Chàng trai Đà Nẵng chuyên giải cứu động vật hoang dã

03/12/2021 18:00
Chàng trai Đà Nẵng chuyên giải cứu động vật hoang dã

Từ một "tay chơi" bò sát, Đặng Thái Tuấn "bẻ lái" và trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ chuyên "giải cứu" động vật hoang dã thoát thành mồi ở các nhà hàng, quán nhậu tại Đà Nẵng.

"Tay chơi" chuyên bán bò sát

Tranh thủ những ngày chưa đi học trực tiếp trở lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đặng Thái Tuấn (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) bảo vệ động vật hoang dã - ENV Đà Nẵng) cùng các tình nguyện viên của CLB "chạy ngược chạy xuôi" để khảo sát những địa điểm nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã.

Nhìn cậu thanh niên nhiệt huyết, hăng say kể về công việc nâng cao nhận thức của người dân và "giải cứu" động vật hoang dã, không ai nghĩ rằng trước đó, Tuấn là thành viên "cứng" của hội chơi bò sát ở Đà Nẵng.

"Em chơi bò sát từ năm 2015, lúc đó phong trào đang nở rộ. Mỗi lần tập trung offline, có 30 đến 40 bạn sẽ mang các động vật bò sát đến để giao lưu, mua bán. Ngoài ra, các bạn còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi các loài bò sát với nhau", Tuấn nhớ lại.

Trong thời gian ngắn, Tuấn từng nuôi đủ các loại động vật hoang dã như trăn gấm, trăn đất, kỳ nhông, rùa… Sau đó, nhận thấy nhu cầu mua bò sát của mọi người trong cộng đồng rất nhiều, Tuấn bắt đầu buôn bán các loài bò sát để kiếm lời.

Từ tay chơi bò sát, chàng trai Đà Nẵng bẻ lái bảo vệ động vật hoang dã - 1
Tuấn (ở giữa) hỗ trợ bắt được chú trăn và nhốt tạm vào bao tải (Ảnh: NVCC).

"Vì gia đình có người quen ở vùng núi Quảng Nam nên em cũng có nguồn "hàng" ổn định. Thời điểm đó, có những ngày thương lái đến mua động vật hoang dã với số lượng rất lớn, nhất là mua rùa để mang sang Trung Quốc. Giá thu mua cũng rất tốt nếu so với giá các loài động vật được nuôi để làm thú cưng", Tuấn kể.

Đến năm 2017, trong một lần tình cờ dạo chơi trên bán đảo Sơn Trà, Tuấn bắt gặp đàn voọc chà vá chân nâu.

"Lần đầu tiên em được nhìn thấy một loài động vật đẹp như vậy. Đã 5 năm rồi, nhưng giờ mỗi lần nhìn các đàn voọc chuyền cành, trong em vẫn nguyên vẹn cảm xúc đó", Tuấn cho hay.

Bị vẻ đẹp của loài voọc "thôi miên", Tuấn về nhà lên mạng Internet tìm hiểu thông tin và biết được về Trung tâm GreenViet - nơi có nhiều chương trình nghiên cứu và bảo vệ bán đảo Sơn Trà, đặc biệt là voọc chà vá chân nâu.

Sau đó, Tuấn đăng ký làm tình nguyện viên của GreenViet, cùng tham gia các đợt đi rừng nghiên cứu tìm hiểu tập tính, đời sống của voọc chà vá chân nâu, về đa dạng sinh học của Sơn Trà… Dần dần, Tuấn hiểu ra, những loài động vật hoang dã phải thuộc về tự nhiên, chúng hạnh phúc và tự do khi được sống trong tự nhiên.

Tuấn cũng được làm quen và gặp gỡ nhiều người trong cộng đồng những người hoạt động môi trường ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Được truyền cảm hứng, năm 2018, Tuấn đăng ký trở thành tình nguyện viên của CLB thành viên Câu lạc bộ ENV Đà Nẵng.

"Nằm vùng" trong các nhóm để do thám

Những ngày đầu, Tuấn chủ yếu tham gia hỗ trợ công tác truyền thông, tổ chức sự kiện. Lâu dần, Tuấn theo các "tiền bối" tham gia hoạt động khảo sát các nhà hàng, quán nhậu, địa điểm nuôi nhốt động vật hoang dã.

