Sách 5 điểm chết trong team work
Với cùng thủ pháp kể "một câu chuyện ngụ ngôn lãnh đạo" (A Leadership Fable) tác giả Patrick Lencioni đã kể chuyện ngụ ngôn về năm điểm chết trong việc hợp tác, làm việc nhóm mà các công ty thường gặp phải.
5 điểm chết trong team work ra mắt lần đầu vào năm 2002, thuộc danh sách bán chạy nhất của các báo lớn tại Hoa Kỳ: The New York Times, Business Week, Wall Street Journal và USA Today.
Tác giả dành cho "CÂU CHUYỆN" - phần quan trọng nhất của sách - tới 196 trang, chiếm tới 78,4% nội dung của sách, để kể một "câu chuyện ngụ ngôn", dĩ nhiên là… hư cấu, về nhân vật Kathryn Petersen trong cuộc hành trình về làm lãnh đạo một công ty đang tuột dốc thê thảm.
Đó là Decision Tech, mới hai năm trước còn được vinh danh là "một trong các công ty khởi nghiệp đầy hứa hẹn, có nguồn lực tài chính vững mạnh, và được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử đương đại của Thung lũng Silicon".
Cay đắng nhất là "đâm sau lưng" nhau đã trở thành hành vi mà các nhà điều hành trong công ty thành thạo tới mức nâng nó lên tầm… "nghệ thuật". Vì vậy, Decision Tech đã trở thành "một trong những nơi làm việc căng thẳng nhất và xung đột phe phái nhiều nhất trong Thung lũng Silicon".
Khi được mời về làm tổng giám đốc điều hành của Decision Tech, bà Kathryn Petersen rõ ràng không hợp với văn hoá của Decision Tech - một công ty công nghệ cao. Vì bà xuất thân là một cô giáo, rồi học thêm về kinh doanh, sau đó có 15 năm làm quản lý ở một số công ty công nghệ thấp, nổi bật nhất là lúc tham gia ban giám đốc một công ty sản xuất xe hơi, trước khi về hưu ở tuổi 54.
"CÂU CHUYỆN" diễn ra qua bốn Phần (Tuột dốc, Mồi lửa, Cao trào, và Duy trì) dùng phương pháp kể chuyện tập trung vào bà Kathryn để tạo ra nhịp độ nhanh và sống động.
Xuyên suốt "câu chuyện ngụ ngôn" dựng lại Decision Tech của nhân vật Kathryn Petersen, tác giả đã cung cấp những hiểu biết bổ ích về các lý do chính khiến các nhóm thất bại, về động lực học của nhóm, với cách tiếp cận cảm động đối với việc xây dựng đội nhóm, cùng sự cần thiết của các nhà lãnh đạo để dạy các đội nhóm về cách chiến thắng,…
Sau "CÂU CHUYỆN" là "MÔ HÌNH NĂM ĐIỂM CHẾT". tuy chỉ chiếm 41 trang cuối của sách nhưng đã đưa ra những lời khuyên thiết thực mà các nhà lãnh đạo có thể sử dụng trong các nhóm của họ, cùng mô hình rất dễ hiểu:
Điểm chết thứ nhất: Thiếu sự tin tưởng.
Điểm chết thứ hai: Sợ xung đột (tìm kiếm sự hòa hợp giả tạo).
Điểm chết thứ ba: Thiếu cam kết.
Điểm chết thứ tư: Sự né tránh trách nhiệm.
Điểm chết thứ năm: Không quan tâm đến kết quả chung (chỉ tập trung vào thành công cá nhân, địa vị và bản ngã trước thành công của nhóm).
"Trong thực tế, năm điểm chết ấy tạo thành một mô hình gắn kết với nhau, khiến cho ngay cả một điểm chết còn tồn tại thì cũng có thể ảnh hưởng đến sự thành công của cả đội." tác giả Lencioni cảnh báo.
Tuy vậy, biết các điểm chết trong teamwork chỉ là một nửa trận chiến, nên tác giả đã đưa ra các gợi ý để khắc phục, cùng vai trò cụ thể của người lãnh đạo, để chống lại từng điểm chết khi chúng xuất hiện.
Ở cuối sách, tác giả còn "tặng" bạn đọc Bảng câu hỏi cùng Bảng đánh giá đội nhóm, như một công cụ trực tiếp để xem xét nguy cơ mắc phải năm điểm chết của đội nhóm mình.
Tác giả Patrick Lencioni là một diễn giả, cũng là một nhà tư vấn người Hoa Kỳ chuyên viết sách về quản lý kinh doanh, đặc biệt liên quan tới quản lý nhóm. Tác phẩm "5 điểm chết trong teamwork" của ông cũng được viết cho giới quản trị kinh doanh, song các vấn đề mà sách mô tả cũng được coi là đặc biệt quan trọng của các môn thể thao mang tính đồng đội.
Vì vậy, bài học từ cuốn sách này ngày càng được một số huấn luyện viên bóng bầu dục ở Hoa Kỳ áp dụng cho các đội bóng của họ, Liên đoàn Bóng bầu dục quốc gia của Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo, rằng: 5 điểm chết trong teamwork là một cuốn sách mà các huấn luyện viên trưởng đều phải đọc.
Ước tính chỉ riêng trong môn thể thao bóng bầu dục ở Hoa Kỳ, có tới bốn triệu huấn luyện viên trẻ ở cấp trung học trở xuống, và đó là "một thị trường có thể định vị ‘5 điểm chết trong teamwork’ như một bài hát xuyên quốc gia" báo USA Today viết.
Câu chuyện mới mẻ về sự lan toả ảnh hưởng của sách này dĩ nhiên sẽ còn có thể bổ sung từ nhiều lĩnh vực khác, không chỉ trong quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, hay chỉ ở môn bóng bầu dục.