Có một câu chuyện ẩn dụ trong kinh Phật như thế này. Ở đất nước Ấn Độ có 2 người phụ nữ, cùng lúc nhận được 1 loại trái cây có tên là āmalaka. Người đầu tiên sau khi nhận được loại trái cây này liền vội vàng ăn, ngay cả hạt cũng ăn bằng hết, không giữ lại gì. Cuộc sống của cô ta chẳng thay đổi gì sau khi nhận được quả āmalaka.
Người thứ hai thì chỉ ăn phần thịt quả và để lại phần hạt, rồi sau đó đem gieo trồng xuống đất. Không lâu sau, hạt mọc thành cây, cây cho quả và người phụ nữ lại tiếp chỉ ăn quả và đem hạt giống đi trồng. Cứ như thế một năm, hai năm, rồi ba năm trôi qua, cô ta có cả một vườn cây ăn quả rất lớn, dần dần thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Tinh Vân đại sư lúc chia sẻ câu chuyện này đã từng nói: "Cái gọi là ‘nhân duyên quả báo’ chính là đã có nhân rồi thì cần phải có duyên nữa mới có được kết quả. Cuộc đời con người, làm bất cứ chuyện gì cũng nên giữ lại cho mình cho người một con đường lui, lúc tiêu tiền, đừng nên tiêu hết số tiền có trong túi mà hãy để lại một ít phòng khi cần dùng. Giống như người phụ nữ ở trong câu chuyện chỉ để lại một ít hạt giống, nhưng không lâu sau cô đã gặt hái thành công như mong đợi.
Lời bình
Tương tự như vậy, trong cuộc sống thường ngày, lúc chúng ta dạy bảo con cái cũng đừng nên quá khắt khe mà hãy dành cho chúng một chút cái gọi là tôn trọng; với bạn bè hãy để lại cho họ một chút thuận lợi và sẻ chia.
Còn đối với người lớn, hãy giữ lại cho họ một chút kính trọng và khiêm nhường. Ngay cả là con mèo, con chó, con chim hay bất cứ loài vật nào, chúng ta cũng nên để lại cho chúng một chút từ bi.
Cuộc đời con người, phàm là làm bất cứ chuyện gì cũng nên giữ lại cho mình một con đường lui, nghe thì có vẻ đang vì người khác, nhưng thực chất lại có lợi cho bản thân mình.
Con đường riêng của mỗi người hẳn sẽ lắm chông gai, nhưng khi chúng ta đạp đổ bát cơm của người khác thì chẳng khác nào đang phá vỡ bát cơm của chính mình. Trong cuộc sống này, bất kể là đối với người nào hay bất cứ chuyện gì, giữ lại một con đường lui chính là sự lựa chọn thông minh sáng suốt nhất của đời người.
Một người có thể sẵn sàng cho đi dù chỉ là một chút ít, đó mới chính là người giàu có. Còn người dù chỉ một ít cũng không chịu cho người khác, chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân mình, thì chẳng khác gì kẻ nghèo nàn cơ cực.
Hy vọng tất cả mọi người trên thế gian đều để lại một nụ cười, một câu chào hỏi, một chút nhân duyên cho người khác, để bạn, tôi và tất cả mọi người đều nhận được một chút gọi là "mầm giống", mai sau nhất định sẽ gặt hái nhiều thành công.
Hơn nữa, cuộc đời này, nếu có nhiều tiền, giúp đỡ người khác một chút có gì khó? Trong cuộc sống cũng có vô vàn lời lẽ tốt đẹp, dành một chút lời khen ngợi cho người khác, có mất gì? Vậy nên, dù là làm người hay là làm việc, đừng ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà hãy lưu lại cho người khác một chút gì đó, đó mới là điều quan trọng và nên làm.
Trí thức trẻ