Ngược lại, khi tầm nhìn của bạn rộng hơn, bạn sẽ phát hiện ra thế giới tốt đẹp mà bao la, khắp nơi đều là phong cảnh.
"Mình của hiện tại" và "mình của tương lai"
Người bình thường, là những người chịu thỏa mãn với hiện tại, hài lòng với chính mình bây giờ.
Công việc và gia đình của họ đều tương đối ổn định, mọi việc đều lần lượt được thực hiện theo khuôn mẫu. Ngoài thời gian làm việc thì sẽ đi ăn đi chơi, cuộc sống nhẹ nhàng vui vẻ, không có gì để chê trách.
Nhưng đời người chỉ có thể như vậy thôi sao? Phần lớn những người bình thường đều từng suy nghĩ về câu hỏi này. Nhưng nghĩ là một chuyện, còn hành động lại là chuyện khác.
Vì bản thân, vì gia đình, họ cũng muốn cố gắng một phen, nâng cao vị trí của mình, thăng chức tăng lương lắm chứ. Hoặc là, khiến mình bước ra khỏi "khu vực an toàn", tiếp xúc với những con người và những điều mới lạ, mở rộng tầm mắt, tìm kiếm khả năng mới.
Nhưng nghĩ lại lại thấy, cuộc sống hiện tại đã có không ít khó khăn rồi, tội gì phải giày vò bản thân thêm nữa làm gì?
Khi trong lòng có một "chính mình của hiện tại", phản ứng đầu tiên của họ lúc bị phê bình sẽ là phản bác, tìm cách chứng minh mình đúng. Cho dù họ thực sự sai thì cũng là do nguyên nhân khách quan. Tóm lại, họ không bao giờ sai cả.
Họ sẽ giữ trong đầu hình tượng hoàn hảo giả tưởng của bản thân, nghe không lọt những ý kiến đối lập. Cuối cùng cách sự thật càng ngày càng xa, cũng cách "một chính mình tốt đẹp hơn" càng ngày càng xa.
Ngược lại, trong mắt những con người ưu tú, sống thật với chính mình, tức là nhớ kỹ tấm lòng thưở ban sơ, tuân thủ nguyên tắc của bản thân, nhưng tuyệt đối không ngoan cố bướng bỉnh, nhắm mắt bịt tai. Sống thật với bản thân ở hiện tại, tức là nỗ lực thay đổi và tiến bộ, vì một "chính mình của tương lai" tốt đẹp hơn.
"Người hữu dụng" và "người cần sự giúp đỡ"
Khi xây dựng các mối quan hệ, người bình thường có xu hướng cố ý tiếp cận, làm thân với những người họ cho là "hữu dụng" đối với mình. Họ thích đánh giá quá mức về tầm quan trọng của mạng lưới quan hệ, cho rằng chỉ cần mình quen được những người có giá trị lợi dụng, những cao nhân, vĩ nhân, những người có quyền, có tiền... thì sẽ bớt được rất nhiều việc, có thể nhanh chóng tiến tới thành công mà không cần nỗ lực quá nhiều.
Song song với việc quá coi trọng mạng lưới quan hệ, họ cũng đang đánh giá thấp giá trị bản thân. Mải mê chạy đi xã giao, nịnh nọt, thậm chí hạ thấp bản thân, đánh mất chính mình, cũng để lỡ rất nhiều thời gian và không gian trưởng thành.
Còn người xuất sắc thì khác, họ quan tâm đến những người cần mình giúp đỡ hơn. Khi nhìn một người xa lạ, họ sẽ tự hỏi mình giúp được gì cho người ta, chứ không phải với mình người ta có giá trị gì.
Thực ra điểm khác biệt lớn nhất nằm ở xuất phát điểm của mỗi người.
Chúng ta tạo ra giá trị bằng cách hợp tác với những cá nhân khác trong xã hội. Chúng ta cung cấp giá trị cho người khác, người khác mới cung cấp lại giá trị cho chúng ta.
Người bình thường sẽ luôn hỏi: Tôi cần gì? Tôi có thể có được gì từ người kia?
Còn người thông minh sẽ hỏi: Đối phương cần gì? Tôi có thể cho anh ta/cô ta điều gì?
Đạo lý rất đơn giản, bạn không cho người ta được cái gì, thì tại sao người ta lại phải giúp bạn?
Chỉ những người bạn có thể giúp, mới có thể thuộc về mạng lưới quan hệ của bạn. Nếu năng lực bạn có không mang lại lợi ích gì cho người ta, thì dù bạn có quen biết bao nhiêu người đi nữa, mối quan hệ giữa bạn và họ cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Lối đi đúng đắn duy nhất, chính là luôn nghĩ cách giúp đỡ người khác mà không nhằm mục đích gì cả. Sau này đến lúc bạn cần, những người đó mới giúp lại bạn.
Suy nghĩ của người ưu tú và người bình thường khác nhau ở đâu? Suy cho cùng, vẫn chỉ là vấn đề tầm mắt cao xa hay nông cạn. Bạn thì sao? Bạn là người chỉ nhìn thấy những điều trước mắt, dưới chân, chỉ nhìn thấy nhu cầu của chính mình, hay là người có thể nhìn thấy mong muốn của người khác, nhìn thấy tương lai?
Theo Trí Thức Trẻ