"Ở ENV, em được làm việc với nhiều anh chị, chuyên gia về hoạt động khảo sát và học hỏi được nhiều kinh nghiệm", Tuấn kể.

Từ cậu học sinh non nớt, Tuấn "cởi bỏ" sự tự ti vì quá khứ nuôi nhốt, bán động vật hoang dã để trở thành "hạt nhân" trong phong trào bảo vệ động vật hoang dã ở Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung.

Từ tay chơi bò sát, chàng trai Đà Nẵng bẻ lái bảo vệ động vật hoang dã - 2
Các thành viên trong Câu lạc bộ ENV Đà Nẵng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường (Ảnh: NVCC).

Năm 2019, Tuấn trở thành Chủ nhiệm của CLB ENV Đà Nẵng. Từ đó, CLB ngày càng mở rộng các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã song song với việc khảo sát các trường hợp nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã.

"Nhiệm vụ của em là khảo sát, ghi nhận các trường hợp vi phạm nếu có bằng việc quay phim, chụp hình rồi báo các cơ quan chức năng xử lý, tổ chức thả các cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên", Tuấn giải thích.

Đối với các nhà hàng, quán nhậu, Tuấn cùng một vài bạn tình nguyện viên trong CLB thường nhập vai làm nhân viên công ty du lịch đi khảo sát thực đơn các món "thịt rừng" cho khách. 

"Những nơi đó, khi có khách hỏi, họ sẽ đưa những hình ảnh trong điện thoại hoặc thực đơn riêng chuẩn bị sẵn chứ không bao giờ đưa các món đó vào thực đơn công khai. Nhiều nơi còn dẫn em đi xem các loại động vật hoang dã được nhốt sẵn ở quán", Tuấn kể.

Từ tay chơi bò sát, chàng trai Đà Nẵng bẻ lái bảo vệ động vật hoang dã - 3
Tuấn chia sẻ kinh nghiệm trong việc tái chế rác cùng các bạn nhỏ (Ảnh: NVCC).

Có lần, Tuấn phải cạo đầu trọc đầu, ăn mặc bụi bặm để đi khảo sát những cơ sở bán móng hổ, mật gấu, vảy tê tê… "Nếu một cậu sinh viên mặt búng ra sữa vào hỏi thì không cửa hàng nào nói có cả", Tuấn chia sẻ.

Tuấn còn "nằm vùng" ở các hội, nhóm chơi động vật hoang dã, buôn bán thịt thú rừng… để có thể nhanh chóng nắm bắt thông tin và báo các cơ quan chức năng giải quyết.

"Thấy có bài đăng rao buôn bán, em sẽ tìm kiếm thông tin của người bán qua facebook cá nhân, hoặc đóng vai người mua hàng để nhắn tin hoặc gọi điện. Sau khi có thông tin cụ thể về đối tượng đó, em sẽ chuyển thông tin lại cho Trung tâm để gửi cho cơ quan chức năng xử lý", Tuấn nói.

Từ tay chơi bò sát, chàng trai Đà Nẵng bẻ lái bảo vệ động vật hoang dã - 4

Một con khỉ được lực lượng Kiểm lâm thả về môi trường tự nhiên (Ảnh: NVCC).

Mới đây nhất, đầu tháng 10/2021, lúc gần khuya, nhận được tin báo của một chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn số 5 (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) về một chú trăn "đi lạc" vào khuôn viên đơn vị, Tuấn tức tốc có mặt để hỗ trợ.

Chỉ mất một thời gian ngắn, cùng sự hỗ trợ của mọi người, Tuấn đã bắt được chú trăn và nhốt tạm vào bao tải. Ngay sáng hôm sau, cá thể trăn đất dài 1,3m; nặng khoảng 4 kg đã được bàn giao lại cho lực lượng kiểm lâm Sơn Trà để thả về tự nhiên.

"Nghĩ lại cũng là cơ duyên, hồi xưa em thích động vật bò sát và tìm hiểu rất kỹ về tập tính của các con vật đó để nuôi và bán. Giờ nó lại trở thành những kinh nghiệm để em có thể hỗ trợ, giải cứu và trả chúng về tự nhiên", Tuấn cho hay.

Nguyễn Tri


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025