách “Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero” cũng bắt đầu giấc mơ chinh phục Nam Mỹ từ cuốn phim “Nhật ký xe máy” (tác phẩm kể về chuyến du hành xuyên khu vực Mỹ Latinh của Che Guevara, chàng sinh viên y khoa năm cuối) khi anh còn là một du học sinh Mỹ.
Chàng trai Việt đã từng có 2 tháng trời khám phá xứ sở của người Quechua (hậu duệ của người dân Inca), 4 tháng thâm nhập vào đời sống của các bộ lạc thổ dân vùng Amazon, Bolivia và Peru,...
Những kinh nghiệm thực tế cùng nhiều câu chuyện ấn tượng đậm nét văn hóa như bùa chú, ma thuật, độc dược nơi rừng thẳm,... vẫn còn sót lại ở các vùng đất xa xôi bí ẩn, góp phần mang lại nguồn tư liệu phong phú. Chất du ký đậm đặc trong cuốn sách này của tác giả Nguyễn Tập thậm chí còn được thể hiện qua từng địa điểm, và trong khi trò chuyện, thâm nhập và hòa mình cùng với đời sống của những con người rời xa “đời sống văn minh, đô thị”.
Khác biệt của cuốn sách chính là việc tác giả còn dành mối quan tâm đặc biệt tới thân phận của những người Việt lang thang, lưu lạc và đôi khi anh còn dành sự liên tưởng với những nét tương đồng trong văn hóa với quê hương của mình. Điều này đã góp phần làm cho tập du ký này trở nên độc đáo và chân thật.
Bạn có thể được rèn luyện về kỹ năng sinh tồn, đương đầu với thử thách, biết thêm được nhiều kiến thức văn hóa về con người, phong tục tập quán ở những vùng đất mới, và mọi thứ đều bắt đầu từ sự can đảm, đam mê thông qua các chuyến đi.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế