Ngày nay, có nhiều người tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm. Nhiều người tốt nghiệp đại học đang phải vật lộn để có được việc làm ngay cả với mức lương tối thiểu mà chẳng liên quan gì đến chuyên ngành đào tạo của họ. Bên cạnh đó, có những việc làm “nóng” được trả lương hậu hĩnh mà không có người xin làm vì người tốt nghiệp không có kỹ năng cần thiết.
Việc làm “nóng” được định nghĩa là việc làm có nhu cầu cao hơn khả năng cung cấp. Phần lớn việc làm “nóng” có lương cao hơn những việc làm khác vì sự khan hiếm của chúng.
Nếu có những kỹ năng này, người lao động có thể đi và làm việc ở bất cứ nơi nào họ muốn. Sinh viên đại học nên tập trung lĩnh hội các kỹ năng sau để đảm bảo sẽ có được việc làm tốt sau khi tốt nghiệp.
Lập trình phần mềm
Nhiều sinh viên tin rằng, bằng việc có kỹ năng lập trình (như Java, C, và C++), họ có thể thành công trong ngành công nghiệp phần mềm. Kỹ năng lập trình là cần nhưng chưa đủ. Để thành công, họ phải có kỹ năng làm việc theo nhóm, thuyết trình, sử dụng ngoại ngữ thành thạo, và biết cách làm việc với khách hàng để hiểu nhu cầu của khách hàng. Ý tưởng về người lập trình ngồi trước máy tính cả ngày để lập trình là “quan niệm sai lầm” lớn nhất về nghề lập trình phần mềm. Mọi dự án phần mềm đều là nỗ lực của cả nhóm, và phần lớn công việc phần mềm đều bao gồm sự trao đổi và tương tác giữa mọi người với nhau.
Với toàn cầu hóa, ngày nay, hầu hết các công ty đều không xây dựng phần mềm ở một chỗ, hay một nước nữa. Đa số công việc phần mềm được phân phối toàn cầu dựa trên khái niệm “xây dựng 24 giờ” hay “phát triển phần mềm toàn cầu”, nơi dự án được phân phối cho nhiều nhóm, ở nhiều nước hay múi giờ khác nhau. Khi nhóm này hoàn thành công việc của họ và về nhà thì nhóm khác tiếp tục công việc đó, cho nên phần mềm có thể được xây dựng không ngừng.
Một khái niệm khác được gọi là khoán ngoài, nơi một phần của dự án được gửi cho nhóm ở nước có chi phí thấp hơn để làm giảm chi phí. Để thành công, người lập trình phần mềm phải nói chuyện với khách hàng, nói chuyện với nhau, nói chuyện với người hỗ trợ, nói chuyện với nhà cung cấp… Đó là lý do tại sao kỹ năng ngôn ngữ tốt là bản chất trong công việc lập trình phần mềm.
Để thành công, người viết phần mềm phải liên tục học hỏi những điều mới, phương pháp mới, ngôn ngữ mới, công cụ mới… Người viết phần mềm giỏi thường thăng tiến trong nghề nghiệp của họ. Bằng việc hiểu về công nghệ, học những điều mới nhanh chóng, thường xuyên cải tiến, họ có thể áp dụng cả qui trình tư duy logic và sáng tạo để giải quyết các vấn đề doanh nghiệp.
Người viết phần mềm giỏi có thể làm bất cứ công việc gì họ chọn, dù đó là việc quản lý hay mở công ty riêng của mình.
Trinh sát doanh nghiệp (BI)
Trinh sát Doanh nghiệp (Business Intelligence, BI) là một ứng dụng của CNTT để nhận diện, trích rút và phân tích dữ liệu doanh nghiệp, để hỗ trợ cho việc ra quyết định doanh nghiệp. Hệ thống BI cũng được gọi là hệ thống hỗ trợ ra quyết định (Decision Support System, DSS), cung cấp các cách nhìn lịch sử, hiện thời và dự báo về hoạt động doanh nghiệp.
Các chức năng chính của hệ thống BI là báo cáo, xử lý phân tích trực tuyến, phân tích, khai phá dữ liệu, quản lý hiệu năng doanh nghiệp, bảng so sánh chuẩn, khai phá văn bản và phân tích dự báo.
Mặc dù nhà tuyển dụng ưa thích người có hai năm kinh nghiệm nhưng do thiếu hụt, nhiều công ty sẽ thuê sinh viên mới tốt nghiệp ISM, hay sinh viên tốt nghiệp ngành máy tính, những người đã học môn cơ sở dữ liệu rồi đào tạo họ thành người phân tích BI. Tất nhiên, nếu bạn muốn làm việc ở nước ngoài, bạn phải có kỹ năng ngoại ngữ nữa. Chọn lựa của tôi là tiếng Anh vì nó vẫn là ngôn ngữ được ưa chuộng, cho phép bạn làm việc ở nhiều nước.
Quản lý Hệ thống Thông tin (ISM)
Bằng Quản lý Hệ thống Thông tin (ISM) cung cấp đa dạng cơ hội việc làm cho người tốt nghiệp. Tùy theo việc đào tạo của trường và chuyên môn của bạn, bạn có thể có các kiểu việc làm khác nhau, nhưng cơ sở vẫn là như nhau: hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng việc quản lý hệ thống thông tin. Phần lớn người làm ISM đều tập trung vào dữ liệu và thông tin. Nó tiếp cận vấn đề từ khía cạnh doanh nghiệp hơn là khía cạnh kỹ thuật.
Ngày nay, nhiều người tốt nghiệp ISM đang quản lý Intranet và Internet của công ty, nơi họ ra quyết định về thông tin và nội dung, cũng như giao tác doanh nghiệp và cách những thông tin này được trao đổi trong công ty.
Ngày nay, hầu hết các công ty đều có Intranet, cũng như truy nhập vào Internet. Các hệ thống này dễ dàng được thiết lập nhưng khó duy trì hiệu quả vì công nghệ thay đổi nhanh chóng. Do đó, mọi công ty đều cần thuê người ISM để giữ cho hệ thống của họ được cập nhật, vận hành hiệu quả và an ninh. Có nhu cầu cao về người tốt nghiệp ISM và sinh viên ISM có thể nhìn thấy trước tương lai sáng lạn trong mười hay hai mươi năm tới.
Kiểm thử phần mềm
Ngành công nghệ thông tin (CNTT) có câu: “Đằng sau những người phát triển phần mềm lớn là người kiểm thử phần mềm cũng lớn tương đương”. Khi nhiều thiết bị CNTT (như laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng, video game…) được dùng, nhiều phần mềm sẽ được cần đến và mọi công ty phần mềm sẽ cần người kiểm thử phần mềm để loại bỏ lỗi và làm cho những thiết bị này phù hợp để sử dụng.
Ngày nay, có nhu cầu cao về người kiểm thử phần mềm trong các lĩnh vực di động, thiết bị không dây, kinh doanh trực tuyến và dịch vụ tài chính. Với việc gia tăng sử dụng điện thoại thông minh, khách hàng đòi hỏi các ứng dụng chất lượng cao hơn vì nó là thiết bị để làm nhiều thứ - từ gọi điện thoại cho đến mua hàng trực tuyến, từ chi trả hóa đơn cho đến tìm các thứ trên Internet…
Kiểm thử di động là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh với nhu cầu cao ở nhiều nước. Có nhiều cơ hội cho người kiểm thử có kỹ năng về di động do độ phức tạp của app di động (như sức khỏe di động và tài chính di động) nơi các app phải giao tiếp với phần mềm khác từ bệnh viện, thị trường chứng khoán, ngân hàng,…
Chuyên viên an ninh CNTT
Chuyên viên an ninh CNTT là một trong những kỹ năng có nhu cầu cao nhất ngày nay trong ngành CNTT. Với việc gia tăng các cuộc tấn công mạng, lây nhiễm phần mềm độc, sự xâm nhập của hacker v.v…, các công ty bây giờ chi nhiều tiền hơn cho an ninh kết cấu nền và ứng dụng CNTT.
