Bên tách cà phê: Triết gia Jean-Jacques Rousseau và khát vọng xã hội ‘người được là Người'

10/12/2019 10:17
Bên tách cà phê: Triết gia Jean-Jacques Rousseau và khát vọng xã hội ‘người được là Người'

​​​​​​​Không gian hàng quán cà phê là nơi chốn khơi gợi những ý nguyện sống mà thâm tâm người thưởng lãm ước vọng. Như triết gia Jean-Jacques Rousseau và những học giả cùng thời đã mường tượng về một xã hội phúc lành cho con người.

Cuộc khủng hoảng tâm thức thời đại và ý niệm nhân loại phúc lành

Cà phê du nhập vào Pháp trong thế kỷ 17, đến thế kỷ 18 Pháp trải qua giai đoạn phát triển rực rỡ, được xem là thời đại của “ánh sáng” (Siècle des Lumières). Thời đại ánh sáng hướng đến ý niệm khai sáng và tiến bộ, thức tỉnh con người vượt qua thiên kiến vô minh để phát triển tính chân - thiện - mỹ của loài người về tinh thần cũng như vật chất, từ đó đạt được cuộc sống tự do và hạnh phúc đích thực.

Để hiểu hàm nghĩa “sánh sáng” phải tường tận nguồn gốc đưa đến thời đại này. Từ giữa thế kỷ 17, châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng tâm thức (La Crise de la conscience européenne). Con người dần nhận thấy sự phi lý của các định chế chính trị làm phân hóa giai cấp và quyền con người. Lòng người vẫn hướng về Thượng Đế toàn năng nhưng lại nghi ngờ hệ tư tưởng, thế giới quan và vũ trụ quan của giáo hội, đỉnh điểm là khi khoa học tự nhiên càng phát triển thì niềm tin vào giáo lý càng giảm sút. Bất lực trước vấn nạn chính trị và tôn giáo dẫn đến mất niềm tin vào chính bản thân mình.

Cuộc khủng hoảng tâm thức manh nha ý niệm tái tạo cộng đồng nhân loại phúc lành trên trần thế, bắt đầu bằng sự đào luyện nhân cách và lý tính cho từng cá thể, sau đó quảng bá ra đại chúng. Giới học giả trở thành tầng lớp tinh hoa giữ sứ mạng khai sáng, phổ biến chân lý, các tư tưởng tiến bộ, nâng cao chuẩn mực đạo đức nhằm chuẩn bị tinh thần và xây dựng lực lượng chuyển hóa xã hội. Nói cách khác, “Hãy truyền bá ánh sáng của lý trí, đức hạnh! Hạnh phúc sẽ đến ngay trong tay các bạn” là niềm tin tổng quát của thời kỳ này.

Từ ý niệm trên lại hình thành hình ảnh “Con Người lý tưởng” với bản chất là trân trọng và thực hành chân lý, điều thiện và cái đẹp. Vượt qua những tệ đoan mê muội, tham lam, ích kỷ… và bất toàn xã hội, cùng tiến tới hoàn thiện lối sống để mưu cầu hạnh phúc.

Quán cà phê Café Procope (khai trương năm 1686) - một trong những quán cà phê lâu đời nhất của Paris trở thành nơi chốn đối thoại, truyền bá tri thức của những triết gia khai sáng Voltaire, Diderot, d'Alembert, Rousseau, Montesquieu… Cũng chính tại quán cà phê này, những nhà khai sáng đã thu thập tư liệu kiến thức trên thế giới viết nên cuốn Encyclopédie – cuốn bách khoa toàn thư truyền bá kiến thức nhân loại về khoa học, nghệ thuật, tuyên truyền tư tưởng tự do, bình đẳng… như một phương tiện để mỗi cá nhân tự xây dựng trí tuệ, tự giải phóng để đạt được hạnh phúc trần thế.

Khế ước xã hội

Cùng biên soạn Encyclopédie nhưng triết gia Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) lại có tư tưởng khác với đại đa số học giả cùng thời. Ông công nhận giá trị tự do, bình quyền nhưng cũng đồng thời tin rằng trong một xã hội lý tưởng, quyền tự do và chính trị, tôn giáo sẽ hòa đồng, tương trợ lẫn nhau.

Bất chấp những phản ứng không đồng tình, Jean-Jacques Rousseau vẫn viết những bài luận về khoa học, nghệ thuật, giáo dục… cố gắng đưa ra một mô hình xã hội kiểu mẫu. Trong số đó, tác phẩm quan trọng nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất của Rousseau là “Bàn Về Khế Ước Xã Hội”.

