Hoàng hậu Margot của nhà văn Alexandre Dumas (cha) là cuốn tiếu thuyết lịch sử xoay quanh cuộc đời rực rỡ nhưng cũng phóng túng không kém của một hoàng hậu nước Pháp một thời.
Trong tác phẩm của mình, nhà văn Alexandre Dumas miêu tả về Margot: “Marguerite chưa đầy hai mươi tuổi mà đã trở thành đối tượng để ca ngợi của hết thảy những thi sĩ… Nàng có mái tóc đen, nước da sáng rỡ, mắt nhìn mê đắm ẩn sau hàng mi dài, đôi môi nhỏ đỏ thắm, cổ cao thanh tú, thân hình thon thả và mềm mại, bàn chân nhỏ nhắn như chân con trẻ của nàng ẩn trong đôi hài sa tanh. Những người Pháp coi nàng như quốc bảo, tự hào được thấy trên đất nước họ nở ra một bông hoa lộng lẫy đến thế. Những người nước ngoài đến nước Pháp không những lóa mắt trước sắc đẹp của nàng khi được nhìn nàng mà họ còn choáng ngợp bởi kiến thức của nàng nếu được nói chuyện với nàng. Bởi Marguerite không chỉ là người phụ nữ đẹp nhất thời đại mà nàng còn là người phụ nữ có học thức nhất".
Diễn viên Isabelle Adjani trong phim La Reine Margot (1994) - Ảnh: T.L
Qua tác phẩm Hoàng hậu Margot, nhà văn Dumas đem đến cho độc giả một cái nhìn toàn diện về một nước Pháp ồn ào và đầy giận dữ, một nước Pháp nhuốm máu với tất cả những gì cực đoan nhất: mưu phản, thảm sát, đầu độc... Đó là một nước Pháp nơi những cuộc chiến tôn giáo thiết lập luật lệ, tạo nên cuộc hôn nhân sắp đặt giữa Công chúa Marguerite de Valois với người sẽ trở thành Henry 4, vị vua trẻ của Navarre. Một cuộc hôn nhân lý trí thay vì xuất phát từ tình cảm, một hợp đồng hôn nhân phục vụ cho tham vọng chính trị của mỗi người, để một lần nữa thiết lập hòa bình giữa người Tin lành và Công giáo.
Diễn viên Isabelle Adjani trong phim La Reine Margot (1994)
Hoàng hậu Margot là minh chứng cho tài năng kiến tạo tình tiết bậc thầy của Alexandre Dumas. Ông không chỉ thi vị hóa những dữ kiện lịch sử thành câu chuyện tình lãng mạn giữa hoàng hậu Margot với bá tước de La Mole, hay tình bạn khăng khít giữa de La Mole và bá tước de Coconnas, mà còn khéo léo cuốn người đọc vào những vòng xoay ly kỳ đến nín thở của bánh xe số mệnh đưa nhà Bourbon lên nắm quyền cai trị nước Pháp.
Nam diễn viên Daniel Auteuil và nữ diễn viên Isabelle Adjani trong phim La Reine Margot (1994)
Thoạt đầu, Hoàng hậu Margot giống như một cuốn tiểu thuyết phi chính trị, một cuốn tiểu thuyết lãng mạn điên rồ phi lý trí, nơi những đam mê phải đối diện với một xã hội đầy "ồn ào và giận dữ", một cuốn tiểu thuyết không có thông điệp, được viết với mục đích duy nhất là để giải trí, nhưng trên thực tế cuốn sách lại đóng vai trò như một người đưa tin sử dụng thủ pháp hư cấu để đưa tin về lịch sử. Nhưng có lẽ sẽ tốt hơn nếu như những định kiến tư tưởng của lịch sử không hiện diện trong tác phẩm, dù là chỗ này hay chỗ kia.
Bản tiếng Việt của cuốn sách Hoàng hậu Margot XB tại Việt Nam tháng 8.2019
Dumas cũng là một tiểu thuyết gia chính trị, giống như Hugo hay Balzac, nhưng kín đáo hơn, ông cũng có tầm nhìn thế giới, không hẳn là không tham gia vào bất cứ cuộc chiến tôn giáo nào ở thời đại của mình. Việc lựa chọn sự kiện vụ thảm sát ngày lễ Thánh Barthélemy làm trung tâm trong cuốn tiểu thuyết của mình đã minh chứng cho sự ủng hộ sâu sắc của ông dành cho những ghi chép lịch sử của đạo Tin lành.
Hoàng hậu Margot được Nhã Nam kết hợp với NXB Hà Nội phát hành trên toàn quốc vào cuối tháng 8.2019.
Alexandre Dumas (1802 – 1870) hay Alexandre Dumas cha là một đại văn hào nổi tiếng người Pháp.
Với sức sáng tác mạnh mẽ, ông để lại khoảng 250 tác phẩm, gồm 100 tiểu thuyết, 91 vở kịch, cùng bút kí, phóng sự, hồi ký.
Các tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đông đảo độc giả khắp thế giới hâm mộ trong suốt hơn một thế kỷ qua, tiêu biểu phải kể đến Ba chàng lính ngự lâm, Bá tước Monte Cristo, Hoàng hậu Margot…
Tiểu Vũ