Tôi bắt đầu “đọc nhanh” cuốn này khi còn là nhân viên vì rất đam mê tốc độ, hiệu suất. Nhưng khi điều hành doanh nghiệp, trải qua những “điểm mù” trong lãnh đạo và quản lý, trong thời gian giãn cách xã hội, “đọc chậm” tác phẩm của bậc thầy lãnh đạo thế giới một lần nữa, tôi đã dừng lại để “kiểm điểm” bản thân và doanh nghiệp của mình, từ đó thay đổi hoàn toàn chiến lược và giá trị cốt lõi của công ty.
Công nghệ không giải quyết gốc rễ của hiệu suất
Thế hệ quản trị thứ nhất bị phụ thuộc vào hệ thống công cụ nhắc nhở, trong đó phải kể đến các ứng dụng công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng chuyển đổi số diễn ra thời gian qua. Nhưng cách quản trị này biến con người thành robot. Nhưng khi ứng dụng công nghệ vào trong quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quản lý công việc và con người, bản thân tôi và một số doanh nhân đã gặp nhiều thách thức.
Sự nhắc nhở một cách “lạnh lùng” của những phiên bản “đốc công” thời đại mới có thể tạo ra những cảnh báo tức thì, nhưng không thể giải quyết triệt để, bởi bịt một lỗ thủng không cứu cả một con thuyền. Vì thế, thế hệ quản trị thời gian thứ hai đã bước lên một tầm cao mới, với vai trò người chỉ huy, đề cao phương pháp lập kế hoạch và sự chuẩn bị, bao gồm cả việc phòng bị. Tức việc nhắc nhở được lập trình có hệ thống hơn, phân định rõ các mục tiêu, kế hoạch, thời hạn, viết ra các cam kết và làm rõ các mức độ cảnh báo.
Đến thế hệ quản trị thời gian thứ ba, cách tiếp cận có vẻ chỉ đưa ra một sự thay đổi nhỏ so với thế hệ tiền nhiệm ở việc “đặt ưu tiên” và “kiểm soát”. Nhưng đây mới chính là mấu chốt và là “nút thắt cổ chai’’ xuyên suốt toàn bộ cuốn sách.
Lập thứ tự ưu tiên và quan trọng
Đâu là thứ tự ưu tiên trong công việc và cuộc sống? Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời bạn? Và bạn đã đủ sự chuyên tâm, lòng can đảm và cả sự bao dung cho nó hay chưa? Để các nhà quản lý có thể “giơ lên đặt xuống” thứ tự ưu tiên này, cuốn sách chỉ ra cần phải trang bị nhiều năng lực, bao gồm tầm nhìn, tư duy, thái độ, khả năng phân tích, dự đoán và trên hết là lòng dũng cảm cho sự ‘’buông bỏ’’ những thứ kém quan trọng hơn.
Vì thế, “học cách nói không” phải trở thành thói quen và đây là bài học mà các cuốn sách về thành công thường hay nhắc tới.
Tác giả cho rằng, mỗi cá nhân phải biết nhìn sâu bên trong tâm hồn mình để gọi tên những thứ mà mình thực sự theo đuổi và khát khao, mà không bị tác động quá nhiều từ định kiến của số đông.
Ông cũng chỉ ra rằng, bốn nhu cầu và năng lực cơ bản của con người là sống, yêu thương, học tập và để lại di sản. Nhưng những nhu cầu này dường như đã bị che lấp bởi những tham vọng nhất thời và Covid-19 chính là “tiếng chuông cảnh tỉnh’’, giúp con người tìm lại “la bàn’’ của cuộc đời mỗi người.
Chiếc “la bàn” này sẽ giúp chúng ta chỉnh đốn lại quỹ đạo của đời sống, thiết lập lại các hệ giá trị nền tảng và liên kết cuộc sống với nguyên tắc “chính Bắc”. Đó cũng chính là nguyên tắc của thế hệ quản trị thứ tư: đặt yếu tố con người lên trước các kế hoạch; đặt la bàn lên trước kim đồng hồ; đặt tầm nhìn, tư duy, thái độ lên trước công cụ.
Cội nguồn của bình yên lại là lối sống dựa vào nguyên tắc
Stephen R. Covey nhấn mạnh sức mạnh tạo ra một cuộc sống có chất lượng nằm trong con người chúng ta, bằng cách phát triển và sử dụng “la bàn” nội tâm của mình một cách chính trực và nhất quán, theo hệ giá trị và nguyên tắc đề ra từ đầu.
Trái với suy nghĩ, quy định và luật lệ sẽ giết chết sự tự do và hạnh phúc, Stephen R. Covey lại cho thấy cội nguồn của sự bình yên là lối sống dựa vào nguyên tắc, trong đó hai yếu tố cơ bản nhất là sự cống hiến và lương tâm, sẽ là ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho mỗi bước đi và hành động.
Stephen R. Covey là Mega Guru về lãnh đạo, không phải về hiệu suất. Bạn sẽ thất vọng khi đọc cuốn sách này nếu tìm kiếm những phương thức hay cách quản trị thời gian, nâng cao hiệu suất đơn thuần nhưng sẽ “tỉnh thức” khi mong trở về những giá trị nguyên bản của đời sống nội tâm, dù là một cá nhân hay một vị lãnh đạo.
Tracy Vũ CEO Genius Việt Nam