Theo quan điểm của Jean-Jacques Rousseau “Đến một lúc nào đó sức mạnh của con người sẽ không đủ để duy trì sự sống của mình trước những trở ngại do thiên nhiên gây ra. Loài người sẽ bị diệt vong, nếu tiếp tục sống trong tình trạng sơ khai mà không tìm cách cải thiện nó. Vì con người không thể tạo ra những sức mạnh mới mà chỉ kết hợp và điều khiển những sức mạnh sẵn có, do đó phải tìm cách hợp nhất tất cả các sức mạnh vượt mọi yếu điểm thiên nhiên”.

Hợp nhất sức mạnh phải đảm bảo sự tự do cho mỗi cá nhân, chính vì thế, khi viết “Bàn Về Khế Ước Xã Hội”, Rousseau tìm nguyên lý thiết lập nên nhà nước và chính quyền điều hành theo nguyện vọng và ý chí tập thể.

Rousseau đặt ý chí tập thể ở vị trí cao nhất, bởi nếu tất thẩy mọi người đều làm theo ý muốn của cá nhân, xã hội sẽ hỗn loạn và nhân loại sẽ lùi bước. Và như thế, con người cần từ bỏ lối sống theo cảm xúc và liên kết với nhau thông qua một khế ước (Hiến pháp/ thỏa thuận chung).

Một khi quyền lợi riêng tư được gạt bỏ ra ngoài mỗi cá nhân, người lãnh đạo xã hội phải tìm ra quy tắc xã hội tốt nhất thích hợp với quốc gia. Rousseau nhận định lãnh đạo xã hội phải là “Người có một trí tuệ siêu tuyệt. Trí tuệ ấy thấy rõ mọi ham muốn của con người mà không thiên về một ham muốn nào. Trí tuệ ấy không dính líu tới bản chất của từng người nhưng am hiểu nó tường tận. Hạnh phúc của trí tuệ ấy độc lập với con người nhưng lại quan tâm đến hạnh phúc của con người. Trí tuệ ấy xây dựng sự nghiệp cao cả ở đời này cho kết quả ở đời sau”.

Rousseau cũng luận rõ những khó khăn thực tế nếu thuyết của ông được áp dụng. “Làm sao nhân dân có thể đưa ra những ý chí tập thể sáng suốt?” Ý chí tập thể được kết tinh từ lý trí cộng đồng. Vì vậy, con người cần có tri thức để hiểu rõ bản chất sự vật, nhận diện thực tại xã hội và con đường đi đến nguyện vọng chung của xã hội, đảm bảo ý chí chung không bị tham vọng cá nhân xuyên tạc.

Như thế, cần có chính sách giáo dục tốt để công dân biết yêu quốc gia, hiểu bổn phận, nghĩa vụ và đạo đức công dân. Ông khẳng định, kiến thức giúp cho nhân loại có được cuộc sống tốt đẹp. Quốc gia có những công dân có tinh thần trách nhiệm cũng như được giáo dục sẽ hiểu ích lợi của việc đặt nguyện vọng tập thể trên ước muốn cá nhân. Xã hội được xây dựng từ ý chí tập thể sáng suốt sẽ là thiên đường trên trần thế, và con người có thể được sống đúng bản chất con người.

“Bàn về Khế Ước Xã Hội” của Jean-Jacques Rousseau thể hiện tính nhân văn và triết lý hành động sâu sắc, đặc biệt là thái độ tôn trọng và đề cao vai trò ý chí chung của của nhân dân. Do thế, “Bàn về Khế Ước Xã Hội” đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành Hiến pháp Hoa kỳ 1787 và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948. Hội Meirokusha (Hội những nhà khai sáng Nhật Bản) đã dịch thuật tác phẩm kinh điển này làm nền tảng tri thức cho phong trào canh tân Nhật Bản.

“Bàn về Khế Ước Xã Hội” cũng là một trong 100 cuốn sách được Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết lựa chọn tạo lập nên Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời. Tủ sách bao quát toàn bộ mọi lĩnh vực căn cốt của đời sống, hợp nhất tinh hoa của toàn nhân loại nhằm xây dựng trí huệ và sự minh triết toàn diện cho người Việt, góp phần kiến tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần.

Quả nhiên, đồng thời với thời đại khai sáng, hàng quán cà phê đã trở thành không gian lịch sử, là nơi chốn mà nhận thức về tương lai của nhân thế và quá khứ của nhân tình được tái cơ cấu trong sự đổ vỡ của rất nhiều niềm tin. Cà phê, từ đặc tính của mình, đã hóa thành biểu tượng cho chính sự khải ngộ của cả một thời đại tỉnh thức chuyển mình tiến về phía ánh sáng.

Đón đọc kỳ sau: Cà phê thức tỉnh nhân tình – Phong cách Ý


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025