Trong quá khứ, các công ty dựa vào bức tường lửa nhưng điều đó đã không có tác dụng và họ phải gánh chịu nhiều tổn thất. Ngày nay, phần lớn các hacker là tội phạm có tổ chức, rất giỏi xâm nhập vào các hệ thống CNTT và tạo ra hư hỏng.
Để ngăn cản điều đó xảy ra, các công ty phải chấp nhận nhiều cách tiếp cận phòng ngừa hơn là phản ứng. Họ phải kiểm tra lại hệ thống CNTT của họ để nhận diện những chỗ mong manh và sửa chúng để tránh bất kỳ hậu quả nào. Kết quả là nhiều công ty đang thuê chuyên viên an ninh CNTT, những người được đào tạo để xử lý vấn đề an ninh.
Với việc gia tăng sử dụng các thiết bị di động (như máy tính bảng, điện thoại thông minh…), rủi ro về đánh cắp thông tin và dữ liệu cũng tăng lên. Thành công của công ty bây giờ phụ thuộc vào khả năng giữ an ninh thông tin và dữ liệu nhạy cảm – bằng việc lưu chúng trên đám mây của họ thay vì trên thiết bị. Yêu cầu về đám mây an ninh cũng tạo ra nhu cầu về chuyên viên an ninh.
Khoa học máy tính chuyên sâu
Không phải mọi sinh viên Khoa học Máy tính (CS) đều sẽ làm việc trong ngành CNTT. Một số người muốn tiếp tục học thêm để xây dựng tri thức sâu sắc về lĩnh vực họ yêu thích. Đây là những người muốn tiếp tục học và đóng góp cho tri thức của nhân loại. Họ là các chuyên viên và nhà khoa học.
Sinh viên muốn trở thành chuyên viên sẽ đi sâu vào một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Việc chuyên môn hóa thường cần hai năm đào tạo thêm sau khi có bằng cử nhân, và họ sẽ nhận được bằng Thạc sĩ Khoa học (MS). Chẳng hạn như, sinh viên muốn học thêm về an ninh điện toán sẽ tiếp tục học về lĩnh vực này và trở thành chuyên gia an ninh.
Người tốt nghiệp với bằng cử nhân trong CS có thể dễ dàng tìm được việc làm. Người tốt nghiệp với bằng thạc sĩ trong CS có thể khó tìm việc hơn, tùy theo chuyên môn của họ có được cần hay không. Ngày nay, thạc sĩ về an ninh điện toán là nghề “nóng”, nhưng thạc sĩ về lý thuyết điện toán lại không “nóng”.
Việc gia tăng sử dụng máy tính và CNTT trong mọi doanh nghiệp đã phát sinh nhu cầu về các nhà khoa học CS. Các nhà khoa học máy tính này là những người thiết kế, người phát minh ra công nghệ mới. Bằng việc sáng tạo ra công nghệ mới, họ giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp và khoa học phức tạp, điều sẽ tác động lên nhiều thứ hay thay đổi nhiều thứ.
Giáo sư John Vũ tên thật là Vũ Văn Du, ông còn được nhiều người biết đến là dịch giả Nguyên Phong. Ông rời Việt Nam du học ở Mỹ từ năm 1968 và tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán. Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Camegie Mellon và Đại học Seattle. Ông còn giảng dạy tại một số trường đại học quốc tế tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản về lĩnh vực công nghệ phần mềm.
Song song với vai trò một nhà khoa học, Nguyên Phong còn là dịch giả nổi tiếng của loạt sách vê văn hóa và tâm linh phương Đông, chuyển thể từ nhiêu tác phẩm của các học giả phương Tây sau quá trình tìm hiểu và khám phá các giá trị tinh thần từ phương Đông. Trong số đó, có thể kể đến: Hành trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ cõi sáng, Đường mây qua xứ tuyết…
Bước Ra Thế Giới là sự tiếp nối hai cuốn trước đó của Giáo sư John Vũ - “Khởi hành” và “Kết nối”, nhằm mục đích định hướng, truyền cảm hứng cùng với đó là sự cổ động tinh thần không ngừng học hỏi, vươn lên để phát triển và “Kiến tạo một thế hệ Việt Nam ưu việt” của GS John Vũ dành cho thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam.
Trích sách Bước Ra Thế Giới - First News phát hành