Đã là dân công sở, có một quy luật bất thành văn mà từ lâu ai cũng "ngấm ngầm" hiểu: Nếu muốn sự nghiệp thăng tiến, bạn phải thiết lập được mối quan hệ thân thiết với sếp, và cơ hội tốt nhất để làm điều đó là mỗi lần đi uống với nhau.
Tuy nhiên, nếu không có một chiến lược cẩn thận để tỏ ra cởi mở, thoải mái khi nói chuyện với sếp, bạn rất dễ mất kiểm soát. "Câu hỏi mà chúng ta thường quên đặt ra mỗi khi đi uống với sếp là: Chúng ta muốn kết quả ra sao?" Peter Bregman - CEO, tác giả của cuốn Four Seasons: All the Time You Need to Stop Being Counter-Productive and Get the Results You Want - cho biết.
Theo ông, tất cả phụ thuộc vào ấn tượng của sếp về bạn trước khi tàn tiệc. "Kết quả tích cực là sếp sẽ khen bạn: "Đó là một người tốt". Kết quả tiêu cực là sếp sẽ phàn nàn: ‘Tôi thật không thể tin nổi những lời anh ta nói!"," Bregman nêu lên những tình huống có thể xảy ra.
Dưới đây là 6 lời khuyên của Bregman giúp bạn gây ấn tượng tốt mỗi khi đi uống với sếp.
Sống thật
"Bản thân tôi cũng là sếp, nên tôi không hề muốn đi uống với một người giả tạo," Bregman cho biết. "Dù là sếp nhưng họ vẫn chỉ là những người bình thường. Họ muốn kết nối, đồng cảm, thấu hiểu những người khác. Vì thế, hãy tỏ ra lịch sử nhưng chân thành khi nói chuyện với sếp mình".
Đừng coi đó là buổi đánh giá năng lực
Hãy phá tan khoảng cách và sự ngại ngùng giữa hai bên bằng cách cùng chia sẻ về một trải nghiệm chung, chẳng hạn như sở thích, nghề nghiệp, quan điểm sống...
Bregman giải thích: "Cả hai người đang trò chuyện với nhau. Vậy nên hãy nói về một cuộc họp bạn đã tham dự hoặc về một chủ đề nào đó mà sếp ưa thích. Nếu muốn tìm hiểu rõ về con người sếp, đây chính là lúc thích hợp nhất để hỏi."
Đừng làm kẻ nịnh hót
Bạn phải biết giữ mồm giữ miệng và đừng tâng bốc sếp quá đà. Làm như vậy không khiến sếp có thiện cảm hơn mà chỉ thể hiện bạn là một người giả tạo, ưa xu nịnh. Một người như vậy thì không thể khiến bất kỳ ai tin tưởng được.
"Bạn không cần thiết phải đồng tình với mọi lời sếp nói. Sếp sẽ nghĩ bạn là người không có chính kiến và có ấn tượng xấu về bạn," Bregman cảnh báo.
Tránh nhắc đến những thứ tiêu cực
Đây không phải là lúc để bạn phàn nàn về cậu đồng nghiệp lười biếng, về thức ăn trong căng tin, về bà cô khó tính ở phòng nhân sư - hoặc bất cứ thứ gì tiêu cực. "Đừng tỏ ra là một kẻ xấu tính", Bregman khuyên.
"Đừng bàn tán sau lưng người khác như vậy. Nếu bạn có định kiến hay bực mình vì một điều gì đó, hãy giữ nó trong lòng thôi. Nếu bạn nói điều gì đó kém duyên khiến sếp không hài lòng, sếp sẽ có ấn tượng xấu về bạn kể cả khi ở công ty".
Đừng uống đến mức say mèm
Kể cả sếp của bạn có uống nhiều tới mức nào đi chăng nữa, đây cũng không phải là lúc để bạn thể hiện và cố gắng uống cho bằng sếp. Nếu không, bạn sẽ có nguy cơ phải đối mặt với một "thảm họa" kinh khủng thay vì thiết lập được mối quan hệ thân thiết với sếp. "Khi đi uống với khách hàng hay sếp, tôi thường uống ít hơn họ. Tôn chỉ của tôi là: uống nhưng không được say," Bregman.
"Bạn không cần phải chứng tỏ điều gì với sếp mình trong hoàn cảnh này cả. Nếu bạn không uống cũng chẳng sao, vì một người sếp tâm lý sẽ hiểu cho bạn. Còn nếu bạn uống, hãy uống vừa vừa thôi". Điều này giúp bạn luôn tỉnh táo và kiểm soát được bản thân mình trước mặt sếp.
Nếu tự làm mình mất mặt trước sếp, hãy sửa sai vào ngay ngày hôm sau
Hãy xử lý "hậu quả" một cách trực tiếp và nhanh chóng. Bạn cần đến gặp sếp vào ngay ngày hôm sau để nói lời xin lỗi. "Hãy thừa nhận rằng mình đã uống quá nhiều và như thế là không được", Bregman hướng dẫn. "Sau đó, sếp sẽ phẩy tay cho qua và bảo bạn: ‘Chuyện đó không có gì to tát đâu'. Lúc này, điều bạn cần nói là: 'Nhưng tôi vẫn cảm thấy có lỗi về chuyện đó’".
Như vậy, sếp sẽ thấy được bạn là một người dám biết nhận lỗi và chân thành sửa sai. Không người lãnh đạo nào lại nỡ bỏ qua một nhân viên có nhân cách tốt như vậy cả.
Trí thức trẻ