Như tựa đề của cuốn sách, “Tuyển tập những câu chuyện hay nhất của Aesop” được xem như phiên bản tổng hợp khi chứa đựng những mẫu chuyện ngụ ngôn đặc sắc trong 2 cuốn “Tuyển tập truyện ngụ ngôn hay nhất của Aesop tập 1” và “Tuyển tập truyện ngụ ngôn hay nhất của Aesop tập 2”. Một số câu chuyện nổi bật, thu hút độc giả như Thần Jupiter và hai cái túi, Sói và cừu non, hay Người nông dân và con cò.
Cuốn sách không những được tổng hợp về mặt nội dung, mà còn được trau chuốt về mặt hình ảnh khi khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới với đầy đủ sự chỉn chu và tỉ mỉ, cùng với nhiều hình ảnh minh hoạ bắt mắt.
Một điểm tương đồng với những phần trước đó, là các câu chuyện trong cuốn sách này đều được trình bày song ngữ Việt - Anh với từ ngữ được chọn lọc một cách kỹ lưỡng và tinh tế. Do đó, bạn đọc không những có cơ hội thấm nhuần những thông điệp giá trị về đối nhân xử thế trong cuộc sống, mà còn có dịp được trau dồi thêm kỹ năng ngoại ngữ của bản thân.
Tuy đã qua đời, nhưng kho tàng truyện mà Aesop để lại luôn có giá trị vượt thời gian về cả mặt số lượng lẫn chất lượng khi có thể giáo dục chúng ta có một cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới, và vạn vật xung quanh. Bằng giọng văn nhẹ nhàng và đầy sự hóm hỉnh, mỗi câu chuyện ngụ ngôn của Aesop đều hàm chứa một thông điệp ngắn gọn và sâu sắc, nhằm nhắn nhủ độc giả về những chân lý giản dị trong đời sống thường nhật, giúp bạn có được một cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa, và hạnh phúc hơn.
;
Về tác giả:
Aesop được xem là tác giả của rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng trên thế giới. Theo những tài liệu cổ thì ông là một người nô lệ, sống vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên ở Hy Lạp cổ đại. Cuộc đời của Aesop vẫn còn nhiều điều chưa được biết rõ. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở của một số tài liệu có đề cập đến Aesop (trong các tác phẩm của Aristophanes, Plato, Xenophon và Aristotle), thì ông là nô lệ cho một người có tên là Xanthus, sống tại đảo Samos. Aesop chắc chắn đã được trả tự do, vì ông đã thực hiện cuộc tranh đấu bảo vệ dân chúng chống lại một thủ lĩnh mị dân tại Samos (Aristotle, Rhetoric, ii. 20).