1. Đừng bỏ hết trứng vào một giỏ
Theo Giang Ơi, mỗi người không nên dựa duy nhất vào một nguồn thu nhập là lương tháng từ công việc toàn thời gian, dù mức lương đó thấp hay cao. Nếu mức lương hiện tại đang thấp, chỉ đủ sống thì bạn rõ ràng muốn có mức thu nhập tốt hơn bằng nguồn thứ hai. Còn nếu đó là mức lương cao, có thể lên tới mấy chục triệu mỗi tháng thì bạn cũng không nên ngủ quên trên chiến thắng, đặt hết trứng vào một giỏ. Vì những sự cố như Covid-19 hoàn toàn có thể xảy ra và lấy đi công việc ổn định đó bất cứ lúc nào.
Để đối phó với rủi ro hoặc đón nhận cơ hội mới trong tương lai thì việc có một nguồn thu nhập thứ hai là rất cần thiết. Những thu nhập này có thể bắt nguồn từ việc bán hàng online, làm freelance, đầu tư,… nhưng đều có điểm chung là yêu cầu bạn mày mò, học hỏi để đáp ứng. Không có công việc gì chỉ ngồi không nhàn hạ mà vẫn giàu.
"Hãy trả lời câu hỏi bạn có kỹ năng gì và bạn có thể làm gì để từ đó tìm kiếm nguồn thu nhập thứ hai phù hợp. Một khi đã bắt tay làm gì thì cần phải quyết tâm học hỏi cũng như liên tục mài giữa khả năng để làm thật tốt việc đó", Giang Ơi chia sẻ.
2. Bớt "sở thích", thêm "mục tiêu"
Bạn quản lý tiền tốt hơn khi có mục tiêu rõ ràng và điều này đúng với những ai may mắn có thu nhập vượt lên trên mức sống cơ bản. Tức là sau khi đã trả tiền thuê trọ, tiền điện nước, tiền ăn, các chi phí bắt buộc,… thậm chí đã gửi tiết kiệm ngân hàng ít nhất 10% lương mà bạn vẫn dư ra một khoản, vậy khoản này làm gì? Câu trả lời thường là cho sở thích cá nhân và điều này hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên theo Giang Ơi, nếu bớt các sở thích lặt vặt và đặt ra những mục tiêu lớn hơn thì bạn sẽ hạn chế được việc chi tiêu lãng phí. Đến năm 30 tuổi khi nhìn lại, bạn sẽ thấy mình có nhiều chuyện hay ho để kể hơn.
Ví dụ bạn thu nhập mỗi tháng 30 triệu đồng, sau khi gửi ngân hàng và sinh hoạt, bạn vẫn còn lại 10 triệu/tháng. Khoản 10 triệu đồng đó có thể tích lại trong vòng 3 tháng để dành cho một chuyến du lịch nước ngoài, giúp mở rộng thế giới quan, thu về nhiều trải nghiệm mới…
"Mục tiêu này phụ thuộc vào lựa chọn mỗi người. Đó có thể là một chiếc xe, một chuyến đi, một chiếc túi hiệu,… nhưng nên làm bạn cảm thấy thỏa mãn và đáng nhớ trong thời gian dài".
3. Đừng để mất uy tín với ngân hàng
Từ 30 tuổi trở đi, bạn sẽ có nhiều việc lớn trong cuộc sống cần vay ngân hàng, ví dụ mua nhà, mua xe, vay vốn kinh doanh, tương lai xa là vay tiền đi du học cho con… Để quyết định có cho vay hay không, ngân hàng sẽ đánh giá uy tín mỗi cá nhân dựa trên lịch sử giao dịch của cá nhân đó, đặc biệt với các khoản tín dụng, hoặc các khoản mua trả góp. Nếu chậm trễ bạn không chỉ mất thêm lãi phạt mà còn ảnh hưởng đến khả năng vay vốn sau này.
4. Tiền của mình chớ xài theo người ta
Hãy dành những năm 20 tuổi để xác định rõ điều gì quan trọng với bạn. Đến mốc 30 tuổi, dù không phải hạn cuối để có nhà, có xe, lập gia đình… nhưng 30 tuổi nên là lúc bạn quyết định được ưu tiên tiền bạc của bạn là gì.
"Các tỷ phú, triệu phú có khả năng mua được cả thế giới trên đời này ít lắm, nếu bạn thuộc số còn lại như mình, nhiều khả năng chúng mình đều chỉ có một số tiền nhất định, cần ưu tiên một số thứ và bỏ qua một số thứ khác. Tuổi 20 bạn có thể nông nổi, hoang phí tiền cho một số thứ linh tinh, nhưng đến tuổi 30, bạn nên chiêm nghiệm lại để rút ra câu trả lời cho bản thân xem bạn muốn tiêu tiền cho cái gì".
"Nếu bạn không phải là người quyết định tiền của bạn sẽ đi đâu, thì thế giới này rất giỏi trong việc quyết định thay bạn. Tất cả mọi việc trên đời này, từ nhà cửa, xe cộ, quần áo, trang sức đến dịch vụ hưởng thụ... sự xa xỉ không bao giờ là đủ. Nếu bạn luôn thấy người khác có gì thì mình phải mua cho bằng được, nhiều khả năng bạn không còn tiền để mua những thứ thực sự quan trọng với bạn. Thứ tự ưu tiền phù hợp với bạn là gì, đồng tiền của bạn tiêu vào việc gì có ý nghĩa nhất, hãy tìm ra càng sớm càng tốt".
5. "Giàu" không phải là con số
Theo Giang Ơi, không ai có thước đo cụ thể cho sự giàu có, chỉ là thời điểm nào đó trong cuộc sống, bạn cảm thấy mình giàu mà thôi. Không ai có thể định giá được cuộc sống thoải mái đầy đủ cần chính xác bao nhiêu tiền, thu nhập bao nhiêu mỗi tháng là giàu, đồ hiệu bao nhiêu là đủ…
"Nếu tìm kiếm đích đến cho sự giàu có bằng những câu hỏi kể trên thì câu trả lời là không bao giờ bạn thấy giàu. Nhà to mấy cũng có nhà khác to hơn, xe xịn mấy có xe xịn hơn, đồ hiệu sắm bao nhiêu cũng sẽ có đồ mới đắt tiền hơn".
"Sự giàu có là cảm giác đã có đủ những thứ mình cần, và mình xài ít hơn con số mình kiếm. Ví dụ một tháng kiếm 100 triệu đồng nhưng chưa hết tháng đã hết tiền thì bạn sẽ cảm thấy túng thiếu, còn mỗi tháng kiếm 20 triệu đồng, chỉ xài hết 10 triệu, dư 10 triệu thì bạn đã có một cuộc sống thoải mái theo nhu cầu. Đó cũng là cách mình chi tiêu trong suốt nhiều năm vừa qua", nữ vlogger chia sẻ.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị