1. Những người thú vị đều biết cách theo đuổi những thứ họ thích.
Lâm Ngữ Đường sinh ra trong một gia đình mục sư tại một ngôi làng nông thôn ở Phúc Kiến. Cha ông đặt tên cho ông là Hòa Lạc, có nghĩa là hòa bình và hạnh phúc. Bốn chữ đó cũng tương ứng với tính cách và quan niệm sống mà ông theo đuổi sau này.
Tuy gia đình không giàu có, cha mẹ ông rất lạc quan, luôn cố gắng tạo ra bầu không khí học tập thoải mái và tự do cho con cái.
Vì có cha là mục sư nên ngay từ khi còn nhỏ, Lâm Ngữ Đường đã được tiếp xúc với văn hóa phương Tây.
Sau bữa tối, cả gia đình sẽ quây quần bên ngọn đèn nghe cha đọc Kinh thánh. Trong giỏ may vá của mẹ lúc nào cũng có một hoặc hai cuốn tạp chí tiếng Anh.
Mưa dầm thấm lâu, sự giáo dục của cha mẹ đã mở đường cho Lâm Ngữ Đường trở thành một bậc thầy về văn học Trung Quốc và phương Tây.
Năm 21 tuổi, Lâm Ngữ Đường thuận lợi tốt nghiệp một trường tiếng Anh ở Thượng Hải, sau đó ông tới Thanh Hoa dạy học. Giữa Bắc Kinh ngàn năm lịch sử, Lâm Ngữ Đường - người từ nhỏ được giáo dục theo phong cách phương Tây, đột nhiên thấy mình hiểu biết quá ít về văn hóa dân tộc.
Nói theo cách của ông: "Tôi biết rất rõ sự tích thành Jericho sụp đổ, nhưng tôi lại chẳng hề biết nước mắt của Mạnh Khương Nữ đã khóc đổ một đoạn Vạn Lý Trường Thành."
Kể từ đó, Lâm Ngữ Đường thường xuyên lui tới các cửa hàng sách cũ ở Liulichang. Ông tìm đọc những tuyển tập như "Tam Quốc Diễn Nghĩa","Tứ Khố Toàn Thư"….một cách háo hức.
Nhiều năm sau, Lâm Ngữ Đường đưa Khổng Tử Lão Trang, Đào Tiềm và Lý Bạch đến thế giới phương Tây, để cả thế giới có thể thấy được nét quyến rũ của văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Jean- Jacques Rousseau từng nói:
"Tất cả tài năng của tôi đều đến từ việc phải giải quyết những đề tài mà tôi yêu thích. Chỉ có tình yêu vĩ đại, chân lý và vẻ đẹp mới có thể truyền cảm hứng cho thiên tài của tôi.""
Câu này khá thích hợp để miêu tả sự sáng tạo văn học của Lâm Ngữ Đường.
Lâm Ngữ Đường là một fan hâm mộ lớn của "Hồng Lâu Mộng". Ông từng muốn dịch cuốn sách này, nhưng do sự khác biệt về văn hóa quá lớn, nên đã không thể thực hiện được.
Bản dịch không thành công, vì vậy ông bắt đầu chắp bút "Khoảnh khắc ở Bắc Kinh", kể về niềm vui và nỗi buồn của một số gia đình lớn dưới bối cảnh thời đại.
Vào thời điểm đó, mỗi khi con gái ông tan học về nhà, con gái ông đều sẽ lao vào phòng làm việc để xem ngày hôm đó Lâm Ngữ Đường viết gì. Một lần, cô thấy bố mình bật khóc và ngạc nhiên hỏi: "Bố ơi, bố sao vậy?"
Lâm Ngữ Đường trả lời: "Bố đang viết một câu chuyện rất buồn." Ngày hôm đó, ông viết về cái chết của Hồng Ngọc.
Thành quả của sự toàn tâm toàn ý là ngay sau khi xuất bản, tác phẩm đã được độc giả yêu thích đón nhận một cách nồng nhiệt. Tác phẩm này không chỉ được coi là Hồng Lâu Mộng phiên bản hiện đại mà còn là tác phẩm giúp Lâm Ngữ Đường đạt được giải Nobel Văn học.
Tác phẩm này đã mang lại danh tiếng lớn cho ông, nhưng Lâm Ngữ Đường cho rằng "The gay genius" mới là tác phẩm mà ông tâm đắc nhất. Và ý định ban đầu của ông khi viết cuốn tiểu sử này bắt nguồn từ sự yêu thích dành cho Tô Đông Pha.
Khi chuyển đến nước ngoài sinh sống, Lâm Ngữ Đường phải vứt bỏ đi rất nhiều hành lý, nhưng vẫn giữ lại một vài thùng sách lớn về Tô Đông Pha.
Nhiều năm sau, ông bắt đầu tập trung vào việc sáng tác. Khoảng thời gian ba năm đầu được ông gọi là khoảng thời gian hạnh phúc nhất.
Dưới ngòi bút của ông, hình dáng và tinh thần lạc quan cởi mở của Tô Đông Pha đều được thể hiện một cách rõ nét. Cho đến ngày nay, những tác phẩm này vẫn được coi như một cuốn tiểu sử không thể không đọc về Tô Đông Pha.
Đối với thành công của chính mình, Lâm Ngữ Đường gói gọn trong một câu: "Một chút si tình ai ai cũng có, chỉ cần có đam mê yêu thích thì ắt sẽ thành công."
Si tình của ông ở đây chính là tình yêu xuất phát từ tận đáy lòng, chăm chỉ cống hiến không màng danh lợi được mất.
Trong xã hội vội vã, ai ai cũng đều mong muốn bản thân thành công. Nhưng những "kẻ si tình" đầy nhiệt huyết ấy lại bị thành công theo đuổi.
Họ đã chinh phục tất thảy mọi người và khiến cho bản thân trở nên tốt hơn.
2. Những người thú vị đều biết cách quản lý hôn nhân.
Là một tài tử theo học chuyên ngành văn hóa Trung Tây, nhưng hôn sự của Lâm Ngữ Đường lại rất truyền thống, hoàn toàn do cha mẹ ông sắp đặt và bà mối se duyên.
Ông có những hiểu biết sâu sắc và ẩn dụ sinh động về tình yêu và hôn nhân: "Lỗi của con người hiện đại chúng ta là coi tình yêu giống như cơm ăn, coi hôn nhân giống như trà chiều và dùng những cách thành công khi tán tỉnh nhằm mục đích duy trì hôn nhân thì không thể không thất bại."
Chỉ với một câu ngắn gọn, ông đã chỉ ra những sai lầm của mọi người về quan điểm tình yêu và hôn nhân.
Vào ngày hôn lễ, dưới sự kinh ngạc của mọi người, ông đã thẳng tay đốt giấy đăng ký kết hôn rồi quay qua giải thích với vợ mình là Liao Cuifeng rằng: "Giấy đăng ký kết hôn chỉ khi ly hôn mới cần dùng tới".
Hành động này vừa mang tính chất chặt đứt đường lui của bản thân, đồng thời khẳng định cả đời này ông chỉ có một mình bà là vợ.
Lâm Ngữ Đường từng mô tả về cuộc sống lý tưởng như thế này:
Có bốn điều hạnh phúc trong cuộc sống, một là ngủ trên giường của mình trong chính ngôi nhà của mình, hai là ăn thức ăn cha mẹ nấu, ba là chuyện trò với người mình yêu, và bốn là cùng chơi với con.
Nhờ có bà Lin TsuiFeng, 3/4 cuộc sống lý tưởng của ông đều đã tìm thấy trong hôn nhân.
Khi ông đang miệt mài sáng tác, bà sẽ lặng lẽ chuẩn bị bữa ăn. Khi ông chuẩn bị ra ngoài tiếp khách, bà sẽ nhắc ông chỉnh đốn lại trang phục. Và khi ông nghèo rớt mùng tơi, bà không ngần ngại bán nữ trang của mình để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Lin TsuiFeng còn nuôi dạy 3 cô con gái cho Lâm Ngữ Đường, để bên cạnh việc tận hưởng thành quả của sự nghiệp ông còn được hưởng niềm vui hạnh phúc bên con cháu.
Có một lần, người khác hỏi quan điểm của Lâm Ngữ Đường về vợ mình, ông xúc động nói:
"Tôi giống như một quả bóng bay. Cô ấy là cái đầu cố định quả bóng. Nếu cô ấy không giữ tôi, tôi không biết mình sẽ đi về đâu."
Đằng sau người đàn ông thành công, luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Vun vén lo toan, đảm đương gánh vác mọi chuyện, làm hậu phương vững chắc để những anh chồng có thể yên tâm phát triển sự nghiệp.
Lấy được một người vợ như thế thì làm thế nào để báo đáp công ơn của cô ấy? Chỉ có dành thời gian chăm chút cho gia đình, khiến cuộc sống hôn nhân đơn điệu trở nên thú vị hơn.
Vì lý do này, Lâm Ngữ Đường đã tóm tắt hai tiêu chuẩn của một người chồng tốt:
Thứ nhất, khi vợ thích gì thì mình cũng phải thích cái đó, nhưng khi vợ giận thì tuyệt đối không được giận theo vợ.
Thứ hai, luôn luôn nhường nhịn vợ. Ông cha ta có câu: "Vợ giận thì chồng bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê."
Bằng cách này, dù có tính cách khác nhau, họ vẫn có thể chung sống hòa thuận.
Một mùa đông nọ, Lin TsuiFeng bị đau ruột thừa cấp tính. Khi xuất viện thì tuyết rơi dày đặc, Lâm Ngữ Đường không tìm được xe, trong cái khó ló cái khôn ông như một ông già Noel lái xe trượt tuyết tới đón vợ về nhà.
Một ý tưởng kỳ quái và trẻ con như vậy khiến Lin TsuiFeng dở khóc dở cười, nhưng lại cảm động vô cùng.
Nhìn lại thời Trung Hoa Dân Quốc mà họ đã sống, đó là thời đại mà cái cũ và cái mới đan xen.
Có không ít văn nhân nổi tiếng vội vàng thay đổi theo thời đại, ruồng bỏ gia đình chạy theo cái mới. Khi đó Từ Chí Ma nhất quyết đòi ly hôn với Zhang Youyi, Lỗ Tấn coi Zhu An như người xa lạ, Lâm Ngữ Đường chậm rãi châm tẩu cười cười không nói.
Ông biết mình muốn gì, không bốc đồng, không chạy theo một cách mù quáng, bằng lòng hạnh phúc cả đời trong cuộc hôn nhân kiểu cũ.
Ông đã chứng minh cho thế giới thấy một điều:
Sự mới mẻ có thể rất mê hoặc, nhưng nó không phải là toàn bộ cuộc sống.
Dìu dắt nhau đi qua những ngày bão tố, luôn bao dung vị tha cho nhau, cùng tận hưởng khoảng thời gian bình yên bên bữa cơm gia đình, mới là bản chất của một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
3. Người thú vị luôn biết cách cư xử hài hước.
Trong mắt những người thân quen, Lâm Ngữ Đường không phải là một nhân vật tầm cỡ mà là một đứa trẻ hiếu kỳ, có tính cách hồn nhiên lãng mạn, hành xử không theo một quy tắc nào cả.
Bạn tốt của ông là Yu Dafu từng dùng "bản tính thẳng thắn, chất phác và ngây thơ" để đánh giá về ông.
Lâm Ngữ Đường hồi còn trẻ dạy tiếng Anh tại Đại học Soochow, ông căm ghét tất cả các phương pháp giảng dạy ép buộc, cho nên khi lên lớp ông không bao giờ điểm danh.
Nhưng do lớp học của ông luôn rất sôi nổi và hài hước, học sinh không hề bỏ tiết. Trái lại còn rất nhiều các học sinh từ trường khác đến nghe giảng, chật kín cả lối đi.
Cuối học kỳ, thay vì ra bài kiểm tra như các thầy cô khác, ông lại gọi từng học sinh lên bảng, quan sát học sinh một lượt từ trên xuống dưới.
Trí nhớ của ông rất tuyệt vời, ông đều ghi nhớ rất rõ những học sinh nào thường ngày có biểu hiện tốt, vì vậy kết quả mà ông đánh giá luôn rất công bằng.
Trong những năm cuối đời, Lâm Ngữ Đường rất thích chơi đùa cùng với cháu ngoại.
Thời đại ấy chưa có phần mềm xếp hình, ông chợt nảy ra một ý tưởng. Ông cắt những bức ảnh thời thơ ấu của mình ra và dán cùng với hai đứa cháu của mình, đắc chí đặt tên là "ba đứa trẻ", khiến cả nhà được một phen cười rơi nước mắt.
Ở nhà thì tùy hứng là vậy, nhưng ngay cả khi đến những nơi công cộng cần phải nghiêm túc, tính khí của Lâm Ngữ Đường vẫn không hề thay đổi. Bất cứ khi nào gặp phải những chuyện không muốn nói hoặc những việc không muốn làm, ông đều dùng sự hài hước của mình để đáp trả.
Một lần, Lâm Ngữ Đường được mời tham dự họp mặt dòng họ, người tổ chức mời ông lên phát biểu, đồng thời bảo ông nêu tên những người nổi tiếng trong dòng họ Lâm Thị.
Vốn là người không thích mượn danh trục lợi, ông liền cười nói:
"Tổ tiên dũng cảm và bất khả chiến bại của nhà họ Lâm bao gồm Lâm Xung trong "Thủy hử", tài nữ thơ ca Lâm Đại Ngọc trong "Hồng Lâu Mộng", ngoài ra còn có Tổng thống Hoa Kỳ Lincoln. Họ Lâm của chúng ta có thể nói là những người tài giỏi, tổ tiên sáng ngời."
Nghe thấy một loạt tên bất bại này, mọi người bên dưới cười nghiêng ngả không ngớt.
Trong một buổi lễ khác, bài phát biểu của những diễn giả trước đó có nội dung quá nhàm chán khiến khán giả buồn ngủ. Tới lượt Lâm Ngữ Đường lên sân khấu, ông liền kết luận bằng một câu:
"Bài phát biểu của một quý ông nên ngắn như váy của một cô gái. Càng ngắn càng tốt"
Bài phát biểu chưa kết thúc khán giả đã vỗ tay rầm rộ.
Theo quan điểm của Lâm Ngữ Đường, thú vị hài hước là một thái độ sống, một cách đối phó với cuộc sống và nó là một loại của trí tuệ.
Sâu bên trong vẻ ngoài hài hước, Lâm Ngữ Đường là một người có nội tâm kiên định, trí tuệ sáng suốt.
Đối mặt với những hành vi và quy tắc mà mình không thích, ông không quá khích cũng không tức giận, chỉ nhẹ nhàng từ chối, châm biếm nhẹ và giải quyết một cách khéo léo.
4. Giữa những tâm hồn thú vị luôn có sự đồng điệu.
Trên thế giới này, có quá nhiều người vội vã nhưng lại có quá ít người thú vị.
Là một người "từng sống, từng yêu và từng viết", kinh nghiệm của Lâm Ngữ Đường cho ta hiểu được rằng:
Đừng chỉ vì muốn trở nên trưởng thành mà từ bỏ sự hồn nhiên.
Đừng chỉ chăm chăm chú ý vào kết quả cuối cùng mà bỏ qua sự thú vị của cả quá trình.
Đừng chỉ vì cuộc sống an yên mà quên tạo niềm vui cho chính mình.
Bằng cách này, những người bình thường như bạn và tôi, đều có thể trở thành những người thú vị trong suốt quãng đời còn lại.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị